Chí sỹ Phan Bội Châu và Bác sĩ Asaba Sakitaro Tham dự hội thảo về phía Nhật Bản có Ngài Kunio Umeda - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Hiroyuki Miyazawa - Nghị sĩ Hạ viện Nhật Bản; về phía Việt Nam có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Phụ trách Hội đồng lí luận trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; về phía ĐHQGHN có Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cùng đại diện lãnh đạo một số ban chức năng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; đại diện lãnh đạo một số bộ và cơ quan trung ương cùng đông đảo nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản. Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao sự kiện khoa học quốc tế quan trọng có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc do ĐHQGHN cùng với UBND tỉnh Nghệ An và Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tổ chức. Đồng chí nhấn mạnh, hội thảo là một trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và đón nhận Bằng di tích đặc biệt cho Khu tưởng niệm Phan Bội Châu. Đây là hoạt động thiết thực, biểu trưng cao đẹp, đạo lí và là sự tri ân xứng đáng đối vối một con người vĩ đại, mà sự nghiệp cống hiến của ông đã trở thành một phần quí báu trong lịch sử dân tộc Việt Nam và mảnh đất Nghệ An giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, mối quan hệ giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba là biểu hiện sinh động từ rất sớm của mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước, 2 dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản hiện đang ở mức tốt nhất kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản là một trong các đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, nhà du lịch số 3 trong quan hệ đối tác hợp tác quốc tế của Việt Nam. Hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu, làm rõ những giá trị tư tưởng và hoạt động yêu nước của chí sỹ Phan Bội Châu; đồng thời, làm sâu sắc hơn về giá trị đạo đức, tình bạn trong sáng, cao cả giữa chí sỹ Phan Bội Châu với bác sỹ Asaba Sakitaro cũng như mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định, Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và là cái nôi của nhiều cuộc cách mạng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.Với truyền thống cách mạng và đấu tranh anh dũng, Nghệ An đã sinh ra nhiều người con ưu tú, anh hùng hào kiệt, trong đó có Phan Bội Châu - nhà văn hóa lớn, nhân vật trung tâm của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Cuộc đời, sự nghiệp cứu nước và tư tưởng của Phan Bội Châu đã để lại cho lịch sử dân tộc nhiều vấn đề cần được ghi nhận, học tập và rút kinh nghiệm. Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An mong muốn, qua hội thảo lần này, ngoài việc tiếp tục khẳng định những đóng góp của chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu đối với phong trào giải phóng dân tộc và mối quan hệ của ông với bác sỹ Asaba Sakitaro, thì đây còn là cầu nối trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung và tỉnh Nghệ An (Việt Nam) - tỉnh Gifu (Nhật Bản) nói riêng trong tiến trình hội nhập hiện nay. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn bày tỏ tin tưởng, với những mục tiêu và nội dung phong phú của cuộc Hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế sẽ có nhiều đóng góp khoa học mới, với những cách thức tiếp cận và nguồn tư liệu mới... để tiếp tục làm sáng tỏ bối cảnh chính trị thế giới, châu Á và Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng, tấm lòng yêu nước, thương dân của cụ Phan Bội Châu và tình cảm đặc biệt giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Nhật Bản Asaba Sakitaro. Đó là hai nhà yêu nước, hai nhân vật tiêu biểu trong lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thời cận hiện đại. Chính cụ Phan Sào Nam cùng với bác sĩ Asaba và nhiều nhà yêu nước, cách mạng khác, bằng nhiệt huyết và hành động cách mạng, bằng tình cảm chân thành, sự cảm mến, cộng cảm và đồng cảm sâu sắc đã khắc ghi những dấu ấn sâu đậm cho việc xây đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda đánh giá cao việc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế này. Đại sứ Kunio Umeda cho biết, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tin cậy của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ ủng hộ vì một Việt Nam phát triển hơn nữa... Tại hội thảo, nghị sĩ hạ viện Nhật Bản Hiroyuki Miyazawa bày tỏ, lí tưởng của Phan Bội Châu về độc lập và tự do, về sự nối kết và lòng tự hào đương thời đã làm rung động trái tim của một người Nhật Bản, lay động cả nước Nhật và làm động lực cho phong trào đòi độc lập cho Việt Nam. Lí tưởng đó đi trước thời đại và soi rọi tâm hồn châu Á. Hội thảo hôm nay mang ý nghĩa tượng trưng cho lý tưởng và sự tự do, sự kết nối và lòng tự hào. Hội thảo khoa học quốc tế có sự tham gia của hàng trăm chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, nhà văn hoá, giảng viên các trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản. Gần 50 tham luận chuyên sâu với nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau được trình bày tại phiên toàn thể và các tiểu ban nhấn mạnh khát vọng cứu nước mãnh liệt và ý chí, nghị lực phi thường, tầm vóc to lớn của sự nghiệp mà chí sỹ Phan Bội Châu đã cống hiến.
|