Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Atlas những dải đá ngầm san hô
Tổng hợp từ hàng nghìn tấm ảnh chụp qua vệ tinh, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đang tiến hành xây dựng tấm bản đồ đầu tiên về những dải đá ngầm san hô trên khắp hành tinh, nhằm phân loại những hệ sinh thái đang trong tình trạng báo động.

20 năm trở lại đây, những mối đe dọa đối với đá ngầm san hô ngày càng nặng nề hơn. Ðể bảo vệ chúng trước việc khai thác thuỷ sản quá mức, khai thác du lịch và những biến đổi khí hậu, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường mong muốn xác định chính xác diện tích đá ngầm trên thế giới. Thật ngạc nhiên, từ trước tới nay chưa hề có một thống kê nào trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, với công trình mới của nhóm nghiên cứu này, khoảng 600.000 km2 đá ngầm (khoảng 86% diện tích đá ngầm trên thế giới) đã được cụ thể hoá trên một tấm bản đồ chuyên biệt thông qua việc phân tích gần 1.900 bức ảnh từ vệ tinh.

Dự án này do Milennium Coral Reef Mapping sáng lập. Ðến năm 2002, dự án được NASA tài trợ và được Trường ÐH Nam Floride tiến hành nghiên cứu. Theo Serge Andréfouet - chuyên gia về đá ngầm của viện nghiên cứu vì sự phát triển Noumea, Nouvelle-Calédonie và phụ trách dự án Molennium ngay từ khi bắt đầu, “thực tế tại thời điểm này chúng ta đang thiếu những thông tin về tổng diện tích đá ngầm san hô”. Vì lý do vị trí địa hình, việc xác định chính xác diện tích đá ngầm thường bị hạn chế. Công tác kiểm kê trong phạm vi khu vực chỉ cung cấp những kiến thức sơ bộ thông qua bản đồ hàng hải. Tuy nhiên những đánh giá này khác xa so với kết quả mà nhóm nghiên cứu thu được. Năm 2001, người ta ước chừng tổng diện tích đá ngầm tại Maldives - Ấn Ðộ Dương khoảng 8.920 km2 trong khi theo kết quả của nhóm nghiên cứu có được thì con số đó chỉ là 4.000 km2.

Ðể có một bảng tổng hợp và thống kê chính xác những dải đá ngầm san hô trên trái đất, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia tại viện nghiên cứu vì sự phát triển, của Trường ÐH Nam Floride và Nasa Johnson Center ở Houston, Texas, đã bắt đầu bằng việc tập hợp gần 1.900 tấm ảnh được chụp từ năm 1999 đến 2003 do vệ tinh mỹ Landsat 7, ở độ cao 800 km.

Hình thành từ san hô và tảo vôi, những dải đá ngầm có một sự đa dạng sinh học độc đáo do hàng nghìn những loài san hô, cá, các loài thân giáp, động vật thân mềm, tảo… Nhóm nghiên cứu đã tiến hành miêu tả, phân loại chúng, tuy nhiên không thể có một phân loại đồng nhất. Ðối tượng nghiên cứu được sắp xếp theo vị trí (lục địa hay đại dương), theo cấu trúc và mức độ phức tạp. Những loại lớn được xếp hàng đầu: đá ngầm ven bờ, hẹp, bao bọc bờ biển như tại đảo Réunion hay ở đảo Antilles, đá ngầm tách ra khỏi bờ biển do một hồ nước mặn ven biển như một dải thuộc vùng Calédonie vừa được xếp vào di sản thế giới của Unesco. Trên tấm bản đồ, chúng được phân loại tuỳ theo màu sắc, hình dạng và cấu trúc. Nhóm nghiên cứu cũng đã nêu rõ đặc tính của khoảng 800 loại đá ngầm cho phép bản đồ hoá, miêu tả, so sánh bất kỳ đá ngầm nào trên thế giới.

Theo Serge “Các nhà khoa học và nhà quản lý từ nay đã có cơ sở dữ liệu giúp hiểu hơn về hệ san hô để từ đó có những hành động bảo vệ nó”. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dễ dàng tra cứu những hình ảnh vệ tinh của những dải đá ngầm trên trang web điện tử. Nhóm nghiên cứu cũng thiết lập những tấm bản đồ đá ngầm của một khu vực cụ thể theo yêu cầu của những nhà cầm quyền địa phương, chẳng hạn năm 2005, theo yêu cầu của tổ chức ngư nghiệp của Polysie (Pháp) nhóm đã xây dựng một tấm bản đồ miêu tả dải đá ngầm của những quần đảo tại xứ sở này. Hình thành từ 84 bản đồ của hàng trăm đảo và đảo san hô vòng, tấm bản đồ này cho phép lần đầu tiên xác định 64 loại hình dạng đá ngầm có trên diện tích 17.725 km2. Gần đây, nhờ vào những thông tin mới về diện tích đá ngầm do dự án Milennium đem lại, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã xây dựng một bản tổng kết về tính hiệu quả của những khu vực hàng hải được san hô bảo vệ. Những người có trách nhiệm của mỗi quốc gia tiến hành nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học hàng hải trước các hoạt động của con người như khai thác ngư nghiệp quá mức, đánh cá trái phép hay sự ô nhiễm. Kết quả chung cuộc là trên 52.7072 km2 đá ngầm được cuộc nghiên cứu xác định, chỉ 2% được bảo vệ. Một con số còn xa với mục tiêu đề ra tại hội nghị thế giới vì sự phát triển bền vững năm 2002 tại Johannesburg tại Nam Phi: từ nay đến 2012 bảo tồn được từ 20% đến 30% hệ sinh thái biển quan trọng nhất trên hành tinh.

 Quảng Mỹ - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :