Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
TS. Trịnh Anh Vũ: “Hãy bình tĩnh, quyết tâm và khiêm tốn học hỏi sáng kiến của các đội bạn”
Từ ngày 10 đến 15/5/2005, tại Học viện Kỹ thuật Quân sự (Hà Nội) đã diễn ra vòng đấu loại khu vực phía Bắc Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam năm 2005. Cũng vào thời điểm này, vòng đấu loại khu vực phía Nam của cuộc thi đã diễn ra tại Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TP. HCM. ĐHQGHN có 5 đội tham gia vòng đấu loại, đặc biệt là cả 5 đội tuyển này đều thuộc Trường Đại học Công nghệ. Kết quả, đội tuyển K47DB đã trở thành 1/16 đội của miền Bắc lọt vào vòng chung kết. Đội lên đường tham gia vòng chung kết diễn ra từ ngày 18 đến 26/6 tại TP.Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, phóng viên Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trò chuyện với TS. Trịnh Anh Vũ - CBGD Khoa Điện tử - Viễn thông, Cán bộ chỉ đạo 5 đội tuyển trường ĐHCN.

PV: Được biết, vừa qua Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN có 5 đội tuyển tham dự Cuộc thi sáng tạo Robot con Việt Nam năm 2005. Ông có thể cho biết đôi nét về các đội tuyển của Trường không?

Ông Trịnh Anh Vũ: Những năm trước các lớp sinh viên hăng hái đăng ký tham gia cuộc thi song mới ở mức độ tự phát, riêng lẻ. Năm nay với sự ra đời của Trường Đại học Công nghệ và được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trường đặc biệt là của Giáo sư - Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiệu, đội hình thi đấu dựa trên đăng ký tự nguyện của các em ban đầu (5 đội) đã được tổ chức một cách bài bản hơn. Mỗi đội có 5 em sinh viên và 1 chỉ đạo viên (là các học viên cao học). Tôi phụ trách chung cả 5 đội tuyển này.

Đội hình có thuận lợi lớn là có 2 đội đã dự thi năm ngoái và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quí báu. Sự đoàn kết, quyết tâm vượt qua những mặc cảm về tư tưởng (chưa thành công trong các lần thi dấu trước) là nét điển hình của đội tuyển năm nay.

PV: Thưa ông, công việc chuẩn bị cho 5 đội tuyển của Trường Đại học Công nghệ tham gia tranh tài ở vòng đấu loại đã diễn ra như thế nào?

Ông Trịnh Anh Vũ: Việc chuẩn bị đã sớm được tiến hành ngay từ khi Đài truyền hình Việt Nam có công văn mời các trường đại học tham dự. Tiến trình luyện tập và chuẩn bị sân bãi được sự giúp đỡ của rất nhiều đơn vị, đặc biệt phải kể đến Ban quản lý nhà ăn ký túc xá Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN cho mượn phòng làm sân tập luyện, sự tài trợ vô tư của các Công ty Niềm tin (NTC), Công ty An Thái... Các đội tuyển đã có thời gian thi đấu thử nên sớm phát hiện ra những ưu nhược điểm để kịp thời rút kinh nghiệm. Ngoài ra tinh thần đoàn kết vì màu cờ sắc áo, vì danh hiệu của Trường Đại học Công nghệ đã được các em sinh viên thể hiện rất tốt.

PV: Thưa ông, "tôn chỉ" mà 5 đội tuyển Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN mang đến cuộc thi lần này là gì?

Ông Trịnh Anh Vũ: Tham dự cuộc thi này, 5 đội tuyển của Trường Đại học Công nghệ mang tôn chỉ: Đoàn kết, quyết tâm thi đấu và khiêm tốn học hỏi sáng kiến của các đội bạn. Nếu nôm na hơn một chút thì phương châm của 5 đội tuyển của Trường Đại học Công nghệ là: “Biến vũ khí của đội bạn thành vũ khí của mình".

PV: Các đội tuyển của Trường Đại học Công nghệ đã trải qua vòng đấu loại như thế nào?

Ông Trịnh Anh Vũ: Cuộc đấu tại Hà Nội đã diễn ra rất gay go và sòng phẳng dưới sự chấm điểm công bằng của trọng tài. Vòng đấu loại chia làm 3 vòng nhỏ (vòng 1, 2, 3). Bước vào vòng 2 Trường Đại học Công nghệ chỉ còn 3 đội, vào vòng 3 chỉ còn 2 đội và cuối cùng có 1 đội lọt vào vòng chung kết. Tại mỗi vòng thi của vòng đấu loại, các đội tuyển của Đại học Công nghệ đã nỗ lực hết mình. Trong cái nóng bức của những ngày đầu hạ và cái nóng nảy lửa của cuộc tranh tài, thầy trò chúng tôi cũng như các cán bộ, viên chức trong Trường như nín thở theo dõi mỗi trận đấu, vì màu cờ sắc áo mà (cười)… đi thi thì ai cũng muốn thắng phải không? Bên cạnh những nỗ lực của chính các đội tuyển, chúng tôi cũng đã nhận được sự cổ vũ, động viên rất nhiệt tình về cả vật chất lẫn tinh thần từ Hiệu phó Trần Quang Vinh, Nguyễn Hữu Đức, Chủ nhiệm Khoa Điện tử Viễn thông Nguyễn Phú Thùy, thầy Nguyễn Văn Hiện, thầy Chử Văn An… và các cán bộ, viên chức khác trong Trường.

PV: Ông có nhận xét gì về Cuộc thi sáng tạo Robocon Việt Nam năm 2005 năm nay?

Ông Trịnh Anh Vũ: Năm nay số đội dự thi vòng sơ tuyển tăng gấp đôi năm ngoái, như một thành viên của ban tổ chức nhận xét, vòng đấu loại có lẽ còn sôi nổi hơn vòng chung kết. Nên chăng ban tổ chức tăng thêm một ít nữa số đội vào chung kết (ví dụ từ 16 lên 20 ở mỗi khu vực đấu loại). Ngoài ra một số tiêu chí kỹ thuật cần được qui định chặt chẽ hơn, ví dụ sử dụng bình khí nén để “thổi” bóng của đội bạn là nguồn năng lượng không được kiểm soát về hạn chế công suất nên có thể gây nên một số băn khoăn của các đội.

PV: Với cương vị là "tổng chỉ huy" phụ trách cả 5 đội tuyển, ông có suy nghĩ gì về cuộc thi năm nay cũng như các đội tuyển của ĐHCN? Ông có muốn nói gì với đội tuyển K47 DB - đội tuyển được tham dự vòng chung kết Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam năm 2005?

Ông Trịnh Anh Vũ: Kết quả thi đấu năm nay là nguồn động viên lớn cho thầy và trò Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, không những thế các đội “kỳ cựu” của Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng rất mừng cho chúng tôi (vì đơn vị chúng tôi vốn luôn bị coi là yếu về cơ khí). Chúng tôi hy vọng những gì mà các đội tuyển tham dự Cuộc thi sáng tạo Robot năm nay đạt được sẽ mở ra một bước phát triển mới của Trường Đại học Công nghệ nói chung và Khoa Điện tử - Viễn thông nói riêng. Thường ngày chúng tôi vẫn có trao đổi rút kinh nghiệm với các đội, câu nói tôi muốn nhắc lại với K47DB trước khi đội tham dự vòng chung kết vẫn là "Hãy bình tĩnh, quyết tâm và khiêm tốn học hỏi sáng kiến của các đội bạn".

PV: Xin cảm ơn ông. Mong rằng đội K47DB của chúng ta sẽ toại nguyện trong chung kết sắp tới.

 Mai Anh (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :