Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Từ “Khoa học ở châu Âu” đến “Khoa học châu Âu”
Theo các đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với Chương trình Tầm nhìn 2020, Chương trình khung cho Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo sẽ tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho ba khía cạnh: sự xuất sắc trên nền tảng khoa học Châu Âu; khả năng lãnh đạo trong ngành công nghiệp; và những thách thức mang tính xã hội. Khi nói đến hệ thống chính sách Châu Âu với tuyên bố về cơ sở và giá trị gia tăng, mục tiêu can thiệp, và các tổ chức hỗ trợ khoa học, có thể nhận thấy rằng đang có sự chuyển đổi từ giai đoạn mà chúng ta gọi là “khoa học ở Châu Âu” sang giai đoạn gọi là “khoa học Châu Âu”.

Từ khoa học ở châu Âu…
Từ những năm 1950 đến đầu những năm 2000, chính sách khoa học Châu Âu “chủ yếu tập trung hỗ trợ công nghệ (ứng dụng), trong khi các hỗ trợ cho khoa học cơ bản chỉ dừng lại ở cấp quốc gia”. Điều này được hình thành dựa trên 2 yếu tố: “nguyên tắc bổ sung”, trong đó nêu rõ rằng Liên minh Châu Âu (EU) chỉ có thể thực hiện vai trò của mình khi hành động của từng quốc gia thành viên là không đủ, và việc tập trung vào khả năng cạnh tranh công nghiệp như đã nêu trong Hiệp ước Châu Âu. Nó ảnh hưởng đến hai giả định có liên quan đến giá trị gia tăng và cơ sở của chính sách Châu Âu. Một là, “giá trị gia tăng Châu Âu” được giải thích thông qua các hình thức phụ trợ khác nhau cùng với sự phối hợp của khoa học và nghiên cứu cấp quốc gia; giá trị này thường được định nghĩa lại để phù hợp với những thay đổi và sự đa dạng các mục tiêu của Chương trình khung của EU và giá trị này không thể bị loại bỏ. Giả định thứ hai, Châu Âu là khu vực dẫn đầu thế giới về khoa học, nhưng bị tụt lại phía sau trong lĩnh vực khai thác các ý tưởng khoa học để ứng dụng trong kinh tế và công nghiệp. Như vậy, sự hỗ trợ là nhằm vào công nghệ và ứng dụng, làm giảm đi tầm quan trọng vốn dĩ gắn với nghiên cứu cơ bản được tài trợ rộng rãi phục vụ cho tương lai kinh tế và công nghiệp của Châu Âu.
Vì thế, chính sách nghiên cứu và khoa học Châu Âu tập trung vào việc nghiên cứu ứng dụng và phát triển hay tập trung vào các điều kiện xã hội rộng hơn dành cho nghiên cứu, giống như kiểu hợp tác và tạo mạng lưới, trong khi để cho các quốc gia tự phát triển khoa học. Song song với đó, các thỏa thuận đa quốc gia lại hướng đến những nỗ lực khoa học và các cơ sở hạ tầng quy mô lớn (ví dụ như Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu – CERN trong lĩnh vực vật lí hạt nhân).
Điều này góp phần hình thành nên các tổ chức hỗ trợ khoa học cấp Châu Âu, đặc trưng bởi ba kiểu tổ chức: các cơ sở nghiên cứu liên chính phủ lớn và có lĩnh vực nghiên cứu cụ thể như CERN và Phòng Thí nghiệm Sinh vật Phân tử Châu Âu (EMBL); các tổ chức bao trùm như Quỹ Khoa học Châu Âu (ESF) điều phối các hoạt động ở tầm quốc gia; và các Chương trình khung với ngân sách lớn nhưng không tập trung rõ ràng vào nghiên cứu khoa học. Mặc dù có tham vọng lớn, các tổ chức này đã và đang tập trung vào các lĩnh vực cụ thể; nhưng lại thiếu sự tập trung, thiếu nguồn tài chính và thẩm quyền; hoặc không thực sự chú trọng vào sự xuất sắc trong khoa học. Do đó, chính sách khoa học chung của toàn Châu Âu không có tác nhân tổ chức kết tinh.
Vì lẽ đó, các nhà khoa học Châu Âu phải cạnh tranh để có được sự thừa nhận trên toàn cầu và để giành được các nguồn lực chủ yếu từ các quốc gia. Cả sự sẵn có của các quỹ nghiên cứu, các điều kiện và tiêu chí tài trợ cũng có sự khác nhau rất lớn giữa các nước. Điều này góp phần vào sự yếu kém của khoa học ở toàn Châu Âu, mà nguyên nhân là do có sự phân khúc và phân tán.
Ngoài ra, các Chương trình khung ngày càng có thêm nhiều mục đích, trong đó tập trung vào các mạng lưới liên quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và việc chuyển giao công nghệ. Ngày càng khó để có thể xác định các tác động mạnh mẽ, vốn được gán cho các nỗ lực của Chương trình khung, ngay cả với mục đích chính là khả năng cạnh tranh về công nghiệp. Mặc dù các Chương trình khung có một số tác động tích cực ở các khu vực nhất định, giống như ngành công nghiệp viễn thông Châu Âu, tác động của chúng tới nền kinh tế nói chung vẫn khá mờ nhạt. Tác động lên thành tựu khoa học cũng không rõ ràng. Người ra cho rằng, đối với các trường đại học, các nguồn Chương trình khung chỉ là nguồn tài trợ thuận tiện nhưng không tạo ra các tác động về cấu trúc.
… đến “Khoa học Châu Âu”
Đến cuối thế kỷ 20, các giả định về giá trị gia tăng và cơ sở cho chính sách khoa học ở Châu Âu được nêu trong các tài liệu chính thức, bắt đầu thay đổi. Trước hết, sự hiểu biết về giá trị gia tăng Châu Âu đã chuyển thành sự cạnh tranh kết hợp. Năm 2003, trong bối cảnh xuất sắc của nghiên cứu, một nhóm chuyên gia kêu gọi đưa yếu tố cạnh tranh trở thành “một phần cốt yếu trong một định nghĩa mới, tiến bộ về giá trị gia tăng Châu Âu”. Một năm sau, lời kêu gọi này được hưởng ứng trong các văn bản chính thức của EC như “giá trị gia tăng đến từ sự cạnh tranh ở cấp độ Châu Âu”. Điều này trùng với một sự thay đổi tập trung được đánh dấu bởi khái niệm về Khu vực Nghiên cứu Châu Âu (ERA) và được nêu trong các tuyên bố về ý định “tích hợp”. Chính sách cũng chuyển sự chú ý từ việc phối hợp các nỗ lực quốc gia sang việc phát triển một nền tảng khoa học liên Châu Âu. Nó cũng thúc đẩy việc thực hiện, cùng với các sáng kiến chính sách được thử nghiệm và kiểm chứng, các công cụ mới nhằm tăng mức độ tích hợp ở các mặt khác nhau của hệ thống khoa học Châu Âu.
Sau đó, Châu Âu nhận ra rằng các vấn đề về khoa học của nó vượt ra ngoài khả năng ứng dụng. Vào cuối những năm 90 thế kỉ trước, người ta nhận thấy các quốc gia Châu Âu đang tụt lại phía sau Hoa Kỳ và Nhật Bản cả trong khoa học và ứng dụng. Chính sách Châu Âu cho khoa học và nghiên cứu không còn tập trung vào công nghệ và ứng dụng. Việc tái định hình khoa học bằng cách giới thiệu khái niệm nghiên cứu “tiên phong” đã vượt qua ranh giới ứng dụng cơ bản và giúp khoa học có thể tái tạo lại EC như là đơn vị tài trợ cho nghiên cứu, sáng tạo, khoa học và thiết lập ra các tổ chức phá vỡ cách thức hỗ trợ nghiên cứu đã được xác lập ở cấp độ Châu Âu.
Hai sự thay đổi các cơ sở và giả định chính sách này giúp thành lập nên Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu ERC vào năm 2007, để hỗ trợ nghiên cứu hướng đến người nghiên cứu, và tập trung vào chất lượng. ERC hướng đến việc hỗ trợ nghiên cứu mạo hiểm và tạo ra tác dụng đòn bẩy đối với việc cải tiến cấu trúc trong hệ thống nghiên cứu của Châu Âu và tạo ra một “cơ sở nghiên cứu Châu Âu đích thực”.
ERC khác với các tổ chức được nói đến phía trên ở 5 khía cạnh chính như: tập trung rõ ràng vào việc hỗ trợ nghiên cứu tại hoặc vượt ra ngoài các ranh giới của tri thức; hỗ trợ hướng tới người nghiên cứu thay vì nghiên cứu theo chương trình; có ngân sách và phân bổ ngân sách (không giống như ESF và Cơ quan Hợp tác Khoa học và Công nghệ Châu Âu); có một số mục tiêu rõ ràng (không giống như các Chương trình khung); và sự xuất sắc nghiên cứu sau bình duyệt sẽ được sử dụng như một tiêu chí duy nhất để lựa chọn chứ không phải như một diễn tiến để đạt các mục đích chính trị khác.
Những mục tiêu này được thực hiện nhờ hai công cụ tài trợ chính: Tài trợ Người bắt đầu Nghiên cứu Độc lập nhằm vào những nhà nghiên cứu ở các giai đoạn đầu sự nghiệp và Tài trợ Nghiên cứu Tiên tiến nhằm vào các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của họ. Về phương diện pháp lí, ERC là một cơ quan điều hành của EC, có nhiệm vụ thực hiện Chương trình IDEAS. Tuy nhiên, Hội đồng Khoa học bảo đảm có được quyền tự chủ để quyết định định hướng khoa học và để thực hiện chương trình làm việc của mình. Tuy vẫn còn khá nhỏ nhưng ERC là hiện thân của những đặc điểm đặc trưng của giai đoạn mới trong khoa học và nghiên cứu ở Châu Âu. Đây là một tổ chức phù hợp với các mục tiêu và cơ sở chính sách đã thay đổi và đánh dấu sự vươn lên của khoa học Châu Âu.
Những tác động bước đầu
Chính sách khoa học Châu Âu vẫn còn là một sự pha trộn giữa quá trình hợp tác và cạnh tranh, giữa sự xuất sắc trong khoa học và các mục đích chính trị, và giữa các tổ chức đã thành lập và các tổ chức mới. Sự chuyển đổi được bàn đến trong bài viết này mới ở giai đoạn đầu; tương lai của nó và những viễn cảnh còn chưa rõ ràng. Một mặt, trong các đề xuất cho chương trình Tầm nhìn 2020, EC đề nghị tăng 77% ngân sách cho ERC. Mặt khác, vị trí pháp lí của ERC như một cơ quan điều hành đã tạo ra tình trạng căng thẳng chủ yếu đối với mối quan hệ với EC và khả năng phù hợp giữa các nguyên tắc tài chính và các quy định so với các mục tiêu của tổ chức này. Tình trạng căng thẳng còn tồn tại giữa chương trình hoạt động vốn dài hạn của ERC và các áp lực chính trị đối với các tác động ngắn hạn.
Khoa học Châu Âu như là một vũ đài chính trị mới, và ERC là một trong các đặc điểm tiêu biểu chính của nó, có thể có những tác động có ảnh hưởng sâu rộng lên nền tảng khoa học; và quả thực những tác động đầu tiên đã xuất hiện. EURECIA nghiên cứu các tác động của ERC và cơ chế tài trợ của nó đối với các nhà nghiên cứu, việc nghiên cứu và sự nghiệp; các trường đại học và các viện nghiên cứu; sự tài trợ mang tính quốc gia; và quỹ tài trợ Châu Âu.
Nhiều trong số các dự án mà ERC tài trợ mang tính đổi mới và nghiên cứu hoặc khai thác những đổi mới trong khoa học. ERC có một số tác động đối với các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu ở Châu Âu. Những tác động này có thể thấy rõ ở các tổ chức được xếp hạng chỉ sau những đơn vị nghiên cứu hàng đầu, mà sử dụng tài trợ của ERC để phát triển và thực hiện các cấu trúc và các thực tiễn giúp ích cho sự xuất sắc trong nghiên cứu, như việc hỗ trợ quản lí và chuẩn bị tài trợ. Với đặc trưng là một dấu hiệu của sự xuất sắc trong nghiên cứu, ERC cũng có thể dễ dàng hoạt động, cạnh tranh, và sắp xếp các hoạt động trong bối cảnh toàn Châu Âu, chứ không phải bối cảnh quốc gia.
Ở cấp độ quốc gia, ERC được thành lập đã thúc đẩy việc xem xét toàn bộ các hệ thống mà ở đó không có các cơ quan chuyên tài trợ nghiên cứu, như với Pháp và Ba Lan thì ERC là một mô hình cho một cơ quan tài trợ nghiên cứu. Trong bối cảnh tài trợ ở Châu Âu, ERC cũng đã tạo nên một số thay đổi, ví dụ thúc đẩy tầm quan trọng của sự xuất sắc trong chương trình hoạt động của ERA, những thay đổi trong các nguyên tắc tài trợ nghiên cứu truyền thống của EU vốn chỉ hỗ trợ các cá nhân mà không hỗ trợ các tổ chức, v.v.
Tổ chức và chính sách khoa học Châu Âu đang trải qua quá trình chuyển đổi, và đã có dấu hiệu cho thấy các tác động sâu rộng của nó lên hệ thống khoa học; nhưng chỉ có thời gian, và thêm nhiều nghiên cứu nữa mới có thể chứng minh được là những tác động mong đợi này có đơm hoa kết trái hay sẽ lụi tàn.
HỒNG VIỆT (Theo Science)

 Maria Nedeva, Michael Stampfer - Bản tin số 258
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :