Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo của Ban Tổ chức Trung ương: Nguyễn Xuân Sơn – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ; Hà Minh Sơn – Vụ trưởng, Thư ký Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trần Đình Huấn – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Cán bộ; Lê Thành Can – Phó Vụ trưởng Vụ 4 và đồng chí Nguyễn Hữu Chí – Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Đào tạo – Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc, PGS.TS Phạm Trọng Quát – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc cùng các đồng chí ủy viên thường vụ Đảng ủy ĐHQGHN, Chánh văn phòng, Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Trưởng ban Đào tạo.
Tại buổi làm việc, GS.TS Mai Trọng Nhuận, PGS.TS Phạm Trọng Quát và GS.TSKH Vũ Minh Giang đã trình bày một số nội dung về quá trình xây dựng và phát triển ĐHQGHN; những thành tựu của ĐHQGHN đối với việc phát triển đội ngũ trí thức góp phần xây dựng và chấn hưng đất nước cùng một số kết quả nghiên cứu và thực tế cơ bản của đề án phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo tài năng.
Sau khi nghe các báo của lãnh đạo ĐHQGHN và ý kiến của các đại biểu tham dự, đồng chí Hồ Đức Việt đã kết luận chỉ đạo:
1. Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài là đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hoá với nhiều biến động khó lường. Nhân tài phải được đào tạo, bồi dưỡng và đặc biệt là phải rèn luyện qua thực tiễn. Cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. ĐHQGHN phải là nơi tạo ra nền tảng, là địa chỉ tin cậy để góp phần thực hiện nhiệm vụ này.
|
|
2. Đảng và Nhà nước đánh giá cao những thành tựu của ĐHQGHN đã đạt được trong suốt chặng đường 100 năm xây dựng và phát triển (tiền thân là Đại học Đông Dương), đặc biệt là những thành tựu của ĐHQGHN từ khi có Nghị định của Chính phủ về ĐHQG đến nay. Những thành tựu đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc tặng thưởng Huân chương Sao vàng nhân kỷ niệm 100 năm thành lập và bốn đơn vị, tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Thành tựu nổi bật đó là:
- Đẩy nhanh việc hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, hội nhập quốc tế;
- Bước đầu khẳng định uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước;
- Tiên phong thực hiện kiểm định chất lượng với yêu cầu cao;
- Phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng các hoạt động khoa học - công nghệ, đạt được một số kết quả tầm quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) đất nước;
- Nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế;
- Từng bước hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong đó có một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế;
- Phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, sự năng động và sáng tạo của các tổ chức Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên.
|
|
3. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đổi mới hệ thống giáo dục đại học và sau đại học, phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực và quốc tế. Trong tình hình ấy, cần tập trung đầu tư xây dựng và phát triển hai Đại học Quốc gia - mô hình trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao, nhanh chóng đạt trình độ khu vực và thế giới, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, làm đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại Việt Nam - là một chủ trương lớn, mang tính đột phá của Đảng và Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới. Các chủ trương này phải được thể chế hoá trong các luật định, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
|
|
4. Quyết định số 67-QĐ/TW ngày 04/7/2007 của Ban chấp hành Trung ương đã quy định Giám đốc ĐHQG là chức danh cán bộ do Ban Bí thư quyết định, các Phó giám đốc ĐHQG là chức danh cán bộ cần có sự tham gia thẩm định nhân sự của các Ban của Đảng. Việc điều chỉnh Nghị định của Chính phủ về Đại học Quốc gia (ĐHQG) cần dựa vào tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển ĐHQG và thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để, nhất quán Kết luận số 315-TB/TW ngày 29/8/2000 của Thường vụ Bộ Chính trị về ĐHQG và Quyết định số 67-QĐ/TW ngày 04/7/2007 của Ban chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và các ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về ĐHQG. Nội dung của Nghị định phải phát huy được những mặt tốt, phù hợp và khắc phục những mặt chưa phù hợp để tiếp tục phát triển ĐHQG tốt hơn theo hướng tăng hơn nữa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả về tổ chức, bộ máy, tài chính theo quy định của pháp luật; tăng thêm trách nhiệm trong việc tham gia tư vấn hoạch định những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, không chỉ về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, mà cả lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, bảo vệ đường lối quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ quyền của đất nước như đối với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
|
|
5. Về một số nhiệm vụ cụ thể đối với ĐHQGHN
- Cần tổng kết nghiêm túc, nêu rõ những thành tựu, những mặt đã đạt được và những mặt chưa được, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung Nghị định của Chính phủ về ĐHQG;
- Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu, xây dựng Đề án "Xây dựng cơ chế và chính sách về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước";
- Xây dựng chương trình hành động của ĐHQGHN thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
- Phát triển nhanh đội ngũ trí thức có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của ĐHQGHN và của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước;
- Triển khai thí điểm đổi mới một số cơ chế, chính sách, định mức tài chính trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và tuyển dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ cán bộ và thu hút các nguồn lực về ĐHQG. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá để nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy tính năng động, sáng tạo của người học. Triển khai thí điểm kiểm tra năng lực đầu vào, mạnh dạn sàng lọc trong quá trình đào tạo.
- Cần đẩy mạnh hơn nữa sự gắn kết, liên thông giữa các đơn vị trực thuộc và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ngoài ĐHQGHN theo hướng cùng khai thác, sử dụng chung có hiệu quả các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia;
- Cần đẩy mạnh tốc độ xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Hồ Đức Việt nhấn mạnh: toàn thể cán bộ, sinh viên ĐHQGHN cần tăng cường đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu hơn nữa để phát triển cao hơn và nhanh hơn: Trình độ cao - Chất lượng cao - Nghiên cứu khoa học đỉnh cao - Đáp ứng cao yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước; và nhanh chóng đạt trình độ khu vực, quốc tế.
|