KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >    >  
Sự cần thiết phải triển khai đề án

Phần 1: Mở đầu

1.1 SỰ CẦN THIẾT PHẢI TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN

Toàn cầu hoá đẩy các nền giáo dục đại học của các nước đang phát triển vào cuộc cạnh tranh không cân sức và bất lợi đối với các trường đại học của họ trong thị trường dịch vụ giáo dục đại học tự do (GATS). Mặt khác toàn cầu hoá cũng dễ dẫn đến chảy máu chất xám từ các nước đang phát triển và phai nhạt bản sắc dân tộc. Để đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn các yêu cầu của toàn cầu hoá, phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, ĐHQGHN cần liên tục đổi mới theo một chiến lược nhất quán với tầm nhìn rộng nhằm vào việc (i) phát triển khả năng cốt lõi và tính cạnh tranh, (ii) đáp ứng cao độ nhu cầu kinh tế - xã hội của quốc gia và (iii) cung cấp cho sinh viên kiến thức phù hợp với thời đại và đòi hỏi của thị trường. ĐHQGHN cần phải nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu để có được (i) đội ngũ giảng dạy uy tín và chất lượng; (ii) giáo trình phù hợp với nhu cầu của thời đại và đất nước; (iii) cung cấp được cho sinh viên khi ra trường các kiến thức đại học cao, các chuyên môn sâu rộng và các kỹ năng cá nhân cần thiết giúp sinh viên thành công trong xã hội và thương trường.

Trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong những thập niên gần đây, hệ thống giáo dục đại học ở các nước trên thế giới đã và đang có những biến đổi sâu sắc về quy mô, cơ cấu loại hình, mô hình đào tạo, về mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học, cơ chế quản lý... với xu hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Tuyên bố thế giới của UNESCO về giáo dục đại học (Paris-1998) đã chỉ rõ: "Phải bảo vệ và phát triển các chức năng cơ bản của giáo dục đại học bằng cách hướng tất cả mọi hoạt động nhà trường đáp ứng những yêu cầu đạo đức, tính nghiêm túc khoa học và trí tuệ. Phải tăng cường chức năng khám phá và phê phán như sự phân tích thường xuyên mọi xu thế mới về xã hội, kinh tế, văn hoá, chính trị...". Nhà trường nói chung và đại học nói riêng đã và đang có những bước chuyển cơ bản từ nhà trường truyền thống sang nhà trường hiện đại với "Sứ mệnh của giáo dục đại học là góp phần vào yêu cầu phát triẻn bền vững và phát triển xã hội nói chung”. 

Giáo dục đại học chất lượng cao có một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia, nhất là trong sự cạnh tranh kinh tế trong xu hướng toàn cầu hoá. Đặc biệt phải kể đến bài học của Trung Quốc trong cuộc cải cách giáo dục đại học. Với điều kiện hoàn cảnh đầu tư ngân sách hạn hẹp, không thể đáp ứng theo kiểu đầu tư dàn trải, năm 1993 Trung Quốc có chương trình 211 nhằm xây dựng “100 trường đại học đạt chuẩn”, mỗi trường lại lựa chọn một số ngành đào tạo có thế mạnh về nhân lực và tiềm năng để tập trung phát triển theo chuẩn các trường tiên tiến trên thế giới. Tháng 5 năm 1998, Chính phủ Trung Quốc đã có Đề án 985 nhằm đầu tư xây dựng một số trường đại học sớm đạt đẳng cấp quốc tế như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh.

Giáo dục đại học Việt Nam mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đang còn nhiều bất cập, hạn chế… trong đó đặc biệt là chất lượng thấp, kém khả năng cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do khả năng đầu tư nguồn lực của Nhà nước và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách còn nhiều khó khăn, do đó việc lựa chọn một sô ngành, chuyên ngành có khả năng nhất để tập trung phát triển là một giải pháp khả thi của bài toán “quy mô và chất lượng” hiện nay.

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Để tận dụng được cơ hội, vượt qua được thác thức và cạnh tranh thì  nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, đủ sức để đưa nền kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ Việt Nam phát trển là một nhu cầu cấp thiết.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong những năm gần đây, một số đại học đã xây dựng và phát triển các chương trình liên kết quốc tế. Ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), chương trình liên kết đào tạo quốc tế đã được mở rộng và đa dạng hóa. Đào tạo đại học và sau đại học theo các mô hình khác nhau (hoàn toàn hoặc trong nước và một phần ở nước ngoài; đào tạo tiến sĩ phối hợp...) với nhiều trường đại học trên thế giới (Hoa Kỳ (ĐH Hawaii, Troys), Pháp: (Paris 12, Lyon,..); Đức (Greisfwalls, Dresden,...), Bỉ; Australia, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc). Đã bước đầu áp dụng chính sách học bổng để thu hút sinh viên giỏi vào học các chương trình liên kết quốc tế. Tuy nhiên, chương trình liên kết quốc tế còn nhiều khó khăn như sinh viên vào học vẫn chủ yếu là sinh viên đủ điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảng viên Việt Nam đủ năng lực giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ còn ít, cơ sở vật  chất còn thiếu. Do đó chất lượng đào tạo của hệ này chưa cao theo đánh giá chung. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập khu vực và thế giới, phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Chớnh phủ tại công văn số 1269/CP-KG ngày 6/9/2004 với yờu cầu ... Chỉ đạo hướng dẫn cỏc trường đại học, cao đẳng chọn lọc và đưa vào thí điểm đào tạo một số chương trình và giỏo trình tiên tiến, hiện đại thuộc cỏc ngành khoa học tự nhiờn, kỹ thuật, cụng nghệ và quản lý kinh tế đang được giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài phự hợp với yờu cầu phỏt triển của Việt Nam...”. ĐHQGHN đã chỉ đạo các đơn vị đào tạo chủ động đăng ký tham gia Đề án này.

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam  giai đoạn 2006 đến 2020 đề ra mục tiêu “ Đến 2020 giỏo dục đại học Việt Nam phải đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế gới, có năng lực cạnh tranh cao, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN”. Nghị quyết đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có “tập trung đầu tư, huy động chuyên gia trong và ngoài nước và có cơ chế phù hợp xây dựng thành đại học đẳng cấp quốc tế; “Triển khai việc dạy học bằng tiếng nước ngoài, trước mắt là bằng tiếng Anh, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo và nghiên cứu có khả năng thu hút người nước ngoài vào học”. Nghị định số 07/2006/NĐ-CP của Chính phủ đặt ra mục tiêu nước ta phải xây dựng một số Trường Đại học đẳng cấp quốc tế. Trong bài phát biểu tại Hội đồng Quốc gia Giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chọn hướng đi thích hợp, trước mắt là cần nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, xây dựng giáo trình tiên tiến, nhập các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài, xây dựng hai đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế”. Tại lễ trao Quyết định Bộ trưởng cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tháng 7/2006 và buổi làm việc với Bộ Giáo dục & Đào tạo ngày 11/4/2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị “Xây dựng hai ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM trở thành hai trung tâm đào tạo ngang tầm với thế giới mà sinh viên ở đó tốt nghiệp ra trường có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nếu cần Chính phủ sẽ mua lại các chương trình tiên tiến của nước ngoài” (Báo Giáo dục và Thời đại số 44, ngày 12/4/2007) .Việc xây dựng và triển khai Đề án "Xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn ở ĐHQGHN đạt trình độ quốc tế" là giải pháp khả thi nhất để đạt mục tiêu và thực hiện các nhiệm vụ nói trên theo Nghị quyết 14/2005/NQCP, Nghị định số 07/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 của Chính phủ về Đại học Quốc gia và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Vượt qua thách thức trong cuộc ganh đua quyết liệt vừa  hợp tác, vừa cạnh tranh trong  thế giới hiện đại không chỉ là yêu cầu mà còn là đòi hỏi cấp bách của mỗi quốc gia trong đó nước ta cũng không là ngoại lệ. 

Sau 100 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN mà tiền thân là Trường Đại học Đông Dương, một mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực có quy mô lớn, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài khoa học, công nghệ cho đất nước, đã khẳng định được vị thế của mình trong nền giáo dục đại học Việt Nam. ĐHQGHN đã và đang hết sức nỗ lực phấn đấu trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành, tìm các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tìm các bước đi thích hợp, phát huy được mọi tiềm năng và lợi thế của mình, để sớm trở thành một trung tâm đại học ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hiện nay, ngoài các chương trình đào tạo chuẩn dành cho sinh viên các hệ thông thường, các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN còn có các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao và các chương trình đào tạo liên kết quốc tế.         

          Các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao là những chương trình đáp ứng chuẩn quốc tế, khu vực về nội dung và phương pháp đào tạo, có chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta; Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế là những chương trình đào tạo của  các trường đại học có uy tín của nước ngoài đã được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của Việt Nam, có đội ngũ giảng viên nước ngoài và trong nước đạt chuẩn. Đó là những cơ sở tiền đề quan trọng để ĐHQGHN triển khai đề án này.

Thực hiện chương trình đào tạo tiên tiến theo 2 hướng: quốc tế hoá chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao; theo hướng điều chỉnh nội dung chương trình trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của một số trường đại học cú uy tớn của nước ngoài, giảm thời lượng học trên lớp, tăng thời gian tự học có hướng dẫn và kiểm tra, tăng cường sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy và học tập. Nâng cao chất lượng tuyển sinh cho chương trình đào tạo quốc tế là chương trình đào tạo liên kết với một trường đại học có uy tín của nước ngoài bằng cỏch cấp học bổng có gía trị cao từ các nguồn tài trợ khác nhau để thu hút một bộ phận sinh viên giỏi theo học.

Tóm lại, giải quyết tốt mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng đào tạo; ưu tiên tập trung đầu tư đào tạo chất lượng cao đối với toàn bộ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc một số ngành, chuyên ngành chọn lọc thuộc khoa học cơ bản, công nghệ cao và những ngành kinh tế mũi nhọn là giải pháp quan trọng hiện nay để các đại học Việt Nam nói chung, ĐHQGHN nói riêng nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế. Trước mắt, chúng ta chưa đủ khả năng đầu tư nâng cấp và phát triển toàn bộ hệ thống các trường đại học, do đó cần tập trung “đột phá” để xây dựng mô hình đào tạo chất lượng cao ở quy mô cho phép. Điều đó vừa đáp ứng được nhu cầu trước mắt về cán bộ khoa học cho chiến lược phát triển đất nước, vừa thí điểm mô hình đào tạo mới, chuẩn bị cho cuộc cải cách giáo dục ở quy mô rộng khắp trong tương lai.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :