Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Phạm Toàn: Tiến bước bằng lý thuyết
Cuốn sách Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục do Phạm Toàn biên soạn (với sự cộng tác của một số nhà nghiên cứu trẻ) vừa ra mắt người đọc rõ ràng mong muốn lôi cuốn mọi người vào hành động cải cách giáo dục thiết thực. Cuốn sách chia sẻ về một định hướng lý thuyết tâm lý học giáo dục và định hướng lý thuyết này lại đã được thể hiện trên một thực thể giáo dục có thật ở nước ta đã 30 năm nay - hệ thống Công nghệ Giáo dục Việt Nam do Hồ Ngọc Đại khởi xướng và tác giả cũng là người tham gia.

Thưa ông, ông có thể nói gì về ý tưởng cuốn sách này ?

Nước ta làm Cải cách giáo dục (CCGD) liên miên mấy chục năm qua. Trong thời gian vừa rồi lại nghe hô hào "nói Không" với hết cái nọ cái kia nhưng không thấy chỉ ra được cái "nói Có". Mà nói Có mới là cái khó! Chúng ta đang thiếu một lý thuyết đủ sức hướng dẫn cho hành động. Lý thuyết không phải là "tổng kết kinh nghiệm", vì kinh nghiệm là quá khứ, làm sao quá khứ lại dạy dỗ nổi một cái tương lai chưa biết? Nên cần định nghĩa lại lý thuyết. Một lý thuyết đùng bắt đầu từ một hướng đi cộng với một cách làm để nâng thực tại lên ngang tầm đòi hỏi của lý thuyết. Công nghệ Giáo dục (CNGD) chỉ ra hướng đi và cách làm CCGD phục vụ cho dân tộc ta trên con đường hiện đại hóa.

 

Vậy ông cho rằng cần có một cuộc CCGD khác sao?

Không phải riêng tôi, mà những ai cần một cuộc CCGD khác đều đã lên tiếng cả rồi đấy. Bạn hãy vào bất kỳ diễn đàn nào trên các loại phương tiện truyền thông, và bạn thấy cả một dân tộc đang ăn không ngon ngủ không yên vì thấy công cuộc Giáo dục quá sức trì trệ. Người dân thường thì lo cho con cháu mình; giới lãnh đạo thì lo cho nhân lực của đất nước: trồng người như hiện thời liệu có hiện đại hóa được? Có điều là trên các diễn đàn ta còn ít thấy tính chuyên nghiệp.

Những người lên tiếng đều am tường Giáo dục!

Nhưng lại chia rẽ nhau về quan điểm! Người ta bàn nhiều về phần ngọn. Chẳng hạn như làm cách gì có ngay hoặc có rất sớm những trường đại học tầm cỡ quốc tế. Bạn thử nghĩ xem: đứa trẻ như hiện nay, lúc ở nhà với ông bà cha mẹ cô cậu nào cũng xinh, ngoan, thông minh, hồn nhiên… sau 12 năm giao cho "ông" Giáo dục, chúng trở thành những trang thanh niên không biết diễn đạt tiếng mẹ đẻ, có thể giỏi Toán mà chỉ để làm bài tập nhưng không có đầu óc lô gich, học ngoại ngữ đoạt chứng chỉ C D E mà không dùng được tiếng nước ngoài… đặc biệt là "ông" Giáo dục thì cứ hô hào toàn diện, trong khi sản phẩm thì què quặt méo mó, tính tình lầm lì cục cằn, không biết thuyết phục hoặc nhường nhịn nhau, hơi một tí là "xin nhau tí huyết"… Những thanh niên đó có làm nên nổi Đại học tầm cỡ quốc tế không? 

Vậy đâu là cơ sở để xây dựng hệ thống Công nghệ Giáo dục?

Đó là sự hiểu biết đứa trẻ, từ đó mà tổ chức việc học của chúng.  Tổ chức việc HỌC của trẻ em, chứ không phải chỉ nhăm nhe duy nhất đến việc DẠY của giáo viên. Cơ sở tâm lý học của việc đó là gì?

Trong sách, tôi dắt dẫn bạn đọc đi từ bước thứ nhất khi tâm lý học trở thành khoa học khi nó dựa vào cảm giác của con người khi được đo nghiệm sinh lý học để dù mơ hồ những đã hé ra miền ý thức người. Đó là đóng góp của nhà tâm lý học thực nghiệm đầu tiên, ông Wundt. Sau đó nó được thực nghiệm rộng rãi ở Mỹ trên con vật để rút ra quy luật về kết quả huấn luyện và nhờ đó bắt đầu đặt ra quan hệ giữa tâm lý học và giáo dục. Đó là đóng góp của nhà tâm lý học người Mỹ Thorndike. Sau đó nó được "người hóa" cao độ với Jean Piaget qua những thao tác học tập ở con người từ tấm bé đến khi thành trang thiếu niên.

Những điều đó rồi sẽ được cụ thể hóa với tầm lý thuyết cao cả ở Liên Xô (cũ) lẫn ở Hoa Kỳ. Dĩ nhiên đóng góp cho khoa học bao giờ cũng do nhiều người làm ra. Nhưng để dễ theo dõi, tôi tìm cách cho đọng lại ở những tên tuổi dễ nhớ, những tinh hoa. Cái bộ ba Wundt - Thorndike - Piaget nay được bổ sung bằng cỗ xe tam mã Vygotsky - Luria - Davydov và mội "đối trọng" bên kia Đại Tây dương là nhà tâm lý học Mỹ đương đại Howard Gardner.

Tất cả cái dòng chảy đó dồn về CNGD Việt Nam.

Tức là "hợp lưu" lại ở Việt Nam cụ thể tại là Trường thực nghiệm Giảng Võ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?

Đúng thế! Và khi đến Việt Nam, dòng chảy tâm lý học giáo dục kiểu mới, đó không còn là những thực nghiệm lẻ tẻ, mà đã thành một hệ thống, có thực nghiệm và có đại trà.

Tại sao CNGD Việt Nam vẫn cần thực nghiệm?

Cần thiết lắm! Một là để những nhà sư phạm CNGD càng ngày càng hiểu rõ hơn chính công việc mình làm, và nhất là để xã hội nhìn thấy một hướng đi và cách làm khác. Cơ sở thực nghiệm cũng là cơ sở để huấn luyện các chuyên gia của một hệ thống nhà trường khác. Nó cứ thực nghiệm nâng cao dần trước khi ra đại trà. Thí dụ năm học đầu tiên 1978-1979 đã làm gì có môn Tin học? Vậy thì năm 1992 phải thực nghiệm Tin học chứ không thể làm liều.

Chúng ta vẫn đang nói về lý thuyết. Ông có thể nói vắn tắt lý thuyết CNGD bằng một câu được không?

Sao lại không được?! Nhưng tóm tắt một lần chỉ cốt để bạn đọc tự đi sâu vào "chính văn". Đây: CNGD là cơ sở tâm lý học của việc tổ chức chuỗi việc làm của trẻ em để các em tự chiếm lĩnh đối tượng học tập.

Để có được chuỗi việc làm đó, phải xác định các em chiếm lĩnh cái gì do đó mà tìm tòi xem các em chiếm lĩnh theo cách gì. Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nói chuyện này như nói về những nguyên lý trong cuốn Cái và Cách. Còn trong sách của tôi, tôi nói kỹ hơn một chút, "kỹ thuật hóa" hơn lên một chút. 

Muốn chiếm lĩnh môn khoa học thì hành động học của trẻ em là đi lại con đường (cách làm việc có tính lô gich) của nhà bác học. Muốn chiếm lĩnh môn nghệ thuật thì hành động học của trẻ em là đi lại con đường ("sáng tạo" trong tưởng tượng) của người nghệ sĩ. Và muốn dạy đạo đức cho học sinh thì phải khước từ lối đạo đức do người khác ra lệnh, và thay vào đó là tổ chức lối sống mới do chính trẻ em cùng xây dựng với người lớn.

Đơn giản lắm! Nhưng "ở trong còn lắm điều hay", vì thế mới cần đến cả một cuốn sách… và còn nhiều cuốn nữa của các nhà CNGD trong tương  lai.

Cuốn sách có một cái tên rất "nặng": Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục, nhưng cách ông viết có vẻ "không khoa học" lắm?

Thế nào là "khoa học" và thế nào là "không khoa học"? Viết sách cốt nói được cái đúng. Nếu nói sai mà khụng khiệng "bác học" thì vô tích sự. Còn nếu đã biết là mình nói đúng thì đùa một tý càng vui chứ sao? Sách này viết ra không nhằm giảng giải, nó nhằm vào việc gợi ý, kích thích. Tác giả muốn dành sách này cho tất cả những bạn đọc nào còn tư chất trẻ trung, còn lý tưởng khoa học phụng sự dân tộc thì đều đọc và tự trang bị một tầm lý thuyết khác để rồi tự lôi cuốn mình vào hành động cải cách giáo dục mà nếu không làm được chuyện đó ở tầng vĩ mô thì tự mình tiến hành ở tầng vi mô.

Ngộ nhỡ có chỗ nào sách ông viết sai thì sao?

Thì bạn đọc phản biện lại. Phản biện tơi bời vào! Khi đó, chỉ càng có lợi thôi. Có lợi cho cả đôi bên. Có lợi cho cuộc sống này bớt đi cái thói trì trệ chỉ biết lắng nghe rồi tụng niệm một bổn kinh.  Tôi mong mình được bạn đọc vạch ra chỗ tôi sai. Nhưng trước đó, bạn hãy làm thử xem những điều chúng tôi đã làm được có đúng về mặt nguyên lý không đã. Sách này nói về một cách hiểu mới về lý thuyết mà!

 Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :