Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Thấy gì qua một hội thảo khoa học
Lần đầu tiên tại Việt Nam "Hội thảo về liệu pháp gen và liệu pháp miễn dịch lần thứ nhất" (1st Gene and Immunotherapy Conference Vietnam) đã được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM). Với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị trong nước và quốc tế, Hội nghị đã diễn ra rất hiệu quả. Chúng ta gặp mặt tại đây không chỉ các chuyên gia Y học, Sinh học trong phạm vi cả nước mà còn được gặp các chuyên gia nổi tiếng thế giới đến từ nhiều nước.

Chúng ta đều biết sau kỉ nguyên kháng sinh đã giúp đẩy lùi có hiệu quả hàng loạt các bệnh do vi khuẩn và nấm gây ra, nhưng nhân loại vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt các bệnh nan y, đứng đầu là ung thư và không ít các bệnh do virut gây ra. Cuộc cách mạng về sinh học phân tử giúp con người khám phá thêm được khá nhiều về bản chất của các quá trình sống và công nghệ sinh học đã giúp nhân loại sử dụng kĩ thuật gen và công nghệ tế bào để tạo nên biết bao kỳ tích trong nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, công nghệ môi trường , và nhất là trong y học.
Chỉ nói riêng về ung thư, dự kiến của Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giới cho biết đến năm 2030 sẽ có 21 triệu ca ung thư. Hiệp hội Ung thư Việt nam thông báo, trong năm 2003 cả nước có 100 000 ca ung thư và con số này sẽ tăng lên đến 150 000 người vào năm 2013 này. Tỉ lệ tử vong do ung thư thường tới 70%. Về bệnh viêm gan B hiện trên thế giới đã có tới trên 350 triệu người nhiễm HBV mãn tính.
Tại cuộc Hội thảo này phần lớn các báo cáo về liệu pháp gen và liệu pháp miễn dịch đều hướng về mục tiêu điều trị ung thư. GS người Ý Dario Campana (ĐHQG Singapore) cho biết các tế bào NK (natural killer) và tế bào T được biến đổi gen có khả năng điều trị bệnh bạch cầu cấp dạng tủy và các tế bào ung thư kháng hóa trị. GS. Yoshikazu Nakamura (ĐH Tokyo) cho biết, liệu pháp gen (bằng các phân tử ARN được thiết kế có tính động dược học) có thể kiểm soát trạng thái đau ở bệnh nhân. GS. Tạ Thành Văn và cộng sự (ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) phát hiện liệu pháp điều trị trúng đích (target therapy) bằng erlotinib vượt trội hơn ở nhóm có đột biến gen EGFR. GS. Hisao Masai (Viện Khoa học Y tế Tokyo) cho biết đã tìm được cơ hội duy nhất để thiết kế chromatin trong nhân và có thể sửa đổi các bất thường trong tế bào bệnh. TS. Bumsup Lee (Công ty Sinh học Kolon, Hàn Quốc), cho biết liệu pháp Tissue-gene-C (TG-C) đã được sử dụng có hiệu quả cho bệnh nhân viêm xương khớp. TS. K.Fukui và cộng sự (ĐH Tokushima) đã khám phá được mục tiêu phân tử (Molecular Target) cho liệu pháp gen ung thư và bệnh tâm thần phân liệt. Liệu pháp OSED (oxydative stress-energy depletion) có nhiều hứa hẹn để điều trị bệnh thần kinh đệm. TS. Phạm Văn Phúc (ĐHQG-HCM) chứng minh việc dựa vào kháng nguyên CD44 để nhằm trúng đích tế bào ung thu vú. TS. Meng Yang (Công ty CNSH kháng ung thư, Bắc Kinh) phát hiện phương pháp chuyển gen đánh dấu protein phát huỳnh quang để quan sát trạng thái các khối u, sự tăng sinh hoặc di căn. TS. Hyun- Tak Jin (Công ty Genexin, Hàn Quốc) thông báo kết quả nghiên cứu liệu pháp vacxin ADN chống lại sự xâm nhiễm của virut gây viêm gan B mãn tính. Nhóm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (ĐHQG-HCM) phát hiện sự giảm điều hòa ABCG2 làm gia tăng sự nhạy cảm với thuốc Doxorubicin ở tế bào gốc ung thư vú. TS. Yasuhiko Nishioka (ĐH Tokushima) đã phát triển liệu pháp miễn dịch kháng ung thư bằng cách sử dụng tế bào DCs (dendritic cells) và kháng thể trong các khối u ác tính vùng ngực. Các TS. Nguyễn Phạm Thành Nhân và Trần Thị Thanh Hương trong quá trình nghiên cứu tại ĐHQG Chonnam, Hàn Quốc, đã phát triển liệu pháp sử dụng tế bào DCs để điều trị đa u tủy. GS. Atsushi Miyajima và cộng sự ở ĐH Tokyo công bố việc sử dụng tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPS) để tạo tế bào gan và đảo tủy có chức năng (functional). GS. Calvin Chi Pui Pang (ĐH Hồng Công) công bố nghiên cứu sử dụng liệu pháp gen và tế bào trong điều trị các bệnh vè mắt. TS. YE Cong Kevi (ĐH Hồng Kông) trình bày một mô hình thử nghiệm mới để giám sát sự thoái hóa tế bào hạch võng mạc (RGC) trong bệnh tăng nhãn áp (glocoma). GS. Ivan R Kennedy (ĐH Sydney) trình bày một mô hình kháng nguyên - sự hoạt động và entropy của các tương tác globulin miễn dịch. TS. Phuong - Hien Nguyen và cộng sự (Đại học Cologne, Đức) chứng minh vai trò của LYN kinasse trong sinh bệnh học của tế bào bạch cầu lympho bào mãn tính. GS. Somi Kim Cho (ĐHQG Jeju, Hàn Quốc) phát hiện cảm ứng tế bào gốc ung thư vú bằng các chất có nguồn gốc thực vật. BS Doan Y Dao (Trung tâm y khoa Southwestern UT, Texas) trình bày liệu pháp chiến lược trong việc kiểm soát HBV mãn tính và những cơ hội, thách thức cho liệu pháp miễn dịch. GS. Sunyoung Kim (ĐHQG Seoul) trình bày một số kết quả biến gen thành thuốc có nguồn gốc ADN. TS. Seung Shin Yu (Công ty VitroMed, Seoul) trình bày liệu pháp gen sử dụng Retrovirus để điều trị U hạt mãn tính CGD. GS. Wei Chen (ĐH Minnesota) trình bày liệu pháp nhắm trúng đích TLRs đối với bệnh Ung thư máu ác tính. TS. Nguyễn Đăng Quân và cộng sự (Trung tâm CNSH TP.HCM) trình bày việc tạo và định tính thụ thể IL-33 dạng tan gắn với vùng IgG1 Fc bawngfnawms men Pichia pastoris. TS. Saewon Kim (ĐH Công giáo Hàn Quốc 505) trình bày phương pháp tiêm nhiều lần MSC/dTRAIL-TK hứa hẹn cho hiệu quả điều trị trường hợp ung thư di căn đề kháng với hóa trị và xạ trị..
Còn khoảng 50 báo cáo khoa học khác của các tác giả trong nước và ngoài nước mà tôi không thể nào giới thiệu hết. Các nhà khoa học nào muốn tìm hiểu có thể vào trang web http://vn.genandimmumotheray.com để đọc them.
Vấn đề cần rút ra qua cuộc Hội thảo rất phong phú này là: Không thể coi nhẹ nghiên cứu cơ bản khi muốn xây dựng một nền y học tiên tiến. Muốn vậy lại phải có một nền móng vững chắc về sinh học phân tử và công nghệ sinh học. Những nước mới phát triển như Hàn Quốc, Singaporre qua các báo cáo tại Hội thảo này chứng tỏ họ không thua kém gì về mức độ nghiên cứu so với các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Đức... Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã vượt qua rất nhiều khó khăn về phương tiện nghiên cứu, về tài liệu tham khảo... và đã có ý thức phấn đấu tiếp cận các hướng nghiên cứu tiên tiến. Vấn đề đặt ra là cần quy hoạch lại các Viện nghiên cứu chuyên sâu với sự đầu tư thỏa đáng về phương tiện nghiên cứu và khả năng hợp tác quốc tế. Vấn đề tiền lương tuy nan giải nhưng có thể khắc phục bằng kinh phí cấp theo hình thức khoán hợp lý và khuyến khích việc kết hợp nghiên cứu với sản xuất thử nghiệm (pilot). Kinh nghiệm của Hội thảo này còn cho thấy tổ chức Hội thảo quốc tế ngay trong nước tạo điều kiện cho hàng trăm cán bộ, sinh viên có điều kiện được tiếp cận với các nhà khoa học có trình độ cao ở nước ngoài và như vậy chắc chắn có hiệu quả cao hơn nhiều so với việc chỉ cử vài nhà khoa học tham dự các cuộc Hội thảo nước ngoài (trừ trường hợp bạn cấp kinh phí).
Chúng ta nên thực sự tìm hiểu con đường bứt phá trong khoa học của các nước mà trước đây không lâu họ có trình độ khoa học không hơn gì ta. Ai sẽ trả lời được câu hỏi: Vì sao nền khoa học của họ phát triển nhanh như vậy , trong khi trí tuệ của người Việt Nam mình đâu có kém ai?

 Nguyễn Lân Dũng - Bản tin số 266 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :