Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
15 năm long đong cùng hang động
PGS.TS Nguyễn Hiệu, Phó Chủ nhiệm khoa Địa lý, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, từ năm 1997 đến nay đã tham gia 12/ 15 chuyến thám hiểm khám phá hang động Việt Nam theo sự hợp tác giữa Trường ĐHKHTN và Hội Nghiên cứu Hang động Hoàng gia Anh (BCRA).

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> 15 năm long đong cùng hang động (pdf)

Các kết quả thám hiểm và nghiên cứu hang động ở khối Phong Nha – Kẻ Bàng trong khoảng thời gian từ năm 1990 – 2001 đã được sử dụng để xây dựng “Hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2002. Trong các chuyến đi này đoàn đã có những phát hiện và khẳng định về cửa hang khổng lồ nhất thế giới – hang Én; Hang sông dài nhất thế giới – hang Khe Ry; Hang lớn nhất thế giới – hang Sơn Đoòng…

Thời điểm này (từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 4/2012), BCRA và trường ĐHKHTN đang có chuyến thám hiểm vào khu vực có khả năng phát hiện ra hang động đá vôi lớn hơn cả hang Sơn Đoòng.

Thế giới “ẩn” là nơi rất tốt để tìm kiếm sự mới mẻ

Phần ẩn của trái đất có gì hấp dẫn hơn so với những gì trên mặt đất, dưới ánh sáng mặt trời, mà anh bị thu hút đến thế?

Cái gì cứ nhìn thấy mãi sẽ quen mắt và không tạo ra điểm nhấn. Giống như mình đi du lịch, đâu có phải đi chơi không mà còn thăm quan những phong cảnh đẹp, ngỡ ngàng với cảnh sắc thiên nhiên hay sự vĩ đại do con người tạo ra. Con người ta luôn mong muốn khám phá những cái mới trong cuộc sống. Phần ẩn của trái đất – hidden earth – là cái kho khổng lồ cho những gì chưa được khám phá. Ai ham khám phá và vượt qua được cảm giác ngại ngùng trước sự vất vả thì đó là nơi rất tốt để tìm kiếm sự mới mẻ.

Tức là sự khám phá này mang giá trị tinh thần nhiều hơn?

Đó là với những người đi tham quan. Còn về lĩnh vực nghiên cứu thì hang động là tài nguyên hết sức quan trọng. Chúng không chỉ phục vụ cho du lịch và an ninh quốc phòng, thậm chí còn có thể khai thác về tâm linh. Đó là cả một thế giới cho người ta tưởng tượng và khám phá thật sự.

Tham gia vào đoàn thám hiểm từ khi rất trẻ là do anh yêu thích hang động từ nhỏ hay bị… “ép duyên”?

Hồi nhỏ hang động với tôi chỉ là mấy cái hầm trú ẩn. Khi vào học ở Khoa Địa lý rồi mới biết có dự án hợp tác giữa Khoa với BCRA. Nhưng cũng phải đến lúc tốt nghiệp mới được tiếp xúc với dự án này. Tôi được họ đưa đi đào tạo các kỹ năng như leo trèo, đo đạc… Năm 1997, tôi 21 tuổi, lần đầu tiên đi cùng BCRA tôi vẫn còn chưa tưởng tượng được là như thế nào, chỉ nghĩ hang động như… cái hầm ngày xưa mình chui vào.

Chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi đầu, tập thể dục trước cả tháng, nhưng khi đặt chân lên đường đi lối lại hiểm trở thì mới “hãi”. Nhưng cảm giác khám phá thực sự, đi vào nơi nguyên sơ chưa ai từng biết, là cảm giác rất tuyệt vời đã lôi cuốn tôi.

Những ai đủ sức khỏe và đam mê để đi khám phá hang động sẽ có cảm giác hưng phấn mới trong cuộc sống.

Ngay trong chuyến đi đầu – chuyến khảo sát hang Khe Ry (Quảng Bình) năm 1997 - Nguyễn Hiệu đã “được” chứng kiến hai nhà thám hiểm người Anh trong đoàn mắc kẹt trong hang 57 tiếng đồng hồ. Bản thân anh cũng phải ngược xuôi lội bộ trong rừng tìm cứu hộ.

Tại sao khi thấy đồng đội gặp khó khăn anh không bị “choáng” mà vẫn tiếp tục?

Thực ra khám phá, mạo hiểm luôn đi kèm với rủi ro BCRA rất chuyên nghiệp, khi làm việc với họ mình cảm thấy tin tưởng vì họ có kinh nghiệm tốt.

Trong chuyến đi đầu đời đó, tôi có choáng về sự vất vả, như việc phải đi bộ suốt, cứ lội xuống nước lạnh buốt rồi lại đi lên bờ, cứ liên tục thế. Bình thường có lẽ mình đã ốm, sốt.

Còn chuyện của 2 nhà thám hiểm kia là rủi ro. Lúc đó mình không choáng mà lo. Hai người bị mắc kẹt là một người già nhất đoàn và một người bằng tuổi tôi. Chuyến đầu tiên có nhiều kỷ niệm và tôi đã gắn bó với họ ngay từ khi đó.

Anh cảm thấy như thế nào khi cùng đồng hành người nước ngoài khám phá thiên nhiên Việt Nam?

Vì có sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa nên ban đầu rất khó để rút ngắn khoảng cách đó. Nhưng khi bắt đầu làm việc với nhau tôi nhận thấy họ tuy đến từ rất nhiều ngành nghề nhưng có điểm chung là sống rất tình cảm. Thậm chí khi sang Anh họ vẫn sống như người Á Đông, con cái vẫn khoanh tay chào khách, ăn cơm phải mời. Lúc mới làm việc với họ tôi còn không biết bơi, được họ cõng trên lưng luôn có người nhắc nhở từng bước như anh trai, thậm chí bị mụn nhọt họ còn nặn cho...

Có một điều rất rõ ràng là niềm đam mê của họ cháy rực. Sự đam mê này khác với người Việt Nam.

Sự khác biệt này là do đâu, thưa anh?

Cũng khó nói. Ví dụ như người Việt Nam thích vào hang động để khám phá những gì mới mẻ, đẹp đẽ và cả sự huyền bí. Còn cái khác của người nước ngoài là ngoài những thứ đó, họ còn ham muốn được chinh phục thiên nhiên.

Ở Việt Nam du lịch mạo hiểm bắt đầu nhen nhóm, nhưng để có sự đam mê giống như họ chắc cũng khó. Có thể do thể trạng người Việt nhỏ bé thích sống hòa đồng với thiên nhiên hơn là chế ngự.

Cơ hội khám phá còn rất rộng mở

Anh có kế hoạch viết một cái gì đó hấp dẫn hơn về hang động, để đem đến cho người Việt Nam một cái nhìn khác về tài sản thiên nhiên của mình không?

Với kho dữ liệu mà sau hơn 20 năm hợp tác với BCRA chúng tôi bước đầu muốn cho người Việt thấy ý nghĩa của hang động và khai thác nó cho phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay cũng đã có đề tài do GS. Trương Quang Hải làm chủ nhiệm xây dựng dự án về phát triển du lịch mạo hiểm cho tỉnh Quảng Bình. Không phải hang nào cũng du lịch được, ngay Sơn Đoòng chúng tôi cũng không khuyến khích. Chúng tôi lựa chọn nghiên cứu những hang phù hợp cho phát triển du lịch mạo hiểm ở mức độ vừa phải nhưng có thể chiêm ngưỡng được những cảnh quan hết sức hùng vĩ. Ví dụ như lộ trình vào hang Én, hang Khe Ry… Tuy nhiên, cũng phải nói là dù chúng tôi đã có kiến nghị quy hoạch tuyến đi, trang bị… nhưng mức độ biến thành sự thật là rất chậm.

Chúng tôi cũng sẽ cùng BCRA viết sách chỉ dẫn về từng hang động ở Việt Nam. Tư liệu đã tập hợp hết, và tới đây sẽ chọn nhà xuất bản để thực hiện. Không có lý do gì những người yêu thích sự mạo hiểm, yêu thích cảnh quan hùng vĩ của tự nhiên lại không có tư liệu trong tay để tìm hiểu.

Ai ưa mạo hiểm, có sự ủng hộ từ địa phương (do hang động ở Quảng Bình hầu hết nằm ngay trong vườn quốc gia, muốn vào phải xin phép) có thể sử dụng bản đồ địa hình, sử dụng GPS để tìm đến hang đó được. Và có sơ đồ để có thể đi lại trong hang.

Có sự “giằng xé” nào giữa việc giữ lại những gì mình khám phá được, với việc chia sẻ cho nhiều người, nhưng lại phải đối mặt với nguy cơ cảnh quan bị phá hủy hay tầm thường hóa?

Thực ra, với những gì đã thấy tôi cảm thấy mình quá bé nhỏ để mà có thể “hấp thụ” được hết. Bởi có những cái đẹp rất lớn lao, mà khi một mình chiêm ngưỡng cảm thấy phí vô cùng. Như có những khối nhũ to bằng cả tòa nhà, nhóng nhánh như kim cương, rồi những hố karst đầy nước trong vắt, hay những dải hồ nước trong các hang... Cảnh nguyên sơ và đẹp như vậy là tài sản quốc gia, người Việt Nam và bạn bè đều phải được chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên, quay về thực tại công việc thì có nhiều vấn đề. Thứ nhất là để đi vào được hang là hết sức mạo hiểm và tầm nhìn cũng hết sức hạn chế. Thứ hai, nếu không quản lý tốt cái đẹp sẽ phôi phai.

Năm ngoái, tôi có trình bày trong một hội thảo quốc tế về vấn đề tác động của hoạt động du lịch tới hang động. Tôi đã so sánh các cảnh đẹp sau 10 năm. Những bức ảnh chụp ở hang Phong Nha từ năm 1990 và ảnh chụp hang vào năm 2010 cho thấy các khối nhũ đẹp và tươi mới trước kia đã bị khô đi nhiều, có chỗ mọc rêu do có ánh đèn chiếu vào, các bãi cát trong hang không còn được tơi xốp và nguyên sơ như trước nữa…

Nếu khai thác không cẩn thận sẽ phá vỡ cái đẹp tự nhiên. Muốn mang ra thực cũng phải cân nhắc xem mang ra như thế nào. Sẽ có nghiên cứu đánh giá để đưa vào khai thác như thế nào cho phù hợp. Hiện nay với một số hang động chúng tôi mới dừng lại ở việc “mang ra” bằng những bức ảnh và các thước phim. Nhờ hệ thống kỹ thuật chụp ảnh cực kỳ tốt mang đến cho người xem sự vĩ đại, tuyệt vời bên trong hang, cho dù có thể chưa được như nhìn tận mắt.

Sự mạo hiểm khi đi thám hiểm hang động khác gì với sự mạo hiểm khi anh… đứng trên bục giảng?

Đi thám hiểm, sự mạo hiểm đi kèm với rủi ro, với việc nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không cẩn thận thì có thể gặp nguy hiểm cả ở trong và ngoài hang. Còn trên bục giảng ở thế của thầy và trò thì… tính mạo hiểm không cao. Nhưng sinh viên nhiều em cũng tinh nghịch lắm nên tất nhiên cũng có thể xảy ra “rủi ro”, nhưng có điều khác rất nhiều so với đi vào hang.

Với 250 km hang động đã được khám phá ở Việt Nam, liệu có… còn gì cho các sinh viên sau này tiếp tục?

250 km là con số của 20 năm hợp tác và 14 chuyến thám hiểm với BCRA. Hiện nay khả năng tiếp cận hang, công nghệ khảo sát đã khác. Nếu như trước kia đi tối đa 1 tuần vì phụ thuộc vào lượng đất đèn mang theo cho việc chiếu sáng, thì bây giờ với hệ thống đèn led, đoàn thám hiểm có thể đi cả tháng ở trong hang được. Điều này làm cho tính hiệu quả cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ của người địa phương. Có những người dân ở Quảng Bình còn chủ động đi tìm kiếm hang mới để thông tin cho các đoàn thám hiểm.

Điều quan trọng là ở Quảng Bình còn một mảng lớn ở phía Tây chưa khám phá, mà các chuyên gia nghiên cứu đều đánh giá là rất tiềm năng. Dự kiến có những hang còn to hơn Sơn Đoòng là hang lớn nhất thế giới hiện nay. Chính trong thời điểm này có một nhóm vào địa bàn có khả năng có hang còn lớn hơn Sơn Đoòng. Rất tiếc vì một số lý do mà tôi không thể tham gia chuyến thám hiểm lần này.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

 Chi Mai (thực hiện) - Bản tin số 255
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :