Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
“Siêu quậy” SV
“Đầu năm nhàn nhã nên chơi”, mang theo tư tưởng ấy, nhiều bạn sinh viên đã tự cho mình cái “quyền” được “quậy” thoải mái trong khoảng thời gian đầu năm chưa có nhiều bài tập. Ví khá dày vì có tiền mừng tuổi, tiền trợ cấp từ gia đình nên những giờ học của họ đã được thay thế bằng việc đi mua sắm quần áo, chơi hội hè hay nhậu nhẹt “bốc giời”...

Nữ sinh vung tay tiêu tiền

Nếu thời điểm những ngày cuối năm, sinh viên xa nhà túng bấn đủ đường thì lúc “ra Giêng”, “tình hình tài chính” của bạn trẻ nào cũng khá “đuề huề”. Không còn phải lo đến từng bữa ăn hay kinh phí tàu xe để về quê, nhiều bạn sinh viên đã sẵn sàng “mở hầu bao” thoải mái mua sắm cho bản thân. Dạo một vòng dọc các con phố Hà Nội những ngày tháng Giêng, tháng hai này, đâu đâu ta cũng bắt gặp các cửa hàng với những hình thức quảng cáo, chào mời khuyến mại hấp dẫn. “Đầu năm ăn tiêu rộng rãi một chút để lấy hên”, chẳng thế mà những mặt hàng giá rẻ không còn là sự lựa chọn “số 1” của các bạn trẻ nữa. Lê Hồng Vân (sinh viên K51, Trường ĐHKHTN) mỉm cười: “Dạo cuối năm vừa rồi, mình chưa mua được đồ gì mới cho bản thân nên sang năm mới cũng muốn “chưng diện một chút” để điệu với bạn bè trong các chuyến picnic chứ!”. Bằng nguồn kinh phí mang từ quê nhà Phú Thọ xuống Hà Nội, chỉ sau 4 buổi dạo phố, Vân đã tiêu hết 2,5 triệu đồng để sắm sửa từ quần áo, giày tất đến mũ và túi xách. Hôm Vân bước vào giảng đường, các bạn trong lớp ai cũng trầm trồ trước vẻ “sành điệu” hơn hẳn bình thường khiến cô nàng vui đến mức sẵn sàng khao nhóm bạn thân cả buổi chiều đi hát karaoke thoải mái. Cũng cùng sở thích muốn “lột xác” giống Hồng Vân, Thảo Vy (sinh viên Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV) đã gom toàn bộ số tiền mừng tuổi, tiền tiết kiệm và cả khoản gia đình chu cấp để cô tiêu trong tháng vào việc “tân trang lại làn da mặt và bộ tóc”. Quê Vy ở Vĩnh Phúc, bố mẹ làm công nhân, điều kiện kinh tế gia đình bình thường nhưng dịp Tết Kỷ Sửu vừa rồi cô lại may mắn được một ông bác họ Việt kiều về chơi mừng tuổi cho 2 triệu đồng cộng với các khoản khác, trong tay cô có khoảng 4,5 triệu và 2/3 số tiền ấy đã được Vy đầu tư vào nhan sắc để tạo được một phong cách mới, trong năm mới. Vy cười: “Mình biết rằng hơi tốn kém một chút nhưng sẵn sàng ăn mì tôm nửa tháng để có được một phong cách mới ấn tượng trước bạn bè. Mình tin rằng sẽ có nhiều người bạn ngạc nhiên khi gặp lại mình cho mà xem...

Nam sinh “quậy tràn cung mây”

Sau một thời gian nghỉ ngơi ở quê, trốn học “dăm bảy” buổi, Việt Anh (sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN) đã có mặt tại Hà Nội. Và chỉ 2 ngày sau đó, cậu đã tiêu hết 3 triệu đồng. Là cậu ấm của một cán bộ to ở thành phố hoa phượng đỏ (Hải Phòng), không có gì ngạc nhiên khi tổng số tiền mọi người mừng tuổi cho Việt Anh lên đến hàng chục triệu đồng, “đủ” để cậu tự tin, rủng rỉnh lên nhập học. Không giống phái yếu ham mua sắm, Việt Anh thích tụ tập cùng bạn bè tại những nhà hàng sang trọng từ sáng tới đêm với khẩu hiệu: “Gặp gỡ đầu xuân, ai có tiền thì góp, không có thì mình bao toàn bộ”. Cậu chàng ham nhậu đến mức, cô người yêu tên là Hà Nhi chỉ biết lắc đầu: “Em chẳng thể can ngăn được anh ấy. Say sưa cả ngày, hàng chục triệu mang theo từ nhà lên sẽ chẳng mấy chốc mà hết sạch cho mà xem!”.

Riêng với Tuấn Long (sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN), một “tay chơi Hà thành” có tiếng thì thú “quậy” đầu xuân của cậu là thuê hẳn xe ô tô ra Hạ Long cùng với nhóm “thất quỷ” để thỏa sức tự do “tung hoành”. Nhóm của Long thuê hẳn cả tầng của một quán bar ven biển, thuê thêm cả người phục vụ để “đổi gió”. Tổng chi phí gần 30 triệu đồng cho chuyến đi chơi đã được Long “lạnh lùng” khoe với chúng tôi sau hôm nhóm của cậu về về Hà Nội...

 Káp Thành - Nguyên Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 218, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :