Đảng - Đoàn thể
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >  
Báo cáo của BCH Thành Đoàn Hà Nội khoá XII trình Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hà Nội lần thứ XIII
PHẦN THỨ HAI
THANH NIÊN HÀ NỘI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA THỦ ĐÔ VÀ ĐẤT NƯỚC

A. DỰ BÁO TÌNH HÌNH THANH NIÊN THỦ ĐÔ GIAI ĐOẠN 2007 - 2012

I. Thời cơ và thách thức mới

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu khách quan của thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó. Thế giới xác nhận một người trẻ tuổi cần có: Kiến thức, kỹ năng công nghệ, kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng tư duy. Giáo dục hiện đại xác định ở người học: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.

Chặng đường trước mắt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội - chặng đường phấn đấu quyết liệt để thiết thực kỷ niệm một cách xứng đáng nhất sự kiện thiêng liêng của cả dân tộc: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công cuộc đổi mới đã tạo cho Thủ đô thế mới, lực mới, bộ mặt mới, có nhiều thuận lợi để phát triển nhanh, toàn diện và vững chắc. Có thế nói, chư­a có một thế hệ thanh niên nào trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội lại có được các điều kiện thuận lợi để phát triển và phát huy tài năng, nhiệt huyết của tuổi trẻ nh­ư thế hệ trẻ ngày nay: Với những thành tựu kinh tế của công cuộc đổi mới cùng với quá trình hội nhập, thanh niên Thủ đô có các điều kiện, ph­ương tiện để sống, làm việc và học tập hơn hẳn các lớp cha anh trước đây, có nhiều cơ hội tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, tinh hoa văn hoá nhân loại, giao l­ưu với thanh niên và nhân dân các nư­ớc. Chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang khuyến khích mọi ngư­ời dân sản xuất, kinh doanh là cơ hội để thanh niên lập nghiệp làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô và đất nư­ớc. Quá trình dân chủ hoá đời sống chính trị - xã hội do Đảng khởi xướng chính là môi trư­ờng rộng lớn, là cơ hội cho thanh niên cống hiến và tự khẳng định mình trong thế kỷ mới. Nhìn chung, trong 5 năm tới, cùng với sự phát triển của Thủ đô và đất nước, thái độ và ý thức chính trị của thanh niên Thủ đô có chuyển biến tích cực: niềm tin vào công cuộc đổi mới của Đảng sẽ được nâng lên; thanh niên quan tâm hơn và có trách nhiệm hơn với những vấn đề của Thủ đô, đất nước, trong khu vực và trên thế giới; đạo đức, lòng nhân ái, nhân văn, lối sống lành mạnh của thanh niên được thể hiện rõ nét; ý thức lập thân, lập nghiệp của thanh niên sẽ mạnh mẽ hơn; tính năng động, sáng tạo, ham học hỏi, chủ động nắm bắt cơ hội, đón đầu nhiều lĩnh vực mới; tính tích cực chính trị - xã hội và tinh thần xung phong tình nguyện trong các phong trào hoạt động xã hội sẽ có chuyển biến với một chất lượng mới. Thanh niên chủ động, tự tin và sẵn sàng hội nhập mà đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của thế hệ những "công dân toàn cầu". Vai trò, vị trí của thanh niên Thủ đô tiếp tục được khẳng định và nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Mặt khác, thanh niên Hà Nội đang đứng trước những thách thức lớn: Sự nghiệp phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn về chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ, trở thành lực lư­ợng sản xuất trực tiếp hiện nay, để phát huy lợi thế so sánh của mình, các quốc gia phải chú trọng đầu tư­ phát triển nhân tố con ngư­ời. Để tiến kịp các n­ước tiên tiến khác, chúng ta không thể không "đi tắt, đón đầu". Trong khi đó, thể chất, trình độ và kỹ năng làm việc của thanh niên tuy có đ­ược nâng cao hơn trước đây như­ng nhìn chung còn nhiều hạn chế, chư­a đáp ứng đ­ầy đủ các yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Nền kinh tế thị tr­ường bên cạnh những mặt mạnh cũng chứa đựng những mặt trái tác động trực tiếp đến mỗi thanh niên; sự phân hoá giàu nghèo, vấn đề việc làm và thu nhập, vai trò của vật chất và đồng tiền; không ít thanh niên gặp nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày, trong quá trình học tập và lập nghiệp, lựa chọn và khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội. Các hiện t­ượng như­ tham nhũng, tệ nạn xã hội, thiên tai, dịch bệnh... đang ảnh h­ưởng xấu đến môi tr­ường tự nhiên và xã hội cho sự phát triển của thanh niên. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn; thụ động, thờ ơ, ngại tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội; vi phạm pháp luật; tệ nạn xã hội đặc biệt là tệ nạn ma tuý và tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong thanh niên đang diễn biến phức tạp. Trong xu thế hội nhập, bên cạnh những thành tựu từ sự phát triển của nền văn minh lại chứa đựng những mâu thuẫn hết sức sâu sắc, những bất công trong trật tự chính trị, kinh tế và thông tin quốc tế. Hệ thống giá trị phi nhân bản do các thế lực đế quốc đang tìm cách áp đặt cho nhân loại và lối sống thiếu lành mạnh xuất phát từ đó ảnh hư­ởng không ít đến thanh niên; đồng thời, các thế lực thù địch đang không ngừng tìm cách chống phá chế độ ta mà thanh niên là đối tượng chính để chúng tập trung chia rẽ và tác động.

Bên cạnh đó, những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Thủ đô, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV về định hướng phát triển Thủ đô; Luật Cư trú được ban hành và có hiệu lực; sự nghiệp đổi mới nền giáo dục đào tạo với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các hình thức đào tạo ngoài công lập, đào tạo liên thông, liên kết đào tạo quốc tế; sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế Thủ đô sang cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; quá trình đô thị hoá Thủ đô và các vùng lân cận... đặt tuổi trẻ Thủ đô trước những thời cơ, thách thức mới chưa từng có, đòi hỏi Đoàn Thanh niên thành phố phải đổi mới một cách sâu sắc về nhận thức, tư tưởng, tổ chức và hành động mới có thể thích ứng được với tình hình thực tiễn, khẳng định và phát huy vai trò trong thanh niên và trong xã hội.

II. Những vấn đề xã hội và nhu cầu cơ bản của thanh niên Thủ đô

Việc làm là một trong những nhu cầu thiết yếu của thanh niên. Nhận thức và hành động của thanh niên đối với vấn đề việc làm sẽ có nhiều thay đổi so với trư­ớc. Quan niệm về "việc làm" thường đồng nhất với "biên chế nhà n­ước" hoặc có xu h­ướng thích công việc nhàn hạ trước đây đã có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn; thanh niên mong muốn được làm việc trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Học tập là nhu cầu của mọi ngư­ời, là điệu kiện không thể thiếu của mỗi thanh thiếu niên để trưởng thành và trở thành những ngư­ời có ích trong xã hội, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất n­ước. Trong những năm tới, trình độ học vấn, hay nói rộng hơn là trình độ dân trí của thanh niên Thủ đô ngày càng được nâng cao và từng bước đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực trẻ có văn hoá, có kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Trong đời sống văn hóa tinh thần, hoạt động văn hoá, tinh thần, vui chơi giải trí lành mạnh là nhu cầu đặc trư­ng của thế tuổi trẻ, có tác dụng rất lớn trong việc hình thành nhân cách và lối sống của thanh niên Thủ đô. Cùng với sự phát triển của các ph­ương tiện thông tin đại chúng, sự giao lư­u văn hóa mở rộng nh­ư hiện nay, nhu cầu và việc th­ưởng thức văn hóa nghệ thuật của thanh niên ngày càng đa dạng và ở mức độ cao hơn. Xu h­ướng chung của thanh niên Thủ đô sẽ là thích các loại hình nghệ thuật mới, hiện đại. Trong quan hệ xã hội và cuộc sống hàng ngày, thanh niên vẫn giữ đư­ợc truyền thống đạo lý, hư­ớng về cái đẹp, cái thiện, tham gia ngày càng đông đảo vào các hoạt động xã hội nhân đạo. Rèn luyện thân thể, hoạt động thể dục thể thao là một nhu cầu rộng rãi và hết sức chính đáng của thanh niên, là điều kiện quan trọng để phát triển thể chất, đồng thời góp phần đáng kể vào việc hình thành nhân cách, lối sống tích cực cho thế hệ trẻ. Được sống trong môi tr­ường tự nhiên và xã hội lành mạnh là nhu cầu chính đáng cho sự phát triển của thanh niên. Vấn đề chăm lo, bồi dưỡng tài năng trẻ được xã hội quan tâm nhiều hơn. Đ­ược ghi nhận giá trị và tham gia cống hiến là một nhu cầu thực tế ngày càng tăng của nhiều thanh niên, nhất là bộ phận thanh niên tích cực. Thanh niên luôn khao khát được cống hiến tài năng và sức trẻ để khẳng định mình và tham gia xây dựng Thủ đô, đất nước. Có thể nói, nhu cầu mọi mặt của thanh niên tiếp tục phát triển đa dạng; tư tưởng, nhận thức chính trị của thanh niên mặt tích cực và tiêu cực đan xen lẫn nhau, trong đó tích cực là cơ bản, quyết định chiều hướng phát triển của tình hình thanh niên

III. Mục tiêu, phương hướng và một số chỉ tiêu cơ bản của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi thủ đô nhiệm kỳ 2007 - 2012

Đại hội XIV Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố nhiệm vụ "Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh cho thanh, thiếu niên; tạo điều kiện để thanh niên thực hiện nguyện vọng, lợi ích chính đáng trong học tập, lao động, nghiên cứu khoa học và hưởng thụ các nhu cầu về văn hoá, tinh thần, vui chơi giải trí lành mạnh. Phối hợp chăm lo giải quyết việc làm, dạy nghề nâng cao trình độ cho thanh niên, chăm sóc sức khoẻ cho thanh, thiếu niên, nhi đồng. Đẩy mạnh phong trào thanh niên tình nguyện, gương mẫu trong các phong trào thi đua; tích cực tham gia phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu nhi; chống các tệ nạn xã hội. Chú trọng xây dựng tổ chức Đoàn, tổ chức Hội trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh"

Trên cơ sở các định hướng trên đây; từ kết quả và kinh nghiệm công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua, mục tiêu của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô trong giai đoạn 2007 - 2012 là Nâng cao thực lực tổ chức Đoàn, thích ứng nhanh với tình hình mới, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị; tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng; nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật, năng lực hội nhập cho thanh niên; chăm lo giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của thanh niên; hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, vững vàng hội nhập, xung kích xây dựng và phát triển Thủ đô nghìn năm Văn hiến - Anh hùng.

Thực hiện mục tiêu trên, phương hướng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô trong nhiệm kỳ 2007 - 2012 là:

- Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên các mặt: tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn; đặc biệt là quan tâm đến việc hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, trên cơ sở đó phát huy có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của thanh thiếu nhi Thủ đô; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội trong giáo dục thanh, thiếu nhi.

- Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn; tăng cường công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên, phát triển Hội LHTN, Hội Sinh viên Thành phố; đề cao trách nhiệm của Đoàn trong phụ trách thiếu nhi, góp phần xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân.

- Phát động phong trào: Thanh niên Hà Nội xung kích phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; tăng cường hoạt động hỗ trợ thanh niên trên các lĩnh vực và các đối tượng

Khẩu hiệu hành động: "Tuổi trẻ Thủ đô kiên định lý tưởng, làm chủ cuộc sống, làm giàu chính đáng, vững vàng hội nhập và phát triển"

IV. Một số chỉ tiêu cơ bản

1. Phấn đấu đến năm 2010, 85% thanh, thiếu niên Hà Nội được học tập, tìm hiểu và có hiểu biết cơ bản về các giá trị văn hoá lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

2. Phấn đấu mỗi năm kết nạp 30.000 đoàn viên mới đảm bảo chất lượng theo quy định.

3. 75% đội viên hoàn thành tốt Chương trình Rèn luyện đội viên và đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long.

4. Tỷ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng đạt trên 55% tổng số đảng viên mới được kết nạp.

5. 100% các cơ sở Đoàn có Quỹ hỗ trợ thanh niên, cấp quận, huyện phấn đấu có Quỹ từ 300 - 500 triệu đồng; Thành Đoàn có quỹ hỗ trợ từ 3 - 5 tỉ đồng.

6. Tỷ lệ thu hút tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp NQD đạt trên 30%.

7. Tỷ lệ thanh niên được Đoàn, Hội thu hút tập hợp từ 55% đến 60%.

8. Đến năm 2010 đào tạo tin học cơ bản và Internet cho 8000 - 10000 đoàn viên, thanh thiếu niên các xã ngoại thành Hà Nội.

9. Hàng năm tư vấn, giới thiệu học nghề, việc làm và đào tạo nghề cho 35.000 - 40.000 thanh niên.

B. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục của Đoàn góp phần xây dựng thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Nhiệm vụ quan trọng của Đoàn Thanh niên Thành phố là xây dựng lớp thanh niên Thủ đô có những phẩm chất cơ bản: yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô; thanh lịch, văn minh, tự trọng, nghĩa tình; có tri thức, năng động, sáng tạo, tiêu biểu cho phong cách lao động mới, đáp ứng yêu cầu cao của môi trường hội nhập quốc tế; có thể chất tốt và ý thức vươn lên trong cuộc sống. Người thanh niên của thời kỳ mới vừa biết giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của Thủ đô, của dân tộc, vừa biết làm giàu văn hoá dân tộc bằng những giá trị tinh hoa văn hoá nhân loại.

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Tuổi trẻ Thủ đô học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là nội dung trọng tâm trong công tác tư tưởng văn hoá của tuổi trẻ Thủ đô trong nhiệm kỳ tới. Cuộc vận động cần được triển khai rộng rãi trong đoàn viên, thanh niên, nội dung học tập gắn liền với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Phát động phong trào tự học tập, tự rèn luyện trong đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô; hình thành cho đoàn viên, thanh niên thói quen tự phê bình và phê bình trong tập thể, từ đó tự xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, thực hiện tiêu chí "Thanh niên làm theo lời Bác"; các cơ sở Đoàn chủ động đăng ký tham gia thực hiện các công trình, phần việc thanh niên làm theo lời Bác.

2. Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn Thanh niên Thành phố.

Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục của Đoàn trước hết là đổi mới về quan điểm, nội dung, phương thức nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục, xác định đây là quá trình bồi dưỡng lý tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cho đoàn viên, thanh niên. Nội dung giáo dục phải gần gũi, thiết thực; phương thức giáo dục phải trên cơ sở tôn trọng và phát huy vai trò tự giáo dục của đoàn viên, thanh niên với sự định hướng, giúp đỡ của tổ chức Đoàn; tránh hình thức, giáo điều, phải phù hợp với từng đối tượng và theo kịp xu thế phát triển của thanh niên; kết hợp giáo dục thông qua các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn; tổ chức các diễn đàn thanh niên, tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên bày tỏ ý kiến và nâng cao nhận thức chính trị.

Coi trọng giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Đoàn; giáo dục lòng tự hào dân tộc, khát vọng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Bồi dưỡng cho thanh niên các giá trị văn hoá truyền thống của Thủ đô, của dân tộc và định hướng trong tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đề cao giáo dục đạo đức, lối sống hình thành lớp thanh niên Thủ đô "vừa hồng, vừa chuyên", có lòng nhân ái, biết yêu lao động, biết hưởng thụ chính đáng; chống thói lười biếng, vị kỷ, hưởng thụ một chiều; tiêu biểu cho người Hà Nội vừa dung dị, truyền thống, vừa thanh lịch, hiện đại; ứng xử văn minh với môi trường tự nhiên, xã hội và con người.

Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức công dân cho đoàn viên, thanh niên, hình thành lối sống "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật"; tổ chức rộng rãi các hình thức tư vấn và trợ giúp pháp lý cho thanh niên nhất là thanh niên nông thôn, khu vực đô thị, thanh niên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ Đoàn các cấp về công tác giáo dục; củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng văn hoá của Đoàn; phối hợp với các ngành chức năng để tổ chức có hiệu quả hoạt động của các đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền, phố biến pháp luật, tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tăng cường cung cấp thông tin, chú trọng bồi dưỡng kiến thức khai thác và sử dụng Internet; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ thăm dò dư luận xã hội trong thanh niên; tích cực phòng chống, đấu tranh với việc truyền bá văn hoá phẩm độc hại trong thanh niên; phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn Diễn biến hoà bình của các thế lực phản động.

3. Phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Giáo dục thông qua các điển hình tiên tiến là một trong các phương thức giáo dục có hiệu quả, là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đoàn. Các cấp bộ Đoàn cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động văn hoá - xã hội mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc trong các đối tượng thanh thiếu nhi, qua đó phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình "Người tốt, việc tốt", các tập thể, cá nhân, công trình Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; tôn vinh những cán bộ, đoàn viên, thiếu nhi đạt thành tích xuất sắc trong học tập và công tác, biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; chú trọng các hình thức giao lưu, gặp mặt giữa các nhà hoạt động xã hội, các nhà khoa học, các doanh nhân, các nhà văn hoá, văn nghệ sĩ có uy tín đối với thanh, thiếu nhi.

II. Phát động phong trào Thanh niên Hà Nội xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trên cơ sở phong trào "4 đồng hành, 5 xung kích" của Trung ương Đoàn; từ kết quả thực hiện các phong trào hành động cách mạng thực tiễn của Hà Nội; nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm năng to lớn, tính xung kích tình nguyện của thanh niên, tạo môi trường giáo dục và rèn luyện, định hướng và hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, vững vàng hội nhập kinh tế quốc tế, trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, Đoàn thanh niên thành phố triển khai phong trào "Thanh niên Hà Nội xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô".

1. Xung kích trong học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế tri thức

Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức trở thành yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, giáo dục của cả nước, việc xây dựng và phát triển kinh tế tri thức trở thành một yêu cầu của Hà Nội trong quá trình chủ động hội nhập và phát triển, trong đó, thanh niên chính là lực lượng xung kích.

Các cấp bộ Đoàn cần tổ chức, động viên đoàn viên, thanh niên xung kích trong học tập và nghiên cứu khoa học; ứng dụng tri thức, khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đi đầu xây dựng xã hội học tập.

Tổ chức Đoàn tập hợp các đoàn viên trẻ có trình độ, tổ chức thành các nhóm nghiên cứu trẻ, tham gia nghiên cứu giải quyết các nhiệm vụ của Thành phố và đơn vị. Phấn đấu mỗi cơ sở Đoàn có một công trình thanh niên thiết thực, có chất lượng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

2. Xung kích lao động sáng tạo tham gia phát triển kinh tế Thủ đô.

Trước yêu cầu của tình hình mới, quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tổ chức Đoàn cần phát huy tiềm năng, sự sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trên các lĩnh vực, ngành nghề, hình thành những sinh viên giỏi, kỹ sư tài năng, cán bộ trẻ có năng lực quản lý, điều hành, những công nhân có trình độ chuyên môn, tay nghề cao; làm chủ khoa học công nghệ, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, vững vàng hội nhập quốc tế.

Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của thanh niên trong lao động sáng tạo với năng suất cao, chất lượng tốt và hiệu quả thiết thực. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Sáng tạo trẻ với phương châm ở đâu có đoàn viên, thanh niên và hoạt động Đoàn, ở đó có hoạt động sáng tạo, hướng tới xây dựng môi trường sáng tạo, khuyến khích đoàn viên, thanh niên ở vị trí công tác nào đều có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Đoàn viên, thanh niên trong trường học đi đầu đề xuất ý tưởng, giải pháp, đổi mới nội dung, phương thức dạy và học, nâng cao năng lực nghiên cứu và thực hành nghề. Đoàn viên, thanh niên trong công nghiệp và dịch vụ đi đầu nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Đoàn viên, thanh niên trong các cơ quan hành chính đi đầu nghiên cứu cải tiến quy trình công việc, nâng cao chất lượng tham mưu quản lý, xây dựng phong cách trọng dân và phục vụ nhân dân tốt hơn. Đoàn viên, thanh niên khối đô thị đi đầu đề xuất sáng kiến trong xây dựng và quản lý đô thị. Đoàn viên, thanh niên trong nông nghiệp và nông thôn xung kích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, tiếp tục phát triển sâu rộng phong trào "4 mới". Đoàn viên, thanh niên trong lực lượng vũ trang đi đầu nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong huấn luyện, bảo quản, cải tiến sử dụng trang thiết bị kỹ thuật. Các cấp bộ Đoàn tích cực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ thanh niên thực hiện các sáng kiến, ý tưởng, nghiên cứu khoa học và phát triển tài năng.

Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp đảm nhận thực hiện một số dự án, công trình kinh tế trọng điểm, những lĩnh vực mới, khó của địa phương, đơn vị; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế Thủ đô. Đoàn Thanh niên Thành phố chủ động đề xuất tham gia thực hiện một số chương trình, dự án trọng điểm hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Giai đoạn trước mắt tập trung thực hiện chương trình "Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh niên tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2010", góp phần xây dựng và phát triển kinh tế Thủ đô theo mục tiêu đến năm 2015, Hà Nội về cơ bản hoàn thành công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

3. Xung kích bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội

Tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xung kích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tuyên truyền giáo dục thanh, thiếu nhi Thủ đô biết trân trọng những giá trị văn hoá lịch sử của Thăng Long - Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng của Đoàn Thanh niên Thành phố; tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền về các giá trị văn hoá lịch sử của Thăng Long - Hà Nội như Đội hình tuyên truyền văn hoá lịch sử; Đội hình sưu tập, biên dịch Hán Nôm; ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục truyền thống Thăng Long - Hà Nội; phấn đấu đến năm 2010, thanh thiếu nhi Thủ đô biết về các danh nhân của Thủ đô.

Tham mưu với Thành phố để củng cố, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá phục vụ thanh, thiếu nhi từ thành phố tới cơ sở; chú trọng phát triển nhà văn hoá thanh, thiếu nhi trên địa bàn dân cư; phấn đấu xây dựng Cung Thiếu nhi mới trở thành “Ngôi nhà mơ ước” của thiếu nhi Hà Nội; xây dựng Cung Văn hóa thể thao Thanh niên Hà Nội trở thành địa chỉ vui chơi giải trí hiện đại, lành mạnh, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của thanh thiếu nhi Thủ đô; đưa nội dung giáo dục văn hoá, lịch sử Thăng Long - Hà Nội vào hoạt động của các thiết chế văn hoá của Đoàn thanh niên Thành phố; thực hiện tốt chương trình mục tiêu “Đoàn Thanh niên tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; tiếp tục duy trì và phát triển CLB văn hoá trẻ ở các phường, xã, thị trấn.

4. Xung kích trong hội nhập quốc tế

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về những thời cơ, thách thức trong quá trình toàn cầu hoá; cung cấp thông tin, định hướng cho thanh niên tham gia hội nhập quốc tế; thành lập Ban Quốc tế của Đoàn thanh niên Thành phố. Vận động và tổ chức cho thanh niên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là ngoại ngữ, tin học, hiểu biết về luật pháp quốc tế, kỹ năng giao lưu, hoạt động quốc tế giúp thanh niên tự tin, chủ động trong hội nhập; khuyến khích tạo điều kiện cho thanh niên triển khai hoặc tham gia các dự án kinh doanh.

Phát huy vai trò sinh viên, trí thức trẻ đang học tập công tác tại nước ngoài; thành lập và phát huy vai trò của CLB sinh viên quốc tế; chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền đăng ký đảm nhận một số chương trình, dự án kinh tế ở những lĩnh vực mới như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, thương mại điện tử... Tích cực tham gia xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp; Tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên đặc biệt là doanh nhân trẻ, đội ngũ lãnh đạo, quản lý trẻ đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế.

5. Xung kích trong cải cách hành chính.

Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn và đoàn viên trong xây dựng nền hành chính trong sạch, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trẻ "tham mưu giỏi, phục vụ tốt" đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi của đội ngũ cán bộ trẻ trong cải cách hành chính; giáo dục để hình thành những phẩm chất đạo đức của người cán bộ, công chức trẻ "đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tận tuỵ", đặc biệt là xây dựng phong cách làm việc gần dân, trọng dân và phục vụ nhân dân; tổ chức rộng rãi phong trào 3 trách nhiệm, gồm: trách nhiệm với bản thân; trách nhiệm với cơ quantrách nhiệm với nhân dân.

Vận động thanh niên học tập và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, đề xuất các giải pháp cải cách hành chính và tham gia xây dựng các mô hình quản lý hành chính hiệu quả; tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu hệ thống hành chính nhà nước. Tổ chức cho cán bộ, công chức trẻ tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách của Nhà nước; đề xuất sửa đổi, bổ sung những chính sách, pháp luật bất cập, không còn phù hợp.

6. Xung kích bảo vệ Tổ quốc, tình nguyện vì cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đẩy mạnh hoạt động xung kích tình nguyện vì cộng đồng theo hướng đa dạng về nội dung, nâng cao về chất lượng, phù hợp với đối tượng, góp phần tập hợp, giáo dục thanh niên và tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Chú trọng hình thức hoạt động tình nguyện thường xuyên, tại chỗ và các đội hình tình nguyện theo chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn, phát huy thế mạnh của các nhóm liên kết trong hoạt động. Nội dung tình nguyện tập trung vào những việc mới, việc khó, tham gia chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, tình nguyện chi viện các công trình trọng điểm của thành phố và quốc gia, tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai...

Tổ chức sâu rộng các hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới hải đảo"; vận động và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo.

Đẩy mạnh phong trào "Giành ba đỉnh cao quyết thắng" và cuộc vận động "Thanh niên quân đội mẫu mực xây dựng chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại" trong thanh niên quân đội; phong trào "Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân" trong thanh niên công an; phát huy vai trò nòng cốt của thanh niên công an trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong các lực lượng vũ trang tham gia xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội ở địa bàn dân cư.

Tích cực tuyên truyền và tổ chức các hoạt động phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tham gia cảm hoá và giúp đỡ thanh thiếu nhi chậm tiến, thanh thiếu niên phạm pháp sau khi cải tạo tái hoà nhập cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp lao động thanh niên Hà Nội; đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; chia sẻ, giúp đỡ những bệnh nhân HIV/AIDS; xây dựng mô hình Đoàn thanh niên xã phường, cơ quan, trường học không có tệ nạn xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động "3 cùng" tại các trung tâm giáo dục lao động; chú trọng dạy nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng.

Thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Tuổi trẻ xung kích giữ gìn trật tự, an toàn giao thông", coi việc chấp hành Luật Giao thông là một trong các tiêu chí rèn luyện đoàn viên, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hoạt động của cơ sở Đoàn. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đối với thanh thiếu nhi; thường xuyên củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội hình thanh niên tình nguyện, đầu tư xây dựng các mô hình tình nguyện chuyên tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố.

III. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ thanh niên

1. Hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác, từng bước làm chủ khoa học công nghệ, vững vàng hội nhập

Trong điều kiện phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hoá, việc học tập trở thành nhu cầu thiết thân hàng đầu của thanh niên. Các cấp bộ Đoàn cần khơi dậy trong thanh niên tinh thần, thái độ học tập theo lời Bác Hồ dạy: Học để làm người, học để phục sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Đẩy mạnh trong khối trường học các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển các sân chơi trí tuệ, rèn luyện tư duy độc lập, sáng tạo; đổi mới phương pháp học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động tự học, tự nghiên cứu. Xây dựng và phát triển các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ thanh niên, sinh viên; khuyến khích các hoạt động hỗ trợ thanh niên ngoài nhà trường học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, kiến thức về kinh tế, quản lý, pháp luật; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Các cấp bộ Đoàn tích cực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển tài năng trẻ; phát triển mạnh các hình thức hỗ trợ học tập, rèn luyện; chú trọng hoạt động liên kết, phối hợp giữa các "Nhà": Nhà trường - Nhà nghiên cứu - Nhà sản xuất, nhằm thu hút, phát huy "chất xám"; nâng cao tính thực tiễn các đề tài khoa học và góp phần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa đào tạo với sử dụng.

Thành Đoàn tham mưu với lãnh đạo Thành phố và phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện có hiệu quả chính sách tài năng trẻ; tham mưu tổ chức Tuyên dương thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội; mở rộng cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo vì sự phát triển Thủ đô"; thành lập Trung tâm hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ Thành phố trên cơ sở củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Tài năng trẻ Thủ đô và xây dựng "Vườn ươm tài năng trẻ".

2. Hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng

Tăng cường tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, hợp tác giúp nhau làm kinh tế; nhân rộng các điển hình thanh niên lao động sáng tạo, làm kinh tế giỏi, doanh nhân trẻ; tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thanh niên, định hướng nghề nghiệp và lựa chọn nghề đúng đắn; chủ động nắm bắt thông tin thị trường lao động, nhu cầu việc làm của thanh niên, phối hợp với các tổ chức doanh nghiệp tổ chức các loại hình giao dịch lao động, việc làm cho thanh niên như: Hội chợ việc làm, ngày hội việc làm, sàn giao dịch lao động việc làm, các trang thông tin điện tử, ngân hàng về lao động, việc làm, dạy nghề, giới thiệu việc làm... Chú trọng phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển đổi nghề nghiệp, giảm thất nghiệp, tạo thêm việc làm, khuyến khích các hình thức tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên. Phấn đấu mỗi cơ sở Đoàn là một địa chỉ tin cậy tư vấn nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội trong hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế; phát huy thế mạnh Hà Nội là nơi tập trung các lực lượng thanh niên lao động trình độ cao; các cơ sở Đoàn xây dựng Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khuyến khích thanh niên tham gia phát triển các lĩnh vực của kinh tế tri thức như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hoá, viễn thông, giáo dục đào tạo, dịch vụ chất lượng cao; xây dựng mô hình liên kết giúp thanh niên làm kinh tế; nâng cao hiệu quả giúp thanh niên vay vốn, tự tạo việc làm, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng công tác giới thiệu việc làm và dạy nghề, cung cấp thông tin lao động, việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội

3 Nâng cao sức khoẻ thể chất, đời sống văn hoá, tinh thần và kỹ năng hoạt động xã hội cho thanh niên.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, đẩy mạnh phong trào "Khoẻ để lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; duy trì tốt hoạt động Hội nghệ sỹ trẻ Hà Nội; các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, các mô hình CLB năng khiếu, sở thích của thanh niên; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ sinh sản; vận động thanh niên thực hiện tốt chính sách dân số, gương mẫu đi đầu thực hiện lối sống văn minh, văn hoá, tích cực đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội.

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về kỹ năng sống, kiến thức về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, hội nhập cho thanh niên; quan tâm chăm lo đến đời sống văn hoá tinh thần cho thanh niên, đặc biệt là nữ thanh niên nông thôn, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, thanh niên lao động tự do. Khuyến khích thanh niên sử dụng công nghệ thông tin, phục vụ cho học tập, công tác và nhu cầu tinh thần lành mạnh.

IV. Xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh; mở rộng các hình thức tập hợp, đoàn kết thanh niên; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền nhân dân.

Thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước đòi hỏi tổ chức Đoàn phải thực sự là tổ chức vì thanh niên, là hạt nhân trong tập hợp, giáo dục thanh niên, là người bạn, người đồng chí, đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn 2007 - 2012, Đoàn Thanh niên thành phố tiếp tục xác định Chất lượng cơ sở là trọng tâm; cán bộ là then chốt; tập hợp, đoàn kết thanh niên là nhiệm vụ hàng đầu. Phương châm cơ bản xây dựng tổ chức Đoàn là: Mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên phải rộng rãi; Đoàn phải mạnh; đoàn viên phải tiêu biểu trong mỗi tập thể thanh niên và ở cộng đồng dân cư (gọi tắt là Đoàn mạnh, Hội rộng, đoàn viên tiêu biểu).

1. Công tác xây dựng tổ chức Đoàn

1.1. Nâng cao chất lượng đoàn viên

Thực hiện đúng quy trình phát triển đoàn viên mới, nâng cao chất lượng đoàn viên ngay từ khâu kết nạp, đặc biệt là chất lượng chính trị, tính tiền phong gương mẫu. Chương trình Rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới cần được thực hiện với phương châm Cán bộ Đoàn là tác nhân định hướng, tổ chức Đoàn, Hội tạo môi trường, người đoàn viên tự rèn luyện phấn đấu; coi trọng rèn luyện cả về nhận thức và hành động; nội dung rèn luyện phải phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực và điều kiện của từng địa phương, đơn vị; tạo điều kiện tốt nhất để đoàn viên dù ở bất kỳ lĩnh vực, địa bàn nào cũng được tham gia hoạt động của Đoàn và thực hiện nhiệm vụ của người đoàn viên.

Chấn chỉnh công tác quản lý đoàn viên; từng bước thực hiện quản lý đoàn viên bằng công nghệ thông tin: đoàn viên sinh hoạt hai chiều, đoàn viên học theo tín chỉ, đoàn viên lao động tại các công trình, dự án xa trung tâm; thống nhất sử dụng thẻ đoàn viên trong việc tiếp nhận, chuyển sinh hoạt Đoàn và trong các hoạt động mang tính tổ chức của Đoàn.

1.2. Xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn đáp ứng yêu cầu của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô trong tình hình mới

Xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, nhất là cán bộ Đoàn chuyên trách, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có đủ năng lực, bản lĩnh chính trị, năng động, sáng tạo, thực sự là những người bạn, người đồng chí của thanh niên; có khả năng hướng dẫn, tổ chức hoạt động thanh niên, tư vấn cho thanh niên và đối thoại với thanh niên; có năng lực tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền về công tác thanh niên. Đổi mới mạnh mẽ phong cách và phương pháp công tác của cán bộ Đoàn với yêu cầu chung nhất là: tôn trọng thanh niên, sát với thanh niên và có trách nhiệm với thanh niên. Các cấp bộ Đoàn cần thực hiện tốt các quy trình trong công tác cán bộ theo Hướng dẫn số 26 HD/TNHN, ngày 24/9/2004 của Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá VIII về "Công tác cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới" một cách đồng bộ và hệ thống, chú trọng các khâu từ quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, đánh giá, quản lý, sử dụng cán bộ; thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ.

Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn theo phương châm đa dạng hình thức, nội dung và có sự phân cấp; chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ công tác thanh niên, bồi dưỡng theo chuyên đề; chủ động phối hợp với các trường đại học bồi dưỡng kiến thức kinh tế, quản lý cho cán bộ Đoàn. Nâng cấp, bổ sung chức năng, nhiệm vụ Trường Đào tạo cán bộ Đội Lê Duẩn thành Trường Đào tạo Cán bộ Đoàn - Hội - Đội. Tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chăm lo tới cơ chế, chính sách, luân chuyển, bố trí phù hợp nhằm tạo động lực cho đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội - Đội; hàng năm tổ chức tuyên dương cán bộ Đoàn, Bí thư chi đoàn giỏi, Tổng phụ trách giỏi các cấp.

1.3. Nâng cao chất lượng chi đoàn, Đoàn cơ sở.

Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn trước hết là nâng cao hiệu quả, sự đa dạng và hấp dẫn trong nội dung và hình thức hoạt động chi đoàn và Đoàn cơ sở. Hoạt động Đoàn vừa phải góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của địa phương, đơn vị, đồng thời đáp ứng được nhu cầu lợi ích của đoàn viên, thanh niên; gắn sinh hoạt của Đoàn với giải quyết những vấn đề bức xúc của đoàn viên trong chi đoàn, của cộng đồng, đơn vị.

Phát huy vai trò của đoàn viên trong sinh hoạt, hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn; khắc phục tình trạng hành chính hoá, độc thoại một chiều trong các sinh hoạt và hoạt động của Đoàn; đề cao trách nhiệm của tổ chức cơ sở Đoàn trong công tác tập hợp, hỗ trợ thanh niên; chăm sóc giáo dục thanh thiếu nhi, tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền. Chú trọng xây dựng mô hình hoạt động của Đoàn trong các loại hình đặc thù như các trường đào tạo theo tín chỉ, doanh nghiệp cổ phần, công nhân lao động trẻ làm việc tại các dự án xa... Nhân rộng các mô hình chi đoàn chủ động công tác, chi đoàn văn minh công sở, chi đoàn tham gia hoạt động kinh tế - xã hội...

2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn phục vụ công tác củng cố, xây dựng Đoàn tổ chức vững mạnh

Công tác kiểm tra không chỉ là nhiệm vụ của UBKT mà là nhiệm vụ của người lãnh đạo, của cấp bộ Đoàn. Kiểm tra không chỉ xem xét giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, xử lý kỷ luật Đoàn mà còn phát hiện những nhân tố mới trong hoạt động thực tiễn, từ đó tham mưu cho các cấp lãnh đạo, các cấp bộ Đoàn đề ra những chủ trương, giải pháp hoặc điều chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên.

UBKT các cấp phải thường xuyên được củng cố kiện toàn và đổi mới phương thức kiểm tra: kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra trực tiếp, kiểm tra qua công tác thông tin báo cáo; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra; kịp thời chỉ đạo, xem xét, giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, thanh niên.

3. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân

Tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên đi đầu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức về Đảng; thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham mưu xây dựng chính sách, nhất là chính sách liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên; tham mưu xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với các cấp chính quyền. Vận động đoàn viên, thanh niên là thành viên của các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức; xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong công tác thanh niên.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Đoàn viên, thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam", giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho Đảng.

4. Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn thanh niên trong công tác xây dựng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức Hội LHTN, Hội Sinh viên Thành phố phát triển

Thực hiện vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Đoàn trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội LHTN, Hội sinh viên thành phố Hà Nội. Tổ chức Đoàn tăng cường công tác chỉ đạo công tác Hội, lựa chọn những cán bộ ưu tú, có năng lực và được thanh niên tín nhiệm phụ trách công tác Hội; tập trung đầu tư cán bộ, bộ máy, nguồn lực để đổi mới nội dung, phương thức đoàn kết tập hợp thanh niên và xây dựng Hội theo hướng đa dạng, hiệu quả phù hợp với các đối tượng thanh niên, đồng thời mở rộng các hình thức tập hợp thanh niên (Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội nghệ sỹ trẻ,…) với phương châm Đoàn mạnh, Hội rộng.

Đẩy mạnh công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên và xây dựng Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, công ty cổ phần; kiên trì vận động chủ doanh nghiệp và thanh niên, xây dựng cốt cán, tuỳ theo điều kiện cụ thể để thành lập tổ chức Hội hoặc Đoàn; phấn đấu ở đâu có thanh niên ở đó có tổ chức của thanh niên; tổ chức các hoạt động thanh niên thông qua tổ chức Công đoàn, Hội doanh nghiệp trẻ trên địa bàn nơi thanh niên sinh sống sau giờ làm việc.

Hỗ trợ, tạo điều kiện và phát huy vai trò của tổ chức Hội Sinh viên trong tập hợp, giáo dục sinh viên, tạo nguồn cán bộ và xây dựng Đoàn vững mạnh; tăng cường công tác phát triển hội viên, quản lý hội viên, đặc biệt là sinh viên ngoại trú. Nghiên cứu phát triển mô hình Hội học sinh trong các trường THCS, THPT, THCN và DN; phát triển đa dạng các đội, nhóm, CLB học sinh; Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa giữa các khối đối tượng; tổ chức các hoạt động thi đua, tình nguyện, tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện, phấn đấu; Kịp thời nắm bắt nhu cầu nguyện vọng chính đáng của thanh niên từ đó chủ động tham mưu đề xuất với Đảng, chính quyền chăm lo tốt hơn công tác Hội.

5. Chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh xứng đáng là lực lượng kế cận của Đoàn Thanh niên, thế hệ chủ nhân tương lai của Thăng Long - Hà Nội

Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, các lực lượng xã hội về công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh. Tập trung củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Đội và lực lượng phụ trách thiếu nhi các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở; Tăng cường đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội, đồng thời phát triển đội ngũ cộng tác viên chăm lo công tác thiếu nhi. Không ngừng đổi mới về nội dung, sáng tạo về hình thức các hoạt động của Đội thông qua cuộc vận động Vì đàn en thân yêu, phong trào Thiếu nhi Thủ đô Anh hùng - Xây dựng thành phố Vì hoà bình, thực hiện Chương trình Rèn luyện phụ trách Đội và Rèn luyện đội viên; nâng cao chất lượng hoạt động Đội trong nhà trường và trên địa bàn dân cư theo phương châm ở đâu có trẻ em, ở đó có hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, chính quyền, phối hợp với cấp, ngành tạo cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội; củng cố, phát triển hệ thống nhà thiếu nhi, điểm vui chơi cho trẻ em; tăng cường huy động, khai thác các nguồn lực xã hội, vận động và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thanh, thiếu nhi; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.

V. Đẩy mạnh hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế của thanh niên Hà Nội

Mở rộng giao lưu, đoàn kết quốc tế, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, giao lưu văn hóa, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho thanh niên trong quá trình hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn thanh niên thành phố trong nhiệm kỳ 2007 - 2012.

Tăng cường hoạt động giao lưu, liên kiết với thanh niên các tình thành trong cả nước. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên tuyền, giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người, lịch sử, văn hoá Việt Nam, về thanh niên Thủ đô với bạn bè quốc tế; tăng cường giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, trang bị những kỹ năng cần thiết cho cán bộ, đoàn viên thanh niên trong hoạt động đối ngoại, giao lưu quốc tế; củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức thanh niên quốc tế, thanh niên Thủ đô các nước ASEAN, Châu Á Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, các hoạt động quốc tế của Đoàn thanh niên Thành phố; đề xuất đăng cai hoạt động giao lưu giữa thanh niên Hà Nội và thanh niên Thủ đô các nước ASEAN trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tích cực tham gia các hoạt động của thanh niên ASEAN góp phần tuyên truyền về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Thành phố; khai thác và nâng cao hiệu quả các dự án quốc tế phục vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô.

VI. Đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô

Chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đầu tư nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Đoàn.

Phát huy vai trò của Báo Tuổi trẻ Thủ đô và phương tiện thông tin đại chúng, khai thác có hiệu quả kênh thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, cổ vũ cho các hoạt động của Đoàn.

VII. Đổi mới công tác chỉ đạo của các cấp bộ Đoàn theo hướng nâng cao chất lượng tham mưu và hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Yêu cầu cơ bản trong công tác chỉ đạo hiện nay của Đoàn thanh niên Thành phố là khoa học, nhanh nhạy, kịp thời; sát thực tiễn, đi từ thực tiễn; tập trung cho cơ sở, bám sát đối tượng với tinh thần quần chúng rộng rãi và phương pháp thanh vận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn vận động thanh niên với vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cấp chính quyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với công tác thanh niên bằng các giải pháp cụ thể:

1. Củng cố, kiện toàn bộ máy của Đoàn đảm bảo tính hiệu quả, tinh gọn; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp; xây dựng Ban Chấp hành Đoàn các cấp thực sự vững mạnh, có phương pháp làm việc khoa học, có sức chiến đấu cao, gắn bó mật thiết với thanh niên; thực sự là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, cơ quan giúp việc cho cấp uỷ Đảng về công tác thanh niên.

2. Đổi mới triệt để việc ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương công tác của các cấp bộ Đoàn; Thực hiện cải cách hành chính, triệt để chống bệnh quan liêu, thành tích, hình thức; giảm bớt hội họp trong hệ thống của Đoàn.

3. Cải tiến công tác thông tin báo cáo, thi đua khen thưởng phục vụ tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn các cấp; để thi đua, khen thưởng thực sự là động lực quan trọng trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của Đoàn thanh niên thành phố.

4. Tổ chức hiệu quả "Tháng Thanh niên""Mùa hè thanh niên, học sinh sinh viên tình nguyện" hàng năm, là cao điểm của tuổi trẻ Thủ đô thi đua, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; đồng thời thể hiện trách nhiệm của xã hội cùng chăm lo cho thanh niên và công tác thanh niên.

5. Tích cực tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động, nhất là cơ chế phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ Đoàn; chủ động phối hợp ký kết các chương trình, dự án, nghị quyết liên tịch với các sở, ngành, đoàn thể xã hội của Thành phố nhằm tăng cường nguồn lực cho hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp.

VIII. Các chương trình dự án và đề xuất kiến nghị

1. Chương trình mục tiêu "Đoàn thanh niên tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"

2. Chương trình mục tiêu "Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh niên tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô"

3. Chương trình Đoàn thanh niên tham gia tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên.

4. Chương trình cải tạo, nâng cấp và xây dựng Cung văn hoá Thể thao Thanh niên Hà Nội thành quần thể kiến trúc hiện đại, là trung tâm tổ chức các hoạt động, các sự kiện chính trị, văn hoá, giao lưu, TDTT, vui chơi giải trí của thanh niên Thủ đô.

5. Chương trình xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội mới thành "Ngôi nhà mơ ước" của Thiếu nhi Hà Nội.

6. Đề xuất với Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố bổ sung chức năng, nhiệm vụ, nâng cấp Trường Đào tạo cán bộ Đội Lê Duẩn thành Trường Đào tạo cán bộ Đoàn - Hội - Đội của Đoàn thanh niên thành phố.

7. Đề xuất với Thành phố giao cho Thành Đoàn xây dựng và thực hiện Đề án tuyển chọn, đào tạo đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại các phường, xã, thị trấn của thành phố.

8. Đề xuất Thành phố tạo điều kiện để Thành Đoàn Hà Nội đăng cai tổ chức Festival thanh niên Thủ đô các nước ASEAN nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội lần thứ XIII là Đại hội của tinh thần Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển. Đại hội chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô trong giai đoạn 2007 - 2012 là Nâng cao thực lực tổ chức Đoàn, tăng cường bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, hỗ trợ thanh niên lập thân - lập nghiệp, vững vàng hội nhập, xung kích xây dựng và phát triển Thủ đô nghìn năm Văn hiến - Anh hùng. Trước thời cơ và thách thức đặt ra trong giai đoạn mới; phát huy những thành tích đạt được trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi nhiệm kỳ qua; với nhận thức sâu sắc về trách nhiệm trước sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước và niềm tin vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuổi trẻ Thủ đô quyết tâm thi đua, tình nguyện, đoàn kết, sáng tạo thực hiện các chương trình hành động cách mạng, góp phần tích cực hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội của Thủ đô, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xứng đáng là thế hệ trẻ của Thủ đô Anh hùng - Thành phố Vì hoà bình.

 BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hà Nội lần thứ XII - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :