Trang chủ   >   >    >  
Hội thảo khoa học “Văn hoá óc Eo và vương quốc Phù Nam”
Trong các ngày 29 - 30/12/2004, tại Hội trường Thống nhất, TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Văn hoá óc Eo và vương quốc Phù Nam”. Tham gia hội thảo có các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện KHXH tại TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và một số cơ quan khoa học khác. Ngoài các nhà nghiên cứu, tham dự hội thảo còn có một số nhà quản lý văn hoá, giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ.

Mục tiêu của hội thảo là nhằm nhìn nhận lại, tổng kết những thành tựu nghiên cứu trong 60 năm qua đồng thời công bố những kết quả nghiên cứu, nhận thức khoa học mới về văn hoá óc Eo và vương quốc Phù Nam từ đó chuẩn bị những cơ sở khoa học cần thiết cho việc xây dựng một chương trình nghiên cứu toàn diện về vùng đất Nam Bộ, một bộ phận máu thịt của lịch sử dân tộc.

Có thể thấy, 60 sau phát hiện quan trọng của nhà khảo cổ học người Pháp L.Malleret về văn hoá óc Eo, cùng với khuynh hướng đi sâu vào việc nghiên cứu và tiếp tục làm sáng tỏ những đặc tính riêng biệt, tiêu biểu của nền văn hoá này, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, các thành tựu nghiên cứu mới đặc biệt là phát hiện khảo cổ học đã tiếp tục chứng minh tính bản địa và quá trình phát triển liên tục, lâu dài của văn hoá óc Eo. Một số tham luận cũng chỉ ra mối liên hệ mật thiết và sự tương đồng của văn hoá óc Eo với các nền văn hoá khác hình thành trên vùng đất phương Nam của tổ quốc như văn hoá Đồng Nai, Sa Huỳnh cùng một số trung tâm văn hoá khác xuất hiện ở khu vực hạ lưu Chao Phraya, bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra. Dựa trên các bằng chứng về khảo cổ học, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hoá óc Eo đã trải qua 3 giai đoạn cơ bản, đó là: thời kỳ tiền óc Eo (thế kỷ II-I TCN); thời kỳ óc Eo (thế kỷ I-VII) và thời kỳ hậu óc Eo (từ nửa sau thế kỷ VII đến khoảng thế kỷ IX-X). Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học đó không chỉ cung cấp thêm những thông tin và luận cứ khoa học hết sức quý báu mà còn góp phần làm sáng tỏ và bổ sung cho nguồn tư liệu chữ viết từ các văn bia cổ và đặc biệt là những ghi chép trong các bộ sử của Trung Quốc như: Nam Tề thư, Lương thư, Hậu Đường thư... về vương quốc Phù Nam và một số quốc gia khác ở Đông Nam á.

Cho đến nay, trong khi các học giả trong nước và quốc tế còn đang cố gắng để xây dựng hệ tiêu chí chuẩn nhằm phân lập và định diện những đặc tính tiêu biểu cùng vòng ảnh hưởng của văn hoá óc Eo thì tuyệt đại đa số các nhà nghiên cứu đều coi óc Eo là nền tảng đồng thời là sự phát triển sớm nhất, tiêu biểu của văn hoá Phù Nam và vương quốc Phù Nam. Đó là một nền văn hoá biển, hình thành và phát triển ở miền Tây sông Hậu, cư dân óc Eo - Phù Nam đã sớm thành thạo trong kỹ thuật khai thác biển, có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc trong việc trị thuỷ, làm thuỷ lợi và phát triển kinh tế hải thương. Do đón nhận được và biết phát huy những điều kiện thuận lợi của vị thế tự nhiên, Phù Nam đã trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất Đông Nam á đồng thời là nơi tiếp nhận và truyền phát văn hoá giữa hai thế giới phương Đông (Trung Hoa) và phương Tây (La Mã, Ba Tư), qua vị trí chuyển giao của văn minh ấn Độ.

Thông qua các tham luận trình bày cũng như trao đổi tại hội thảo, các nhà sử học, khảo cổ học, nhân học, địa chất học... đã có nhiều tranh luận sôi nổi và đóng góp những ý kiến khoa học xác thực về cơ sở và đặc tính tiêu biểu của văn hoá óc Eo; về tính chất Mã Lai đa đảo (Malayu Polinesian) nổi trội của cư dân Phù Nam, về hoạt động kinh tế và môi trường tự nhiên, xã hội Phù Nam; phạm vi lãnh thổ của vương quốc Phù Nam; về tầm ảnh hưởng đế chế Phù Nam cũng như những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của vương quốc này vào thế kỷ VII.

Tại hội thảo, các nhà khoa học từ ĐHQGHN đã tham gia và trình bày các tham luận: GS. Phan Huy Lê: Thử nhận diện nước Phù Nam qua tư liệu thư tịch và khảo cổ học; GS. Lương Ninh: Nam Bộ Việt Nam - Từ thời tiền sử và sơ sử; GS.TSKH Vũ Minh Giang: Một số suy nghĩ về công cuộc nghiên cứu vùng đất Nam Bộ thời sơ sử; PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Mấy nét về quá trình tổ chức khai phá đất đai, xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền trên đất Nam Bộ của chúa Nguyễn từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII; TS. Vũ Văn Quân: Vùng đất Nam Bộ thời cổ đại - Từ tư liệu thư tịch đến khảo cổ học...

Trên cơ sở những thành tựu khoa học mà cuộc hội thảo đã đạt được, các nhà khoa học và đại biểu tham gia hội thảo đã hoàn toàn nhất trí với ý kiến đề xuất về việc cần phải sớm xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu cơ bản, tổng thể theo hướng tiếp cận liên ngành và khu vực học về văn hoá óc Eo, vương quốc Phù Nam và lịch sử - văn hoá vùng Nam Bộ. Theo đó, điều cần thiết là phải sớm tập hợp một đội ngũ chuyên gia trên các lĩnh vực để cùng phối hợp giải quyết những vấn đề khoa học đã và đang đặt ra theo một định hướng chung, thống nhất. Song song với công việc đó, cũng cần phải tiến hành khai thác triệt để tất cả những nguồn tư liệu hiện có, tổng kết thành tựu nghiên cứu đã đạt được trong và ngoài nước cũng như thiết lập, tăng cường các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu quốc tế (đặc biệt là với các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu thuộc các quốc gia láng giềng trong khu vực) để có những nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về văn hoá óc Eo và vương quốc Phù Nam. Xuất phát từ mục tiêu chuyên môn, một số nhà khoa học cũng nhấn mạnh đến việc ứng dụng những phương pháp và thành tựu nghiên cứu của khoa học tự nhiên để góp phần luận giải diễn trình của một không gian lịch sử - văn hoá, những biến đổi của môi trường tự nhiên và tác động của nó đến cuộc sống của các cộng đồng cư dân cổ... Đây cũng là một trong những định hướng nghiên cứu trọng tâm trong thời gian tới.

 Nguyễn Việt Hoàng - Số 167 (tháng 1/2005)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: