ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Xây dựng ngành nhân học mang bản sắc Việt Nam
Năm 2009, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN mở mã ngành đào tạo cử nhân nhân học. Trao đổi với Bản tin ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình dương, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, cho biết:

Nhân học là khoa học nghiên cứu và khám phá sự đa dạng, tính đặc thù và tính phổ quát của các nền văn hoá và ngôn ngữ cũng như những nguyên tắc tổ chức xã hội của các cộng đồng người cả trong lịch sử và hiện tại. Theo quan niệm như vậy thì đối tượng nghiên cứu của nhân học là văn hoá. Chúng ta đang nói về môn nhân loại học văn hoá – xã hội (cultural – social anthropology) để phân biệt với môn nhân loại học về con người sinh học hay còn gọi là nhân học hình thái người (physical anthropology) là đối tượng của sinh học.

Ở một số trường đại học Âu - Mỹ, khoa nhân loại học thường bao gồm 5 phân ngành chính: Nhân học hình thái người; Nhân học văn hoá – xã hội; Khảo cổ học; Ngôn ngữ học; Nhân học ứng dụng.

Vậy việc phân ngành ở Việt Nam có gì khác, thưa PGS?

Ở Việt Nam, các phân ngành trên lại được tổ chức thành những ngành học riêng rẽ không có sự phối hợp với nhau. Chẳng hạn, môn nhân học hình thái người được đào tạo ở khoa sinh học; môn khảo cổ học được xem là một bộ phận của khoa sử học trong khi ngôn ngữ học lại thường được xếp vào ngành ngữ văn còn nhân học ứng dụng thì chưa được đào tạo chính thức. Mặc dù Khảo cổ học và Ngôn ngữ học sử dụng các phương pháp nghiên cứu đặc thù nhưng đều có chung một đối tượng là văn hoá. Và đó là lý do tại sao ở nhiều trường đại học trên thế giới các môn này được xếp chung vào khoa học nhân loại học.

Bộ môn Nhân học hiện nay được xây dựng và phát triển từ bộ môn Dân tộc học vốn thuộc Khoa Lịch sử của Trường ÐHKHXH&NV, vậy về mặt nội dung, Nhân học sẽ kế thừa và phát triển những gì từ môn Dân tộc học ?

Việc xây dựng Bộ môn Nhân học ở Trường ÐHKHXH&NV trên nền của Dân tộc học là một hướng đi đúng đắn. Khi chuyển từ cách tiếp cận dân tộc học sang tiếp cận nhân học tức là chúng ta đang mở rộng phạm vi quan tâm nghiên cứu của mình ở một tầm cao hơn. Trong một chừng mực, nghiên cứu nhân học đã vượt lên trên các mô tả văn hoá để đi đến phân tích và so sánh. Tuy nhiên, nhân loại học văn hoá gắn chặt với dân tộc học thông qua việc sử dụng những phương pháp kinh điển mà dân tộc học đã tạo ra để nghiên cứu trong đó quan sát tham gia (participant observation) được xem là xương sống của mọi nghiên cứu nhân học.

Phát triển ngành Nhân học của Trường ÐHKHXH&NV có những ưu thế gì so với các cơ sở đào tạo khác ?

Bộ môn Nhân học được kế thừa và phát triển từ ngành dân tộc học đã có lịch sử hàng thế kỷ ở Việt Nam. Các nhà khoa học hiện đang làm việc tại Bộ môn theo chế độ cơ hữu và thỉnh giảng là các nhà khoa học được đào tạo từ các trường đại học uy tín trên thế giới của các quốc gia như Liên Xô, Hà Lan, Australia và Hoa Kỳ. Ðó là một dòng chảy liên tục của nhiều thế hệ các nhà khoa học và chính họ tạo nên một truyền thống lâu đời và những kinh nghiệm phong phú trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Bộ môn. Mục tiêu hướng đến của Bộ môn Nhân học là sẽ xây dựng một ngành nhân học mang bản sắc Việt Nam trên cơ sở kế thừa truyền thống của dân tộc học với việc tiếp thu những tinh hoa của nhân học Âu - Mỹ hiện đại.

 Thanh Hà (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :