Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Người thầy giáo nhiều lần “cháy giáo án” bởi những câu chuyện chiến tranh
Nhớ lại những bài giảng với nhiều thế hệ sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS TS Phạm Thành Hưng nói: “Khi lên bục giảng, tôi nhiều lần bị "cháy giáo án" khi sa vào những câu chuyện chiến tranh. Sinh viên chăm chú nghe còn tôi lại băn khoăn với suy nghĩ như vậy có nên không?”.

Từ ước mơ giảng đường đến chiến trường khốc liệt

Nhắc đến PGS. TS Phạm Thành Hưng, nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) không quên được hình ảnh người thầy khiêm nhường, giản dị với những bài giảng lay động lòng người, đồng thời là một nhà văn, nhà biên dịch uy tín trong giới văn chương. Đồng thời, nhiều sinh viên cũng nhớ đến PGS.TS Phạm Thành Hưng như một người lính đã dành những tháng năm tuổi trẻ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta.

Tôi gặp PGS TS Phạm Thành Hưng trong một buổi chiều muộn khi Hà Nội bắt đầu những ngày giãn cách bởi dịch COVID-19. Cuộc trò chuyện nhiều lần phải gián đoạn vì vừa phải giữ khoảng cách, vừa phải bảo đảm ông lắng nghe được câu hỏi. Đôi tai của ông nay nghe đã kém bởi “chiến tranh đã để lại trong đầu tôi một mảnh bom B52 hay một mảnh pháo mà đến giờ tôi cũng không dám động vào”, PGS TS Phạm Thành Hưng cho biết.  

Cách đây 41 năm, Phạm Thành Hưng là một sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng như bao bạn học đến từ các miền quê khác nhau, Phạm Thành Hưng mang theo ước mơ văn chương đến giảng đường. Ước mơ ấy càng trở nên cháy bỏng hơn khi học hết năm thứ nhất, sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có thông báo lên đường nhập ngũ.  

PGS TS Phạm Thành Hưng thời trẻ 

Nhớ lại ngày lên đường nhập ngũ - ngày 6/9/1971, PGS TS Phạm Thành Hưng vẫn không khỏi bồi hồi: “Vào chiến trường, nếu bạn bè tôi mang theo quyết tâm cùng với những bức thư viết bằng máu thì tôi mang theo mơ ước hoặc trở thành người anh hùng như Lê Mã Lương; hoặc viết báo, trở thành nhà văn, thi sĩ. Nhưng thực tế khốc liệt của chiến tranh đã không cho phép như vậy. Viên đạn đầu tiên sượt qua đầu khiến tôi ớn lạnh, ý thức rõ về sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Tôi mất tự tin và bắt đầu tập phản xạ tránh đạn, cẩn trọng hơn”.  

Sau này, Phạm Thành Hưng chứng kiến rất nhiều sự mất mát, hy sinh của đồng đội, mới càng thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh. Sự sống và cái chết ở chiến trường đã khiến ông thay đổi suy nghĩ. Từ mong ước trở thành thi sĩ, nhà văn, ông muốn gắn bó trọn đời mình với quân đội. Mong muốn đó cháy bỏng đến mức, bị thương lần thứ 3 rất nặng vào đầu, Phạm Thành Hưng vẫn nêu nguyện vọng trở lại chiến trường. Đơn vị đã phải điều ông trở lại đơn vị miền Bắc.  

“Lúc đi khám thương tật, dù tôi cố tình giấu đi vết thương nặng trong đầu, được ghi mức thương tật nhẹ nhất (23%) nhưng vết thương thực tế vẫn khiến tôi không theo được nghiệp lính. Một thời gian sau, tôi ra quân, trở lại trường, vào khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp để học tiếp”, PGS TS Phạm Thành Hưng cho biết.  

Biến chiến tranh thành động lực thời bình  

Học kỳ đầu tiên, Phạm Thành Hưng không muốn học bởi thấy văn chương vô nghĩa trước những mất mát, hy sinh của đồng đội, đồng bào. Những gì ông trải qua trong cuộc chiến khác hẳn với văn chương, điều đó khiến ông định bỏ học.

“Nhưng một trong những động lực khiến tôi đi học tiếp, học tốt và trở thành giảng viên chính là những tấm gương chiến đấu, hy sinh của đồng đội tôi tại mặt trận Quảng Trị”, PGS TS Phạm Thành Hưng nói.  

PGS Phạm Thành Hưng chia sẻ với tôi một bài báo ông viết về chính đồng đội mình với tựa đề “Người chưa thành thi sĩ”.  

PGS TS Phạm Thành Hưng kể: “Một sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp có mong ước trở thành nhà thơ, thi sĩ nhưng cuộc chiến đấu buộc anh sống với tư cách người chiến sĩ trước khi trở thành thi sĩ. Trong quá trình chiến đấu, anh bị thương và được chuyển xuống hầm. Tuy nhiên, trong lúc được y tá băng bó, người chiến sĩ này nghe tiếng súng bên ngoài của đồng đội bắn với âm thanh lẹt đẹt, yếu quá. Anh cáu, đẩy y tá  để lên ngồi mâm pháo tiếp tục chiến đấu. Trong làn mưa bom, mâm pháo của anh đã bị đánh lật úp. Anh bị xé ra làm nhiều mảnh. Chính tôi là người đi nhặt một phần cơ thể anh để chôn”.  

PGS TS Phạm Thành Hưng (phải) cùng đồng đội trở lại Quảng Trị

Khi Đài Tiếng nói Việt Nam đọc câu chuyện này, gia đình người đồng đội đã tìm đến PGS. TS Phạm Thành Hưng để hỏi xem ông còn giữ di vật gì của người đồng đội đã hy sinh. "Tôi đã không giữ lại được gì. Quyển sổ đã bị cháy, ba lô của người chiến sĩ ấy dù đã được giữ nhưng đã phải nhường lại cho những đồng đội bị thiếu ba lô, thiếu quần áo để mặc"- PGS. TS Phạm Thành Hưng trầm ngâm. 

Những câu chuyện như thế đã giúp Phạm Thành Hưng vượt qua được sự nản chí khi trở lại giảng đường.

“Tôi nghĩ mình đã may mắn hơn đồng đội khi còn sống. Tôi phải sống hộ, làm việc thay đồng đội mình", PGS TS Phạm Thành Hưng xót xa.  

"Cũng từ đó, những câu chuyện chiến tranh đã vào bài giảng của tôi. Có nhiều buổi, đã đến giờ tan lớp mà các sinh viên vẫn chăm chú nghe giảng. Có lẽ, họ cảm nhận được bài học lớn nhất là tình yêu đất nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với nhân dân, đối với thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để non sông liền  một dải. Đó là "giáo trình" mà một người thầy từng là người lính như tôi trao lại cho sinh viên bên cạnh kiến thức khoa học”, PGS. TS Phạm Thành Hưng tâm sự.  

Trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, PGS. TS Phạm Thành Hưng đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều. “Vết thương đã ảnh hưởng trí nhớ, nên tôi phải tự rèn luyện, giữ sức khoẻ, tiết kiệm sức làm việc. Những gì khó, căng thẳng, tôi tạm dừng và chọn thời điểm khác để tiếp tục cố gắng. Cũng nhờ nghị lực này, tôi đã đi nghiên cứu sinh, trở thành nhà giáo, dịch giả, nhà văn như hiện nay”, PGS Phạm Thành Hưng chia sẻ.

PGS. TS Phạm Thành Hưng cùng học trò 

Đến lúc này, PGS. TS Phạm Thành Hưng cho rằng, ông đã hoàn thành nhiệm vụ của một người Đảng viên, một giảng viên khi hướng dẫn luận văn 6 luận án tiến sĩ, hàng trăm luận án thạc sĩ, khoá luận cho sinh viên… Đặc biệt, điều ông cảm thấy có ý nghĩa hơn khi đứng vai một người thầy nhưng ông mang những câu chuyện bi tráng thời lính chiến vào bài giảng và lan toả giá trị nhân văn tới hàng nghìn sinh viên. Giờ đây, ông “cảm thấy hài lòng với những đóng góp cho nền giáo dục nước nhà".  

Trong nụ cười hồn hậu của mình, PGS TS Phạm Thành Hưng có lúc cho tôi thấy ước mơ đầy lãng mạn của một sinh viên khoa Văn trước khi lên đường chiến đấu xen lẫn nỗi sợ chiến tranh; có lúc cho tôi thấy một chiến sĩ quả cảm nhưng phải thận trọng trước ranh giới mong manh của sự sống nơi chiến địa khốc liệt; có lúc là một người thầy khiêm nhường nhưng đầy nhiệt huyết, hóm hỉnh với những câu chuyện rất "văn", rất đời… Và vượt lên tất cả, là cả nghị lực của một người lính đã trải qua những năm tháng khốc liệt nơi chiến trường, bền bỉ nỗ lực trở thành một nhà giáo để thay những đồng đội của mình đã nằm lại chiến trường Quảng Trị hơn 40 năm về trước, truyền tình yêu non sông đất nước tới thế hệ tương lai.

 Lê Vân - Báo Tin tức
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :