Đảng - Đoàn thể
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >  
Phát huy nguồn lực trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện chiến lược phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội
(Tham luận của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ trình bày tại Đại hội)

 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV có 75 đồng chí, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Phó bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang)

Trước hết, cho phép tôi xin chân thành cảm ơn Ban tổ chức Đại hội đã dành cho tôi vinh dự được thay mặt Đảng bộ ĐHQGHN trình bày tham luận tại Đại hội quan trọng này.

Chúng tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIV trình trước Đại hội.

Một trong những quan điểm có tầm chiến lược và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, được nêu trong định hướng phát triển là Thủ đô phải “đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức“. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự bùng nổ thông tin và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện nay, định hướng đúng đắn này không chỉ cần và có lợi cho phát triển Thủ đô mà còn là sứ mệnh, là trách nhiệm của Thủ đô đối với sự nghiệp phát triển chung của cả nước.

Do đặc thù của Thủ đô, Hà Nội có ưu thế tuyệt đối về nguồn lực trí tuệ. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay 68 trường đại học và hàng chục cơ sở nghiên cứu hàng đầu cả nước. Lực lượng trí thức trên địa bàn Thành phố cũng hùng hậu nhất nước, với khoảng trên 1700 Giáo sư Phó giáo sư, trên 3000 Tiến sỹ, và khoảng 7500 thạc sỹ. Bên cạnh đó, các đại học và viện nghiên cứu đều có nhiều mối quan hệ hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu lớn trên thế giới. Đó chính là những nhịp cầu tri thức và KHCN, qua đó có thể tập hợp và khai thác được nhiều nhà khoa học trên thế giới đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp phát triển Thủ đô. Đây là một lợi thế vượt trội mà không địa phương nào trên cả nước có được và là tiềm năng dồi dào, là cơ sở vững chắc đảm bảo cho thành công của chủ trương xây dựng kinh tế tri thức cho Thủ đô và dẫn dắt nền kinh tế tri thức của cả nước.

Đội ngũ trí thức, cán bộ KHCN ở Thủ đô không chỉ đông đảo về số lượng và có trình độ chuyên môn cao mà điều quan trọng là phần lớn các nhà khoa học, đều có nguyện vọng sẵn sàng mang tài năng, tâm sức của mình đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô và của đất nước. Đây là điều đã được kiểm chứng qua suốt chiều dài lịch sử của Thủ đô, gần đây nhất, biểu hiện sinh động và rõ nét, là cuộc Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình vừa được tổ chức trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Không chỉ nhiệt tình, đội ngũ trí thức ở Thủ đô đã và sẽ có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của Thủ đô. Trong những năm qua, hầu như tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của Thủ đô đều có dấu ấn hoạt động và đóng góp của các trường đại học và các viện nghiên cứu. Không chỉ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các ngành, nghề cho Hà Nội, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu còn cung cấp các dịch vụ khoa học, công nghệ, là nơi tư vấn và phản biện tin cậy nhất của Thủ đô, giúp giải quyết hầu hết các bài toán phức hợp cao trong chiến lược phát triển bền vững. Đặc biệt, để phục vụ thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng trăm nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu đã tích cực tham gia Chương trình KHCN cấp Nhà nước KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”và đã thu được những kết quả hết sức quan trọng trong việc đánh giá, tổng kết và đề xuất các giải pháp đáp ứng các nhu cầu thực tiễn.

Chính những đóng góp này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và bồi đắp bền vững xung lực phát triển của Hà Nội trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. Điều này đã được nói rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X của Đảng về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế”. Trong những thập kỷ tới, nguồn lực trí tuệ sẽ trở thành một nguồn lực phát triển chủ yếu của đất nước và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta cũng phụ thuộc chủ yếu vào hàm lượng tri thức, hàm lượng công nghệ trong từng giải pháp phát triển.

Có thể nói, Hà Nội cần phải và hoàn toàn có thể đi đầu cả nước trong phát triển kinh tế tri thức, thực sự trở thành đầu tàu kinh tế tri thức của cả nước. Đây chính là giải pháp hữu hiệu nhất, góp phần giúp Thủ đô và cả nước thực hiện thành công chiến lược phát triển rút ngắn, tăng tốc và thoát khỏi tình trạng tụt hậu trong tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, mặc dù các trường đại học, viện nghiên cứu đã có những đóng góp đáng kể cho Thủ đô, song vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả. Nguyên nhân có nhiều, song theo chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu nhất là chúng ta chưa xác lập được những cơ chế và chính sách phù hợp để đội ngũ trí thức tham gia sâu rộng vào việc hoạch định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển của Thủ đô. Về phía đội ngũ trí thức cũng còn thiếu thực tế, chưa thực sự chủ động đem tài năng của mình cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Từ thực tế hoạt động ở ĐHQGHN, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần có sự thống nhất cao về nhận thức vai trò của đội ngũ trí thức trong các đại học, viện nghiên cứu đối với phát triển Thủ đô. Hà Nội nên coi đội ngũ trí thức này như là “nguồn lực đặc biệt của mình” và giao nhiệm vụ cho cán bộ các trường đại học, viện nghiên cứu như cán bộ của Thủ đô. Nhận thức này cần được quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy, chính quyền và nên được thể chế hóa thành các quy định cụ thể để các cấp chính quyền và các cơ quan phối hợp thực hiện trong một cơ chế thống nhất và linh hoạt. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc đặt ra đối với các cấp ủy đảng và lãnh đạo các đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội. Từ nhiều năm nay, Ở ĐHQGHN, chúng tôi đã quán triệt vấn đề này và đã coi việc phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô là một tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong xây dựng các nhiệm vụ KHCN và đào tạo.

Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố, trong đó đặc biệt là đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của khu vực công và các doanh nghiệp Thành phố. Các sở, ngành, doanh nghiệp và các cơ quan quận, huyện, phường, xã của Thành phố cần có kế hoạch cụ thể phát triển nguồn nhân lực, trong đó làm rõ nhu cầu số lượng, chất lượng của từng vị trí công việc để đặt hàng các đại học, viện nghiên cứu thiết kế, điều chỉnh một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đơn đặt hàng của Hà Nội. Tôi xin nhấn mạnh là: không chỉ đặt hàng về số lượng mà cần phải đặt hàng cả về chất lượng, về năng lực thực tiễn của nguồn nhân lực này.

Thứ ba, củng cố mạng lưới, cơ chế hợp tác giữa các đại học, viện nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Thành phố và xây dựng website/cổng thông tin để các bên tìm hiểu nhanh chóng, chính xác khả năng, nhu cầu hợp tác của nhau. Thực tế cho thấy, nhiều nhà khoa học muốn hợp tác với Hà Nội và Hà Nội cũng có nhu cầu “đặt hàng” rất lớn với các đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, hợp tác cái gì và được thực hiện theo cơ chế nào thì các bên vẫn còn lúng túng. Do vậy, cần sớm cung cấp đầy đủ thông tin về tiềm năng, nhu cầu hợp tác các bên, nhờ đó hình thành được mạng lưới, cơ chế, chính sách hợp tác phù hợp, trong đó đặc biệt là Thành phố cần đặt hàng “nghiên cứu” cụ thể cho các đại học và viện nghiên cứu.

Thứ tư, cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch tổng thể địa bàn đứng chân của các trường, viện ở Hà Nội, tạo nên các đô thị đại học gắn liền với các khu công nghiệp, khu chế xuất, tức là các tổ hợp khoa học - công nghệ - doanh nghiệp hiện đại, đặc biệt là khu Hòa Lạc - nơi có ĐHQGHN, cụm nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và Khu công nghệ cao. Đồng thời, Thành phố nên hỗ trợ để các đại học, viện nghiên cứu xây dựng các khu “công viên” khoa học, vườn ươm công nghệ,… Đây là nơi thuận lợi để hình thành, nuôi dưỡng và triển khai các ý tưởng khoa học - công nghệ mới, sản phẩm mới có hàm lượng khoa học cao, nhờ đó đẩy nhanh phát triển kinh tế của Hà Nội theo hướng kinh tế tri thức. Tức là góp phần xây dựng mô hình phát triển của Thủ đô trên cơ sở tích hợp trường đại học, viện nghiên cứu, công viên khoa học - các doanh nghiệp, công nghiệp - khu vực công/chính quyền Thành phố các cấp. Nhờ đó tạo dựng thêm con đường phát triển đất nước dựa vào đô thị.

Và cuối cùng, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đại học, viện nghiên cứu tham gia sâu rộng vào các hoạt động, sự kiện văn hóa - xã hội, kinh tế, khoa học công nghệ, hội nhập,… của Thành phố, coi việc đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của Thủ đô là một bổn phận, một trọng trách hàng đầu của mình.

Trải qua 1000 năm, Thăng Long - Hà Nội vẫn là “nơi tụ hội và toả sáng của hiền tài bốn phương” Tôi tin tưởng chắc chắn rằng Hà Nội vẫn tiếp tục là nơi dẫn đầu cả nước tiến bước vững vàng trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức hiện nay.

Trên đây là một số ý kiến nhằm góp phần cụ thể hóa các giải pháp trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội. Tôi tin tưởng rằng, với trí tuệ, bản lĩnh, tư duy đổi mới, sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ thành phố, các mục tiêu của Đại hội đề ra sẽ được thực hiện thành công.

 VNU Media - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :