Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Các nhà khoa học Pháp với cải cách giáo dục
Tự chủ đại học luôn là vấn đề được đặt ra trong suốt tiến trình hình thành và phát triển của hệ thống giáo dục đại học trên toàn thế giới. Nhưng tự chủ đại học đến đâu, như thế nào và ở những khía cạnh nào? - vẫn luôn là vấn đề đối với các lãnh đạo giáo dục - những người trực tiếp thực thi, vận hành bộ máy giáo dục đại học. Tại sao cho đến thời điểm này, vẫn tồn tại song song những trường đại học tự chủ hoàn toàn như ở Mỹ và cả những trường đại học vẫn phải phụ thuộc ít, nhiều vào Chính phủ như tại Châu Âu, Châu Úc, Đông Á…

Những ngày này, trên cửa sổ các tòa nhà tại trung tâm Paris, người ta có thể thấy những biểu ngữ kiểu như “đại học không phải là nơi kinh doanh” hay “tri thức không phải là hàng hóa” bay phấp phới.

Còn tại sảnh nhà ga Metro, một bóng người lờ mờ bước vội đến cạnh con tàu chuẩn bị khởi hành để dán mẩu giấy phản đối cuộc cải cách giáo dục của chính phủ. Mẩu giấy cảnh báo rằng những cải cách trên sẽ làm mất đi tính độc lập của các trường đại học. Thậm chí, ngay cả khi cái nóng hè Paris đã dịu bớt, người ta vẫn còn cảm nhận rõ nỗi bất bình tại các trường trên khắp nước Pháp từ hồi mùa xuân năm nay. Trên thực tế, những người phản đối đã sẵn sàng có cuộc đối mặt khác với chính phủ vào tháng 9. Tại sao nhiều giáo sư và sinh viên Pháp lại phản ứng mạnh mẽ với những cải cách của chính phủ đến vậy?

Câu trả lời là: tại Pháp, tổng thống Nicolas Sarkozy đang thực hiện một số thay đổi, trong đó 83 trường đại học của nước này (đào tạo khoảng 2,2 triệu sinh viên) sẽ được quyền tự chủ cao hơn về tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân sự. Theo đó, trường học sẽ được quyền đánh giá giảng viên dựa trên kết quả giảng dạy. Đồng thời, các nhà lãnh đạo đại học sẽ có tiếng nói hơn đối với việc phân định thời gian giảng dạy và nghiên cứu của các giảng viên. Thực sự thì Chính phủ Pháp đang rất muốn nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Trong giới đại học, cũng nhiều ý kiến đồng tình rằng hệ thống giáo dục đại học của Pháp từ lâu đã tồn tại khá nhiều bất ổn và chắc chắn cần phải thay đổi. Hằng năm, Trường Đại học Giao Thông Thượng Hải (Trung Quốc) đều đưa ra một bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới - một bảng xếp hạng có uy tín và thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới. Theo bảng xếp hạng này thì trong năm vừa qua (2008), Pháp chỉ có ba trường trong Top 100. Trong đó, trường xếp hạng cao nhất là Paris 6 (Pierre et Marie Curie), đứng ở vị trí 42. Mặc dù bảng xếp hạng này vẫn còn bị khá nhiều chỉ trích nhưng rõ ràng, sự cạnh tranh ngày càng tăng, ở cấp độ quốc tế đang khiến các chính phủ buộc phải xem xét lại thực trạng giáo dục đại học tại nước mình - hay nói đúng hơn là cuộc đại tu lớn nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Ngay sau khi trúng cử năm 2007, Sarkozy đã thúc giục tiến hành hàng loạt phương án cải cách các trường đại học Pháp trở nên độc lập và cạnh tranh hơn. Nhưng các trường ở đây đều là những tổ chức công. Họ nhận bất kì sinh viên nào đã tốt nghiệp phổ thông và chỉ phải chịu đóng một khoản học phí danh nghĩa, khoảng vài trăm đô mỗi năm.

Phục vụ cho những trường này là các viên chức nhà nước (trong đó Bộ giáo dục là ông chủ lớn nhất), trong đó việc tuyển dụng và sa thải bị bó hẹp trong các quy định cứng nhắc của hệ thống tập trung quan liêu; song song với đó là cơ chế cho phép điều chuyển sang các vị trí khác trong các đơn vị sự nghiệp công.

Trường lớn (Grandes Ecoles) là hệ thống trường danh tiếng, chuyên đào tạo các nghành mũi nhọn như kinh tế, kĩ thuật. Đây là hình mẫu tiêu biểu mang tính cạnh tranh cao và bán tự chủ mà ông Sarkozy hi vọng sẽ được triển khai rộng rãi trên khắp nước Pháp. Dù vậy, các trường này cũng chỉ đào tạo không quá 5% sinh viên Pháp.

Không giống như những người tiền nhiệm trước, cả Tổng thống Sarkozy lẫn Thủ tướng François Fillon, đều học tại các Grandes Ecoles. Nơi mà có thể trang bị cho họ hiểu biết thấu đáo về những thách thức giáo dục Pháp phải đối mặt.

Ông Sarkozy nghĩ rằng “Grandes Ecoles thực sự là mô hình cần thiết cho tương lai chúng ta, và chúng ta cần cải cách sâu cả hệ thống giáo dục lẫn nghiên cứu”- theo lời Bernard Belloc, cựu chủ tịch đại học Khoa học Xã hội (Toulouse I), hiện đang là cố vấn của tổng thống về giáo dục đại học. Thậm chí, Sarkozy còn muốn cải cách cả những cơ quan nghiên cứu độc lập (như đơn vị thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia - CNRS) và bắt chúng cộng tác với các trường đại học nhằm thúc đẩy nghiên cứu trong giáo dục. Đây là điều ít phổ biến trong quá khứ.

Từng bước của vấn đề

Làn sóng cải cách đầu tiên dưới thời Sarkozy là vào năm 2007, khi ông trao cho các trường đại học quyền tự chủ cao hơn. Hiệu trưởng các trường đại học được giải phóng khỏi nhiều cưỡng chế khắt khe của nhà nước như giới hạn tiền lương và có nhiều quyền hơn trong việc quản lí trường học của mình.

Điều này cho phép các trường đại học có thể hợp tác nhiều hơn với các doanh nghiệp, đồng thời có quyền tự thành lập các quỹ tự sinh lợi nhuận.

Nhiều người lại không nhìn sự việc theo cách đó. Sinh viên và những người chống đối khác phản biện rằng tự quản lí tài chính đơn giản chỉ là sự mở đầu cho những gian lận về học phí và là một dạng thương mại hóa giáo dục kiểu Mỹ.

Dù vậy, Sarkozy vẫn vội vã tiến hành các quyết định của mình. 18 trường đại học có quyền tự chủ vào đầu năm 2009 và 33 trường được lên kế hoạch chuyển đổi vào tháng 1 năm 2010. Đến năm 2012, theo kế hoạch, tất cả các trường đều có quyền tự chủ hoàn toàn.

Trong năm nay, trọng tâm cải cách hướng đến vai trò của giảng viên. Nếu trước đây, lượng thời gian phân bổ giữa giảng dạy và nghiên cứu của một giảng viên do Chính phủ quyết định. Thì giờ đây, một đạo luật mới cho phép hiệu trưởng các trường đại học toàn quyền quyết định. Với những người chống đối, họ lo ngại rằng các trường sẽ giới hạn thời gian nghiên cứu và bắt giảng viên phải giảng dạy nhiều hơn.

Thậm chí, kể cả đối với những người coi biểu tình như một trong những trò tiêu khiển của người Pháp, thì một số người ủng hộ Chính phủ cũng phải thừa nhận ông Sarkozy chưa làm được gì nhiều trong việc bôi trơn công cuộc cải cách.

Ngay sau khi công bố các phương án, Sarkozy nhận được nhiều lời chỉ trích nặng nề về giáo dục Pháp. Người ta gọi nó là “bộ máy mồ côi của những trường đại học yếu kém”. Chính nó đã làm tê liệt sự sáng tạo và đổi mới.

Chỉ vài ngày sau khi đưa các bình luận trên ra công chúng vào hồi tháng giêng vừa qua, phản đối và đình công do các giảng viên khởi sướng và sau này có thêm sự tham gia của nhiều sinh viên, bùng nổ tại các trường trên khắp nước Pháp.

Biểu tình kéo dài 4 tháng trở thành sự kiện chống đối lớn nhất kể từ năm 1968. Vào thời đó, biểu tình trên toàn quốc gần như làm sụp đổ chính phủ của tướng Charles de Gaulle và dẫn tới sự thay đổi hệ thống đại học Pháp.

Dù cuộc biểu tình gây rối vào mùa xuân giờ chỉ giới hạn trong 15-20 trường - những trường khác tiếp tục hoạt động bình thường – thì phản bác của phe đối lập vẫn thu hút được sự chú ý của công chúng.

Thêm vào đó là nghi ngờ về các vấn đề cơ bản của Chính phủ, các nhà phê bình cho rằng tốc độ cải cách quá nhanh, tạo ra lộn xộn và phản kháng thay vì những kết quả tích cực.

Valerie Robert, giáo sư môn tiếng Đức tại đại học Paris 3 (Sorbonne Nouvelle), là người phát ngôn cho một nhóm kháng nghị có tên Sauvons l"Université (nhóm giải cứu các trường đại học). Cứ vài lần trong tuần, bà lại đưa ra thông tin về diễn biến mới nhất. Lần gần nhất bao gồm tin tức về việc hội đồng quản lí đại học Maine, tại Le Mans, đã bỏ phiếu chống lại việc chuyển sang tự chủ vào tháng 1/2010. Đồng thời là các tin phản hồi diễn văn của Valerie Pécresse, bộ trưởng giáo dục đại học, dự đoán về khởi đầu một năm học với đầy căng thẳng cao độ.

Vào lúc mùa hè gay gắt nhất, từ tận Provence, bà Robert vẫn tích cực tuyên truyền cho hoạt động của nhóm mình. Hơn nữa, bà cũng chuẩn bị sẵn sàng cho trận chiến đang tới một khi các trường đại học khai giảng.

“ Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của họ ”, bà nói. “ Vấn đề đơn giản ở đây là chúng ta có một Chính phủ giả dối.” Theo bà, ý định thực sự của Chính phủ, là kiểm soát mọi khía cạnh có thể của giáo dục đại học, bao gồm cả việc quản lí, phân bổ thời gian của các giáo sư giống bà.

“Điều họ muốn là giới hạn công việc nghiên cứu và bắt chúng tôi phải dạy học nhiều hơn với số tiền tương đương”, bà nói.

Theo thực tế, việc đánh giá giảng viên sẽ do hiệu trưởng một trường đại học, chứ không phải do một hội đồng gồm các giáo sư có trình độ tương đương tiến hành. Do vậy, đây là chứng cớ chứng minh hệ thống giáo dục mới sẽ làm xấu đi chất lượng giáo dục.

Gốc rễ của vấn đề

Một số nhà quan sát nói rằng mầm mống của những bất đồng giáo dục ngày nay đã nảy sinh từ vài thập kỉ trước đây.

Ông Gilles Bousquet là chủ nhiệm khoa nghiên cứu quốc tế và là giám đốc học viện quốc tế - đại học Wisconsin tại Madison (Mỹ). Là một người Pháp chính gốc, người đã dành nhiều thời gian giảng dạy tại Mỹ, ông nói rằng từ năm 1968, các trường đại học Pháp luôn đặt mình trong vai trò của “nhà giáo dục có lương tâm”. Song hầu hết những trường này chỉ nói mồm chứ không thực hiện trong thực tế.

Thay vì làm trung tâm của đời sống giáo dục đại học quốc gia, các trường đại học của Pháp lại nằm bên lề, với những tòa nhà đổ nát và tỉ lệ bỏ học cao.

Theo ông Bousquet, Grandes Ecoles, các trường cao đẳng kỹ thuật, tập trung những ngành chuyên môn như luật, y khoa, dường như có vẻ hoạt động hiệu quả hơn hẳn. Những trường này hầu như vẫn chưa gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào.

Sự chống đối cải cách nhiều nhất được bắt gặp tại các trường đại học chuyên về khoa học xã hội và nhân văn, nơi các bản chất của các giảng viên có “ý thức chính trị và đầu óc phê phán rất cao”.

Ông Belloc thì lại thẳng thắn hơn khi cho rằng “trong 20, 30 năm qua, chúng ta đã có một hệ thống mà ở đó trao cho giảng viên rất nhiều sự thoải mái”. “ Họ không phải tự chịu trách nhiệm quá nhiều, cũng không hề có đánh giá định kỳ, và họ hoàn toàn tự do trong việc tự sắp xếp công việc, bao gồm cả những kỉ nghỉ phép dài. ”

30-40% giảng viên không có bất cứ công bố khoa học nào trong vòng 3 năm qua. Đây là bằng chứng rõ ràng rằng bộ máy giáo dục của Pháp đang trên đà sụp đổ.

Ông Belloc cho rằng cải cách giáo dục chắc chắn sẽ làm tăng lương cho các giáo sư.

Người ta vẫn theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra vào mùa thu này. Các nhà đối lập không có vẻ sẽ ưng thuận các kế hoạch của chính phủ và họ đang chuẩn bị cho một cuộc tranh chấp tiếp theo.

Mặc dù các tranh cãi vẫn tiếp tục xảy ra nhưng cuộc cải cách cũng có thể cho kết quả là sự ra đời của một bộ luật mới. Nhưng bà Robert nói rằng phe chống đối sẽ tiếp tục đấu tranh.

Nhưng kết quả thế nào thì cũng chưa chắc chắn. “Tôi không biết vì tôi không phải là nhà tiên tri” - bà Robert cho biết.


 Phạm Hiệp - Lê Trang - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 222, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :