Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Hiệu quả từ chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học Pháp Việt
(GD-ĐT) - Nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ Pháp và Việt Nam, chương trình đào tạo Thạc sỹ ngành “Thông tin, Hệ thống và Công nghệ”đã ra đời, với sự tham gia đào tạo và cấp bằng của gần 20 trường đại học Pháp, cùng các đại học thành viên của hai Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐHQG Tp.HCM.

Bên cạnh những nỗ lực đào tạo tại Việt Nam, chính sách học bổng trong mười năm qua đã giúp cho hơn 3.500 học sinh, sinh viên Việt Nam sang Pháp học sau đại học hoặc để thực tập đối với các bác sỹ. Cách làm này đang được coi là “đi tắt, đón đầu” hợp lý và hiệu quả đối với Việt Nam trong nỗ lực đưa GDĐH từng bước vươn tới đẳng cấp quốc tế cũng như thực hiện nhiệm vụ đào tạo 20.000 tiến sĩ mà Chính phủ đề ra. Báo GD&TĐ điện tử đã có cuộc phỏng vấn những người trong cuộc.

TS. Trần Xuân Tú (Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội): Kể từ khi thực hiện chương trình đến nay, mỗi năm chúng tôi tuyển khoảng 20 đến 30 học viên từ những SV có học lực khá giỏi từ các ngành KHCN liên quan vào học chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ này. Cần phải nói đây là một chương trình đào tạo rất nghiêm túc, chất lượng dạy-học được giám sát khá khắt khe, học viên sẽ được học theo 2 chuyên ngành: Mạng và Truyền thông (chương trình học hai năm, học viên có thể tham gia xét tuyển thẳng vào năm thứ hai); Công nghệ Micro-Nano (chương trình học một năm), chương trình của Pháp, giảng viên là các giáo sư đến từ các đại học Pháp, có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam, văn bằng do Đại học Paris-Sud 11 cấp.

Có thể nói là đây là một chương trình đào tạo chất lượng quốc tế với một thương hiệu đã được khẳng định và chi phí học tập hợp lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cho đến nay kinh phí để duy trì chương trình ngoài học phí thu từ học viên chúng tôi lấy từ hai nguồn: tài trợ của chính phủ Pháp và kinh phí đối ứng từ phía Việt Nam. Đơn cử như việc mời một giáo sư Pháp sang giảng dạy một tuần, chúng tôi phải trả khoảng 8.000 USD – kinh phí này lấy từ nguồn tài trợ bởi hai chính phủ.

GS. Yves Bernard (Giảng viên Đại học Paris-Sud 11): Tôi được biết Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực và quyết tâm triển khai đào tạo 20.000 tiến sỹ. Đại học Paris-Sud 11 của chúng tôi được Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp với Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện Chương trình hợp tác đào tạo Thạc sỹ Thông tin, Hệ thống và Công nghệ. Đây là một chương trình đào tạo tiêu chuẩn Châu Âu, gắn kết đào tạo, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng tạo nền tảng cho việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao các họat động công nghiệp và nghiên cứu đang phát triển nhanh chóng và được ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam.


 

SV, NCS được tếp cận và thực hành trên công nghệ tiên tiến

Học viên theo học yêu cầu đầu tiên đối với chúng tôi là tiếng Anh phải nghe nói, đọc viết thành thạo và là cử nhân kỹ sư tốt nghiệp các ngành, chuyên ngành Công nghệ Thông tin, Điện tử, Viễn thông, Toán-Tin ứng dụng, Vật lý Vô tuyến, Vật lý Chất rắn, Vật lý Kỹ thuật, Khoa học Vật liệu. Các giáo sư của Đại học Paris-Sud 11 và Trường Đại học Công nghệ sẽ phỏng vấn trực tiếp các thí sinh. Kết quả đánh giá và tuyển chọn sẽ dựa trên kiến thức lý thuyết, kinh nghiệm nghề nghiệp, kỹ năng ngôn ngữ cũng như sự yêu thích, gắn bó của thí sinh với chuyên ngành được đào tạo và công việc sau này mà thí sinh đó hướng tới. Chúng tôi đặc biệt ưu tiên và cũng mong muốn là mục đích của học viên hướng tới việc tham gia vào các lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy phát triển hạ tầng ở Việt Nam.

Trang Công Chung – thủ khoa Điện tử Viễn thông (Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2008, học bổng thạc sỹ ngành Thông tin, hệ thống và Công nghệ: Được học bổng, học với một chương trình tiên tiến của nước ngoài chắc chắn là mong muốn của nhiều sinh viên. Nhưng em nghĩ không phải là quá khó, quan trọng là mình phải biết định hướng bản thân, có được mục tiêu rõ ràng. Ngay từ khi bước chân vào đại học năm thứ nhất, em đã chuẩn bị và lên một kế hoạch học tập liên tục, quan điểm của em là cái gì các thầy dạy thì cố mà học cho hết, không hiểu thì hỏi ngay – chắc chắn không có giảng viên nào từ chối trả lời sinh viên.

Bên cạnh các câu hỏi liên quan đến kiến thức nền tảng, các thầy có hỏi “em suy nghĩ gì khi theo học chương trình này, mục đích học tập và định hướng công việc trong tương lai?”. Em đã trả lời mục đích chính là Việt Nam đang rất cần những chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ để hiện đại hóa đất nước. Em mong muốn đóng góp phần công sức của mình vào việc đó.

 Tích Thiện - Giáo dục thời đại Online
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :