Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Sinh viên thời đại dịch
Mùa hè - mùa của những bệnh dịch. Tại thời điểm này thì ngoài dịch tả, còn có dịch heo tai xanh, dịch cúm gia cầm... tất cả đều gây nguy hiểm và cần phải có biện pháp phòng tránh kịp thời. Tuy nhiên với giới sinh viên các dịch bệnh đó như ở ngoài luồng,dịch đến cứ đến, việc ăn cứ ăn.

 

Vô tư ăn uống

Phải nói rằng ít có ai vô tư như sinh viên. Mặc dù thường xuyên tiếp cận với thông tin cập nhật nhưng lại luôn "bỏ ngoài tai".

Vòng qua chợ Xanh (Xuân Thủy - Cầu giấy) một lượt mới thấy việc ăn uống của sinh viên ta thoải mái đến mức nào, từ đầu chợ đến cuối chợ đều thấy các hàng quán mọc lên như "nấm", tất cả đều rất sinh viên, chẳng cần che đậy, chẳng cần bàn ghế, chỉ có chiếc xe đạp cà tang, vài loại hoa quả được gọt giũa thành từng miếng là sinh viên cứ đông tấp nập, vừa ăn vừa nói, chẳng cần biết bên cạnh bụi bay mịt mù và bàn tay khéo léo gọt hoa quả của cô bán hàng đầy vết bẩn thậm chí cả ngày không rửa.

Các quán chè, cháo, bún đậu, bún ốc, mía đá, tào phớ… cũng vậy bát đũa, cốc chén bẩn thỉu, nước rửa không có nên hết người này ăn lại tráng qua một lượt lại đến người khác. Nhiều quán nước để tiết kiệm đá, ống hút nên chủ quán cứ dùng luôn của người trước cho người sau mà chẳng cần bỏ đi hoặc rửa qua.

Thu Lan (sinh viên Trường ĐH Sư phạm) chia sẻ: "Thật ra thì tụi mình cũng biết ăn thế này là bẩn lắm, nhưng con gái mà, ăn quà vặt là chuyện không bỏ được".

Đó là chưa nói đến các quán cóc ven đường hoặc gần bến xe, nước thì có màu khác lạ, cốc lại cáu bẩn từ khi nào mà không được cọ rửa. Đã đành là ngồi nghỉ chân và uống chén nước cũng chẳng làm sao thế nhưng trong tình hình này nơi đây chính là mầm bệnh để lan truyền.

Tuấn (sinh viên Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN) vừa uống nước vừa nói chuyện: "Mình cũng biết bệnh dịch đang bùng phát nhưng ở khu trọ mình có ai bị đâu, toàn sinh viên khỏe mạnh cả mấy khi bị". Cái tâm lý "nước đến chân mới nhảy"  và "khuất mắt trông coi" của sinh viên đã ăn sâu bám rễ từ lâu trong tiềm thức nên cứ phải tận mắt chứng kiến thì mới có sự thay đổi và tìm cách phòng ngừa.

Vào những quán cơm bình dân mà chủ yếu là phục vụ cho sinh viên, ta không giật mình trước cảnh sinh viên ăn uống "tùm lum" và khung cảnh nhếch nhác của khu nấu nướng, nước rửa bát đĩa không có nên vừa rửa rau xong đã rửa bát luôn

Thậm chí có những quán cơm đặt ngay gần cống rãnh, trời nóng nực nên mùi hôi bốc lên không chịu được, đã thế bát đĩa bẩn đặt ngay miệng cống, nước rửa thì đục ngầu. Vậy nhưng ngoài kia sinh viên ăn uống vẫn rất ngon lành như không cần biết đến những nguy hại của bệnh dịch có thể đến bất cứ khi nào.

Với sinh viên - những người luôn trong tình trạng viêm màng túi thì rẻ đồng nào hay đồng ấy nên nhiều khi phải chấp nhận. Đinh Dũng (sinh viên HV Báo chí Tuyên truyền) tâm sự: "Trong căng tin trường mình đắt quá với sinh viên nhà quê như bọn mình thì ăn ngoài là giải pháp tốt nhất". Hơn nữa trong thời điểm lạm phát như hiện nay thì việc chi tiêu của sinh viên phải hạn chế rất nhiều.

Vô tư…nhập viện

Tất cả mọi việc đều có những hệ lụy của nó, tục ngữ  Pháp có câu: "Trăm thứ bệnh đi qua đường miệng", cũng tại cái miệng mà hại đến thân việc ăn uống vô tội vạ của sinh viên cũng gây ra những kết quả nguy hại cho sức khỏe. Hiện nay theo thống kê của các bệnh viện và trung tâm y tế thì ngày càng có nhiều sinh viên phải nhập viện vì các bệnh tiêu hóa như đau dạ dày, đau đại tràng, rối loạn tiêu hóa…

Tùng Lâm(sinh viên Trường ĐH Thương mại) sau khi ăn xong một bát bún ốc ngoài chợ đến bây giờ cũng không khỏi khiếp sợ: "Mình ăn xong thì đến chiều tự dưng thấy đau bụng dữ dội, đi ngoài liên tục, cả phòng cứ tưởng bị tiêu chảy cấp nên cho vào viện ngay, may mà không phải. Sau vụ này mình "hú hồn"".

Tuy nhiên cũng có những sinh viên coi đó như chuyện bình thường.Thu Hoài (sinh viên Trường ĐH Sư phạm) cho biết: "Bây giờ ăn gì chẳng sợ, ngay cả khi mình mua về nấu cũng vậy thôi, việc ăn cứ phải ăn. Bọn mình luôn thủ sẵn một lọ Becberin cứ đau bụng là uống mấy viên khỏi liền vừa rẻ lại vừa khỏi nhanh".

Quả thật vấn đề ăn uống là chuyện không bỏ được, tuy nhiên ăn thế nào và ăn ra sao cho khoa học vừa phù hợp với chi phí và vừa có lợi cho sức khỏe lại là vấn đề không hề đơn giản đối với sinh viên. Tuy nhiên trong tình hình bệnh dịch như hiện nay sinh viên ta phải có cách ăn uống sao cho hợp lý và vệ sinh vì bệnh tật không loại trừ bất cứ ai.

 

 Thu Hằng - Ảnh: Đan Vân - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 206 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :