ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - năm học bội thu

Cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ” dành cho học sinh THPT lần thứ nhất do Bộ GD&ĐT, Đại sứ quán Trung Quốc, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) và VTV2 phối hợp tổ chức đã khép lại một năm học đầy thành tích của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Với 2 đội thi gồm 6 thí sinh, Nhà trường đã chiếm hầu hết các giải cao nhất: 1 giải nhất, 1 giải nhì đồng đội; giải cá nhân bao gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba. Kết quả này hoàn toàn thuyết phục và các “đối thủ” cũng thực sự tâm phục khẩu phục. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với TS. Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ.

Thưa TS, được biết năm học 2007-2008 là năm học Nhà trường có được nhiều thành tích đáng tự hào. Bà có thể cung cấp cho bạn đọc biết đôi nét về những thành tích này?

TS. Lê Thị Chính: Có thể nói Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Điều đó thể hiện trước hết ở kết quả học tập và tu dưỡng của học sinh toàn trường. Kết thúc năm học, có 38 học sinh giỏi xuất sắc (đạt 3,9%); 682 học sinh giỏi (đạt 70%); 237 học sinh khá (đạt 24%), 15 lớp có tỷ lệ 100% học sinh khá và giỏi; 949 em được xếp loại hạnh kiểm tốt (96,7%), 30 học sinh xếp loại hạnh kiểm khá (3,1%). 13/17 học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia đạt giải, trong đó có 1 giải nhất.

Một tin vui nữa là 274 học sinh khối 12 đã thi đỗ tốt nghiệp với số điểm rất cao, trong đó có 2 em là Phạm Nguyên Phương và Lưu Thu Trang (lớp 12C) có tổng điểm tốt nghiệp là 60 (58 điểm thi và 2 điểm thưởng học sinh giỏi quốc gia). 118/274 em đỗ tốt nghiệp loại giỏi (đạt 43,06%), 84 em đỗ loại khá (30,66%) và 72 em tốt nghiệp trung bình (26,28%). Trong khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khá, giỏi của Hà Nội là 20,6%, thì tỷ lệ này ở Trường THPT chuyên Ngoại ngữ là 73,71%. Trong 274 học sinh không có em nào điểm dưới trung bình môn Văn, Sinh và Ngoại ngữ; 114 điểm 10 môn Toán, 184 điểm 10 môn Ngoại ngữ, 26 em có điểm môn Văn từ 9 đến 9,5 ; 219 em có điểm trung bình xét tốt nghiệp từ 8.0 trở lên, trong đó 56 em từ 9.0 đến 10.0.

Nếu nhìn vào bảng kết quả này, có thể thấy học sinh của Nhà trường học khá đồng đều ở các môn, đúng không thưa TS?

TS. Lê Thị Chính: Học sinh của chúng tôi là những học sinh khá, giỏi được tuyển chọn trên phạm vi cả nước. Mục tiêu của Nhà trường là đào tạo các em giỏi ngoại ngữ trên cơ sở vững vàng các môn văn hoá khác và phát triển thành những con người toàn diện. Các em có thể thi đại học cả khối A và khối D. Tỷ lệ vào đại học hàng năm xấp xỉ 100%, 2 năm gần đây đều đạt 100%. Ngoài việc học trên lớp, các em còn tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu, khám phá của các tổ chức trong nước và quốc tế. Tại cuộc thi “International Wildness Experiences” (Cuộc thi quốc tế Khám phá thiên nhiên hoang dã) do Cathay Pacifics phối hợp cùng Đại sứ quán Nam Phi và Hội sinh viên Việt Nam tổ chức vừa qua, em Hoàng Phương Thảo (lớp 11A) và Nguyễn Hà Việt (lớp 11I) đã đạt giải nhất và đã được sang Nam Phi trong tháng 7/2008 vừa rồi. Đội tuyển học sinh Trường THPT Chuyên ngoại ngữ cũng đạt giải Nhất cuộc thi “Khám phá Ôxtrâylia” do Đại sứ quán Ôxtrâylia và Đài truyền hình Hà Nội tổ chức. Gần đây là các giải thưởng cao nhất tại Vòng sơ loại cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ” do Bộ GD&ĐT, Đại sứ quán Trung Quốc, Trường ĐH Ngoại ngữ và VTV2 phối hợp tổ chức. Em Trần Thiên Tú (giải nhất), em Nguyễn Tú Anh và Đỗ Hữu Hưng (giải nhì) sẽ được tham dự Vòng Chung kết cuộc thi tổ chức tại Trung Quốc trong tháng 8/2008. Trong năm học qua, 3 em học sinh lớp chuyên tiếng Nhật và 4 học sinh chuyên tiếng Đức đã được nhận học bổng sang giao lưu văn hoá tại Nhật Bản và Cộng hoà Liên bang Đức trong thời gian 1 năm. 10 học sinh xuất sắc đã tham gia chương trình giao lưu “Thanh niên Nhật Bản - Đông Á” tại Nhật bản, 5 học sinh đã tham dự Hội thảo “Các nhà lãnh đạo trẻ Châu Á” tại Singapore.

Kết quả trên có được trước hết là do nỗ lực của từng học sinh, còn vai trò của các thầy cô giáo?

TS. Lê Thị Chính: Thành tích học tập của học sinh trong những năm qua là nguồn khích lệ rất lớn đối với tập thể cán bộ, giáo viên của Nhà trường. Nhưng vai trò của thầy, cô giáo có ý nghĩa quyết định quan trọng. Đội ngũ cán bộ giáo viên Trường THPT chuyên Ngoại ngữ có năng lực chuyên môn vững vàng và không ngừng được chuẩn hoá. Hiện nay, trường có 4 tiến sĩ, 31 thạc sĩ trên tổng số 61 cán bộ, giáo viên. Nhiều giáo viên của trường đã khẳng định uy tín đối với học sinh cả nước bằng giảng dạy và viết sách tham khảo, hoặc tham gia hội đồng thẩm định SGK của Bộ GD&ĐT. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động để học sinh có cơ hội thể hiện tài năng nhiều mặt của mình.

Nhà trường có hướng phát triển gì mới trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu của ngành và nhu cầu ngày càng cao của xã hội?

TS. Lê Thị Chính: Năm học 2008-2009, Nhà trường sẽ triển khai học ngoại ngữ 2 cho học sinh từ khối 10, với các thứ tiếng: Anh - Trung - Nhật. Việc tổ chức học ngoại ngữ 2 (ngoài chương trình chính khoá) là để phát huy thế mạnh ngoại ngữ của Nhà trường, khi mà đội ngũ giáo viên gồm các thầy, cô của trường và cán bộ giảng dạy ở các khoa đào tạo của Trường ĐH Ngoại ngữ. Học sinh cũng có thể học ngay các bạn cùng lớp của mình vì trường có chuyên 6 thứ tiếng. Học sinh chuyên Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật giữ tiếng Anh làm ngoại ngữ 2, học sinh chuyên Anh có thể chọn tiếng Trung hoặc Nhật làm ngoại ngữ 2 của mình.

Trong năm học tới, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cũng sẽ tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo đủ các trang thiết bị cần thiết, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng với sự lựa chọn và tin cậy của phụ huynh và học sinh cả nước.

Cảm TS. Lê Thị Chính, chúng ta cùng chúc cho Trường THPT chuyên Ngoại ngữ sẽ đạt nhiều thành tích cao hơn nữa trong tương lai xứng đáng với truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường.

 Thanh Tú (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 208 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :