ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Ngôi nhà 19 Lê Thánh Tông trong lòng tôi
Ngôi nhà 19 phố Lê Thánh Tông ngày nay là biểu tượng của Đại học Quốc gia Hà Nội trong kế thừa sự nghiệp của trường Đại học Đông Dương ngày trước và Đại học Tổng hợp Hà Nội sáng danh trong bốn thập kỷ mới đây. Toà lâu đài với dáng cổ là ngôi đền khoa học - đào tạo của bao thế hệ. Mai ngày, dầu làng Đại học Quốc gia ở Hoà Lạc có những kiến trúc đẳng phương với những quảng trường, cao ốc nguy nga tráng lệ thì “Ai đã một lần qua nơi ấy, lòng vẫn không quên nơi này”.

Tôi chưa bao giờ được học ở khu nhà 19, nhưng hơn bốn mươi năm qua, những ngày những tháng tới lui trong học hành và công việc đã để lại lòng tôi bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu cảm xúc… và hơn thế nữa, với tôi, từ khi còn nhỏ dường như tôi đã có tơ vương với chốn này…

 Mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi còn bé lắm, mới lên bốn lên năm, sống ở vùng kháng chiến và còn chưa biết chữ. Cha tôi dạy học, tôi hay quẩn quanh ở bên ông đòi xem tranh ảnh. Tôi xem hết các tranh, ảnh trong sách vở và cả trong những cuốn từ điển tiếng Pháp của cha tôi, và tôi thuộc lòng, đôi khi cả một số từ tiếng Pháp trong đó. Một lần, có nhà điền chủ có tiếng ở địa phương, ông Phùng Quang Lan, đến chơi. Ngồi trên lòng cha tôi thấy hai người nhắc đến từ famille, tôi liền nói ngay là gia quyến. Ông ấy kinh ngạc và rồi có tin đồn tôi chưa biết chữ ta đã biết tiếng tây! (sau này phải dự thi tiếng Pháp để đi làm chuyên gia, tôi nhớ lại vừa tiếc là không học đến nơi, vừa ngượng vì học mãi không vào). Thấy thế, cha tôi bảo tôi: “Con phải học chữ ta thôi, tha hồ mà đọc sách”, rồi ông lấy cho tôi bộ Quốc văn giáo khoa thư, chọn quyển dành cho lớp đồng ấu (vỡ lòng) để học mỗi ngày một ít. Trong bộ sách đó có cuốn Luân lý giáo khoa thư, dạy cách làm người. Tôi rất thích cuốn sách này vì ngoài các bài rất hay còn có nhiều tranh minh họa. ở cuối sách có các hình ảnh tiêu biểu cho Đông Dương, phần Bắc Kỳ tôi nhớ nhất tranh vẽ ga Hàng Cỏ và trường cao đẳng. Trường Cao đẳng chính là ngôi nhà 19 Lê Thánh Tông với cái vòm cao và có hàng rào sắt. Tôi hỏi cha tôi: Trường cao đẳng là gì? Cha tôi giải thích: Con cố học cho giỏi, học hết lớp đồng ấu, tiểu học, trung học rồi vào trường Cao đẳng ở Hà Nội. Tôi hỏi cha: Thế ba có học trường Cao đẳng không? Cha tôi lại nói: Nhà ta nghèo, ba muốn học, nhưng ba chỉ học hết Quốc học Vinh rồi đi dạy học để nuôi gia đình ta. Tôi im lặng rồi nói: “Lớn lên con sẽ vào trường cao đẳng”. Chắc chắn cha tôi mừng vì lời nói ngây thơ của trẻ nhưng ông luôn chú tâm dõi theo tôi học hành ra sao về sau.

 
Hoà bình lập lại, từ vùng kháng chiến theo mẹ về Hà Nội thăm quê ngoại, tôi ngơ ngác trước đèn điện và thành phố lớn, tuy lúc ấy rất thưa người. Một chiều đông, mẹ tôi dẫn tôi qua các phố, qua Nhà hát lớn một đoạn thấy toà nhà cao cao có vòm, bậc thềm cũng cao lắm, mẹ tôi nói: Đây là trường đại học đấy. Tôi nhìn cái hàng rào sắt và nhận ra ngay đây chính là trường cao đẳng trong tranh sách năm xưa, tôi cãi mẹ: Đây là trường cao đẳng chứ. Mẹ tôi giải thích: Xưa gọi là trường cao đẳng theo tiếng tây, nay ta gọi là trường đại học, con nhìn kìa. Tôi ngước lên vòm cao. Trên vòm cao có mấy chữ Trường Đại học Việt Nam đắp nổi khá to. Tôi không dám nhắc lại lời năm xưa với mẹ, vì lúc ấy tôi mới chỉ vừa học xong tiểu học (lớp 4 ngoài vùng kháng chiến).

 Mùa thu năm sau (1955), cha tôi đại diện cho ngành giáo dục tỉnh tham dự Triển lãm giáo dục toàn quốc. Ông mang theo tôi về Hà Nội để xem. Chúng tôi đến Hà Nội giữa cơn bão lớn, cây đổ ngổn ngang, nước lội đến bụng từ ga Hàng Cỏ đến nhà ngoại tôi ở phố Nguyễn Khuyến. Hôm sau, cha con tôi tìm đến triển lãm. Triển lãm lớn đặt ngay trong toà nhà 21 Lê Thánh Tông, một đơn nguyên của trường đại học mà sau đó, trong mấy chục năm, Bộ Giáo dục đã mượn để làm trụ sở.

 Ngồi nghỉ trong vườn hoa nhỏ trước trường, cha tôi giải thích: “Đây là vườn hoa Tao - Đàn (năm 2002, vừa đổi thành vườn hoa H.Mácti) để nhớ tới một nhóm học giả văn chương giỏi giang với hai mươi tám người chung quanh vua Lê Thánh Tông ngày xưa. Trước trường đại học có đường Lê Thánh Tông, lại có vườn Tao-Đàn, đặt như vậy là hay lắm”. Trong mấy ngày làm việc ở triển lãm, ngoài việc xem các hiện vật , cha tôi dẫn tôi đi xem khắp toà nhà kiểu tây, có cầu thang gỗ lim to và rất đẹp. Tôi nhìn sang sân trường đại học, có hai sân bóng rổ, có nhiều cây và những ngôi nhà với hành lang rất đẹp, nhưng không được sang đó. Cha tôi nói cánh bên trái đối diện là trường Đại học Y- Dược khoa, còn chính giữa là của trường Sư phạm cao cấp và trường Khoa học cơ bản cao cấp, lúc đó (1955) còn chưa có trường Đại học Tổng hợp. Cả khu này có từ đầu thế kỷ với các khoa sư phạm, y dược, luật khoa, nông lâm.

 Miền Bắc xây dựng trong cảnh yên bình, khi tôi học lớp 6 thì nghe nói ở Hà Nội có thêm nhiều trường đại học mới mở như trường Đại học Bách khoa, Sư phạm, Tổng hợp, Học viện Nông - Lâm,… Trường Tổng hợp đặt ở Lê Thánh Tông. Khi tôi sắp lên học cấp 3, thì nghe nói đại học ngoài Hà Nội có những chuyện thăng trầm không vui mà sau này vào học khoa Ngữ Văn tôi mới được biết về cái khoảng thời gian khó khăn đó.

Tôi vẫn ao ước có ngày được vào trường đại học

Đầu hè năm 1961, tôi học xong phổ thông. Không có tên trong danh sách những học sinh được cử tuyển đi học ở nước ngoài, tôi đã nộp đơn thi vào đại học. Nhớ tới ngôi trường Cao đẳng trong sách thuở nhỏ, có học vấn khá về các môn khoa học nhân văn, tôi xin thi vào ngành Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp với mong ước được bước chân vào ngôi nhà ở phố Lê Thánh Tông. Thuở ấy, chỉ có những học sinh giỏi, có năng khiếu mới dám thi vào Đại học Tổng hợp.

 Sau một kỳ thi đáng nhớ ở Nam Định với “muối dầu gạo củi tự mình phải lo” và một vụ hè chờ đợi, tôi đã trúng tuyển. Cha tôi báo tin này cho tôi với niềm vui trong một bức thư gửi từ Hà Nội, nơi ông đang có công tác. Tôi nhớ mãi cha tôi viết: “Sáng nay, ba đến trường ở phố Lê Thánh Tông để xem đã có kết quả thi đại học của con chưa thì vừa lúc người ta mang kết quả ra dán. Con đã đỗ trong danh sách 43 người trúng tuyển. Thế là nhà ta rất vui, mong con sẽ cố gắng học tập”. Cha tôi là người rất điềm đạm và thận trọng, ông viết như thế nghĩa là ông vui lắm. Cuối tháng Tám, tôi và anh Lê Mậu Nam, một bạn tôi đỗ vào trường Kinh tế (nay đã là liệt sĩ) khăn gói đi chuyến tàu chợ về Hà Nội để vào đại học. Mẹ tôi tiễn tôi một đoạn đường, bà nhìn tôi hồi lâu. Thế là tôi rời tổ ấm để vào đời năm mười bảy tuổi rưỡi.

 Hà Nội đang rực rỡ cờ hoa chuẩn bị cho ngày Quốc khánh. Hôm sau, tôi nóng lòng nên lượn qua cổng trường ở phố Lê Thánh Tông để ngó nghiêng, còn nghỉ hè nên trường vắng, tôi không dám vào vì thấy một ông thường trực ăn vận nghiêm túc, đeo tấm biển màu đỏ có chữ ĐHTH, ra dáng. Tôi nao lòng và mong đến ngày được bước qua cánh cổng đó.

 Rồi ngày đó cũng đến. Sáng 4-9, trời mưa thu nhẹ, chúng tôi kéo nhau đến trường từ sáng sớm. Chỉ chốc lát, sân Lê Thánh Tông còn ngổn ngang bàn ghế ngày Quốc khánh đã đông nghẹt người, tất cả đều là sinh viên năm thứ nhất tựu trường. Anh em từ mọi phương kéo về đây, người thì Vĩnh Linh, người thì Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh - Nghệ,… vắng những dáng dấp thị thành và đầy chất thôn quê, đa số chúng tôi quần nâu áo vải, dép lốp, lại có những người chỉ đi chân đất. Lứa học sinh phổ thông vào đây toàn những đứa học giỏi, tôi thấy ngưỡng mộ bè bạn. Có lẽ đó cũng là điều gây cảm xúc âm nhạc để sau đó ít lâu Diệp Minh Tuyền, một bạn người Nam Bộ trong lớp tôi, tập sáng tác một bài nhạc mà chúng tôi gọi là hội ca sinh viên:

Chúng ta đoàn sinh viên công - nông,

Là con nhân dân lao động anh dũng đất nước ta,

Chúng ta nay là người trí thức mới,

Dưới đất lầy, từ hầm than.

Ta nên người vừa hồng vừa chuyên…

Diệp Minh Tuyền sau này trở thành nhạc sĩ bắt đầu từ bài hát này.

 Rồi cánh cửa đại giảng đường Lê Thánh Tông mở ra, chúng tôi bước vào với sự ngỡ ngàng vì cảnh quan đại học. Ngước nhìn cái vòm cao vút của toà lâu đài, chưa hết cảm xúc thì tôi được đẩy vào giảng đường dốc (nay là giảng đường Nguỵ Như Kontum) tôi vô cùng ngạc nhiên vì lần đầu tiên nhìn thấy một giảng đường sang trọng và uy nghi như thế với những bàn ghế có tựa bằng gỗ lim đen, từng hàng xếp thành bậc dốc như ở nghị viện trong phim. Trong cảnh ấy ai đi lại cũng phải nghiêm chỉnh. Mong sao ĐHQGHN sẽ có ngày sớm phục hồi lại không khí cổ xưa ấy.

 
Buổi đón tiếp chúng tôi diễn ra rất nhanh nhưng trọng thị. Trên nền đen của vòm bảng có một biểu ngữ màu đỏ: Chào mừng các bạn tân sinh viên. Chúng tôi vô cùng tự hào về cái danh hiệu mới. Có tiếng hô, chúng tôi vội đứng dậy, tiếng nhạc, một đoàn khách bước vào, đi đầu là một vị tóc trắng. Chúng tôi sung sướng và háo hức khi biết rằng trước chúng tôi là các giáo sư từ lâu nghe tiếng mà chưa được gặp: Đó là các giáo sư Nguỵ Như Kontum, Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Hoán, Dương Hữu Thời,… Các thầy niềm nở đứng dậy chào đáp lễ chúng tôi. Bí thư đoàn và Chủ tịch Hội sinh viên đọc diễn văn chào mừng, tôi nhớ bài diễn văn có nhiều mỹ từ bay bướm, diễn giả ngày ấy, sau này tôi mới biết là GS. Hoàng Trọng Phiến, giờ đây đã ở tuổi ngoại bảy mươi.

Lớp tôi có thêm 20 người thuộc diện tuyển thẳng, anh em là học sinh các trường miền Nam trên đất Bắc và từ trường Bổ túc Công - Nông lên. Lớp tôi có già có trẻ, có miền Nam - miền Bắc, có miền xuôi - miền núi. Năm nay chúng tôi vừa họp lớp kỷ niệm 40 năm ra trường, người già nhất đã bảy mươi bảy tuổi, lũ trẻ nhất, chúng tôi cũng đã sáu mươi.

 Thế là chúng tôi vào đại học.

Ngôi nhà 19 Lê Thánh Tông dần dần trở nên thân quen. Chúng tôi sống và học ở ký túc xá Láng, tận ngoại thành. Hàng tuần tôi vẫn dành vài buổi đạp xe đạp hoặc đi tàu điện vào đọc sách ở thư viện trường (nay là giảng đường Lê Văn Thiêm). Tôi thích nhất cái không khí ở đó, rất yên tĩnh và nghiêm trang, các thủ thư là những công chức cũ rất nhiệt tình và lịch sự, quý sách của công như chính sách của riêng họ, hỏi điều gì cũng biết, ân cần chỉ dẫn, nhưng nếu đánh mất sách hoặc trả muộn thì phải biết. Họ rất phiền lòng. Phải hơn 30 năm sau tôi mới được thấy lại cái không khí như thế ở phòng đọc của thư viện trong một toà nhà cổ của trường Đại học Giơnevơ. Nó khác hẳn cảnh quan của những thư viện đại học đời mới.

 Những lúc rảnh rỗi tôi lân la các nơi trong toà nhà, lên hết cầu thang cao vời vợi bên trái là văn phòng hiệu trưởng và các phòng họp, phòng hành chính và tài chính. Tôi nhớ như in những ghế băng bằng gỗ lim bọc nỉ xanh để khách và sinh viên ngồi chờ. Phòng họp có mấy chục chiếc ghế dựa bọc da đỏ, bài trí kiểu tây. Nghe nói chỉ có Đảng uỷ và Hội đồng khoa học thường họp ở đó. Nhìn qua phòng hành chính phía trong là phòng giám đốc, có cái bàn giấy to và ghế dựa bọc nỉ xanh, hai cái ghế bành kê chếch nhau để tiếp khách. Đến khu này, người mới đến lần đầu cảm thấy thiếu tự tin vì sự oai nghiêm.

Còn các đồ đạc của toà nhà này là cả một câu chuyện sau này.

Cuộc sơ tán trường kỳ đã đưa chúng lên tận miền núi, rồi lưu lạc khắp nơi. Lòng tôi se lại khi thấy những kỷ vật của trường trên bước đường chúng lưu lạc, khi thì ở Đại Từ, khi thì ở Hiệp Hoà. Nhớ trường xưa, tôi cứ mong cảnh đến ngày “Châu về Hợp phố”.

Nhưng rồi Châu đã không về Hợp phố. Sau chiến tranh, Hiệu bộ không được trở về ngôi nhà 19 Lê Thánh Tông nữa vì gần cuối chiến tranh Bộ Giáo dục “mượn” nốt toà nhà này làm văn phòng rồi thoái thác không chịu trả. Đại giảng đường bị tháo hết bàn ghế sang trọng thời xưa để biến thành hội trường với những dãy ghế gỗ dán rẻ tiền như các hợp tác xã ở thôn quê. Có lần GS. Võ Quý kể với tôi là GS. Tạ Quang Bửu, lúc còn là Bộ trưởng Đại học không vui, với lòng yêu mến trường đại học, ông đã mật xui GS. Võ Quý tìm cơ hội đòi lại các văn phòng hiệu bộ xưa để làm bảo tàng động vật, còn cái giảng đường lớn thì mãi đến đầu thời đổi mới Văn phòng Bộ Giáo dục mới chịu trả. Trường Đại học Tổng hợp, từ ngày ấy, phải tá túc ở Thượng Đình với 2/3 khu nhà cũ của trường Trung cấp Kỹ thuật I trước chiến tranh, kinh qua một chuỗi tháng ngày vô cùng vất vả. Thấy khoa Tiếng Việt tiếp khách nước ngoài không có ghế, GS Nguỵ Như Kontum đã nhường nốt hai chiếc ghế ”phô tơi” ở Lê Thánh Tông ngày trước vừa mang ở nơi sơ tán về.

 Sau chiến tranh, chúng tôi rất ít khi trở lại ngôi nhà phố Lê Thánh Tông, mỗi lần đi qua, lòng tôi đượm buồn vì sự hoang vắng và xuống cấp của toà nhà thân thuộc. Chả còn có việc gì để đến đây, có lúc ngồi ở quán nước chè bên kia đường, cổng Thông tấn xã, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm mùa thu năm nao,…

Mùa thu năm 62, cả miền Bắc náo nức mừng vì lần đầu tiên từ ngày đất nước bị chia cắt có một phái đoàn giải phóng ra thăm. Tại Quốc hội, Bác Hồ đã ôm hôn GS. Nguyễn Văn Hiếu và nói câu nổi tiếng “Miền Nam ở trong trái tim tôi”. Thế rồi đoàn đã đến thăm trường ĐH Tổng hợp ở Lê Thánh Tông, cả sân trường đông nghẹt, cảm động đến rơi lệ khi gặp gỡ GS. Nguyễn Văn Hiếu, cựu sinh viên Nông nghiệp của trường Đại học Đông Dương và nhà thơ Thanh Hải. Lê Ai và Diệp Minh Tuyền kéo đàn phong cầm cho toàn trường hát các bài “Lên đàng”,” Nam bộ kháng chiến”, “ Bao chiến sĩ anh hùng”,… sôi sục khí thế.

Mùa thu năm Mậu thân, sân Lê Thánh Tông rộn rã tiếng nhạc và ca khúc đón đoàn dũng sĩ tý hon của miền Nam mới ra. Nhìn các em bé 13,14 tuổi gầy gò, đen nhẻm và chưa biết chữ, nhưng đã là các anh hùng trong chiến tranh (đánh đồn, phá xe tăng, nuôi dấu cán bộ, gùi gạo muối lên chiến khu,…), các em ra đây đã được gặp Bác Hồ, chúng tôi vô cùng xúc động và thấy mình như có lỗi vì đang sống ở hậu cứ an nhàn.

Mùa thu năm 1971, sau kỷ niệm 15 năm thành lập trường ĐH Tổng hợp, trước trận lụt thế kỷ, giảng đường Lê Thánh Tông tiễn đưa các nam nữ nhà văn trẻ, các phóng viên báo chí là sinh viên của trường ra trận. Họ là những người được lựa chọn ở hai khoa Văn và Sử, đào tạo cấp tốc nghiệp vụ để gửi gấp ra mặt trận. Nhà văn Nguyên Hồng đã chụp ảnh lưu niệm với họ trước bậc thềm nhà vòm. Có những người đã không trở về, có những người nay đã trở thành lãnh đạo của các cơ quan văn hoá, thông tin, có những cây bút nữ nổi danh.

Phải hơn mười lăm năm sau, toà nhà 19 Lê Thánh Tông mới náo nức tiếng cười trở lại cùng với luồng gió của công cuộc đổi mới.

Một ngày năm 1988, anh Phan Hữu Dật, hiệu trưởng, gọi điện cho tôi đến Lê Thánh Tông để cùng hội kiến với một phái đoàn học giả Mỹ. Đã lâu rồi tôi không đến đây nên ngạc nhiên về phái đoàn Mỹ thì ít mà ngạc nhiên về sự thay đổi cảnh quan thì nhiều. Nhìn ngôi nhà vẫn như xưa, nhưng cái thư viện hoang tàn năm trước đã được thay bằng một phòng khánh tiết mới mẻ. Tôi rất thích thấy hàng trăm chiếc ghế tựa cao, làm bằng gỗ tốt, mặt ghế đan bằng sợi mây vừa lịch sự, rất phù hợp với kiểu cách của loại phòng này, phải nói là nó đẹp hơn những chiếc ghế bọc nhung hôm nay, tường được sơn lại, các cửa được véc-ni nâu bóng. Tôi tìm anh Phạm Văn Châu, một chứng nhân lâu năm của trường, hiện quản lý ngôi nhà, để ngỏ lời khen và cảm ơn. Anh cười bảo tôi: “Đừng cảm ơn Châu, hãy đi mà cảm ơn đổi mới”. Tôi hiểu thâm ý của anh và thấy vui. ít lâu sau, anh Nguyễn An, hiệu trưởng mới, lại gọi tôi đến để cùng tiếp một giáo sư Hàn Quốc đầu tiên đến thăm trường, GS Cho Jae-Hyun. Tôi lại ngạc nhiên vì căn phòng nhỏ trong kho sách cũ đã được tân trang thành nơi tiếp khách khá sang lúc ấy… Năm tháng qua đi, mỗi ngày toà nhà phố Lê Thánh Tông lại có những đổi thay từ bên trong đáng nhớ.

 Kể từ lễ kỷ niệm 35 năm Đại học Tổng hợp, toà nhà 19 Lê Thánh Tông thường xuyên có những niềm vui mới, đã thành thông lệ, vui nhất là những ngày lễ trao bằng cử nhân cuối năm học. Sinh viên tốt nghiệp xúng xính, náo nức, trong những bộ áo mũ bình thiên sang trọng, hớn hở ra vào, chụp ảnh với thầy, với bạn ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời mà ngày xưa chúng tôi không có. Rồi những nghi lễ quan trọng, trao học hàm, bằng tiến sĩ, những cuộc hội thảo khoa học quốc tế, nhất là từ khi có ĐHQGHN. Ai cũng nhớ tới “thương hiệu” Đại học Tổng hợp một thời, một thuở. Nhớ tiếc nhưng chấp nhận để cho sự phát triển. Dòng chữ đắp nổi “Đại học Tổng hợp Hà Nội” trên vòm cao còn đó như một bảo tàng, một lời nhắc nhở thế hệ sau đi tới.

Riêng tôi, 15 năm qua đã có thêm nhiều kỷ niệm trong lòng tôi từ ngôi nhà này. Cuối năm 1991, trên bục của giảng đường lớn, tôi được nhận học hàm Phó giáo sư, rồi năm năm sau (1996), cũng tại đây, tôi được nhận học hàm Giáo sư. Tôi không thể quên được ngày vui ấy, con đường đưa tôi từ một sinh viên tỉnh lẻ nhập học ngơ ngác đến cương vị cao nhất của nghề dạy học vừa tròn 35 năm, cũng chính tại giảng đường sang trọng này. ĐHQGHN cho tôi vinh dự thay mặt anh chị em được phong học hàm phát biểu ý kiến. Tôi thấy khó viết ra giấy. Sau một hồi suy nghĩ, tôi chỉ nói mấy lời chân thành vắn tắt nhưng cảm động, đến hôm nay tôi vẫn nhớ như in:

“Hôm nay là một ngày vui và rất đáng nhớ của chúng tôi, những người dạy đại học được nhà nước phong học hàm. Chúng tôi muốn chia sẻ và mong được chia sẻ niềm vui này. Đi dạy học mà được nhận học hàm Giáo sư thì thật là vinh dự và cao quý. Tôi hiểu đây là hàm chỉ dành cho những người đi dạy học bởi vậy nhận nó không phải để khoe danh với thiên hạ với đồng nghiệp mà là để lao động nhiều hơn, tận tuỵ hơn cho nghề mình. Giáo sư không phải cái nhãn để đi làm quan. Tôi không vui khi có lần đọc, thấy báo Lao động than:

“Nghe đồn không rõ thực hư,

 Giáo mà không dạy hình như cũng nhiều (!)

Đó là sự thật. “ Đã mang lấy nghiệp vào thân”, để khỏi phụ lòng đồng bào, chúng tôi phải gắng dạy, gắng học hỏi nhiều hơn nữa để dạy tốt hơn. Nước ta còn nghèo, giáo dục còn khó khăn, mỗi thầy cô cố gắng thêm một tý thì học trò cũng rất có lợi. Việc gì có lợi cho học trò thì ta nên làm. Mong các đồng nghiệp giám sát chúng tôi.

Với riêng tôi, gia đình tôi có bốn đời làm nghề dạy học, nên tại giảng đường này càng có ý nghĩa hơn, vì đúng ba mươi lăm năm trước tôi đã được bước chân vào đây từ một học trò tỉnh lẻ.

Bởi vậy xin thưa,

Mấy lời chân thực nôm na,

Vừa là lời hứa, vừa là cảm ơn”.

Tôi xúc động nhiều. Đồng nghiệp hưởng ứng. Báo Giáo dục thời đại muốn lấy lời phát biểu của tôi, nhưng tôi thoái thác.

Rồi 7, 8 năm liền, cứ mùa phượng đỏ, năm nào tôi cũng được mời dự lễ trao bằng của trường cho các em sinh viên tốt nghiệp tiêu biểu. Nhìn những khuôn mặt trẻ trung rạng rỡ của các em, ai cũng vui.

Tôi cũng có thêm một niềm vui riêng ở giảng đường này một cách ngẫu nhiên. Bảy năm trước con trai tôi đang học ở một trường đại học khác đã trúng giải nhì cuộc thi tìm hiểu Hàn Quốc của ĐHQGHN, trước khi những người trúng giải đi tham quan Hàn Quốc, có một lễ trao giải trang trọng ở giảng đường này và gia đình tôi được mời đến dự.

Tôi vẫn rất nhớ.

Câu chuyện “Châu về Hợp phố” vẫn chưa đến hồi kết. Giờ đây, ai vào Phòng hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV sẽ thấy ông ngồi sau một chiếc bàn giấy đã cũ với một chiếc ghế tựa vòng. Đó là bộ bàn ghế của GS. Nguỵ Như Kontum, Giám đốc Đại học Tổng hợp nửa thế kỷ trước. Qua cuộc lưu lạc và làm điểm tựa của nhiều vị Hiệu trưởng, nó về tạm trú tại đây. Chiếc ghế xanh đã nhiều lần được bọc lại. Chiếc bàn đã có vẻ cổ xưa, nó đã trở nên quý hơn. Có lẽ ông Hiệu trưởng muốn lấy may nên đã không chọn một chiếc bàn mới hiện đại. Trong một phòng khác, tôi thấy một ông hiệu phó có chiếc bàn và chiếc ghế tương tự. Đó là bàn của Bí thư Đảng uỷ trường hồi xưa ở Lê Thánh Tông, ông Lê Hoàng Linh, khi tôi vào học. Đó cũng là một kỷ vật.

Riêng tôi thì cũng có một thứ. 8 năm trước, khi về làm Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, tình cờ tôi phát hiện được ở văn phòng một khoa và ở Phòng Tổ chức có hai chiếc ghế đôn dài bằng gỗ lim. Tôi nhận ra ngay đó là hai chiếc ghế sang trọng xưa kia ở Lê Thánh Tông, mặt ghế vốn bọc nỉ xanh, dùng cho khách ngồi chờ. Nay mặt nỉ đã hỏng từ lâu, ai đó đã đóng vào đó mấy miếng ván thô sơ để kê tạm. Tôi bèn tìm cách xin hai chiếc ghế ấy về, rồi cho sửa sang và đánh xi đen bóng loáng, lại cho bọc da sang trọng, có điều trước kia là nỉ xanh, còn nay là da đỏ. Hai chiếc ghế dài ấy được kê ở hành lang khoa tôi suốt 8 năm nay để đón khách và đã trở thành đồ vật quý. Khi nào có bảo tàng ĐHQGHN, chúng sẽ được chuyển vào làm hiện vật lưu niệm.

Toà nhà 19 Lê Thánh Tông đã hồi sinh từ công cuộc đổi mới với ĐHQGHN, nhưng cái quần thể của nó thì chưa trọn vẹn. Toà nhà cánh bên phải, Bộ Giáo dục mượn làm trụ sở ngày trước, lẽ ra khi dọn về phố Đại Cồ Việt, Bộ nên trả lại cho đại học. Nhưng văn phòng bộ thời đó đã tư vấn cho ông Bộ trưởng giữ lại, cho hai văn phòng nước ngoài thuê để lấy tiền, lại lấy nốt miếng đất bên cạnh để xây nhà khách 23. Châu này âu cũng khó về Hợp phố!

Năm 1961, khi vào trường học, tôi chỉ nghĩ mình gắn bó với ngôi trường bốn năm, nhưng rồi tôi đã được“cuốn theo chiều gió” với làng đại học từ thuở ấy. Giờ đây, tóc ngả màu sương, mỗi bận qua cổng trường lòng tôi vẫn xao xuyến như buổi ban sơ. Nhớ tới thầy xưa, bạn cũ, cảnh đấy, người đây, tôi không khỏi bâng khuâng:

  Những người muôn năm cũ,

  Hồn ở đâu bây giờ”.

 

Viết ở Canberra, tháng 8/2004

 Đinh Văn Đức
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :