Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Đồng phục tư duy
Trước khi đặt bút viết bài này, tôi chợt nhớ đến trường hợp một thí sinh duy nhất đạt điểm 10 môn văn trong mùa tuyển sinh năm trước tại Hội đồng chấm thi Trường ĐH Đà Nẵng.

Đi kèm với điểm tối đa thí sinh ấy còn nhận được những đánh giá rất tốt. Tuy nhiên, khi bài văn xuất sắc này được trích đăng trên các báo, nhiều người phát hiện ra giống y nguyên bài trong sách văn mẫu. Có nghĩa là, bài văn này không phải do khả năng sáng tạo của em thí sinh nọ mà do em đã có công học thuộc lòng. Sự kiện điểm 10 văn đó đã gây một cú "sốc" khá nặng đối với ngành giáo dục và những người quan tâm. Bài văn được chép lại từ sách văn mẫu, nhưng hội đồng chấm thi không biết thì kể cũng lạ. Có thể các vị hội đồng rất giỏi chuyên môn, nhưng không có thời gian nghiên cứu hết các loại sách, nên đã để lọt một trường hợp như vậy. Người độ lượng cho rằng, bài chép lại từ việc học thuộc lòng tất nhiên không xứng đáng được điểm 10, nhưng cũng không nên trách em học trò kia. Em chỉ là thí sinh, không phải thực hiện một công trình, viết một cuốn sách. Nếu kết luận em "ăn cắp" công trình của người khác thì cũng quá sức gánh vác của em. Đơn giản là em đã được dạy và học theo bài văn mẫu như bao học sinh khác. Chỉ có điều em là người học thuộc nhất mà thôi.

Vấn đề cần được đặt ra từ vụ điểm 10 này là ở chỗ khác. Đó là lâu nay, lối giảng dạy áp đặt đã thủ tiêu suy nghĩ độc lập và cá tính sáng tạo của đối tượng tiếp nhận. Đã có nhiều ý kiến phản đối cách dạy văn theo bài mẫu, học sinh học thuộc và làm theo bài văn mẫu sẽ được điểm cao, em nào viết khác đi bị điểm thấp. Tuy nhiên, những cảnh báo tâm huyết từ xã hội vẫn không được ngành giáo dục ghi nhận, sửa đổi. Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh đọc bài làm văn của con mình, thấy bài viết hay, điểm cao, nhưng không hề biết rằng nhiều học sinh khác viết y như thế vì đã làm theo một khuôn mẫu có sẵn. Học văn mà làm theo công thức, không khơi dậy cảm xúc, rung động cá nhân, không phát huy sáng tạo trong nhận thức thẩm mỹ và biểu đạt ngôn từ thì đó không còn là văn nữa. Hệ thống sách văn mẫu là những khuôn thước đúc ra một thế hệ học sinh "đồng phục tư duy", không dám suy nghĩ trái chiều, biết chấp nhận, nhưng không biết phản biện. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, mọi thành tựu khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội đều xuất phát từ những bộ óc biết hoài nghi, tìm tòi và phát hiện ra những giá trị khác biệt bên cạnh những giá trị đang tồn tại. Phương pháp dạy học theo bài mẫu của chúng ta đang tước đoạt khả năng hoài nghi và phản biện của cá nhân, những yếu tố căn bản để sinh thành những sáng tạo. Bài văn điểm 10 của em thí sinh thi vào Trường ĐH Đà Nẵng là sản phẩm điển hình của lối giáo dục áp đặt và cách học thụ động mà dân gian gọi là học vẹt. Phần lớn một thế hệ học vẹt, suy nghĩ theo cái có sẵn, nói và gật đầu rập khuôn thì lấy đâu ra giá trị mới?

 

 Phong Thanh, Ban Nội chính, Báo Lao động - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 206 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :