Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 1.300 cán bộ và sinh viên Trường Đại học (ĐH) Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN) nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đã “xếp bút nghiên lên đường cầm súng”. Họ đã mang kiến thức, sức lực với tất cả tâm huyết của mình ra chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Trong lớp lớp người đi ấy, nhiều người đã ngã xuống trên các ngả đường chiến dịch vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân.
Cùng với cả thế hệ thanh niên Việt Nam – các cựu chiến binh (CCB) quân giải phóng miền Nam thủa ấy, các anh - những người lính sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước khi ngã xuống như Lê Anh Xuân, Nguyễn Văn Thạc, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Khánh Thụy, Bùi Khắc Tường, Nguyễn Quốc Khải, Nguyễn Văn Thắng, Vũ Đình Văn, Nguyễn Trọng Định, Đào Công Khắc, Vũ Như Minh… đều luôn tin tưởng vào ngày toàn thắng.
“… Đất nước mình còn đạn thù cày xới Giục giã chúng con mau bước trong mưa Mẹ hãy nói giùm con với cô gái tuổi thơ - Con phải thắng hơn Sơn Tinh thuở trước! Con sẽ về với bao nhiêu hẹn ước Bên ấm vối nồng khoe với mẹ những chiến công…”
(Trích bài thơ “Nước vối quê hương” của liệt sĩ Nguyễn Trọng Định)
Tâm sự của người ra đi luôn hướng về mẹ, hướng về quê nhà yêu dấu. Trước lúc ra đi các anh đều muốn tìm cho mẹ một chốn bình yên và mái nhà ấm cúng.
Sau những lần tìm về nhà mẹ Trần Thị Thứm (mẹ liệt sĩ Đào Công Khắc – cựu sinh viên khoa Toán, Trương ĐH Tổng hợp Hà Nội), CCB Nguyễn Lâm – Trưởng Ban Liên lạc Hội CCB e271 thấy chưa yên tâm về ngôi nhà của mẹ, anh nêu điều băn khoăn này với lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN và đã nhanh chóng được Trường lên phương án hỗ trợ.
Ngày 26 tháng 2 năm 2011, PGS.TS Trần Kim Đỉnh, Chủ tịch Công đoàn ĐHQGHN và ông Nguyễn Đức Linh, Phó Chủ tịch Hội CCB Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã về gia đình mẹ Thứm bàn giao cho gia đình và địa phương 30 triệu đồng phục vụ việc sửa chữa nhà.
Sau hơn một tháng, với kinh phí đóng góp của Đại học Khoa học Tự nhiên, với công sức của bà con và sự giúp đỡ của địa phương, ngôi nhà của mẹ Thứm đã được xây, sửa sang khang trang, rộng rãi.
Ngày 10/4/2011, ĐHQGHN, Ban Liên lạc Hội CCB e271, Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam và VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam đã trở lại nhà mẹ Thứm tại thôn Đô Trình 1, xã An Nông, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đeer tiếp tục công việc “Trọn nghĩa tri ân”.
|
Liệt sĩ Vũ Như Minh (mặc quân phục) và anh cả Vũ Như Tụy cũng là liệt sĩ |
Cùng đi với PGS.TS Trần Kim Đỉnh, Chủ tịch Công đoàn ĐHQGHN còn có PGS.TS Đỗ Quang Huy, Chủ tịch Hội CCB Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, ông Vũ Thanh Tùng - Chủ tịch Hội CCB Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, ông Nguyễn Đình Tuấn đại diện Hội CCB Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, TS. Trần Anh Phương - Trưởng Ban Truyền thông – Đối ngoại Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Tại buổi trao tặng nhà tình nghĩa, đại diện các trường đại học thuộc ĐHQGHN, Hội CCB e271… đã trao tặng quà, tiền hỗ trợ thêm 17 triệu đồng cho mẹ Thứm và cùng với đại diện chính quyền địa phương, bà con thôn xóm thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Đào Công Khắc. Nhân dịp này, Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam và VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam đã phỏng vấn, ghi hình để phối hợp thực thiện Chương trình “Trọn nghĩa tri ân” dự định sẽ phát sóng vào dịp 30/4 tới.
Cùng ngày, đoàn công tác tri ân liệt sĩ đã gặp gia đình ông Vũ Như Dũng – em trai liệt sĩ sinh viên Vũ Như Minh, khoa Địa lý – Địa chất cũng ở Thanh Hóa. Ngay trong buổi gặp mặt này, kế hoạch lên đường tìm kiếm mộ liệt sĩ Đào Công Khắc, liệt sĩ Vũ Như Minh đã được đại diện các trường, hội, địa phương và gia đình bàn bạc thống nhất. Hy vọng không lâu nữa nơi yên nghỉ của các liệt sĩ sẽ được xác định.
Những việc làm đầy tình nghĩa của các trường đại học thuộc ĐHQGHN, các cơ quan chính quyền, tổ chức đoàn thể trung ương và địa phương liên quan đối với mẹ Thứm và các gia đình liệt sĩ là biểu hiện sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng xã hội, nhất là của ĐHQGHN đối với những sinh viên của Trường đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
>>> Tin liên quan:
|