Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Jean Jouzel: Tôi thích được gọi là nhà khoa học
Nhân sự kiện GS. Jean Jouzel, Phó chủ tịch Uỷ ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, đến Việt Nam tham dự Hội thảo khoa học vũ trụ “Vật lý học, hành tinh học, khí hậu học” do ĐHQGHN phối hợp với Đài thiên văn Paris, Đại học Paris 6 (Pháp) tổ chức từ 1 - 4/11/2010, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với ông.

Chào GS. Jean Jouzel, nhắc đến ông là người ta nói đến một người hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội, bình luận truyền hình, hoạt động chính trị…

Ồ, tôi không phải là một chính trị gia. Tôi chỉ hay có dịp tiếp xúc với họ thôi. Tôi là Giám đốc của Ủy ban tư vấn cao cấp về khoa học và công nghệ - một cơ quan chuyên tư vấn cho Thủ tướng Pháp về khoa học và công nghệ; tôi cũng là Chủ tịch của Hiệp hội Khí tượng học của Pháp cũng như tham gia vào nhiều tổ chức khác. Từ đúng nhất để mô tả những hoạt động này của tôi là nhà hoạt động xã hội.

Nhưng ông thích nhất được gọi là gì?

Nhà khoa học. Tất nhiên rồi!

Ðâu là sự khác nhau giữa Jean Jouzel trước và sau giải Nobel năm 2007?

Tôi chỉ là một thành viên trong nhóm nghiên cứu được vinh danh thôi, cũng có thể là tôi có vai trò nhất định trong nhóm. Suy cho cùng thì cũng không có nhiều khác biệt ngoài việc tôi có ít thời gian hơn dành cho nghiên cứu khoa học.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. GS nghĩ thế nào về vấn đề này?

Rõ ràng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng một quốc gia nào cả. Các nước phát triển thải ra nhiều khí thải hơn nhưng các nước đang phát triển lại chịu nhiều tác hại của nó hơn. Chúng ta hãy nhìn vào châu Phi, một châu lục đang nóng dần lên từng ngày chẳng hạn. Trong khuôn khổ của IPCC, từ nhiều năm nay, chúng tôi đã có những nghiên cứu về khả năng đối phó với biến đổi khí hậu và mối liên hệ của nó với sự phát triển của các quốc gia. Trong điều kiện hiện nay, các nước phát triển phải cam kết và thực hiện nhiều hơn so với các nước đang phát triển. Các nước phát triển cần cam kết giảm lượng nhất định khí thải ra trong khi các nước đang phát triển thì mới chỉ dừng ở mức tăng hiệu quả quản lý của các chính phủ.

Con người đang thiếu kiến thức đầy đủ về biến đổi khí hậu. Nhưng chúng ta cũng thấy là ngay ở các trường đại học hiện nay cũng đang thiếu những nghiên cứu và giảng dạy cần thiết về lĩnh vực này; trong khi có rất nhiều vấn đề còn chưa rõ liên quan đến nó như kinh tế học, xã hội học, môi trường học, và cả các vấn đề về kỹ thuật như xây dựng, vật lý nữa.

Không thể chỉ dựa vào mong muốn và ý chí của người cầm quyền vì ngay cả khi một quyết định được đưa ra thì người ta cũng chỉ phục tùng nó một cách máy móc. Nếu chúng ta muốn người dân tự ý thức bảo vệ môi trường thì bạn phải làm sao để cho người ta hiểu thật rõ vấn đề đó, tại sao phải làm, lợi ích là gì? Nơi tốt nhất có thể làm được điều này chính là các trường đại học.

Có ý kiến cho rằng, biến đổi khí hậu mang đến nhiều thách thức cho con người, nhưng ngược lại nó cũng đem đến nhiều cơ hội. Giáo sư có đồng ý với quan điểm này?

Tất nhiên là cái gì cũng có hai mặt của nó. Ví dụ như biến đổi khí hậu làm mùa đông ở Pháp bớt lạnh lẽo hơn. Hoặc giả sử bạn có thể phát triển một lĩnh vực kinh doanh nào đó của bạn nhờ vào biến đổi khí hậu. Nhưng nếu xét tổng thể thì rõ ràng biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ làm cuộc sống của chúng ta khó khăn hơn. Tất nhiên, tôi cũng xin lưu ý là chúng ta không thể loại trừ nó. Chúng ta buộc phải sống chung với nó. Chúng ta chỉ có thể hạn chế nó, ví dụ như hạn chế việc sử dụng nguyên liệu carbon và hóa thạch chẳng hạn. Ðiều cần làm là chúng ta phải xây dựng được một nền kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, nền kinh tế nào làm được điều đó thì sẽ thành công.

Ðó cũng chính là những tư vấn của Giáo sư cho Chính phủ Pháp?

Ðúng.

Họ đã phản ứng như thế nào?

Chúng tôi đã có những chương trình rất tích cực như thay đổi một số quy định về cách thức tổ chức xây dựng, cải tổ hệ thống tàu điện, tàu tốc hành, triển khai sản xuất các nhiên liệu tái tạo...

Nguồn nhân lực gồm chuyên gia, kỹ sư về biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Ông có nhận xét gì về tình hình đào tạo về lĩnh vực này trên thế giới?

Ở Pháp, chúng tôi có những chương trình sau đại học về biến đổi khí hậu phát triển tốt trong 20 năm qua. Các chương trình này ở các nước phát triển khác như Ðức, Mỹ, Anh cũng rất mạnh. Ở châu Á thì có thể kể đến Trung Quốc, Nhật Bản rồi Ðài Loan, Thái Lan. Ở Việt Nam thì tôi không biết, hình như không có. Nhưng các bạn nên quan tâm đến việc xây dựng chương trình đào tạo về lĩnh vực này. Bởi vì mặc dù biến đối khí hậu là vấn đề toàn cầu. Nhưng khi nhìn vào tác động của nó thì lại mang tính địa phương rất cao. Vì vậy, mỗi quốc gia cần có những nghiên cứu riêng về biến đổi khí hậu với những vấn đề riêng của mình. Chúng ta cần có những chuyên gia về biến đổi khí hậu ở khắp nơi để thấu hiểu các vấn đề địa phương.

Giáo sư có bằng đại học về hóa học, bằng tiến sỹ vật lý, và bây giờ là 1 chuyên gia về biến đổi khí hậu. Giáo sư dường như đã trở thành một nhà khoa học liên ngành (inter – disciplines)?

Ðể thực sự làm được nghiên cứu về biến đổi khí hậu, bạn cần phải có kiến thức liên ngành. Trước đây, tôi nghiên cứu về địa hóa học, tức là sử dụng đồng vị của nước ở dạng băng để nghiên cứu về khí hậu tại Nam Cực hàng nghìn năm trước đây. Chủ đề nghiên cứu mà tôi theo đuổi suốt bao nhiêu năm nay chính là thông qua việc tìm hiểu khí hậu trong quá khứ, chúng ta có thể dự đoán được khí hậu trong tương lai.

Dường như nghiên cứu liên ngành đã trở nên rất quan trọng đối với khoa học hiện nay?

Cứ nhìn vào lĩnh vực biến đổi khí hậu thì chúng ta sẽ thấy điều đó. Không chỉ một nhà khoa học mà phải là nhiều nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực vật lý, hóa học, địa lý, xã hội, kinh tế… mới có thể giải quyết được các vấn đề thực tiễn. Nhưng trước khi trở thành một nhà khoa học liên ngành, bạn phải thật giỏi trong lĩnh vực của bạn đã.

Phải chăng việc phát triển của nghiên cứu liên ngành hiện nay chính là một minh chứng cho thấy nhà khoa học đã thoát ra khỏi tháp ngà?

Rõ ràng rồi. Vai trò của nhà khoa học hiện nay đã thay đổi. Chúng ta cần phải bỏ thời gian để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tìm hiểu xem cuộc sống cần gì, muốn gì và chúng ta phải làm gì.

Ông có nhận xét gì về Hội thảo khoa học đang diễn ra?

Hội thảo này về khoa học vũ trụ nhưng cũng mang tính liên ngành rất cao. Các diễn giả đều là những nhà khoa học hàng đầu thế giới về lĩnh vực của họ. Tôi rất mừng khi thấy có nhiều bạn trẻ Việt Nam đến tham dự. Họ cần phải được tạo nhiều điều kiện hơn nữa để tham gia các sự kiện khoa học đỉnh cao tương tự.

Xin cảm ơn và chúc ông tiếp tục thành công trong công việc!

 Phạn Hiệp (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :