[+Video] ĐHQGHN phối hợp với Đà Nẵng triển khai các nhiệm vụ khoa học để phát triển kinh tế xã hội
Sáng ngày 8/7/2018 tại trụ sở UBND TP. Đà Nẵng, đoàn công tác của ĐHQGHN do Giám đốc Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố về việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ khoa học nhằm phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo ĐHQGHN Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục Mai Trọng Nhuận và lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng của ĐHQGHN.
Tham dự buổi làm việc về phía Đà Nẵng có Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Giám đốc, Phó Giám đốc các sở Khoa học Công nghệ, Nội vụ, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Đào tạo và các sở, ban, ngành khác của Thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Thành phố Đà Nẵng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm gần đây. Đồng thời, Giám đốc đánh giá cao tiềm năng về mối quan hệ hợp tác giữa Thành phố Đà Nẵng với ĐHQGHN trong thời gian tới.
Với lợi thế là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước và đặc biệt là với trách nhiệm xã hội nói chung và tình cảm dành cho nhân dân Thành phố Đà Nẵng nói riêng, các nhà khoa học ĐHQGHN sẵn sàng chung tay để cùng giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài mà Thành phố Đà Nẵng đề nghị ĐHQGHN phối hợp, hỗ trợ - Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn mong muốn chung tay cùng Đà Nẵng phát triển bền vững
Để quan hệ hợp tác hai bên trong thời gian tới đạt hiệu quả, Giám đốc ĐHQGHN đề nghị thành phố Đà nẵng cần phối hợp chặt chẽ với ĐHQGHN trong việc cung cấp thông tin về Chiến lược phát triển; Quy hoạch tổng thể các lĩnh vực, xác định những nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời có giải pháp cụ để triển khai các nhiệm vụ hợp tác có hiệu quả. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất một số nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học công nghệ có tính chất liên ngành, mũi nhọn là thế mạnh của ĐHQGHN như các lĩnh vực giáo dục, phân tích dự báo, phòng tránh thiên tai, khảo sát tài nguyên biển và đất liền; áp dụng công nghệ cao trong quản lý đô thị thông minh và phát triển du lịch gắn với lịch sử, văn hoá, du lịch dựa trên nhu cầu của tỉnh và thế mạnh về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của ĐHQGHN
Với những thế mạnh riêng trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học về địa lý và tự nhiên, chuyển giao tri thức, đặc biệt là ĐHQGHN đang triển khai những nhiệm vụ lớn, quan trọng của đất nước như xây dựng Bộ Địa chí Quốc gia, ĐHQGHN sẵn sàng phối hợp cùng Thành phố để phát triển hợp tác lâu dài và bền vững - Giám đốc phát biểu.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã thông tin cho đoàn ĐHQGHN tình hình kinh tế xã hội của thành phố, các khó khăn, thách thức về xã hội, địa lý tự nhiên mà Đà Nẵng cần có sự hỗ trợ, chung tay giúp sức của các nhà khoa học của ĐHQGHN như: vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề ô nhiễm, sạt lở biển; các nhu cầu về nghiên cứu phát triển công nghệ mới trong công nghiệp, nông nghiệp, môi trường; các vấn đề về thu hút, đào đạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, cho các sở, ban, ngành của thành phố, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục – y tế. Thành phố Đà Nẵng cũng mong muốn được trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp, đặc biệt là cơ chế thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các nhà khoa học của ĐHQGHN và lãnh đạo các sở, ban ngành của Đà Nẵng đã trao đổi về các nội dung mà hai bên dự kiến hợp tác trong thời gian tới. Các nhà khoa học ĐHQGHN đã trình bày về những thế mạnh, những kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực của ĐHQGHN cho các địa phương trong thời gian vừa qua, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở biển và nghiên cứu, bảo tồn di sản thiên nhiên. Hai bên cũng trao đổi sâu về đề xuất một số nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học công nghệ có tính chất liên ngành, mũi nhọn là thế mạnh của ĐHQGHN như các lĩnh vực phân tích dự báo, phòng tránh thiên tai, khảo sát tài nguyên biển và đất liền, áp dụng công nghệ cao trong quản lý đô thị thông minh và phát triển du lịch gắn với lịch sử, văn hoá. Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cũng trao đổi những thông tin cụ thể về tình hình, những khó khăn thách thứccủa thành phố và các đề xuất hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Trưởng Ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN Vũ Văn Tích trình bày những thế mạnh khoa học liên ngành của ĐHQGHN trong việc giải quyết các bài toán về phát triển
Kết luận buổi làm việc, lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đã thống nhất cùng thực hiện triển khai một loạt các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm ứng dụng triển khai phát triển kinh tế xã hội như: cùng biên soạn xây dựng Địa phương chí của Đà Nẵng và là một phần được tích hợp bộ Quốc chí Việt Nam; Nghiên cứu, khảo sát tổng thể để phát huy giá trị các di sản tự nhiên khu vực Ngũ Hành Sơn, đặc biệt là tư vấn tôn tạo, khai thác và phát huy di sản lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia thành Điện Hải để phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững.
Về lĩnh vựcgiáo dục, đào tạo, hai bên nhất trí triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cùng các kỹ năng cho lãnh đạo, quản lý. Thông qua các chương trình kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, đánh giá khảo sát năng lực học sinh để tiến tới triển khai đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, giáo viên bằng các hình thức hiện đại nhằm chuẩn hoá hệ thống giáo dục từ mầm non, phổ thông, dạy nghề đến trình độ đại học, sau đại học.
Về thế mạnh địa lý của Đà Nẵng là kinh tế biển, hai bên nhất trí triển khai các hoạt đông khảo sát, nghiên cứu về tài nguyên biển; các dự báo về thiên tai, sạt lở đất ven biển; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho lãnh đạo quản lý về kinh tế biển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là hai bên thống nhất cao trong việc ĐHQGHN sẽ hỗ trợ bậc đào tạo thạc sĩ ngành Kinh tế biển cho cán bộ quản lý của Đà Nẵng. Ngành đào tạo bậc thạc sĩ Kinh tế biển là một ngành đào tạo mới của ĐHQGHN có tính liên ngành cao của các ngành Kinh tế phát triển, Hải dương học và một số ngành liên quan như các ngành thuộc nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, Khoa học Trái đất, Khoa học Môi trường, Thủy sản, Kỹ thuật mỏ, Khai thác Vận tải trong đó ngành Kinh tế phát triển được coi là ngành gốc chính. Ngành Kinh tế biển được ĐHQGHN phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đời sống xã hội, với mục tiêu chung cung cấp cho người học kiến thức chuyên sâu về hoạch định chính sách, quản trị, quản lý về kinh tế biển để có thể trở thành nhà quản lý, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực kinh tế biển, đủ năng lực để tổ chức, điều hành, thực thi các hoạt động hoạch định chính sách, quản trị và quản lý trong lĩnh vực kinh tế biển.
Lãnh đạo của ĐHQGHN và thành phố Đà Nẵng thống nhất sẽ ký kết văn bản thoả thuận hợp tác trong thời gian gần nhất để làm căn cứ cho các đơn vị của hai bên triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được coi là "thành phố đáng sống" của Việt Nam. Năm 2018, Đà Nẵng được chọn đại diện cho Việt Nam lọt vào top 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài do Tạp chí du lịch danh tiếng Live and Invest Overseas (LIO) bình chọn.
Dân số Đà Nẵng hiện có khoảng hơn 1 triệu người với 8 đơn vị hành chính, gồm 6 quận và 2 huyện (trong đó có huyện đảo Hoàng Sa) với tổng diện tích là 1285,4 km². Với 56 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 45 phường và 11 xã. Ngoại trừ quận Cẩm Lệ, năm quận còn lại của thành phố đều giáp biển.