Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Sinh viên lo tháng “củ mật”
Năm hết tết đến, cũng là dịp để đạo chích ra tay hành động nơi xóm trọ sinh viên. Dạo qua các dãy trọ ở Phùng Khoang, Triều Khúc, Khương Ðình, Văn Quán… trên địa bàn Hà Nội những ngày này, chúng tôi đã được nghe nhiều sinh viên bàn tán, kêu ca với nhau chuyện bị chôm đồ.

Hở ra là mất

Nguyễn Văn Nam, sinh viên Trường Ðại học Kiến trúc trọ ở Triều Khúc cho hay: “Mấy ngày qua, xóm trọ mình mất đồ liên tục, vài hôm trước mất chiếc xe đạp, hôm nay lại mất 2 chiếc điện thoại, mấy bộ quần áo,…”

Còn với Phạm Quang Trường, sinh viên Trường ÐHKHXH&NV, trọ ở phố Khương Hạ thì bức xúc: “Mình mới sắm chiếc xe đạp hơn một triệu đồng đầu năm, buổi tối đã khóa cẩn thận rồi mà kẻ gian còn lẻn vào cắt khóa dắt đi”.

Nguyễn Xuân Bình ở nội trú tại KTX Mễ Trì bị mất chiếc xe đạp giữa “thanh thiên bạch nhật”, không phải mất ở xóm trọ mà ở quán cơm bụi, Bình kể: “Mình vào ăn cơm 10-15 phút, chủ quan dựng xe bên ngoài không khóa khi ăn xong thì xe không còn. Làm thêm cả tháng mới mua được nó, giờ lại tay trắng”. Còn với bạn Cao Thị Hạnh, trọ ở đường Trường Chinh thì: “Mình và bạn buổi trưa rửa xoong nồi và bát đũa để ở ngoài, đến chiều học về chẳng thấy đâu. Cứ tưởng ai trong xóm trọ mượn nhưng đi hỏi thì ai cũng lắc đầu”.

Những ngày gần tết, cũng là thời điểm mà sinh viên các trường đại học, cao đẳng bước vào kì thi cuối học kì I nên trong khu trọ rất vắng người lại qua. Nếu có người ở nhà thì cũng đóng kín cửa ôn thi không mấy khi để ý xung quanh. Những ai sơ ý để xe máy, xe đạp hay vật dụng gì có thể bán lấy tiền ở ngoài mà không khóa cổng, quên khóa cửa phòng đều là miếng mồi ngon cho kẻ xấu.

Có thân thì phải lo

Ðối tượng lấy trộm đồ của sinh viên chủ yếu là những kẻ nghiện ngập, thanh, thiếu niên hư hỏng trên địa bàn. Bác Hưng, một chủ trọ trên phố Hạ Ðình cho biết: “Nghe một số sinh viên trong xóm trọ của mình than phiền chuyện mất đồ, tôi cũng chỉ an ủi và khuyên bảo các cháu hãy cảnh giác thôi chứ cũng chẳng giúp gì được. Kẻ xấu thường lợi dụng sơ hở là chúng ra tay, công an phường có tăng cường rà soát nhưng khó bắt được quả tang nên mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn”.

Không chỉ xe đạp, xe máy… mà đến những vật dụng thiết yếu của sinh viên như giày dép, quần áo, máy tính, xoong nồi… cũng là những thứ mà bọn trộm nhăm nhe, nhòm ngó.

Với nhiều thủ đoạn, những tay trộm này hoặc là chú ý theo dõi xóm trọ một thời gian, lợi dụng sự chủ quan, vắng vẻ là chúng hành động nhanh gọn, khi bị phát hiện chúng phản ứng rất nhanh như: làm ra vẻ đi nhầm nhà hoặc giả vờ đi tìm phòng ở, hỏi han người quen… Không chỉ vậy, một số kẻ còn đóng vai những người đi quảng cáo, tiếp thị sản phầm khuyến mại cuối năm, khi chủ nhà sơ suất một chút là chúng lập tức… hành nghề. Bạn Nguyễn Thị Mơ, sinh viên Trường Ðại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, trọ ở Văn Quán – Hà Ðông vẫn còn xót của: “Có một người tự xưng là nhân viên bán tăm tình thương đến giới thiệu sản phẩm, em hết tiền nên chạy qua phòng bạn mượn nhờ thì nghe tiếng rồ ga xe máy, quay về phòng thì chiếc laptop Vaio vừa mua không lâu cùng chiếc điện thoại đã biến mất”.

Giáp tết nhiều vấn đề phức tạp, kẻ trộm thường không bỏ qua những cơ hội béo bở để hành động. Vì vậy, hơn ai hết, mỗi sinh viên hoặc hãy tự cảnh giác, đề phòng và bảo quản đồ đạc, phương tiện đi lại của mình kẻo rồi đến khi của đi rồi mới… thấy xót.

 DUY NGỢI - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :