Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
GIÁO DỤC BỀN VỮNG TẠI HOA KỲ: LỢI ÍCH TƯ CÓ THỂ PHỤC VỤ CHO LỢI ÍCH CÔNG NHƯ THẾ NÀO ?
Hoa Kỳ có thể là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế nhưng hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ lại chưa chuẩn bị một nền tảng tốt để giới trẻ có thể cạnh tranh trong môi trường toàn cầu. Chi tiêu của người dân cho giáo dục vẫn tăng hằng năm nhưng kết quả kiểm tra của học sinh sinh viên lại đang xuống dốc nhanh chóng.

Hoa Kỳ cần phải sớm giải quyết những vấn đề tồn tại trong nền giáo dục để từ đó xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao cho tương lai. Việc giải quyết những hạn chế của hệ thống giáo dục dĩ nhiên trước hết là phục vụ lợi ích của chính Hoa Kỳ, song cải cách giáo dục đó cũng đồng thời có ý nghĩa và tác động lan tỏa tới các quốc gia khác trên thế giới. Trong thế giới toàn cầu hóa và kết nối ngày nay, chúng ta cần phải nhận thức được vai trò của các doanh nghiệp tư nhân với vị trí là một công cụ cải cách chính trị và xã hội, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở trên  toàn thế giới.

 

Chi phí giáo dục không hiệu quả, tiếp cận giáo dục sau trung học thiếu công bằng, bất cập trong đào tạo hướng nghiệp đã gât nên hệ quả là những vết rạn trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ hiện nay. Những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do những thay đổi về lực lượng lao động trong xu thế toàn cầu hóa cũng như do dòng người nhập cư vào Hoa Kỳ. Phân tích về thực trạng hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ không thể bỏ qua những thách thức lớn này.

 

Hoa Kỳ chi tiêu cho giáo dục công lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới (gấp 3 lần Nhật Bản)  nhưng trên thực tế những thành tựu mà nền giáo dục đạt được lại theo chiều hướng tỷ lệ nghịch (thành tích ở các kỳ thi quốc tế luôn xếp sau rất xa Nhật Bản1.)

 

Sắc lệnh “Không để trẻ em nào không được tiếp cận với giáo dục” được ban hành gần đây cũng không cải thiện được chất lượng giáo dục là bao. Mặc dù người dân Mỹ đã dốc một lượng thuế khổng lồ cho ngân sách địa phương và bang để đầu tư vào hệ thống trường công lập, nhưng thực tế chính các trường tư mới có chất lượng giáo dục tốt hơn mà chi phí học tập đối với mỗi học sinh lại thấp hơn. Do vậy, mặc dù mục tiêu của các trường công lập là đảm bảo tiếp cận giáo dục công bằng cho tất cả mọi người, song sự chi tiêu của người dân cho giáo dục không hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm chất lượng khá thấp. Những bất cập này càng trở nên rõ ràng hơn nữa ở các bậc học sau trung học.

 

Việc cạnh tranh để tìm kiếm được việc làm ở Hoa Kỳ ngày càng phụ thuộc vào trình độ học vấn của ứng viên ( người có bằng đại học dễ tìm được việc hơn so với những người không bằng cấp). Kết quả là giới trẻ ở Hoa Kỳ hiện nay đang phải dành nhiều thời gian để theo học tại trường hơn bao giờ hết. Theo một khảo sát năm 1998, ¼ số người từ 22 đến 24 là đang đi học, tăng hơn so với năm 1980 2 khi tỷ lệ là 1/6. Khi xu hướng này tiếp tục, giáo dục Hoa Kỳ ngày càng phải đặt trọng tâm vào giáo dục sau trung học bởi vì những người không có bằng cấp thì cơ hội nghề nghiệp cũng ít hơn. Trong khi đó, một vài năm trở lại đây, chi phí học tập tại các trường đại học công lập và dân lập đều tăng mạnh, thậm chí là tỉ lệ tăng còn cao hơn tỷ lệ lạm phát 3.

 

Xu hướng này càng làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa những người tốt nghiệp đại học và tốt nghiệp phổ thông. Tỉ lệ thất nghiệp đặc biệt cao ở nhóm thiểu số và nhóm các bạn trẻ chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là ở thành phố nơi có chất lượng giáo dục công lập thấp. Đối với những bạn trẻ này, con đường học đại học thường bị cản trở bởi chi phí học tập quá cao. Do vậy, họ, tất yếu trở thành những lao động dư thừa vì thiếu kỹ năng làm việc và không có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Nếu hệ thống trường trung học vẫn không thể chuẩn bị cho học sinh nền tảng tốt thì cơ hội việc làm cho các bạn trẻ như thế này sẽ ngày càng thu hẹp lại.

 

Bởi lẽ thành tích học tập ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tìm việc sau này của sinh viên, cho nên vẫn tồn tại một khoảng cách giữa kiến thức giáo dục tại trường và kỹ năng làm việc thực tế bên ngoài. Học sinh, sinh viên ngày nay có thể dành nhiều thời gian để học ở trường nhưng chưa chắc đã có được những kỹ năng thực tế công việc. Ví dụ như ở bang Colorado, những công ty như Lockheed Martin hay CH2M Hill đã xác định nhu cầu tuyển dụng những nhân viên được đào tạo bài bản trong tương lai và cả hai công ty này đều kêu gọi các trường công lập địa phương phải nâng cao chất lượng dạy và học các môn như toán, khoa học và kỹ thuật. Các công ty càng tuyển dụng những nhân viên có chất lượng thấp thì công ty đó càng mất nhiều thời gian và tiền của để đào tạo lại những nhân viên đó. Nghịch lý là ở chỗ chính phủ càng dành nhiều ngân sách cho giáo dục, thì tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp ngày càng cao và các công ty ngày càng phải chi nhiều tiền hơn để đào tạo lại nhân viên mới.

 

Những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi ngày nay, càng có nhiều người nhập cư vào Mỹ. Nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng phát triển, cạnh tranh tại thị trường lao động của Mỹ trở nên gay gắt hơn, đặc biệt là ở những thị trường phổ thông. Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư, dòng người nhập cư (hợp pháp và bất hợp pháp) đã khiến cho tỷ lệ thất nghiệp của người dân bản địa cao hơn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những người dân mới nhập cư chiếm đến 86% số việc làm mới tại Mỹ trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2005 4. Bởi vì những người dân nhập cư có xu hướng chấp nhận làm việc với đồng lương rẻ mạt, nên những công nhân trẻ bản địa khi không có trong tay bằng cấp nào cả thường phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn trong thị trường lao động phổ thông. Điều này càng làm cho vấn đề giáo dục công bằng trở nên phức tạp và làm giảm hiệu quả của hệ thống giáo dục Mỹ.

 

Thậm chí ở những thị trường lao động bậc cao như kinh tế hay công nghệ, người dân Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ phía các quốc gia khác khi mà các nước đang phát triển đang hòa nhập vào thị trường toàn cầu. Theo Thomas Friedman trong cuốn Thế giới phẳng (The World is Flat), những nền kinh tế phát triền nhanh mạnh và những hệ thống giáo dục tiên tiến đã dẫn đến sự thụt lùi của một bộ phận các bạn trẻ thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc tại Mỹ 5. Những quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản có một nền giáo dục rất chuyên nghiệp, chuẩn bị đầy đủ hành trang tri thức phong phú cho các bạn trẻ sau khi ra trường, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Và thậm chí hai nền giáo dục này có xu hướng vượt xa hệ thống giáo dục Mỹ. Sự phụ thuộc của Mỹ vào những ngành này về tăng trưởng việc làm càng làm cho Mỹ trở nên khó khăn hơn khi nền công nghệ ở các quốc gia đang phát triển nhanh chóng.

 

Công-tư hợp tác: Các doanh nghiệp có thể giúp tháo gỡ vấn đề

Phương thức tốt nhất để giải quyết vấn đề là cải cách giáo dục thông qua sự hỗ trợ của doanh nghiệp tư nhân. Tất nhiên, điều này cần phải có sự tham gia trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên lĩnh vực tốt nhất nên được thực hiện tiên phong ở Hoa Kỳ là hệ thống giáo dục địa phương và các bang. Biện pháp đầu tiên là phải thành lập ủy ban địa phương đại diện cho doanh nghiệp, ban giám hiệu nhà trường, giáo viên, phụ huynh và nhân viên chính phủ. Các phòng thương mại địa phương chính là những điểm lý tưởng để có thể liên hệ với những ủy ban này. Chính quyền các bang có thể trao quyền cho các ủy ban này ở cả cấp quận và cấp bang để khích lệ họ đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả và gắn với thực tiễn tại từng cộng đồng và từng bang.

 

Sự tham gia vào giáo dục của doanh nhân có thể rất đa dạng nhưng có thể bao gồm các chương trình hợp tác với các nhà máy ở địa phương để đào tạo các giáo viên có chuyên môn, đồng thời huy động được hỗ trợ về mặt tài chính cho các chương trình đào tạo về máy tính, kỹ thuật, cung cấp thiết bị, tài trợ cho các cuộc thi hay học bổng, chương trình đào tạo nghiệp vụ giáo viên và các biện pháp khuyến khích giáo viên.

 

Tại Colorado, Lockheed Martin và CH2M Hill đã cùng phối hợp với các doanh nghiệp và các nhà giáo dục để thành lập Ủy ban Giáo dục về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học nhằm tập trung vào để cải tiến các môn học này tại các trường công lập địa phương. Ông Bud Ahern, Phó Chủ tịch CH2M Hill, kiêm đồng chủ tịch của ủy ban này cho biết: “Chúng tôi cần xây dựng mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, chính phủ và hệ thống giáo dục để có thể đánh giá những mục tiêu chủ yếu về nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoài ra còn tạo ra sự khích lệ cho sinh viên theo học trong những lĩnh vực này”. Ủy ban này, cũng giống như các tổ chức cấp cơ sở khác trên toàn nước Mỹ cũng đang nỗ lực trong việc hướng tới những mục tiêu lâu dài mà chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách không thể giải quyết.

 

Mô hình này có thể nhân rộng ra ở cấp quốc gia và cấp quốc tế. Những tổ chức cũng đang tập trung vào việc nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực trong tương lai có thể hợp tác với Bộ Giáo dục Hoa Kỳ để điều phối, tài trợ và thực hiện cải cách giáo dục. Giảm thuế và tăng cường các hoạt động marketing có thể được coi là các biện pháp khích lệ các công ty tập trung đầu tư cho nước Mỹ. Rốt cuộc các chương trình như vậy có thể cho thấy sự hợp nhất về lợi ích của học sinh, tổ chức, cộng đồng trong việc đào tạo một thị trường lao động tay nghề và tạo ra tình huống đôi bên cùng có lợi giữa cơ cấu thị trường tự do trong nước và quốc tế.

 

Lợi ích cho tất cả mọi người

Các đối tượng được hưởng lợi bao gồm thanh niên, doanh nghiệp, trường học và cả cộng đồng nói chung. Ban đầu, mô hình này sẽ mang lại lợi ích cho thanh niên bằng việc tạo ra mối liên hệ giữa các trường và các doanh nghiêp, như qua đó tạo ra các cơ hội việc làm đầy triển vọng cho sinh viên. Thêm vào đó, sự liên kết giữa nhà trường và nhà tuyển dụng sẽ giúp giảm bớt hiện tượng dư thừa lao động, đồng thời hoàn thiện các chương trình nhằm tạo ra việc làm phù hợp với người lao động. Sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp thông qua việc trao học bổng hoặc là tiền khuyến học trên tinh thần động viên cũng sẽ đảm bảo các đối tượng thanh niên gặp khó khăn được tiếp cận với nền giáo dục một cách công bằng hơn, đặc biệt là sau khi họ tốt nghiệp phổ thông trung học. Sự khích lệ này sẽ thúc đẩy và động viên sinh viên khi họ tìm cách ứng dụng trực tiếp hơn nữa những điều đã học được vào trong môi trường làm việc. Những thanh niên không đủ khả năng để học tiếp sau trung học hay không đủ điều kiện nhận học bổng vẫn được lợi từ những mối quan hệ có được với các nhà tuyển dụng trong thời gian học trung học, và họ sẽ dễ dàng kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp hơn so với những sinh viên không có các mối quan hệ này.

 

Các nhà doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ việc phát triển một nguồn lao động có chất lượng cao tại địa phương. Nắm bắt được những lợi thế từ việc phân cấp trong hệ thống giáo dục Mỹ, các doanh nghiệp sẽ có thể đào tạo và sử dụng công nhân hiệu quả ngay tại địa phương. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có sự phân bổ hợp lí các nguồn lực và có những đóng góp tài chính mang tính thực tế và phù hợp hơn cho các chương trình đào tạo. Ví dụ, các công ty có thể bổ sung vào nguồn ngân sách nhà nước để đào tạo thanh niên về công nghệ máy tính nhằm nâng cao tính cạnh tranh của chính các doanh nghiệp trên thị trường công nghệ.

 

Sự hợp tác trong giáo dục cũng sẽ gia tăng sự đóng góp của các doanh nghiệp với cộng đồng. Các doanh nghiệp sẽ vừa có được những nhân viên có chất lượng cao, lại được tiếng là có lòng hảo tâm. Hơn nữa, các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tận dụng những thế mạnh trong kinh doanh để củng cố sự hợp tác mang tính từ thiện thông qua những mối liên kết và những kĩ năng quản lí đáng quí. Ví dụ, Quỹ Bill và Melinda Gates đã đầu tư hàng triệu đô-la để cải thiện hệ thống giáo dục trung học thông qua một tổ chức được họ thành lập vào năm 2000. John Wood, một cựu Giám đốc của Microsoft cũng đã thành lập một chương trình có tên là “Room to read” (tạm dịch là “Phòng đọc”) nhằm khuyến khích trẻ em trên toàn cầu học chữ.

 

Các trường, tất nhiên cũng sẽ được hưởng lợi từ việc nhận được nguồn tài chính cần thiết từ các doanh nghiệp hoạt động vì cộng đồng và có thể đưa đến cho sinh viên nhiều cơ hội học tập với chi phí thấp hơn. Khi mà hiện tượng nhập cư ngày càng gây nhiều áp lực lên các trường công lập thì sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp cũng phần nào giảm bớt gánh nặng về cơ sở vật chất và nguồn lực.

 

Các nhà giáo dục cũng sẽ được hưởng lợi từ những chương trình biểu dương việc giảng dạy tốt sẽ khuyến khích và thu hút được nhiều giáo viên có chất lượng cao cũng như khích lệ giáo viên sử dụng những nguồn lực giáo dục một cách hiệu quả. Những chương trình đào tạo giáo viên chuyên ngành cũng sẽ mang đến thêm nhiều lợi ích lâu dài cho giáo viên.

 

Chia sẻ trách nhiệm       

 

Như vậy, mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và trường học mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và làm hài lòng các nhà hoạch định chính sách. Tất cả các địa phương và các bang cũng đều mong muốn nhận được ích lợi từ việc đào tạo thanh niên đảm nhận những việc làm tại địa phương và đóng góp cho kinh tế ở địa phương. Đồng thời, phương pháp này cũng sẽ khích lệ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực trong nước hơn là ở nước ngoài.

 

Điều quan trọng nhất là, mô hình này thống nhất lợi ích của chính sinh viên với lợi ích của cộng đồng, đem đến cho thanh niên nhiều cơ hội giáo dục và đào tạo hơn. Đây là một điển hình để sinh viên có thể thấy rằng xã hội không thể hoạt động nếu không có sự hợp tác giữa các nhà giáo dục, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và chính bản thân những người lao động trẻ tuổi với tư cách là những công dân năng động. Cách tốt nhất để hoàn thiện hệ thống giáo dục về lâu dài là cùng chia sẻ các lợi ích chung và thể chế hóa sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội. Ngày nay, khi mà các doanh nghiệp tư nhân không còn phân biệt biên giới giữa các bang, khả năng kết nối các nhóm kể trên hứa hẹn sẽ hoàn thiện hệ thống giáo dục và nâng cao chất lượng cuộc sống của nguồn nhân lực trong tương lai.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Robert Hardaway, "School Spending Myth", Denver Post (ngày 27/5/2007).

2. Robert I. Lerman, "Improving Career Outcomes for Youth: Lessons from the U.S. and OECD Experience", The Urban Institute (tháng 7/2000).

3. Rob Kelley, "Average College Cost Breaks $30,000", CNNMoney.com (ngày 27/10/2006).

4. Andrew Sum, Paul Harrington, and Ishwar Khatiwada, "The Impact of New Immigrants on Young Native-Born Workers, 2000-2005", Trung tâm Nghiên cứu Sự nhập cư (tháng 9/2006).

5. Thomas L. Friedman, The World is Flat. New York: Farrar, Straus and Giroux (2005).

6. Lerman, 15.

 Theo CIPE - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 206 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :