Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Giải Nobel 2012 (tiếp)

Mạc Ngôn - người kể chuyện bẩm sinh
Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đã vinh dự giành giải Nobel 2012. Ông được đánh giá là tác giả "kết hợp được chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với truyện kể dân gian, lịch sử và cuộc sống đương đại" trong các trang văn của mình.
Với vinh dự này, Mạc Ngôn đã trở thành người Trung Quốc thứ ba nhận giải Nobel, sau Cao Hành Kiện (Nobel Văn chương 2000) và Lưu Hiểu Ba (Nobel Hòa bình 2010). Theo Ủy ban giải Nobel, “văn phong của Mạc Ngôn kết hợp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với văn học dân gian, lịch sử và hiện đại”. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Đàn hương hình, Báu vật của đời, Sống đọa thác đày, Cao lương đỏ, Ếch… luôn được miêu tả đầy dữ dội, kịch tính, dấy nên những ám ảnh kéo dài về thân phận của một kiếp người trong một quãng dài lịch sử, thậm chí từng bị báo giới Trung Quốc đánh giá là quá táo bạo, cực đoan.
Mạc Ngôn sinh ngày 17/2/1955 tại thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trong một gia đình nông dân. Ông được đánh giá là “một trong những nhà văn nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả nhà văn Trung Quốc”. Ông cũng được so sánh với những văn hào như Franz Kafka hay Joseph Heller. Thời kì Cách mạng văn hóa, ông làm việc trong một nhà máy sản xuất dầu. Mạc Ngôn tham gia quân đội ở tuổi 20 và bắt đầu viết khi ở trong quân ngũ vào năm 1981. Ba năm sau đó, Mạc Ngôn trở thành giảng viên Khoa Văn học của Học viện Văn hóa Quân đội. Bút danh của Mạc Ngôn trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “không nói” được ông lấy khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Ông chọn bút hiệu này để nhắc nhở bản thân phải kiệm lời...
Mạc Ngôn là tác giả khá gần gũi với độc giả Việt Nam. Phần lớn các tác phẩm của ông đều đã được dịch ra tiếng Việt. Trên thế giới, người ta biết đến ông nhiều nhờ tác phẩm "Cao Lương Đỏ" được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành phim.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Mạc Ngôn thừa nhận nhờ ngôn ngữ, ông đã được đổi đời từ nông dân trở thành một nhà văn, và nhờ các dịch giả trong và ngoài nước, ông trở thành một nhà văn nổi tiếng thế giới.
Tác phẩm đầu tiên của Mạc Ngôn được dịch rộng rãi ra thế giới là tiểu thuyết "Cao lương đỏ" vào năm 1988. Sau này, cùng với "Báu vật của đời", "Tửu quốc"… là những tác phẩm đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính ở châu Âu và châu Á như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nhật…
Nhà văn Mạc Ngôn cũng thừa nhận rằng bản thân ông là mẫu người ưa tìm về nguồn cội. Vì vậy hầu hết các nhân vật, các câu chuyện trong tác phẩm của ông đều ít nhiều mang hơi hướng về những con người, sự kiện, địa danh… tại vùng Cao Mật, tỉnh Sơn Đông quê hương ông.
Mạc Ngôn hóm hỉnh cho biết để mừng giải thưởng này, cả nhà ông sẽ quây quần ở nhà tự làm sủi cảo ăn, vì ông rất mê sủi cảo.
Nobel Hòa bình cho lục địa già
Có một điều thú vị là Na Uy, quê hương của giải Nobel Hòa bình, lại không phải là thành viên của EU và 3/4 dân số của họ phản đối việc gia nhập liên minh này, theo một cuộc thăm dò gần đây. EU từng nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa bình nhưng chưa bao giờ trở thành hiện thực bởi những tranh cãi chính trị xung quanh liên minh này, nhất là khi Na Uy 2 lần từ chối trở thành thành viên EU.
Giải Nobel Hòa bình năm 2012 đã được trao cho Liên minh châu Âu (EU) vì “hơn sáu thập niên đóng góp cho sự tiến bộ của hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền tại châu Âu”.
Giải thưởng bất ngờ đến vào thời điểm liên minh gồm 27 thành viên đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiều thập niên khi rạn nứt phát sinh giữa phương nam chìm ngập trong nợ nần và phương bắc thịnh vượng song miễn cưỡng chìa bàn tay giúp đỡ.
Tuy nhiên, sự thành lập của tổ chức này được công nhận là giúp mang lại hòa bình và ổn định cho một lục địa bị tàn phá bởi chiến tranh bằng cách gắn kết hai đối thủ truyền kiếp Pháp và Đức.
Giải Nobel Hòa bình được trao cho EU trong bối cảnh khối này đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất nhì lịch sử, là nỗ lực để khuyến khích khối này vượt qua "cơn lận đận" đang đe dọa khu vực đồng tiền chung châu Âu Euro. Tuy khoản tiền thưởng gần 1 triệu USD là quá nhỏ so với tổng số nợ hàng nghìn tỉ USD mà các thành viên EU đang sa lầy nhưng nó có thể là động lực mạnh mẽ để các nước thuộc khối này vượt qua khó khăn.
Chủ tịch EU Herman Van Rompuy ngay sau đó tuyên bố rằng giải Nobel Hòa bình năm 2012 là sự ghi công về hơn 6 thập niên các nước EU nỗ lực "vượt qua chiến tranh và những phân cách".
"Giải thưởng này thừa nhận nỗ lực chung của các nước châu Âu nhằm vượt qua chiến tranh cũng như những phân cách và cùng nhau định hình một lục địa của hòa bình và thịnh vượng," nhà lãnh đạo này viết trên Twitter sau khi giải được công bố ở Oslo.
“Trong hơn 70 năm, Đức và Pháp đã trải qua ba cuộc chiến tranh. Ngày nay, chiến tranh giữa Đức và Pháp là chuyện không thể hình dung. Điều đó thể hiện cách các kẻ thù trong lịch sử có thể trở thành đối tác gần gũi thông qua những nỗ lực có mục đích rõ ràng và bằng cách xây dựng lòng tin song phương”, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland nói trong thông báo.
Bất chấp những khó khăn mới đây, EU đã trở thành thị trường chung lớn nhất thế giới, cho phép hàng hóa, cư dân và đồng vốn lưu thông tự do.
Trong những năm qua, khối này đã tập hợp được 27 quốc gia vốn vẫn còn ở hai phía của “Bức màn sắt” chia rẽ Đông Âu và Tây Âu cách đây không quá lâu.
Ông Jagland cũng ca ngợi việc EU kết nạp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp sau khi các chế độ độc tài ở những nước này sụp đổ vào thập niên 1970.
Ông nói nỗ lực hòa giải của EU giờ đây đã lan đến các nước Balkan và nhắc đến việc Croatia chuẩn bị gia nhập khối này vào năm sau.
Lí thuyết thống trị của người Mỹ
Alvivin E.Roth và Lloyd S.Shapley được trao giải Nobel Kinh tế 2012 nhờ nghiên cứu về "Lí thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường".
GS. Lloyd S.Shapley và GS.Alvivin E.Roth
Nghiên cứu của hai ông đề cập "Lí thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường". Từ đó, đưa ra phương pháp khớp các tác nhân kinh tế khác nhau như học sinh với trường học hay thậm chí là người hiến nội tạng với bệnh nhân.
Phương thức này sẽ được áp dụng trong những lãnh vực phổ thông mà nhu cầu khó được thoả mãn nhất. Một số ví dụ là vấn đề cung cấp bộ phận cơ thể hiến tặng cho những bệnh nhân có nhu cầu, cung cấp trường lớp đại học cho sinh viên, hay nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo chỗ thích ứng cho khách hàng quảng cáo trên mạng.
GS. Alvin Roth, 60 tuổi, dạy tại Học viện kinh tế thuộc đại học đường Harvard ở Boston, Massachussetts, còn Lloyd Shapley, 89 tuổi, là giáo sư Đại học California ở Los Angeles.
Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển tuyên bố vinh danh hai học giả về “lí thuyết phân phối ổn định và thực hành việc thiết kế thị trường.”
GS. Lloyd S. Shapley đã sử dụng lí thuyết trò chơi hợp tác để nghiên cứu và so sánh các phương pháp kết hợp khác nhau. Vấn đề quan trọng là phải bảo đảm một sự kết hợp ổn định vì hai đối tượng cung cầu có thể không tìm thấy đối tượng mình ưa thích hơn trong nhiều đối tượng khác nhau.
Ông và các cộng sự đã sử dụng các phương pháp đặc thù (hay còn gọi là thuật toán Gale-Shapley) để tạo ra một trạng thái kết hợp ổn định. Phương pháp này cũng hạn chế khả năng tác động của các đối tượng đến quá trình kết hợp ổn định.
Trong khi đó, GS. Alvin E. Roth nhận ra kết quả lí thuyết của GS. Lloyd S. Shapley có thể làm sáng tỏ cách vận hành của các thị trường quan trọng trong thực tiễn.
Bằng hàng loạt nghiên cứu thực nghiệm, ông và các cộng sự đã chứng minh rằng ổn định là chìa khóa quan trọng để hiểu rõ thành công của các tổ chức thị trường đặc thù.
Ông cũng giúp tái thiết kế các tổ chức thị trường để có thể kết hợp hiệu quả giữa bác sĩ với bệnh viện, sinh viên với trường học, người hiến tạng và bệnh nhân ghép tạng… Các thay đổi về thiết kế đều dựa trên thuật toán Gale-Shapley cùng với các điều chỉnh dựa trên hoàn cảnh cụ thể.
Mặc dù hai giáo sư làm việc độc lập nhưng lí thuyết cơ bản của Lloyd S. Shapley kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm của Alvin E. Roth đã cải thiện hiệu quả hoạt động của nhiều thị trường.
GS. Roth nói rằng, ông ngạc nhiên khi được nhận giải, ông vẫn mong đợi GS. Shapley là người nhận giải Nobel kinh tế năm nay, và ông cảm thấy vinh dự được chia sẻ giải thưởng này với vị giáo sư cao niên.
Ông nói thêm, ông rất hân hoan thấy giải thưởng này rọi sáng công trình thiết kế thị trường vừa thành tựu, mà GS. Shapley gọi là địa hạt còn mới mẻ của kinh tế. Ông nói tiếp: “Sáng nay vào lớp, các sinh viên của tôi sẽ chú ý vào bài giảng của tôi hơn”.
Giới kinh tế trên thế giới nói đến tuổi tác của học giả Shapley như một yếu tố thuận lợi cho ông trong năm nay, dù rằng lãnh vực nghiên cứu của ông không lên mặt báo thường xuyên như những đề tài kinh tế khác. 
Uỷ ban giải Nobel Kinh tế tuyên bố công trình nghiên cứu đạt được thành công nhờ sự kết hợp giữa kết quả trên lí thuyết của GS. Shapley và nhãn quan thông suốt của GS. Roth về giá trị thực hành của nó.
Viện Hàn lâm Hoàng gia Thuỵ Điển chọn luận đề thiết kế thị trường cho giải Nobel Kinh tế năm nay để tránh phải lặn lội vào cuộc tranh luận nóng bỏng trên khắp thế giới về chính sách ngân sách, cùng với những biện pháp khắc khổ và những gói kích cầu.

 Đức Phường (tổng hợp) - Bản tin số 260 - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :