Trang chủ   >   >    >  
Đôi nét về cuộc thi sáng tạo robot ở Châu á - Thái Bình Dương và Đôi nét về cuộc thi sáng tạo robot ở Châu á - Thái Bình Dương và Việt Nam
Robocon viết tắt của cụm từ: Robot contest (Cuộc thi sáng tạo Robot). Đây là một cuộc thi do Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Broadcasting Union, ABU) tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các kỹ sư tương lai có thể thực hiện những ý tưởng táo bạo, tự mình chế tạo ra những máy móc mà không bị chi phối bởi các kiến thức chung đã có.

 Cuộc thi này giúp các kỹ sư tương lai tạo ra những sản phẩm được sáng tạo từ những ý tưởng độc nhất vô nhị và kích thích khả năng sáng tạo của họ đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển chung của nền khoa học kỹ thuật nước sở tại. Chủ đề của cuộc thi rất đa dạng (Ví dụ: thiết kế các robot có tính năng độc đáo như đá bóng, trèo cây, bay, thu dọn đồ đạc v.v... để cùng tranh tài trong một cuộc thi giữa các robot đó) và được Ban tổ chức cuộc thi công bố hàng năm. Đây là các chủ đề hấp dẫn và khuyến khích các trường đại học kỹ thuật và tổng hợp tham gia.

Cuộc thi Sáng tạo Robot Châu á - Thái Bình Dương

Nhận thấy tầm quan trọng trong việc góp phần phát triển một đội ngũ cán bộ kỹ sư trẻ cho ngành công nghiệp mới mẻ này, Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu á - Thái Bình Dương đã chính thức phát động cuộc thi Sáng tạo Robot đầu tiên trong khu vực vào tháng 9/2001.

Sáng tạo Robot Châu á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) là cuộc thi được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 2002, dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật khu vực Châu á - Thái Bình Dương. Theo một thể lệ chung, tại mỗi nước các đội tuyển sẽ thi đấu để lựa chọn ra một robot thể hiện sự sáng tạo và khả năng kỹ thuật cao nhất để tham gia cuộc thi khu vực.

ABU Robocon được tổ chức nhằm tạo nên tình hữu nghị giữa những người trẻ tuổi có cùng sự quan tâm - những người sẽ làm chủ đất nước mình trong thế kỷ XXI - đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ phát thanh truyền hình trong khu vực. Những sự kiện về cuộc thi này sẽ được các thành viên của ABU ở mỗi nước sở tại phát thanh truyền hình.

ABU Robocon đầu tiên (năm 2002) được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) với với chủ đề “Chinh phục núi Phú Sĩ” đã thu hút được 20 đội đến từ 19 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực tham gia. Đội Telematic của Việt Nam (thuộc Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) đã đoạt giải vô địch.

Tại ABU Robocon 2003 tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan) với chủ đề “Cầu mây chinh phục không gian” đội BKCT của Việt Nam (thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội) đoạt giải ba.

Tại ABU Robocon 2004 tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) mang chủ đề: “Cuộc đoàn tụ Ngưu Lang - Chức Nữ” đội FXR của Việt Nam (thuộc Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) đoạt giải vô địch.

ABU Robocon 2005 được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ban tổ chức xây dựng luật chơi dựa trên câu ngạn ngữ Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (Chưa đến Trường Thành chưa phải là hảo hán) để đặt tên "Lửa thiêng rực sáng Trường Thành" cho cuộc thi.

Cuộc thi sáng tạo Robot ở Việt Nam

Tháng 4/2001, ABU chính thức mời Đài Truyền hình Việt Nam tham gia cuộc thi này với tư cách là một thành viên chính thức của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu á - Thái Bình Dương. Vào thời điểm đó, việc chế tạo Robot vẫn còn là điều gì đó xa vời vì sự thiếu thốn về phương tiện thực hành.

Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã đến 5 đơn vị: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức để tìm hiểu về tính khả thi của việc tổ chức cuộc thi Sáng tạo Robot cho sinh viên Việt Nam. Để có được câu trả lời, phóng viên đã quyết định khảo sát điều kiện thực tế tại các trường đại học kỹ thuật Việt Nam. Cả 5 đơn vị được khảo sát đều có các phòng thí nghiệm thực hành nghiên cứu các thiết bị tự động hóa. Một số đơn vị đã chế tạo thành công nhiều thiết bị tự động hóa như các sensor cảm nhận màu sắc, ánh sáng. Khi được hỏi về việc sáng tạo Robot dự thi, nhiều sinh viên tỏ ra rất hào hứng… Và như vậy, Cuộc thi sáng tạo robot ở Việt Nam đã bắt đầu được khởi động.

Cho tới nay Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam đã trở nên hết sức gần gũi với các bạn trẻ yêu khoa học kỹ thuật trên cả nước. Tuy mới khởi động được bốn năm nhưng cuộc thi đã tạo được dấu ấn riêng bằng những chiến thắng thuyết phục của các đội dự thi trên đấu trường khu vực. Những cái tên như Telematic, BKCT, FXR đã lần lượt được tôn vinh trong các cuộc thi sáng tạo Robot Châu á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Tokyo - Nhật Bản (năm 2002), Bangkok - Thái Lan (năm 2003) và tại Seoul - Hàn Quốc (năm 2004).

Cuộc thi sáng tạo Robot hàng năm tại Việt Nam nhằm chọn ra một đội tuyển mạnh nhất tham dự Robocon của khu vực Châu á - Thái Bình Dương vì vậy cuộc thi sẽ theo sát chủ đề và nội dung mà ban tổ chức ABU đưa ra vào tháng 4 hàng năm. Cuộc thi sẽ lựa chọn ra đội mạnh nhất (là đội có robot ghi được nhiều điểm nhất trong cuộc tranh tài) để tham gia Cuộc thi sáng tạo Robot Châu á - Thái Bình Dương. Đội này sẽ được ABU cấp 1000 USD để hoàn thiện sản phẩm và được tài trợ một chuyến đi thi đấu ở nước đăng cai tổ chức. Ngoài ra sẽ còn có các giải thưởng khác từ phía các nhà tài trợ.

Năm 2005, 178 đội robot sinh viên của 43 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước đã bắt đầu các trận tranh tài Robocon 2005 với chủ đề “Lửa thiêng rực sáng Trường Thành" từ ngày 10/5. Đặc biệt là số lượng các đội đăng ký tham gia đông ở mức kỷ lục từ trước đến nay (303 đội) và gấp đôi so với năm 2004. Nhiều trường như Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh... đã tự tổ chức vòng loại Robocon ngay tại trường mình để chọn ra những đội quân robot tinh nhuệ nhất tham gia giải chính thức. Bên cạnh đó, sự đầu tư cho các đội cũng được Ban tổ chức, nhà trường và bản thân thành viên các đội hết sức chú trọng. Nhiều trường đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng sân tập riêng cho các đội robot của trường mình tập dượt. Điều này hứa hẹn các cuộc tranh tài tại Việt Nam sẽ là các cuộc tranh đua gay cấn, hấp dẫn.

Tham gia Robocon 2005 "Lửa thiêng rực sáng Trường Thành", các đội tham gia không chỉ phải cho ra đời các sản phẩm robot phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của cuộc thi mà còn cần phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam. Tinh thần Fair play là tinh thần chủ đạo của cuộc thi. Bất cứ hành vi nào đi ngược lại nguyên tắc này đều có thể bị loại khỏi cuộc chơi. Chúng ta sẽ đến với Robocon không chỉ chơi hay mà còn chơi đẹp, chiến thắng là mục tiêu nhưng không phải là tất cả. Điều quan trọng là để lại được dấu ấn và tình cảm cho khán giả và cho cả đối thủ của mình.

Chị Nhật Hoa - Phụ trách phòng Tự động hóa, Đài THVN - thành viên Ban tổ chức Robocon 2005 cho biết: “Cuộc thi năm nay “to hơnso với các Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam trước đó. Điều này thể hiện đầu tiên ở cơ cấu giải thưởng. So với năm 2004, giải thưởng năm nay tăng gấp đôi - 20 triệu đồng (năm ngoái giải nhất thưởng 10 triệu đồng). Bên cạnh đó, một điểm mới đáng chú ý và cũng là vấn đề mà các đội thi quan tâm, đó chính là vấn đề sân bãi. Ban tổ chức đã đặt mua tại nước ngoài 3 bộ mặt sân, giá thành lên tới hơn 7.000 USD, với tiền thuế hơn 80 triệu đồng để sân chơi đạt tiêu chuẩn quốc tế".

Năm nay Robocon đã thực sự trở thành cuộc thi mang tầm quốc gia, được Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức. Toyota Việt Nam tiếp tục là nhà tài trợ độc quyền cho cuộc thi.

Theo nguyện vọng của đông đảo khán giả truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ liên tục phát sóng các cuộc thi đấu sôi nổi ngay từ vòng loại, các trận chung kết sẽ được truyền trực tiếp trên sóng VTV.

Từ kinh nghiệm các cuộc thi quốc gia, Việt Nam đã chính thức xin đăng cai Robocon 2007. Tại buổi lễ phát động cuộc thi vừa qua, Ban tổ chức Robocon Việt Nam kêu gọi các ý tưởng gửi về để xây dựng đề thi cho cuộc thi này cần làm sao vừa tôn vinh các giải pháp sáng tạo robot, vừa mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt Nam.

 Lưu Nguyễn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: