Trang chủ   >   >    >  
Công tác nghiên cứu khoa học với sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế của Trường ĐHKHXH&NV *
Đất nước ta đang bước nhanh trên con đường đổi mới. Hơn ai hết, giới khoa học nói chung, giới đại học nói riêng, trong đó có Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHKHXH&NV) trực thuộc ĐHQGHN nhận thức rất rõ vai trò và nhiệm vụ khoa học của mình...

Kế thừa truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngay từ khi thành lập (1995) và nhất là 5 năm trở lại đây (2001 - 2005), Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐHKHXH&NV đã xác định: nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thông qua nghiên cứu khoa học để xây dựng đội ngũ, phát triển năng lực khoa học, nâng cao chất lượng đạo tạo và phục vụ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhằm thực hiện mục tiêu to lớn, nhiệm vụ nặng nề, từ đầu năm 2001, Nhà trường đã xây dựng đề án “Những định hướng chủ yếu trong công tác nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKHXH&NV từ 2001 - 2010”. Đề án nhằm thực hiện 3 mục tiêu: Nghiên cứu cơ bản để phát triển các ngành khoa học xã hội - nhân văn; nghiên cứu phục vụ đào tạo; nghiên cứu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ 3 mục tiêu đó, 8 hướng nghiên cứu lớn đã được xác định là:

1. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và cơ sở khoa học cho việc xây dựng những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Xây dựng các bộ sách công cụ về khoa học xã hội - nhân văn phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo của trường.

3. Nghiên cứu tổng kết thế kỷ XX của Việt Nam trên một số lĩnh vực chủ yếu của khoa học xã hội - nhân văn như Văn học, Sử học, Triết học, Ngôn ngữ học...

4. Nghiên cứu những vấn đề mới về lý luận, phương pháp luận của các ngành, tiến hành khảo sát, điều tra cơ bản nhằm phục vụ công tác đào tạo và nhu cầu của xã hội.

5. Nghiên cứu về nông thôn trong quá trình đổi mới, chú trọng nghiên cứu các vấn đề về miền núi và các dân tộc ít người, vấn đề tôn giáo và quan hệ dân tộc.

6. Nghiên cứu vấn đề đô thị hoá và các hệ quả của quá trình này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

7. Nghiên cứu quan hệ quốc tế và các khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam á, ấn Độ, SNG, Mỹ, EU…

8. Nghiên cứu về Hà Nội, góp phần chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trên cơ sở các định hướng nghiên cứu chung đó, hàng loạt đề tài nghiên cứu do các cán bộ khoa học của Trường đề xuất đã được tuyển chọn và từng bước triển khai thực hiện. Tính đến nay, sau 5 năm, cán bộ của Trường đã và đang thực hiện 5 đề tài nghiên cứu độc lập cấp Nhà nước; 7 đề tài trọng điểm, 21 đề tài đặc biệt cấp Đại học Quốc gia, 74 đề tài nghiên cứu cơ bản, 79 đề tài cấp Đại học Quốc gia, 195 đề tài cấp Trường.

Sự gia tăng khối lượng các loại đề tài nói trên vừa chứng tỏ sự cố gắng, trưởng thành của đội ngũ cán bộ Nhà trường, vừa tạo cơ sở để xây dựng các sách tham khảo, các giáo trình, xây dựng các môn học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học.

Trong nghiên cứu cơ bản, thực hiện chủ trương thử nghiệm của ĐHQGHN, từ năm 2002 đến nay, Nhà trường đã đề xuất và triển khai 74 đề tài cơ bản. Những kết quả nghiên cứu theo hướng này đã khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương của ĐHQGHN về triển khai nghiên cứu khoa học cơ bản trong khoa học xã hội - nhân văn. Trong tương lai rất gần, quỹ nghiên cứu cơ bản cho khoa học xã hội - nhân văn của Nhà nước sẽ được thành lập. Đó là một cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản cho khoa học xã hội - nhân văn cả nước nói chung và Trường ĐHKHXH&NV nói riêng. Dựa trên ưu thế về đội ngũ cán bộ có trình độ và uy tín khoa học cao về các ngành khoa học xã hội - nhân văn của đất nước, Nhà trường đã hướng công tác nghiên cứu cơ bản vào việc giải quyết những vấn đề lý luận, tổ chức điền dã và khảo sát thực tế, xây dựng nội dung các ngành học mới, và tạo dựng các nguồn tư liệu phục vụ đào tạo các ngành khoa học xã hội - nhân văn.

Bên cạnh các ngành vốn là thế mạnh của Trường như Văn học, Ngôn ngữ học, Sử học, Triết học, Nhà trường còn tập trung tiềm lực xây dựng và đưa vào đào tạo những ngành học mới ở cả bậc cử nhân và sau đại học như: Quốc tế học, Đông phương học, Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Thông tin - Thư viện, Khoa học quản lý, Khoa học Chính trị và Tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm 16 ngành đào tạo đại học, 28 ngành đào tạo thạc sĩ và 19 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Hiện nay, Nhà trường đang tập trung nghiên cứu để tiếp tục xây dựng thêm một số ngành đào tạo mới nữa như: Công tác xã hội, Nhân học xã hội, Văn hóa học, Bảo hộ sở hữu trí tuệ, v.v…

Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, hàng trăm cuốn sách, chuyên luận, hàng ngàn bài báo và báo cáo khoa học của cán bộ trong Trường đã được công bố ở trong và ngoài nước. Đó là nguồn tài liệu hữu ích phục vụ đắc lực cho phát triển học thuật, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ khoa học, góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín khoa học của Nhà trường. Đó cũng chính là thành quả và hiệu quả to lớn trước hết, cần được khẳng định và nhấn mạnh trong hoạt động khoa học của Trường ĐHKHXH&NV thời gian qua.

Bên cạnh các nghiên cứu cơ bản, Nhà trường cũng rất coi trọng nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ, trực tiếp phục vụ các yêu cầu của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước và các địa phương.

Trong 5 năm qua, Nhà trường đã tổ chức nhiều đợt khai quật khảo cổ học, thực hiện các nghiên cứu điền dã, xây dựng các bộ địa chí, lịch sử địa phương (tổ chức khai quật khảo cổ học ở Quảng Nam, Đông Anh, Vĩnh Phúc…, biên soạn “Địa chí Bình Định”, “Địa chí Nam Định”, “Lịch sử Hải Phòng", v.v...); Nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam trên đất liền và hải đảo, về bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, v.v… Nhà trường đã chủ trì 2 đề tài độc lập cấp Nhà nước nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, nghiên cứu xác định đường biên giới Tây Nam của đất nước.

Riêng đối với Hà Nội, để góp phần thiết thực phục vụ sự phát triển Thủ đô nói chung và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nói riêng, Nhà trường vừa trực tiếp chủ trì, thực hiện, vừa có cán bộ làm chủ trì 3 đề tài độc lập cấp Nhà nước nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, chủ trì cuộc vận động sưu tầm, sáng tác câu đối, hoành phi để sử dụng tại Văn Miếu - Quốc tử giám.

Thông qua việc tổ chức thực hiện các đề tài và hoạt động khoa học nói trên, Nhà trường đã góp phần phát hiện, tạo lập những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định một số chính sách của Đảng và Nhà nước về củng cố hệ thống chính trị Việt Nam, về công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, về dân chủ hóa, về lịch sử Chính phủ và lịch sử Quốc hội, v.v...

Các đề tài nghiên cứu về con người và văn hóa Việt Nam được triển khai và hoàn thành như: giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện đại, lịch sử văn hóa Việt Nam, ứng xử văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại, bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm ở Huế, tiến trình văn học Việt Nam thế kỷ XX, lịch sử Việt ngữ học v.v... đã góp phần làm rõ những giá trị truyền thống và hiện đại của văn hóa, xã hội và con người Việt Nam, làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Nhiều nhà khoa học của Nhà trường đã đi sâu nghiên cứu những vấn đề văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số làm rõ vai trò của luật tục đối với việc phát huy và bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, nghiên cứu về Vương quốc Chăm Pa, về tín ngưỡng tôn giáo, v.v… Đặc biệt, hiện nay Nhà trường đang tập trung xây dựng Dự án về đào tạo ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số. Những nghiên cứu và dự án này chắc chắn không chỉ nhằm giữ gìn, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số mà còn góp phần xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những nghiên cứu phục vụ trực tiếp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nhà trường còn đẩy mạnh những nghiên cứu về quan hệ quốc tế và khu vực học. Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo khoa học về Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, ASEAN và khu vực Đông á trong mối quan hệ so sánh với Việt Nam trong bối cảnh khu vực và quốc tế được tổ chức trong mấy năm qua đã cung cấp những cơ sở khoa học để thực hiện và điều chỉnh chính sách đối ngoại đa phương hoá của Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần tăng cường năng lực đào tạo của các ngành học như: Hoa Kỳ học, Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, và hiện đang xây dựng ngành ấn Độ học, Tây á học và khu vực Trung Đông.

Ngoài những kết quả nghiên cứu khoa học trên đây, Nhà trường còn chủ động phối hợp, liên kết với nhiều trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong nước và nước ngoài tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Chỉ trong vòng 5 năm qua, Trường đã tổ chức 18 hội thảo khoa học quốc tế, 23 hội thảo quốc gia và liên trường, trong số đó có nhiều cuộc hội thảo đã để lại những tiếng vang tốt trong giới khoa học trong và ngoài nước như: Hội thảo về Nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo về xã hội học ở Việt Nam, Hội thảo về Hoạch định chính sách nghiên cứu khoa học và giáo dục trong thời kỳ chuyển đổi, Hội thảo Ngôn ngữ và ngôn ngữ học Liên á, Hội thảo Triết học cổ điển Đức, Hội thảo Việt Nam trong tiến trình thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập (1954-2005). Đặc biệt, là Hội thảo quốc tế Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại, tổ chức vào giữa năm 2004 đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao.

*

5 năm là một khoảng thời gian không dài, nhưng công tác nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKHXH&NV đã đạt được những thành tựu to lớn, không chỉ trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn góp phần nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng, của công cuộc đổi mới, đáp ứng những yêu cầu cấp bách của tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và công tác đối ngoại của đất nước.

Từ thực tiễn tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong 5 năm qua, bài học được đúc rút là dựa chắc và phát huy thế mạnh về nghiên cứu cơ bản, cần chủ động và tích cực nắm bắt những nhu cầu của xã hội và khoa học, tranh thủ và khai thác triệt để sự hợp tác ở trong nước và quốc tế, kịp thời tổ chức triển khai các đề tài, dự án, hội thảo khoa học có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn cao, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường vị thế và uy tín của Nhà trường ở trong nước và quốc tế.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo và hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các bộ, ban ngành và nhất là ĐHQGHN, cùng tinh thần chủ động, tích cực của đội ngũ khoa học của Trường, Trường ĐHKHXH&NV chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xứng đáng với vị trí và trách nhiệm chính trị lớn lao mà Đảng và nhân dân tin cậy giao phó./.

 Trường ĐHKHXH&NV - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: