Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Những bước tiến mới trong đào tạo Hoá sinh học - Sinh học phân tử
Đánh giá trên đây được xem như chủ đề chính của hội thảo toàn quốc lần thứ 2 về đào tạo Hóa sinh học - Sinh học phân tử do ĐHQGHN, Hội Hóa sinh học Việt Nam phối hợp với Hội Hóa sinh - Sinh học phân tử Úc tổ chức dịp trung tuần tháng 10 vừa qua.

GS. Rober Huber - người đoạt giải Nobel về Hóa học năm 1988, GS. Jacques Henry Weil - Tổng thư ký Hội Hoá sinh - Sinh học phân tử thế giới (IUBMB), GS. Susan Hamilton - Chủ tịch Uỷ ban đào tạo IUBMB, GS. Denis Cren - Chủ tịch cùng các chuyên gia khác của Hội Hóa sinh - Sinh học phân tử Úc, các nhà khoa học đến từ Singapor, Ba Lan và khoảng 110 cán bộ, sinh viên thuộc 15 trường đại học trong nước đã tham dự hội thảo lần này...

Hóa sinh học - Sinh học phân tử trong nghiên cứu...

Hoá sinh học là một trong những ngành khoa học đã, đang phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng trong những năm gần đây với nhiều thành tựu mới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn. Nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển đã bắt đầu thấy được vai trò của việc đào tạo lĩnh vực khoa học này. Thời gian gần đây, trong các kỳ hội nghị khoa học thường niên, định kỳ của IUBMB hay Hội Hoá sinh - Sinh học phân tử Châu Á Thái Bình Dương, người ta thường kết hợp tổ chức hội thảo về đào tạo Hoá sinh học - Sinh học phân tử để trao đổi kinh nghiệm giữa các nước.

Ở nước ta năm 2002, Hội Hóa sinh học Việt Nam và Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN đã tổ chức hội nghị đào tạo Hóa sinh học - Sinh học phân tử lần thứ nhất, với khoảng 200 nhà khoa học tham dự. Hội thảo lần đó đã trao đổi thông tin và kinh nghiệm về đào tạo Hóa Sinh ở các trường cũng như ở một số nước. Hội nghị lần thứ hai này, với 24 báo cáo trong nước và 8 báo cáo của khách quốc tế, bên cạnh việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về những cải tiến, đổi mới trong công tác đào tạo Hóa sinh suốt 5 năm qua, các nhà khoa học còn tập trung vào thảo luận 2 chủ đề chính đó là: Đào tạo Hoá sinh học trong thời kỳ hội nhập và Giảng dạy Hoá sinh học - Sinh học phân tử lấy sinh viên làm trung tâm.

Đa phần các đại biểu tham dự hội thảo đều khẳng định về vai trò quan trọng của người thầy đối với việc đào tạo những người có “năng lực giải quyết vấn đề” (problem solving capacity), có khả năng tư duy, phê phán, sáng tạo, có khả năng xử lý thích hợp các tình huống xảy ra trong cuộc sống cũng như trong khoa học. Đứng trước xu thế đất nước hội nhập, mở cửa, sinh viên cần nắm vững các kiến thức lý thuyết và biết vận dụng vào thực tế. Chương trình đào tạo phải chuẩn bị cho sinh viên khi ra trường phục vụ được trong nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan đến Hóa sinh. Một thách thức lớn đối với giảng dạy Hoá sinh học trong xu thế hội nhập là làm thế nào để cập nhật được thông tin vào đào tạo trong khi những thành tựu của lĩnh vực này thay đổi nhanh chóng từng ngày...

Trong 5 năm qua, hầu hết các trường đại học có chuyên ngành này ở nước ta đã có nhiều tiến bộ trong công tác đào tạo hóa sinh học mà bằng chứng là việc biên soạn thành công các bộ sách giáo trình Hóa sinh học cơ sở tiếng Việt dùng cho sinh viên, phù hợp với yêu cầu đào tạo của mỗi đơn vị. Mặc dù các sách này phần lớn là biên soạn ngắn gọn lại các sách của nước ngoài, nhưng đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập vì phần lớn sinh viên của chúng ta chưa đủ điều kiện để tiếp cận trực tiếp với các sách nước ngoài. Trang thiết bị phục vụ giờ giảng ở lớp được cải thiện, phần lớn các thầy đã chuẩn bị bài giảng ở dạng powerpoint, sử dụng máy tính, projector khi giảng bài. Sinh viên chuyên ngành Hóa sinh học được tiếp cận nhiều hơn với các kỹ thuật, phương pháp hiện đại. Sự phối hợp giữa các trường với các viện nghiên cứu, các đơn vị sản xuất trong đào tạo đã được tăng cường. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu do trường và viện cùng thực hiện. Một số đơn vị như Bộ môn Hóa sinh, Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN đã xây dựng được hướng nghiên cứu mạnh cho đơn vị mình, có nhiều tiềm năng ứng dụng thực tế, có thể phát triển lâu dài, đào tạo được đội ngũ nhiều thế hệ nghiên cứu theo hướng truyền thống ấy, được đồng nghiệp ghi nhận.

Hiện nay ở nước ta, hầu hết các nghiên cứu Hóa sinh - Sinh học phân tử tại các trường đại học đều theo hướng nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng thực tế rõ rệt, tiến đến xây dựng quy trình tạo sản phẩm ở quy mô pilot, chuyển giao cho cơ sở sản xuất. Trong các công trình đã công bố, nghiên cứu về enzyme, protein đã chiếm đa số tuy nhiên các enzyme do chúng ta sản xuất vẫn chưa được sử dụng ở các cơ sở sản xuất lớn. Điểm mới đáng ghi nhận là đã có một số nghiên cứu theo hướng tạo các bộ KIT phục vụ việc phát hiện sớm bệnh ở người và động vật, phát hiện nhanh các vi sinh vật gây hại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường.

và trong giảng dạy cho sinh viên

Tham dự hội thảo Hóa sinh học - Sinh học phân tử lần thứ hai này, tham luận khoa học của các đại biểu quốc tế hầu hết tập trung vào chủ đề “giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm” (student centred learning, SCL). Nội dung của SCL là lôi cuốn sinh viên tham gia tích cực vào quá trình giảng dạy và học tập. Các học giả quốc tế cũng nhấn mạnh vào các phương pháp đánh giá thích hợp để khuyến khích sinh viên học tập theo cách “tiếp cận sâu” chứ không phải tiếp cận hời hợt, nghĩa là chỉ dừng ở việc ghi nhớ những kiến thức được truyền thụ. Phương pháp “giảng dạy khoa học” (scientfic teaching), tức là phải làm thế nào để sinh viên sử dụng những kiến thức có được, liên hệ với những vấn đề cốt lõi của môn học và có thể định hướng trong nghiên cứu khoa học, cần làm sao để lôi cuốn sinh viên tham gia vào thực nghiệm và nghiên cứu khoa học. Thử nghiệm các phương pháp giảng dạy khác nhau một cách có hệ thống để có thể tạo được sự đa dạng trong các đối tượng sinh viên được đào tạo.

Bàn về sách giáo khoa dùng cho sinh viên, tham luận của các chuyên gia Úc đều cho rằng hiện nay ở nhiều nước đã có nhiều sách hóa sinh học - sinh học phân tử dày, đẹp, có đĩa CD với các chương trình minh hoạ sinh động các mô hình cấu trúc phân tử, sự biến đổi của chúng trong quá trình tương tác, tham gia phản ứng... có thể dùng làm sách tham khảo tốt, nhưng không phải là sách giáo khoa cho sinh viên. Sách giáo trình cần súc tích, giúp người đọc tập trung định hướng vào những vấn đề cơ bản nhất của môn học, làm cơ sở để sinh viên đủ khả năng tham khảo tài liệu. Để nâng cao hiệu qua giờ giảng ở lớp, cần tăng cường sự trao đổi giữa thầy và trò trong giờ lên lớp, lôi cuốn sinh viên tham gia vào quá trình giảng bài, cần tránh thầy độc thoại.

Kết thúc hội thảo, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đều thống nhất nêu lên 5 kiến nghị lớn gồm: Cần mở rộng trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tài liệu, giáo trình hóa sinh và sinh hoc phân tử (bao gồm cả giáo trình trực tuyến); Hợp tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực hóa sinh cơ bản cũng như hóa sinh ứng dụng trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, y tế, môi trường…; Trao đổi sinh viên và cán bộ giữa các trường trong và ngoài nước; Mời chuyên gia nước ngoài, Việt kiều đến Việt nam báo cáo các chuyên đề, giảng dạy, tham gia giảng dạy theo chương trình tiên tiến; Thiết lập các dự án phối hợp trong nghiên cứu và đào tạo. Một thành công khác của hội thảo Hóa sinh học - Sinh học phân tử lần thứ hai là sự kiện bản ghi nhớ chung về hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa Hội Hóa sinh Việt Nam và Hội Hóa sinh - Sinh học phân tử của Úc đã được ký kết.

 GS.TS Phạm Thị Trân Châu - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 214 năm 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :