Chương trình do Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Công ty Phát hành phim Việt Nam tổ chức.
- Đối tượng: cán bộ và sinh viên Nhà trường. Sinh viên khi đến xem phải mang thẻ sinh viên.
- Thời gian:
+ Ngày 22/4 và 23/4/2009
+ Mỗi ngày có hai buổi chiếu, gồm 4 ca:
Sáng: 8h00-9h30/10h-11h30
Chiều: 13h30-15h00/15h00-16h30
+ Ngày 22/4 có thêm buổi chiếu vào 17h30-19h00 phục vụ cán bộ
- Địa điểm: Hội trường tầng 8 nhà E
Tóm tắt nội dung bộ phim
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, của tình yêu, nữ bác sỹ trẻ người Hà Nội vào chiến trường. Chị có thói quen ghi nhật ký. Tại địa bàn Đức Phổ, Quảng Ngãi bị bom đạn Mỹ cày nát năm 1970, chị vẫn ghi chép hàng ngày. Đồng đội chưa quay lại tiếp viện, thương binh hết gạo, địch lùng sục cận kề, chị vẫn trải lòng mình qua từng trang viết. Chị không hề có ý định viết để thế giới này đọc. Chính vì thế, niềm tin sâu thẳm nơi chị được viết ra chân phương, mộc mạc, thấm đẫm nhân văn, đẹp và trong sáng như chính con người chị. “Đừng đốt cuốn sổ ấy - trong đó đã có lửa” – câu nói giàu ẩn dụ của người lính Cộng hoà đó đã tạo cơ hội đầu tiên cho cuốn nhật ký tồn tại. Đừng đốt, câu nói trên được rút gọn để trở thành tên của bộ phim truyện nhựa do Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh viết kịch bản và đạo diễn dựa theo cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm nổi tiếng và câu chuyện có thật xung quanh số phận cuốn nhật ký.
Bộ phim tái hiện chân thực cuộc chiến khốc liệt mà sự hy sinh, mất mát diễn ra từng giờ, từng phút, nơi cái chết còn dễ hơn ăn một bữa cơm, nơi người bác sỹ trẻ đau xót, tan nát cõi lòng khi bất lực không cứu được đồng đội, đồng bào vì thiếu thốc, thiếu phương tiện, nơi chị luôn dành tiếng gọi thân thương về mẹ, về hậu phương lớn...
Cuốn nhật ký rơi vào tay Fred-người lính Mỹ có lương tri. Chính anh cũng đang hàng ngày giáp mặt với những cái chết đau đớn, thương tâm từ cuộc chiến rùng rợn chống lại dân thường. Trở về Mỹ, cuốn nhật ký tiếp tục thiêu đốt người cựu chiến binh sau bao trải nghiệm, làm thay đổi suy nghĩ của những người thân trong gia đình anh. Họ quyết tìm cho ra gia đình thân yêu của chủ nhân cuốn nhật ký dù Việt Nam và Mỹ cách nhau vạn dặm và mù mịt thông tin... 35 năm sau kể từ ngày lưu giữ kỷ vật vô giá, người cựu binh ấy đã thốt lên: “Chính Thuỳ Trâm là ân nhân của tôi, cô ấy đã dạy tôi biết yêu thương”...
|