Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Trước mùa tuyển sinh: Học ôn đã khổ, chọn trường còn khổ hơn
Học ôn đã khổ, chọn trường còn khổ hơn Trong khi những trung tâm hướng nghiệp, những thông tin nóng về tuyển sinh chưa thể len lỏi về vùng sâu vùng xa thì định hướng cho nghề nghiệp tương lai của học sinh tỉnh lẻ vẫn chỉ dừng lại ở hy vọng "may ra thì hợp với nghề".

Mò mẫm tìm trường để thi

Trên thông báo tuyển dụng kể cả những công việc tuy rất đơn giản vẫn yêu cầu ứng viên phải có: bằng đại học chính qui, chứng chỉ tiếng Anh và tin học thông thạo. Thứ hai, ít nhất ở các cơ quan nhà nước vẫn duy trì hình thức trả lương theo bằng cấp đối với người lao động. Bằng cấp là thước đo để đánh giá năng lực cán bộ; từ việc thu nhận, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ đến việc chi trả các khoản tiền ngoài lương... (đôi khi hệ số thưởng hàng tháng của cán bộ mới ra trường có bằng đại học còn cao hơn hệ số thưởng của một cán bộ có hơn 20 năm làm việc nhưng chưa có bằng đại học). Tấm bằng đại học đã trở thành giấy thông hành để tìm được nghề nghiệp ổn định trong tương lai. Vì vậy, các bậc phụ huynh và các em học sinh luôn tâm niệm đại học là con đường chính thống để đến với những cơ hội nghề nghiệp tốt. Lẽ ra định hướng thi trường nào, ngành nào, các em học sinh phải được định hướng và nắm rõ ngay từ khi bước chân vào học THPT (lớp 10) để có cách nỗ lực và phấn đấu. Nhưng trên thực tế rất nhiều em, đến lúc chuẩn bị nộp hồ sơ thi đại học còn không biết nên thi khối nào và càng mơ hồ về cách chọn trường.

 

 

Ở tỉnh lẻ, việc các bậc phụ huynh đến trung tâm hướng nghiệp để xin được tư vấn là điều xa xỉ. Tất cả các kênh chỉ có báo, đài, và quyển hướng dẫn thi tuyển sinh đại học. Cả tuần nay gia đình em Minh Hương ăn không ngon, ngủ không yên vì cân nhắc chọn nghề cho con. Minh Hương học trường chuyên của tỉnh Hà Tây, áp lực phải thi đỗ đại học đè nặng. Ngoài việc chạy ôn trường trình học, Hương còn vò đầu nhức óc lo chọn trường: "Thi trường thích thì điểm cao quá, thi trường thấp để khả năng đỗ cao thì lại thấy không hài lòng. Thực ra, để chọn nghề theo khả năng thì em cũng không phát hiện ra mình có khả năng ở nghề nào. Em chỉ có quyển hướng dẫn thi tuyển sinh. Trong đây cũng chỉ có mã ngành, nhắc nhở ngày thi và quy chế dự thi, chứ làm gì có định hướng chọn nghề nghiệp...". Đó không chỉ là tâm sự của Hương mà rất nhiều bạn học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển giao giữa bậc học THPT và đại học đều trăn trở.

Rất nhiều em mơ hồ về ngành học ở bậc đại học. Cầm quyển hướng dẫn tuyển sinh mà Trần Nam (học sinh ở Thái Bình) không hiểu được: Quản trị mạng, Lập trình viên, Công tác xã hội, Xã hội học... sau ra trường sẽ làm gì? Thời gian đăng ký gấp gáp, những kỳ thi gối nhau thúc ép, Nam đành chọn đại một trường mà em thấy khả thi nhất. Đối với những em học sinh hơi đuối một chút về học lực thì căn cứ duy nhất để chọn trường là tờ giấy in điểm chuẩn của những năm trước. Một học sinh tếu táo: "Em học không khá lắm nhưng gia đình rất có điều kiện và nguyện vọng muốn em theo học. Em đi sưu tập bộ điểm chuẩn các trường đại học năm trước, về vẽ bản biến thiên điểm số, dựa vào đó mà đăng ký trường thôi!".

 

Phụ huynh "ra tay" chọn nghề thay con

 

Vì rất nhiều lý do, mà các bậc phụ huynh - bậc sinh thành ở tỉnh lẻ đã áp đặt ngành thi trường thi mà không quan tâm đến nguyện vọng của con trẻ như: khuyên con thi vào ngành bố mẹ có người quen có thể xin được việc sau khi ra trường, ngành mà bố mẹ mơ ước nhưng chưa thực hiện được... Anh Nguyễn Văn Thịnh (Nam Định) nhất quyết: "Theo tôi, trẻ con 18 tuổi cũng chưa thực trưởng thành. Nếu để các cháu tự ý chọn, có khi chọn sai rồi chọn lại, mất thời gian. Kinh nghiệm cho tôi thấy, trẻ con thì cứ ép vô khuôn. Các cháu sẽ khó chịu một chút nhưng sau này thì quen và khi ra ngoài va chạm với cuộc đời, các cháu mới thấy những gì bố, mẹ ép đều có lợi cả...". Có khi những lựa chọn ngành nghề lại xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế gia đình. Chị Trần Thị Lụa (Hà Nam) tâm sự: "Lỡ con mà đỗ thì không biết lấy đâu ra tiền để cho con đi học. Giá cả thì ngày một đắt đỏ, bữa ăn gia đình thì cũng ngày một hẻo đi. Tôi nghe đài thấy làm giáo viên và an ninh không phải đóng học phí, học an ninh còn được trợ cấp hàng tháng...". Một phụ huynh khác thì lại có niềm quan tâm khác: "Học ở những trường tuy học phí hơi cao, nhưng sau tốt nghiệp mà nhà trường giới thiệu được việc làm luôn thì thật tốt!". Đôi khi những ý kiển của phụ huynh không làm lay chuyển được ý thích của con trẻ đang "tuổi ổi ương", thì họ phải dùng biện pháp mạnh tay. Trần Hùng (học sinh Trường THPT Thái Phiên, Hải Phòng) tâm sự: "Em đã tuyệt thực để ngầm phản đối ý kiến của bố mẹ. Bố mẹ cứ muốn em thi vào trường An ninh để theo nghề của bố, trong khi em rất mê lĩnh vực công nghệ thông tin. Bố mẹ bảo sẽ từ mặt nếu em không vâng lời. Em đã nhờ cả cô giáo đến thuyết phục bố mẹ mà vẫn không ăn thua...".

 

Gia đình và các em nên ngồi lại xem các em có nguyện vọng gì, phụ huynh chỉ nên là người định hướng dẫn dắt, phân tích cho con hiểu vấn đề. Mọi ép buộc chỉ phản tác dụng với lứa tuổi này. Theo khảo sát có hơn 40% thí sinh chọn nghề không phù hợp và đây là một thực trạng đáng buồn, số phận của 40% thí sinh kia sẽ ra sao khi gắn bó cả cuộc đời với những công việc không phù hợp? Gia đình nhà trường xã hội cần tìm được tiếng nói chung để định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh.

 Lưu Thị Vân - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :