Đảng - Đoàn thể
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >  
Tưng bừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội
Sáng 12/8/2010, tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ IV, nhiệm kỳ 2010-2015 với sự tham gia của 293 đại biểu đại diện cho 25 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc.

Đại hội vinh dự chào đón sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội; đồng chí Đào Trọng Thi – Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục – Thanh Thiếu niên Nhi đồng Quốc hội, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐHQGHN; đồng chí Phan Thanh Bình – Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cùng nhiều đại biểu đại diện cho các cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Thế Thảo và đại biểu ĐHQGHN

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Mai Trọng Nhuận – Phó Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh: “Sau một quá trình chuẩn bị tích cực, khẩn trương , với tinh thần trách nhiệm cao, được sự nhất trí của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ ĐHQGHN đã được tổ chức trang trọng tại Hội trường 10 – 12. Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ IV tập trung thực hiện những nội dung, nhiệm vụ: kiểm điểm việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ và Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2005 - 2010; quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ và các giải pháp thực hiện từ nay đến năm 2015; thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Thành phố Hà Nội và Đại hội XI của Đảng; bầu Ban chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN khoá IV, nhiệm kỳ 2010 - 2015; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV”.

Đồng chí Phạm Trọng Quát

Đồng chí Mai Trọng Nhuận

Đồng chí Mai Trọng Nhuận tiếp tục khẳng định: “Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ IV nêu cao tinh thần dân chủ, đoàn kết, sáng tạo , thể hiện ý chí và tinh thần quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chúng ta nhất định sẽ nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực để phát triển ĐHQGHN trở thành một trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực trong nhóm các đại học tiên tiến của thế giới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế tri thức của đất nước, thực hiện thắng lợi sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước giao phó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài dựa trên nền tảng sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đỉnh cao, đóng vai trò nòng cốt và đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”.

Tiếp đó, các đại biểu đã nghe đồng chí Phạm Trọng Quát – Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc ĐHQGHN thay mặt Ban Chấp hành khoá III trình bày Báo cáo chính trị với chủ đề “Phát huy mọi nguồn lực, chủ động vươn lên tầm quốc tế, thực hiện sứ mệnh vẻ vang” . Báo cáo đã nêu bật một số thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, trong đó nhấn mạnh: ĐHQGHN đã khẳng định và phát huy thế mạnh của mô hình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phát huy được sức mạnh tổng hợp bằng việc sử dụng nguồn lực chung để tạo nên những sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, trình độ cao; có nhiều sáng tạo trong quản trị đại học, đổi mới phương pháp giảng dạy như triển khai đào tạo theo phương thức tín chỉ. Chủ trương đào tạo "ngành kép", cấp "bằng kép" áp dụng các chuẩn trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm là những sản phẩm đào tạo có tính tiên phong và sáng tạo đặc sắc của ĐHQGHN nhận được hiệu ứng tích cực từ người học và toàn xã hội.

ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng riêng phù hợp với mục tiêu phát triển của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao, từng bước đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, ĐHQGHN cũng tích cực tham gia kiểm định chất lượng đào tạo trong khu vực và thế giới. Nổi bật là chương trình đào tạo Công nghệ Thông tin của Trường Đại học Công nghệ được đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của mạng lưới giáo dục đại học Đông Nam Á (AUN) thẩm định có chất lượng tương đương với các trường đại học tiên tiến trong khu vực.

ĐHQGHN được ghi nhận là đơn vị đầu tiên đưa ra sáng kiến và thực hiện đào tạo hệ cử nhân khoa học tài năng được đánh giá cao không chỉ ở Việt Nam và còn ở nhiều cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới; ĐHQGHN đã chọn những ngành, chuyên ngành mũi nhọn để tập trung đầu tư đạt trình độ quốc tế; đi tiên phong trong đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học đỉnh cao và luôn dẫn đầu cả nước về số bài báo, công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Các hoạt động hợp tác quốc tế đa dạng và hiệu quả đã giúp vị thế của ĐHQGHN từng bước được nâng tầm khu vực và quốc tế. ĐHQGHN đã được mời tham gia cơ cấu lãnh đạo của nhiều tổ chức, mạng lưới giáo dục đại học có uy tín trong khu vực và thế giới. Trong thời gian 5 năm qua, ĐHQGHN đã tổ chức thành công nhiều sự kiện khoa học quốc tế có tầm cỡ, thu hút hàng trăm học giả nổi tiếng từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó có những hội thảo có tiếng vang lớn như Diễn đàn khoa học cơ bản mũi nhọn, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III, Diễn đàn giáo dục Đông Nam Á, phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hiệp quốc (IPCC)...

Với vai trò là một trung tâm giao lưu văn hóa, chính trị và học thuật, ĐHQGHN vinh dự được đón nhiều vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nguyên thủ các quốc gia, các nhà chính trị, học giả danh tiếng thế giới; tiên phong thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII của Đảng “bảo đảm kết hợp giữa Viện nghiên cứu và Trường Đại học, gắn nghiên cứu - triển khai với sản xuất - kinh doanh”. Hợp tác trường - viện - doanh nghiệp là một đặc trưng của mô hình trường đại học nghiên cứu, đã được ĐHQGHN triển khai có hiệu quả và coi đây vừa là phương thức vừa là mục tiêu nhằm hướng tới sự phát triển của từng đối tác và của sự nghiệp khoa học công nghệ và giáo dục đại học của nước nhà.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ ĐHQGHN luôn giữ được sự ổn định và thống nhất. Nhiệm kỳ vừa qua đánh dấu sự phát triển mạnh của Đảng bộ ĐHQGHN về cơ cấu tổ chức và đội ngũ đảng viên. T 22 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 1200 đảng viên năm 2005, đến 31/12/2009, Đảng bộ ĐHQGHN đã có 25 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với tổng số đảng viên là 1440. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng uỷ đặc biệt quan tâm chỉ đạo là việc triển khai mạnh mẽ và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên nêu cao ý thức trách nhiệm trong công việc, xây dựng tinh thần cộng đồng và thương hiệu ĐHQGHN, tích cực tham gia xây dựng và thực hiện tốt các chủ trương lớn của ĐHQGHN. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai nghiêm túc, thiết thực và có hiệu quả, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rộng rãi của cán bộ, đảng viên và học sinh, sinh viên,...

Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ĐHQGHN đã góp phần tích cực giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách và chiến lược của Hà Nội. Đặc biệt, cùng với cả nước chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ĐHQGHN được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Hội thảo quốc tế về “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” – một sự kiện quan trọng trong 10 ngày cao điểm của Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: ”Trong quá trình hội nhập quốc tế, để vươn lên, mỗi quốc gia đều phải ý thức tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua việc thu hút chất xám, phát huy sức mạnh của chính mình đặc biệt là phải đào tạo được một nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và thích ứng với những biến động không ngừng của các hình thái kinh tế xã hội. Chính vì thế, Đảng ta luôn xác định “phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “phát triển khoa học công nghệ là khâu then chốt” trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH ở Việt Nam.

ĐHQGHN cần quán triệt sâu sắc hơn nữa các nghị quyết của Trung ương và của Thành uỷ Hà Nội về phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của mình đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, để từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho phù hợp. Tôi cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo chính trị của Đảng bộ. Để làm rõ hơn những định hướng trên, tôi có một số ý kiến chỉ đạo và trao đổi với Đảng bộ ĐHQGHN về những vấn đề cơ bản sau:

Một là, tập trung mọi nỗ lực nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo đại học, xây dựng ĐHQGHN thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong khu vực.

Như chúng ta đã biết, mặc dù có bề dày truyền thống hàng thế kỷ, song đến nay, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của chúng ta mới chỉ đạt trình độ trung bình, thậm chí có một số lĩnh vực còn thấp kém so với khu vực và quốc tế. Như tôi được biết thì ĐHQGHN đang trong quá trình phấn đấu trở thành một trong nhóm 200 đại học hàng đầu của châu Á....

Hai là, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN với Thành phố Hà Nội. Việc tăng cường mối quan hệ này không nằm ngoài chủ trương gắn phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ với phát triển kinh tế xã hội. Đối với Hà Nội, ĐHQGHN vừa có trách nhiệm chung của đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học đứng chân trên địa bàn, vừa có mối quan hệ đặc biệt với Thủ đô, trái tim của cả nước. Hà Nội đang trong quá trình xây dựng và phát triển, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế thì nguồn lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh giàu đẹp sánh vai cùng các thủ đô trên thế giới và trong khu vực. Mặc dù trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa ĐHQG và Thành phố Hà Nội không ngừng được củng cố, có những kết quả quan trọng, song xét về tổng thể vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội XV, Đảng bộ Thành phố, nhiều ý kiến cho rằng, Thành phố chưa khai thác hết tiềm lực khoa học, công nghệ, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, trí thức trong địa bàn. Đó là một thực tiễn khách quan, Thành uỷ Hà Nội đã tiếp thu ý kiến này.

Ba là, tập trung làm tốt nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng. Với đặc thù là Đảng bộ có số đông là cán bộ khoa học, có trí tuệ hiểu biết sâu rộng, do vậy trong hoạt động của mình, ĐHQG cần phải phát huy cao độ trí tuệ tập thể, tạo sự gắn kết và đồng thuận cao trong việc xây dựng và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng và phát triển nhà trường trong từng giai đoạn. Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự thống nhất giữa tính ”đảng” và tính ”khoa học” trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, thực hiện tốt cuộc vận động ” Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải đặc biệt chú trọng thực hiện các nhiệm vụ then chốt và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp. Tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ giảng viên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ của ĐHQG trong giai đoạn phát triển mới.

Bốn là, về công tác bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ mới và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố khoá XV. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, đề án nhân sự do Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN chuẩn bị nghiêm túc, dân chủ, đúng quy trình, đã được Ban Thường vụ Thành uỷ phê duyệt, tôi đề nghị các đồng chí đại biểu tập trung trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn, bầu ra Ban Chấp hành khoá mới, các đồng chí có đủ tiêu chuẩn, thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, đảm bảo đủ số lượng với cơ cấu hợp lý, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết của đại hội”.

Đại hội đã nghe Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ III do đồng chí Vũ Minh Giang – Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Phó Giám đốc ĐHQGHN trình bày; Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu do đồng chí Trần Kim Đỉnh – Uỷ viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Đảng uỷ ĐHQGHN khoá III trình bày; Đề án nhân sự Ban chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN khoá IV do đồng chí Phạm Trọng Quát trình bày.

Trong khuôn khổ của Đại hội, các đại biểu đã nghe một số tham luận do các đại biểu đại diện cho một số tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ ĐHQGHN trình bày.

Buổi chiều cùng ngày, các tổ đại biểu đã họp để giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN khoá IV.

Tại phiên họp toàn thể buổi chiều tại hội trường, Đại hội đã nhất trí giới thiệu 41 đại biểu tham gia ứng cử để đại biểu bỏ phiếu bầu chọn 33 đồng chí tham gia Ban Chấp hành khoá IV.

>>>

 VNU Media - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :