Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Trường đại học Công nghệ - Tự tin xây dựng trường đại học nghiên cứu hội nhập quốc tế
Cùng với Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương "xây dựng hai đại học quốc gia thành những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế" (1) của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ðại học Quốc gia Hà Nội (ÐHQGHN) từng bước hình thành thêm các trường đại học thành viên về công nghệ, kinh tế và giáo dục để dần hoàn thiện cơ cấu đa lĩnh vực.

Bằng việc chuẩn bị chu đáo nhiều năm triển khai mô hình khoa trực thuộc ÐHQGHN, đã có ba trường đại học thành viên mới được thành lập là Trường đại học Công nghệ (25-5-2004), Trường đại học Kinh tế (6-3-2007) và Trường đại học Giáo dục (3-4-2009). Trường đại học Công nghệ (ÐHCN) thuộc ÐHQGHN có nhiệm vụ "Ðào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ; nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội" (2). Phương châm "phát huy thế mạnh về khoa học cơ bản mạnh của ÐHQGHN để phát triển các ngành công nghệ trọng điểm" cộng hưởng với giải pháp "bảo đảm kết hợp giữa viện nghiên cứu và trường đại học, gắn nghiên cứu - triển khai với sản xuất - kinh doanh" (3) được GS. VS Nguyễn Văn Hiệu - nhà khoa học có uy tín quốc tế và là Hiệu trưởng sáng lập nhà trường - khởi động đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Trường ÐHCN đang tự tin hội nhập quốc tế, sứ mệnh đặc trưng bồi dưỡng nhân tài của trường ngày càng thêm đậm nét.

Khai trương phòng thí nghiệm phần mềm liên kết với tập đoàn Toshiba - Nhật Bản

Trường ÐHCN là trường đại học Việt Nam đầu tiên đưa nội dung sát hạch chuẩn kỹ năng Công nghệ Thông tin (CNTT) Nhật Bản trình độ cơ bản FE vào thực hiện trong chương trình đào tạo chất lượng cao. Ba năm liền 2007-2009, Trường ÐHCN cũng là trường đại học Việt Nam duy nhất có đội tuyển sinh viên xuất sắc vượt qua vòng loại, sánh vai trong tốp 100 đội tuyển sinh viên của các trường đại học danh tiếng nhất thế giới tham dự Vòng Chung kết Toàn cầu Cuộc thi Lập trình của Sinh viên Quốc tế ACM/ICPC. Trong khu vực Ðông - Nam Á chỉ có Nanyang Technological University (NTU của Singapore) và Bina Nusantara University (Indonesia) đạt được thành tích đó. Trường đang thực hiện các chương trình phối hợp đào tạo tiến sĩ với Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản (JAIST) và Ðại học Paris-Sud 11 (CH Pháp); các chương trình đào tạo thạc sĩ với JAIST, Ðại học Osaka (Nhật Bản), Ðại học Paris-Sud 11 và Ðại học Claude Bernard Lyon 1 (CH Pháp). Trong các chương trình đào tạo phối hợp này, cử nhân ngành Vật lý Kỹ thuật của Trường ÐHCN tốt nghiệp loại giỏi được tuyển thẳng vào năm thứ hai (M2) của chương trình đào tạo hai năm cấp bằng thạc sĩ của Ðại học Paris-Sud 11, cử nhân ngành CNTT loại khá trở lên được xem xét tuyển thẳng vào năm thứ hai (M2) của chương trình đào tạo cấp bằng thạc sĩ của Ðại học Claude Bernard Lyon 1 (CH Pháp). Trường ÐHCN đang tự tin hội nhập quốc tế hiện thực hóa mục tiêu sinh viên: tốt nghiệp của trường "đến đâu cũng làm việc được, trong lẫn ngoài nước mà không cần qua đào tạo lại" (4).

Giai đoạn 2004-2009, Trường ÐHCN đã có gần 150 công trình khoa học công bố quốc tế (35 công trình đăng tại các tạp chí, hơn 110 công trình đăng tại các kỷ yếu hội nghị khoa học). Hai nhà khoa học của trường có H-index (chỉ số đánh giá mức độ ảnh hưởng về hoạt động nghiên cứu qua các công trình công bố quốc tế) cao được Nhà xuất bản Elsevier Science tặng Giải thưởng Scopus (Scopus Award). Ba năm liền, các nhóm khoa học của trường đều đạt giải thưởng tại các cuộc thi Nhân tài Ðất Việt và Trí tuệ Việt Nam. Trường là đơn vị đào tạo đại học được nhận giải thưởng Quả Cầu vàng Công nghệ Thông tin nhiều nhất trong cả nước, với 7 giảng viên và sinh viên đạt giải.

Hội thảo khoa học với tập đoàn NEC - Nhật Bản

Trường ÐHCN là trường đại học đi tiên phong trong hoạt động liên kết có hiệu quả và bền vững với các viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất trong đào tạo và nghiên cứu. Hiện có 36 nhà khoa học (7 TSKH, 28 TS với 11 GS và 13 PGS) từ các viện chuyên ngành thuộc Viện KH&CNVN là giảng viên kiêm nhiệm được hưởng lương từ Trường ÐHCN. Ðây là lực lượng cán bộ khoa học nòng cốt của Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa và lực lượng giảng viên quan trọng của Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nanô. Khoa Cơ học kỹ thuật - Tự động hóa của Trường ÐHCN là khoa phối thuộc của Viện Cơ học, trong đó, các nhà khoa học của Viện Cơ học, Viện Công nghệ Vũ trụ trực tiếp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy và hướng dẫn sinh viên. Sinh viên ngành Cơ học Kỹ thuật của Trường ÐHCN được thực hành, thực tập trong các phòng thí nghiệm hiện đại của các viện này. Trường ÐHCN phối hợp với Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) thuộc Bộ Công thương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo ngành Công nghệ Cơ điện tử tại Trường ÐHCN. Chương trình đào tạo này kết hợp được thế mạnh về Công nghệ Thông tin, Công nghệ Ðiện tử - Viễn thông sẵn có của Trường ÐHCN, thế mạnh về Cơ Ðiện tử, Công nghệ Máy Công nghiệp của Viện IMI, đồng thời thế mạnh về Cơ học kỹ thuật và Cơ Ðiện tử của Viện Cơ học và được định hướng đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao về Cơ Ðiện tử của đất nước nói chung và của chính Viện IMI nói riêng. Viện IMI là thành tố quan trọng trong tổ chức thực hiện chương trình, tham gia Ban Ðiều hành chương trình đào tạo, cử các chuyên gia giỏi giảng dạy, cung cấp các phòng thực hành công nghiệp. Ðặc biệt IMI đã cấp 110 suất học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên và sẽ là cơ sở thu hút, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường vào làm việc. Phối hợp với các viện nghiên cứu và các tập đoàn công nghiệp theo mô hình này, Trường ÐHCN cũng có điều kiện tốt để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất với diện tích mặt bằng hạn chế của mình.

Trong năm năm qua, Trường ÐHCN đã tuyển dụng thêm được 35 tiến sĩ, đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt gần 60% tổng số giảng viên cơ hữu. Trường đã cử được gần 40 cán bộ trẻ đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Trường ÐHCN đang là địa chỉ hấp dẫn các cán bộ khoa học có trình độ cao, được đào tạo từ nhiều nước trở về tham gia giảng dạy và nghiên cứu.

Phối hợp hiệu quả với các viện nghiên cứu, với các tập đoàn công nghiệp hàng đầu, với các trường đại học tiên tiến ở khu vực và thế giới là một trong những giải pháp có tính bền vững cùng với cố gắng vượt bậc để phát huy nội lực của mình, Trường ÐHCN đang tiến những bước dài trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến trong khu vực, dần tiến tới trình độ thế giới.

................................................

1- Thông báo số 315-TB/T.Ư kết luận phiên họp Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam ngày 28-8-2000.

2- Quyết định Số 92/2004/QÐ-TTg ngày 25-5-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường đại học Công nghệ thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội.

3- Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam.

4- Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ngày 26-4-2007.

 Theo Nhân dân
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :