KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >    >  
Việc giao lưu giữa các trường đại học có ý nghĩa rất lớn

VIỆC GIAO LƯU GIỮA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÓ Ý NGHĨA RẤT LỚN

(Lee Ki Jun - Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul)

 

Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn ông Giám đốc Đào Trọng Thi và Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt lần này. Đây là lần thứ ba chúng ta lại bắt đầu tổ chức một cuộc hội tụ với cùng một mục tiêu của 4 trường đại học: Tokyo, Bắc Kinh, Hà Nội và Seoul. Với cuộc gặp lần này, chúng ta lại tìm được những giá trị Á châu, để tiếp tục cố gắng vun đắp nên những tri thức cộng đồng trong thời đại toàn cầu hoá. Tôi chắc chắn rằng hội nghị lần này sẽ đóng góp nhiều cho việc định nên giá trị quan mới của châu Á sau này. Đồng thời thông qua hội nghị lần này, tôi tin tưởng rằng quan hệ hợp tác giữa 4 trường đại học của chúng ta sẽ càng được củng cố và sẽ không còn xa nữa ngày thành lập nên một mạng các trường đại học tiêu biểu ở châu Á.

Tôi nghĩ rằng các trường đại học trên thế giới hiện nay đang trải qua những quá trình có nhiều thay đổi lớn. Đó là bởi các trường đại học không còn tồn tại một cách riêng biệt nữa, họ đang cố gắng mở ra những bước tiến mới cho sự nghiệp giáo dục thông qua việc liên hợp và giao lưu giữa các trường đại học. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng nên đánh giá cao những nỗ lực của bốn trường đại học trong việc tập trung lại, cùng thảo luận về những vấn đề đang quan tâm, tăng cường sự giao lưu và củng cố thêm quan hệ hợp tác.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay, việc giao lưu giữa các trường đại học có ý nghĩa rất lớn. Nên nhân dịp này, tôi xin được đưa ra bàn luận về phương thức giao lưu ở một cấp độ mới. Trong quá khứ, giao lưu truyền thống giữa các trường đại học thường được tiến hành bằng phương thức giao lưu “song phương”. Đây là phương thức tiến hành qua việc trao đổi giảng viên hay sinh viên giữa hai trường đại học, qua một thời gian thực hiện, nó đã cho thấy những đóng góp đáng kể trong việc hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hoá. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc giao lưu song phương rõ ràng là cũng có giới hạn ở mức độ nào đó. Nói khác đi là việc giao lưu giữa hai bên có hạn chế là hiệu quả của nó chỉ chung chung bề ngoài.

Tôi quan sát bối cảnh xã hội đang thay đổi nhanh chóng trên thế giới và cho rằng không thể không đưa ra những phương thức để có được sự giao lưu giữa các trường đạt được hiệu quả hơn về mọi mặt. Có thể xem hình thức giao lưu nhiều thành phần mà 4 trường đại học chúng ta đang thực hiện là sự đánh dấu một bước khởi đầu. Tuy nhiên đây không hoàn toàn là một sự giao lưu đơn thuần giữa nhiều thành phần, nó đồng thời còn là bước chuẩn bị cho việc tìm đến với một mạng lưới giáo dục có tính thực tiễn, kết hợp được sức mạnh của các trường đại học cùng tham gia. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ không thể không cố gắng hết sức hướng tới việc liên kết thành một mạng lưới (network) giữa các trường đại học.

Mạng các trường đại học đã tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng những mạng liên kết có nội dung hoạt động mang tính chất thực tế thì không nhiều. Để có một mạng lưới các trường đại học thực sự, chương trình giáo dục hiện nay của các đại học thành viên phải tạo ra được những cơ hội mà sinh viên các trường có thể cảm nhận được sự hợp nhất. Có nhiều mạng kết nối các trường đại học trên thế giới, nhưng thực tế rất ít trường hợp có thể đưa ra được những chương trình cụ thể như vậy.

Tôi cảm thấy cần thiết phải phát triển những cuộc gặp mặt của chúng ta thành những cuộc gặp mặt cho việc thành lập nên mạng lưới giáo dục giữa các trường đại học, khi chúng ta nói đến những ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu văn hoá châu Á của 4 trường đại học. Đây là bước tiến đi từ suy nghĩ đến thực tiễn. Vì vậy, tôi có ý kiến rằng chúng ta nên nghĩ đến các bước chuẩn bị cho việc thành lập mạng các trường đại học. Qua đó, đưa ra được những phương án để có thể gây dựng nên những chương trình cụ thể hơn. Tất nhiên đây không phải là công việc của một thời, một lúc, nhưng bước tiến đầu tiên là bước quan trọng. Những suy nghĩ của chúng ta, sau này, có thể không chỉ dừng lại ở khu vực châu Á, có thể sẽ là viên gạch nền móng cho hoạt động mạng đại học ở cả vùng Thái Bình Dương và hơn nữa, có thể sẽ trở thành mô hình quan trọng của giáo dục cấp cao trên thế giới.

Một lần nữa tôi xin cảm ơn ông Đào Trọng Thi, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tạo cơ hội gặp gỡ tốt đẹp cho chúng tôi. Nhân dịp này, tôi cũng xin cảm ơn các vị đại biểu từ đại học Bắc Kinh, Tokyo, ông Hiệu trưởng Đại học Tokyo đã tham gia thảo luận. Nếu thời gian cho phép, tôi hy vọng vấn đề tôi vừa đưa ra sẽ được lưu ý bàn tới. Hy vọng hội nghị đạt được những kết quả tốt đẹp.

            Xin cảm ơn.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :