Bản tin
Trang chủ   >   >    >  
Giáo sư Trần Quốc Vượng - Ngọn lửa sáng mãI đầu non
2 giờ 55 phút ngày 8/8/2005, tức ngày 4 tháng 7 năm ất Dậu - Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú, Chuyên gia cao cấp Trần Quốc Vượng - nhà sư phạm xuất sắc, nhà khoa học tài danh của chúng ta đã đi vào cõi vĩnh hằng. Bản tin ĐHQGHN xin trân trọng đăng toàn văn Bài điếu của Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN do PGS.TS Phạm Xuân Hằng - Hiệu trưởng Nhà trường đọc tại Lễ truy điệu GS. Trần Quốc Vượng ngày 12/8/2005...

Kính thưa toàn thể tang quyến,

Kính thưa các cụ, các ông các bà, các bác và các anh, các chị,

Thưa các đồng chí và các bạn,

GS. Trần Quốc Vượng, nhà sư phạm xuất sắc, nhà khoa học tài danh của chúng ta không còn nữa. Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được tập thể các bác sĩ, chuyên gia y tế tận tình cứu chữa; gia đình, Nhà trường, đồng nghiệp và học trò hết lòng chăm sóc, nhưng vì sức yếu, bệnh trọng, GS. Trần Quốc Vượng đã vĩnh biệt chúng ta vào hồi 2 giờ 55 phút ngày 8/8/2005, tức ngày 4 tháng 7 năm ất Dậu.

Hôm nay, đại diện Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Công đoàn và các đơn vị của Trường ĐHKHXH&NV cùng các cơ quan khoa học, các tổ chức xã hội, bạn bè, đồng nghiệp, bà con khối phố, các thế hệ học trò… có mặt tại đây để bày tỏ tình cảm mến yêu, kính trọng, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và tiễn biệt một nhà giáo đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp "trồng người".

Kính thưa các quý vị,

GS. Trần Quốc Vượng quê gốc ở xã Lê Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; sinh ngày 12/12/1934 tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, là con trai út của một gia đình có nhiều người sớm được giác ngộ và đi theo con đường cách mạng của Đảng.

Vào giữa năm 1956, sau khi tốt nghiệp ngành Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thầy được phân công làm trợ lý cho GS. Đào Duy Anh ở Bộ môn Cổ sử Việt Nam của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là một cán bộ trẻ xuất sắc, giàu tâm huyết với nghề, ngay sau khi về làm việc ở Khoa Lịch sử, được sự động viên, khích lệ của các giáo sư Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh… nhà sử học mới ngoài 20 tuổi Trần Quốc Vượng đã lao vào dịch và chú giải "Việt sử lược". Những năm tiếp sau đó, Thầy đã là tác giả và đồng tác giả của các công trình như "Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ Việt Nam", "Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”… Từ đó đến nay đã gần 50 năm trôi qua, GS. Trần Quốc Vượng vẫn gắn bó thuỷ chung, “dốc một lòng, trông một đạo” cho Khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN.

Bên cạnh việc giảng dạy và nghiên cứu Cổ sử Việt Nam, Thầy đã sớm chú tâm xây dựng ngành Khảo cổ học và chính Thầy đã trở thành một trong những người đầu tiên nghiên cứu và giảng dạy về Khảo cổ học theo quan điểm Mác xít ở Việt Nam. Từ năm 1959 đến nay, hầu như không có một di chỉ, một phát hiện khảo cổ học quan trọng nào trên đất nước ta lại không gắn liền với công lao phát hiện hoặc tham gia của Thầy. Là một trong những nhà khảo cổ học đầu ngành, cùng với các đồng nghiệp, GS. Trần Quốc Vượng đã góp phần định danh, làm rõ những đóng góp và giá trị tiêu biểu của các nền văn hoá, các thời đại văn hoá Việt Nam trong mối liên hệ và tương quan với môi trường văn hoá của khu vực và thế giới.

Trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu, GS.Trần Quốc Vượng là người đã góp phần xây dựng Bộ môn Khảo cổ học, có công gây dựng Trung tâm Nghiên cứu liên Văn hoá - Lịch sử, Bộ môn Văn hoá Du lịch, Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam và môn Địa lý Nhân văn. Chính Thầy cũng là một trong những người khơi mở và đi đầu trong hướng tiếp cận liên ngành và đa ngành giữa Cổ sử và Khảo cổ học với Nhân học - Văn hoá học - Môi trường sinh thái học...

Ngoài công tác đào tạo và nghiên cứu ở Khoa Lịch sử, từ năm 1976 đến nay Thầy còn giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội. Từ năm 1989 đến nay, Thầy liên tục được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Văn hoá - Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Với ngành Sử học, GS. Trần Quốc Vượng là Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội khoá II và là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khoá IV, khoá V.

Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, Đơn vị Anh hùng không thể có được những thành tựu và vinh dự như ngày hôm nay, nếu không có sự đóng góp công sức và trí tuệ của những người thầy, những nhà khoa học gắn bó, say mê, yêu nghề, yêu người như thầy Trần Quốc Vượng.

Là một trong bốn người được các thế hệ học trò Khoa Lịch sử tôn vinh là "tứ trụ" của Khoa, mà Thầy vẫn dân dã, gần gũi, hết mực quý mến học trò, đồng nghiệp. Tên tuổi của Thầy trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ học trò. Hàng trăm sinh viên và học viên cao học, hàng chục nghiên cứu sinh đã được Thầy trực tiếp hướng dẫn và đào tạo. Trong việc bồi dưỡng phẩm chất khoa học cho học trò, Thầy luôn gay gắt mà chân tình, nghiêm khắc mà rất mực bao dung. Nhiều người trong số các học trò được thầy dìu dắt, nay đã thành danh và có những người đang đảm trách những cương vị quan trọng trong các cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.

Suốt đời mình, GS. Trần Quốc Vượng đã thể hiện nhất quán một tấm lòng vì khoa học đến mức đam mê; "Ngàn cuốn sách đọc rồi, chưa biết chán, muôn nẻo đường đã trải, vẫn thèm đi". Thầy ngang dọc khắp mọi miền Tổ quốc, "Theo dòng lịch sử" của dân tộc để "Tìm tòi và suy ngẫm". Thầy "Đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam" để thấu hiểu “Con người, môi trường và văn hoá” “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật”. Thầy thường tâm sự: nếu không đi thật nhiều, không nói thật nhiều và không viết thật nhiều thì thầy không còn là chính thầy nữa. Chẳng quản gối mỏi chân chồn, "rong ruổi nơi đầu nguồn cuối biển”, Thầy đã vừa đi, vừa học, vừa chiêm nghiệm, thực sự dấn thân vào con đường khoa học đầy gian lao, tạo nên một cá tính, một phong cách khoa học độc đáo Trần Quốc Vượng trong làng Sử học, Khảo cổ học và Văn hoá học nước nhà.

Nửa thế kỷ qua, Thầy là tác giả và đồng tác giả của hơn 50 đầu sách, hàng trăm chuyên luận khoa học công bố trên các loại tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Trong những ngày lâm trọng bệnh, Thầy vẫn trăn trở với một số công việc còn dang dở và tiếp tục động viên các học trò theo đuổi các dự định nghiên cứu. Trước lúc đi xa, Thầy còn gắng gượng để chỉnh sửa, hoàn thiện một số bài viết về quê hương Hà Nam bằng tình cảm biết ơn đối với nơi nguồn cội.

Là một nhà khoa học có uy tín, GS. Trần Quốc Vượng đã được mời tham gia và chủ trì nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Thầy đã góp công gây dựng, thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế cho nhiều ngành đào tạo của trường, qua đó bước đầu tạo điều kiện để hội nhập với môi trường học thuật khu vực và quốc tế.

Nổi tiếng trong nước và nước ngoài về các khoa học Lịch sử, sắc sảo và thông tuệ, hiểu nhiều, biết rộng trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, nay GS. Trần Quốc Vượng ra đi là một tổn thất lớn đối với Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, tổn thất lớn đối với ngành Sử học, Khảo cổ học, Văn hoá học và Việt Nam học nước nhà. Nhưng, "thác là thể phách, còn là tinh anh"; ngọn lửa đầu non còn sáng mãi. ánh lửa trong các công trình nghiên cứu và quan điểm học thuật sâu sắc của Thầy vẫn đang toả sáng. Những thông tin khoa học quý giá và những ý tưởng khoa học mới mẻ của Thầy vẫn đang chờ chắp cánh bay lên.

Do có nhiều cống hiến nổi bật, năm 1980, Thầy được Nhà nước phong học hàm Giáo sư và đến năm 1990, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Bên cạnh những huy chương Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp giáo dục, Vì sự nghiệp khoa học - công nghệ, Vì sự nghiệp văn hoá - nghệ thuật, Vì sự nghiệp văn hoá dân gian, Vì sự nghiệp biên phòng… GS. Trần Quốc Vượng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các huân chương cao quý: Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đối với gia đình, GS. Trần Quốc Vượng luôn là người chồng, người cha, người ông thuần hậu, thân thương. Thầy luôn dành cho những người thân sự săn sóc, động viên và tình yêu thương hết mực.

Thưa hương hồn Thầy Trần Quốc Vượng kính mến.

Dẫu biết rằng sinh tử là quy luật ở đời, nhưng trong giờ phút tử biệt sinh ly này, làm sao tránh khỏi nỗi thương đau. Toàn thể cán bộ, viên chức Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN cùng tất cả những người thân, đồng nghiệp, bạn bè, học trò… của Thầy xin được kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, chuyên gia cao cấp Trần Quốc Vượng, nhà sư phạm xuất sắc, nhà khoa học tài năng của nền Sử học, Khảo cổ học và Văn hoá học nước nhà.

Thầy trò Trường ĐHKHXH&NV nguyện kế tục xứng đáng tấm gương lao động tận tụy, sáng tạo, một lòng tâm huyết với nghề với đời của Thầy. Nhà trường và tập thể Khoa Lịch sử cùng bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò vẫn luôn luôn bên cạnh gia đình Thầy như đã bên cạnh Thầy trong suốt nửa thế kỷ qua.

Cầu mong hương hồn Thầy được an giấc ngàn thu trong cõi vĩnh hằng.

Kính thưa toàn thể tang quyến,

Trong giờ phút buồn đau chung này, thay mặt cán bộ, viên chức Nhà trường cùng bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của GS. Trần Quốc Vượng, chúng tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và xin gửi tới quý quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.

Kính thưa các quý vị,

Chúng ta hãy dành một phút mặc niệm để vĩnh biệt GS. Trần Quốc Vượng kính mến và đưa Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng./.

 Điếu văn của ĐHKHXH&NV - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :