ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Khoa kinh tế kế thừa và phát triển
(Trích báo cáo tổng kết công tác thi đua khen thưởng của Khoa Kinh tế ĐHQGHN tại Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm (2000-2005), ngày 31/5/2005)

Khoa Kinh tế ĐHQGHN được thành lập ngày 5/7/1999 trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQGHN. Như vậy, phong trào thi đua 5 năm qua của Khoa Kinh tế gắn liền với 5 năm phát triển Khoa theo mô hình khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là thời kỳ tập thể cán bộ viên chức Khoa Kinh tế nỗ lực phấn đấu vượt lên những khó khăn ban đầu để duy trì sự ổn định và tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của Khoa giai đoạn tiếp theo, giai đoạn thành lập và phát triển Đại học Kinh tế thuộc ĐHQGHN thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới - hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà ĐHQGHN giao cho.

Dưới góc độ tổng kết công tác thi đua khen thưởng 5 năm qua, chúng tôi xin được đề cập những vấn đề chính sau đây:

I. Tổ chức các phong trào thi đua

1. Phong trào thi đua thực hiện xuất sắc nhiệm vụ năm học

Hàng năm, để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của năm học, trong Khoa tuy không tổ chức phát động thành các phong trào thi đua rầm rộ song trên thực tế, thông qua việc phân công, phân cấp một cách rõ ràng chức năng, nhiệm vụ cho từng bộ phận cùng với những ràng buộc về trách nhiệm và những động viên kịp thời về tinh thần, vật chất đã thực sự tạo nên một phong trào thi đua mang tính tự giác cao ở tất cả các đơn vị và các thành viên trong toàn Khoa.

Phong trào thi đua hàng năm nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học của Khoa được thực hiện căn cứ vào luật thi đua khen thưởng, căn cứ vào nghị định của chính phủ và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, của ĐHQGHN. Các quy trình đăng ký, bình xét các danh hiệu thi đua, các tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng… đều được Khoa triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Đặc biệt về tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu thi đua, hàng năm đều có thảo luận, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện cụ thể của Khoa.

Về hình thức khen thưởng thi đua, ngoài các hình thức khen thưởng, động viên về mặt tinh thần như tặng giấy khen, bằng khen, cờ thi đua các cấp… hàng năm Khoa còn dành những phần thưởng vật chất xứng đáng cho các tập thể và cá nhân vào đầu năm học nhân dịp khai giảng năm học mới và đặc biệt thành tích thi đua hàng năm được sử dụng làm căn cứ để xác định mức hưởng hệ số phụ cấp tăng thêm hàng năm của Khoa. Ngoài ra, thành tích thi đua còn là tiêu chuẩn quan trọng để phân tích đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức đảng, là một trong những căn cứ cho quy hoạch, đào tạo và phát triển cán bộ của Khoa.

2. Phong trào thi đua do các ngành, các cấp phát động

Trong 5 năm qua, ngoài việc phát động các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm học, Khoa còn tổ chức và thực hiện tốt các phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động như: phong trào thi đua "người tốt, việc tốt"; phong trào thi đua chào mừng đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; các phong trào thi đua do Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội phát động; các phong trào thi đua "Hai tốt", "Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm", phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"… do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động; các phong trào do Trung Ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, phong trào mùa hè tình nguyện; phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005), thiết lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2005 và chào mừng Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII...

Các phong trào trên đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Khoa trong việc thực hiện các nhiệm vụ của cấp trên giao đặc biệt là của ĐHQGHN.

II. Thành tích thi đua

Thông qua việc phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua đã tạo nên một động lực thúc đẩy cán bộ viên chức trong Khoa thực hiện tốt nhiệm vụ ở tất cả các lĩnh vực khác nhau.

1. Về công tác chính trị tư tưởng

Trước hết các phong trào thi đua đều hướng vào việc triển khai, quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong tập thể cán bộ và sinh viên của Khoa. Qua các phong trào thi đua đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết trong Khoa trong quá trình phát triển đặc biệt là duy trì sự ổn định trong những năm đầu phát triển theo mô hình khoa trực thuộc. Cũng nhờ có phong trào thi đua đã góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hiện tượng tiêu cực phát sinh trong đời sống của cán bộ, viên chức và đặc biệt là trong học sinh, sinh viên của Khoa. Trong 5 năm qua, hầu như không có sinh viên nào của Khoa mắc vào các tệ nạn xã hội.

2. Về công tác tổ chức và cán bộ

Sau 5 năm xây dựng và phát triển, đến nay Khoa Kinh tế đã có được một đội ngũ cán bộ khá hùng hậu cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay Khoa có trên 60 cán bộ trong đó có 51 cán bộ giảng dạy, 5 phó giáo sư, 22 tiến sĩ, 25 thạc sĩ, 29 giảng viên chính, 8 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh, 7 cán bộ đang học cao học. Hơn 80% cán bộ giảng dạy của Khoa có học vị từ thạc sĩ trở lên. Nhu cầu tự nâng cao trình độ đã thực sự tạo nên một phong trào phấn đấu, thi đua trong toàn Khoa.

Khoa đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, chiến lược phát triển Khoa như: Quy hoạch cán bộ Khoa Kinh tế giai đoạn 2000-2005, Chương trình hành động nâng cao chất lượng đào tạo giai đoạn 2000-2005, Lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực vào năm 2010, Phương hướng nghiên cứu khoa học giai đoạn 2001-2005; đặc biệt, năm 2004 đã tổ chức kiện toàn Ban chủ nhiệm khoa nhiệm kỳ mới với tinh thần đoàn kết, ổn định và phát triển và gần đây đã cơ bản xây dựng xong Dự án thành lập trường Đại học Kinh tế thuộc ĐHQGHN.

3. Về công tác chuyên môn

Trong 5 năm qua, Khoa đã mở các ngành đào tạo mới: Tiến sĩ Kinh tế chính trị, Thạc sĩ Kinh tế thế giới và Quan hệ Kinh tế quốc tế, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Cử nhân Tài chính - Ngân hàng. Quy mô đào tạo được điều chỉnh một cách hợp lý theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo. Tỷ lệ sinh viên tại chức giảm mạnh, tỷ lệ giáo viên sau đại học tăng nhanh. Năm học 1998-1999 Khoa có 4.083 sinh viên trong đó có 1171 sinh viên chính quy, 544 sinh viên chính quy không tập trung, 2368 sinh viên tại chức và học viên cao học khoảng 50. Năm học 2004-2005 Khoa có 2.160 sinh viên (1000 sinh viên chính quy, 1.100 sinh viên tại chức và 297 học viên cao học).

Khoa đã hoàn thành điều chỉnh các khung chương trình đào tạo theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở phát huy thế mạnh của Khoa và của ĐHQGHN. Cơ bản hoàn thành việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung đề cương chi tiết tất cả các môn học. Cho đến nay, hầu hết các môn học ổn định của Khoa đều đã có giáo trình, tập bài giảng và các tài liệu tham khảo.

Về đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập: Trong những năm gần đây, đổi mới phương pháp dạy - học được coi là khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong Khoa thực sự đã tạo được một phong trào thi đua trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Hiện nay, hầu hết các cán bộ giảng dạy đều thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy ở các mức độ khác nhau. Hiện tượng độc thoại, thầy đọc, trò chép hầu như không còn ở trong Khoa. Trong Khoa có 1 cán bộ thực hiện xuất sắc hợp đồng đổi mới phương pháp giảng dạy cấp ĐHQGHN, 2 cán bộ thí điểm đổi mới phương pháp giảng dạy cấp Khoa.

Về hoạt động nghiên cứu khoa học: So với giai đoạn trước, giai đoạn 2000-2005, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa đã có những chuyên biến đáng kể góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Từ cuối năm 2000 đến nay, cán bộ Khoa đã thực hiện và hoàn thành 26 đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN và 18 đề tài cấp Khoa. Hầu hết các cán bộ đều chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Các hội thảo, semina khoa học của cán bộ được tổ chức khá thường xuyên. Đặc biệt, phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên phát triển mạnh và có chất lượng cao. Trong 5 năm qua, Khoa có 407 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đạt chất lượng tốt. Trước năm 2000, hàng năm, Khoa có khoảng 20 công trình nghiên cứu khoa học sinh viên thì năm học 2000-2001 có 37 công trình, năm học 2003-2004 có 86 công trình. Trong những năm gần đây, hàng năm, Khoa đều có sinh viên đạt giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách, kỷ yếu nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên được đăng tải và in ấn tạo nên nguồn tài liệu hữu ích cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng đào tạo đại học và sau đại học.

Về hợp tác trong nước và quốc tế: Khoa hợp tác chặt chẽ với các đơn vị thành viên của ĐHQGHN, với các viện kinh tế, các trường đại học kinh tế trong nước trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hợp tác quốc tế của Khoa được phát triển tốt. Khoa đã xác lập và phát triển quan hệ hợp tác với chương trình Fulbright (Hoa Kỳ), JICA (Nhật Bản) với nhiều trường đại học có uy tín của Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhiều lượt cán bộ được đi học tập, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài, hàng chục giáo sư nước ngoài có uy tín khoa học đã tới thỉnh giảng, báo cáo chuyên đề nghiên cứu khoa học tại Khoa. Hiện nay, Khoa đang triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo quốc tế hệ cử nhân - một hình thức du học tại chỗ - với đại học TROY của Hoa Kỳ. Hy vọng thông qua hình thức hợp tác này, Khoa sẽ nhanh chóng tiếp thu được công nghệ với chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy tiên tiến hiện đại.

4. Về cơ sở vật chất và chăm lo đời sống cán bộ công chức Khoa

Với ưu thế của Khoa trực thuộc, có tư cách pháp nhân, có tài khoản, có tính chủ động cao về tài chính, trong những năm qua, Khoa đã rất chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, Khoa đã có hệ thống giảng đường và hệ thống các phòng làm việc khang trang với đầy đủ các thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập và làm việc, có phòng máy tính, có phòng học chuẩn, các thiết bị phục vụ cho đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.

Khoa thường xuyên chăm lo đời sống của cán bộ viên chức cả về vật chất và tinh thần. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, nghỉ hè, đi thực tế của cán bộ. Quan tâm tới cán bộ là thương binh, cựu chiến binh, cán bộ nữ, cán bộ có hoàn cảnh khó khăn. Chính nhờ các hoạt động đó mà trong 5 năm qua, Khoa đã duy trì được sự đoàn kết thống nhất, tạo ra được động lực thi đua nhằm duy trì sự ổn định và phát triển của Khoa.

5. Về công tác đoàn thể

Ban chủ nhiệm khoa luôn luôn phối hợp chặt chẽ với Ban chấp hành Công đoàn và Đoàn thanh niên, Hội sinh viên khoa để phát động và triển khai các phong trào thi đua nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Khoa. Qua đó góp phần hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cả về trình độ chuyên môn và phẩm chất chính trị, nhân văn.

Ban chấp hành Công đoàn đã thường xuyên phối hợp với Ban chủ nhiệm khoa trong việc thực hiện các nhiệm vụ như giáo dục chính trị tư tưởng, phát triển đội ngũ, đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý sinh viên và đặc biệt là các hoạt động văn hóa xã hội, công tác thi đua, hoạt động thăm quan, đi thực tế, chăm lo đời sống của cán bộ viên chức…

Đoàn thanh niên, Hội sinh viên phối hợp tích cực và có hiệu quả với Ban chủ nhiệm khoa trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng đối với sinh viên, đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý sinh viên, hoạt động văn thể, hoạt động xã hội… Các hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên càng ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều hình thức phong phú và có sức lôi cuốn nhiều đoàn viên, sinh viên tham gia.

Tóm lại, trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN, sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban chủ nhiệm khoa, tập thể Khoa Kinh tế đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Khoa Kinh tế Chính trị trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đã đoàn kết, nỗ lực vượt bậc, khắc phục khó khăn, đã tạo được sự ổn định ban đầu hết sức cần thiết cho sự phát triển có tính đột phá của Khoa ở giai đoạn tiếp sau.

III. Các danh hiệu thi đua

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Khoa vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì

Trong 5 năm qua có: 2 lượt tập thể Khoa được tặng bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN; 14 lượt tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 9 lượt cá nhân đạt danh hiệu cán bộ giảng dạy giỏi cấp ĐHQGHN; 30 lượt cá nhân đạt danh hiệu cán bộ giảng dạy giỏi cấp cơ sở; nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp ĐHQGHN; và hàng chục lượt tập thể, hàng trăm lượt cá nhân đạt danh hiệu Lao động giỏi.

IV. Phương hướng thi đua trong những năm tới

1. Tiếp tục triển khai cho cán bộ, viên chức của Khoa nghiên cứu Luật thi đua khen thưởng, nghị định của chính phủ và các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua của cấp trên, trên cơ sở đó tiếp tục cụ thể hóa, bổ sung hoàn thiên các văn bản quy định về tiêu chuẩn và quy trình bình xét thi đua của Khoa.

2. Gắn tổ chức công tác thi đua với việc hoàn thành xuất sắc các mục tiêu nhiệm vụ của năm học và thực hiện tốt các chủ trương lớn của Khoa như việc đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình giáo trình, tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển đôi ngũ, duy trì kỷ cương dạy và học… Khắc phục tính hình thức, nặng về phong trào trong công tác thi đua.

3. Gắn công tác thi đua với việc quản lý, đánh giá, đề bạt và phát triển đội ngũ, đặc biệt, thành tích thi đua sẽ trở thành một trong những căn cứ quan trọng để thực hiện cơ chế phân phối tiền lương, tiền công theo tinh thần tự chủ về tài chính, làm cho công tác thi đua thực sự trở thành một động lực vật chất và tinh thần để tập thể và cá nhân phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

4. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức, triển khai phong trào thi đua một cách sâu rộng trong toàn thể cán bộ viên chức của Khoa.

5. Tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động; phấn đấu để Khoa Kinh tế trở thành một trong những đơn vị có phong trào mạnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ của cấp trên đặc biệt là của ĐHQGHN.

6. Trong giai đoạn trước mắt, Khoa sẽ tổ chức thực hiện tốt đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2005, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII, Đại hội thi đua ĐHQGHN lần thứ II, đồng thời thi đua lập thành tích chào mừng 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN.

Tóm lại, với truyền thống và niềm tự hào 30 năm xây dựng và trưởng thành của Khoa Kinh tế, phát huy thành tích 5 năm đầu thi đua xây dựng Khoa Kinh tế theo mô hình khoa trực thuộc ĐHQGHN, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN, với sự đoàn kết nhất trí và nỗ lực vươn lên của tất cả cán bộ viên chức và sinh viên Khoa Kinh tế. Chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới phong trào thi đua sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, góp phần tạo nên những bước đột phá trong chặng đường phát triển tiếp theo của Khoa Kinh tế.

 BCN Khoa Kinh tế - ĐHQGHN - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :