Giới thiệu chung
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Giới thiệu chung  >  
Giới thiệu chung

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng, giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, giữa khoa học và công nghệ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và thực hiện một số nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm về khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế xã hội mũi nhọn; cung cấp các luận cứ, kết quả nghiên cứu KHCN tầm cỡ quốc gia và tiếp cận chuẩn quốc tế cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
ĐHQGHN là đơn vị hàng đầu về nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam. Với quan điểm giảng viên là nhà khoa học, đào tạo dựa vào nghiên cứu và nghiên cứu phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động nghiên cứu KHCN ở ĐHQGHN không chỉ có nghiên cứu viên mà bao gồm các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học. Nghiên cứu khoa học công nghệ thường xuyên được triển khai ở 6 trường đại học thành viên, 5 viện nghiên cứu và các trung tâm. Các hoạt động KHCN của ĐHQGHN được gắn kết với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tạo ra các sản phẩm KHCN đỉnh cao, có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu cao của xã hội.
Các kết quả nghiên cứu của ĐHQGHN luôn được xã hội đánh giá cao. Nhiều sản phẩm KHCN đã tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, có giá trị thực tiễn cao vừa có đóng góp quan trọng cho phát triển khoa học cơ bản của thế giới vừa được triển khai ứng dụng ở trong nước. Đặc biệt, nhiều công trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV đã thực hiện tốt Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ tư khóa VIII, “bảo đảm luận cứ khoa học cho việc xây dựng các định hướng chiến lược, chính sách, chủ trương, kế hoạch, quy hoạch phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước”. Ngoài ra ĐHQGHN còn thực hiện nhiệm vụ làm đầu mối thông tin cho Hội đồng Lý luận Trung ương. ĐHQGHN đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đề tài KHCN quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như các công trình về “Luận cứ khoa học lịch sử, địa lý và pháp lý của nước CHXHCN Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ, biên giới Tây Nam”...
Các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ của ĐHQGHN rất rộng và đa dạng, từ những vấn đề của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, luật, kinh tế đến những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực nghiên cứu mà ĐHQGHN có thế mạnh là:
Khoa học cơ bản: Toán, Lý, Hóa, Sinh học, Các khoa học trái đất – môi trường.
Công nghệ tiên tiến: Công nghệ sinh học, Công nghệ và khoa học vật liệu, Công nghệ nano và khoa học sự sống, Công nghệ thông tin, Công nghệ điện tử viễn thông,…
Khoa học xã hội và nhân văn: Lịch sử, Ngôn ngữ, Khu vực học, Ngoại ngữ, Tâm lý, Triết học, Văn học, Luật, Kinh tế…
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Thế mạnh và khả năng tích hợp tri thức đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN đã được phát huy hiệu quả trong các nghiên cứu liên ngành như: Nghiên cứu y dược học phục vụ nâng cao sức khỏe, chữa bệnh; nghiên cứu xây dựng, phát triển, bảo tồn văn hóa và chứng minh giá trị toàn cầu các di sản của dân tộc như Khu động Phong Nha Kẻ Bàng, Khu Hoàng thành Thăng Long, Đô thị cổ Hội An và Cố đô Huế, tạo tiền đề rất quan trọng, quyết định để UNESCO công nhận di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới. ĐHQGHN cũng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, tiên phong nghiên cứu và xây dựng ngành biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Nhiều công trình KHCN được tặng những giải thưởng lớn, trong đó có 15 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 11 Giải thưởng Nhà nước. Một số nhà khoa học của ĐHQGHN đã nhận giải thưởng quốc tế, như Giải thưởng Kovalevskaia; 01 cán bộ ĐHQGHN là thành viên nhóm tác giả được Giải thưởng Nobel 2007; 01 cán bộ nhận Giải thưởng COSMOS 2008; 01 cán bộ được trao giải thưởng Hành tinh Xanh 2003 (Blue Planet Prize 2003) – giải thưởng quốc tế về môi trường do Tổ chức Asahi Glass (Nhật Bản) bảo trợ và được coi như tương đương giải Nobel về Môi trường được trao mỗi năm một lần cho 2 tổ chức hoặc cá nhân có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và môi trường. 

- (Video) Lễ ra mắt Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học:

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :