Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia nghiên cứu thành công trong việc tạo gà Ác tiềm khảm Lương phượng bằng vi tiêm tế bào gốc phôi.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc Hà Nội) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương - Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nghiên cứu thành công tạo ra một giống gà hoàn toàn mới (gọi là gà khảm) từ việc tiêm tế bào gốc của 2 giống gà quí khác: gà Lương phượng và gà Ác tiềm.

Các nhà khoa học đã thí nghiệm trên 1500 lần từ tế bào gốc phôi của hai giống gà quý hiếm gà Ác tiềm và gà Lương phượng, thực hiện theo phương pháp mở cửa sổ vỏ trứng không giờ ấp, lấy tế bào gốc gà Lương phượng tiêm vào phôi trứng gà Ác, đậy lại rồi cho ấp bình thường, các nhà khoa học đã đưa ra được con gà khảm - con gà mới này mang đặc tính của cả gà Ác tiềm và gà Lương phượng về màu sắc

PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng (giữa) và GS.TSKH Trương Quang Học - trưởng Ban KHCN ĐHQGHN (phải)

da, lông, chân...nhưng lại không phải là giống gà lai.

Đề tài mang tên "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc vật nuôi, phục vụ phát triển công nghệ sinh học trong chăn nuôi và thú y", mã số KC.04.24, là 1 trong 11 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện trong giai đoạn 2001-2005. Đề tài này bắt đầu được thực hiện từ năm 2003, do PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng - Trưởng phòng công nghệ Tế bào Động vật, Trung tâm Sinh học Phân tử và Công nghệ tế bào, Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) chủ trì.

PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng cho biết: Trong sinh học, con vật khảm là con vật có cơ thể là hỗn hợp các tế bào từ hai hay vài cơ thể khác nhau cùng loài hay khác loài. Trong thực nghiệm, có thể tạo cơ thể khảm bằng cách ghép hai phôi vào nhau cho phát triển thành một cơ thể, ghép bộ phận của phôi này vào phôi khác hoặc ghép các tế bào cơ thể này vào cơ thể khác. Trong công nghệ tế bào gốc, để chứng minh tính toàn năng hay đa tiềm năng của tế bào gốc, người ta cấy ghép chúng vào một phôi khác và theo dõi xem chúng hội nhập vào phôi chủ và phát triển thành bao nhiêu loại tế bào. Người ta đã tạo được cơ thể khảm ở chuột, gà và một số loài khác. Tế bào gốc thường tham gia tạo các tế bào xôma khác nhau của cơ thể, dễ nhận biết nhất là mầu lông, mầu da, đó là các cơ thể khảm xôma. Có một tỷ lệ nhất định tế bào gốc là tế bào gốc dòng sinh dục, chúng di cư vào tuyến sinh dục và tham gia tạo giao tử cùng với các tế bào sinh dục của cơ thể chủ. Đó là những cơ thể khảm dòng sinh. Các tế bào gốc sinh dục có một ý nghĩa lớn cho công nghệ tạo động vật chuyển gen, vì khi nuôi cấy tế bào gốc người ta có thể thao tác gen với chúng, thí dụ như khi ghép được các gen mã cho các protein quý vào sau promotor của gen albumin lòng trắng trứng, người ta có thể biến gà mái thành một nhà máy sản xuất protein dược liệu. Hiện trên thế giới đã có nhiều Công ty lớn chuyên hoá về công nghệ sản xuất protein dược liệu từ trứng gia cầm như Avigenics, Viragen, TranXenoGen, kể cả công ty PPL của Ian Wilmut thuộc Viện Roslin cũng chuyển từ cloning cừu sang đối tượng gia cầm. Theo tính toán của công ty Avigenics thì sản phẩm protein dược liệu từ trứng gà rẻ hơn 8-10 lần so với sản phẩm từ sữa (0,2 USD/gam protein so với 2 USD/gam protein quý).

Đây là công nghệ rất khó, trên thế giới mới chỉ có rất ít các nước nghiên cứu thành công.Trong thực tế, nhu cầu tạo ra gà chuyển gien là rất cần thiết cho đời sống, không phải dùng cho mục đích lai giống sản xuất chăn nuôi, mà chủ yếu là để chế tạo ra các loại dược liệu quý chữa bệnh cho người và vật nuôi. Các loại động vật chuyển gen được ví như các nhà máy sản xuất dược liệu...

Thành công của đề tài đã mở ra nhiều khả năng mới nhằm ứng dụng nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn, phục vụ phát triển công nghệ sinh học trong chăn nuôi và thú y, đồng thời cũng là một mốc quan trọng đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn giữa hai đơn vị: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

 Mai Anh
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :