Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Biến đổi khí hậu dưới góc nhìn sinh viên
Mưa lũ lớn trái mùa, nắng hạn đột nhiên kéo dài, sa mạc hóa ngày càng nhanh, nước biển dâng thất thường... là những hiện tượng biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống con người. Thời gian gần đây, những hiện tượng thời tiết bất thường đang diễn ra ngày một thường xuyên và phức tạp đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vậy giới sinh viên nghĩ gì về hiện tượng này và những vấn đề xung quanh nó?

* ThS. Trần Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội viên thành phố Hà Nội, Phó chủ tịch Thường trực Hội viên ÐHQGHN): Thanh niên, sinh viên thủ đô đã tích cực tham gia nhiều hoạt động như: Chương trình “Tuổi trẻ hành động vì môi trường” do thành Ðoàn và Hội sinh viên thành phố Hà Nội tổ chức. Việc triển khai liên tục những chương trình này đã tác động sâu sắc vào tiềm thức và hành động của người dân từ đó ý thức hóa hành động của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường; Hay chương trình thanh niên, sinh viên tham gia vào giờ Trái đất cũng đã tạo ra hiệu ứng xã hội trong việc cùng chung tay tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng một cách thông minh để giảm thiểu sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Về phía Ðoàn Thanh niên, Hội Sinh viên ÐHQGHN đã tổ chức các khóa đào tạo về môi trường và biến đổi khí hậu cho sinh viên. Trong nhiều năm qua, sinh viên ÐHQGHN đã tích cực tham gia vào các chương trình hành động chung của sinh viên Thủ đô và sinh viên cả nước. Trong mùa hè 2009, hơn 90 đội sinh viên tình nguyện trong đó có 15 đội trọng điểm của ÐHQGHN sẽ “tỏa” về các xã của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La giúp đỡ bà con và các em học sinh tại địa phương các kỹ năng trong học tập, chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe… và tuyên truyền, nâng cao thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ làm các hoạt động mẫu vệ sinh môi trường ở tại địa phương…

* Nguyễn Thị Lý (K51 Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường ÐHKHXH&NV): Hiện nay, môi trường ngày càng ô nhiễm là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam và thế giới. Những hiện tượng biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người. Hiện tượng thủy triều đột nhiên dâng cao tại các tỉnh ven biển nước ta là biểu hiện rõ nét của việc băng tan, nước biển xâm chiếm lục địa. Mình cho rằng, để hạn chế sự biến đổi của khí hậu thì trước hết chúng ta cần phải có những việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường sống. Phải tuyên truyền cho mọi người hiểu về vai trò của môi trường đối với khí hậu và cuộc sống xã hội. Mình biết, thời gian qua mặc dù các bạn trẻ nói chung, sinh viên nói riêng đã tham gia vào một số những hoạt động bảo vệ môi trường như “365 ngày xanh”, lập câu lạc bộ “Go green”, hành trình xuyên Việt để mang thông điệp bảo vệ không gian sống... nhưng đối tượng vẫn còn bó hẹp do khâu tuyên truyền, quảng bá chưa được sâu rộng. Các hoạt động này theo mình cần được đưa xuống từng trường, từng khoa, từng giảng đường để sinh viên biết và tham gia. Như vậy, chắc chắn phong trào sẽ có sức lan tỏa rộng và hiệu quả đạt được cũng cao hơn rất nhiều.

Nguyễn Thị Lý

Nguyễn Hữu Tuấn

* Nguyễn Hữu Tuấn (K53 Khoa Khoa học Quản lý, Trường ÐHKHXH&NV): Biến đổi khí hậu là mặt trái của quá trình công nghiệp hóa. Chính quá trình này cộng với ý thức của con người về bảo vệ môi trường còn thấp đã tác động gây nên các hiện tượng biến đổi khí hậu. Hậu quả của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội loài người. Thời gian vừa qua, do biến đổi khí hậu gây mưa lớn kéo dài đã làm Hà Nội ngập lụt trong nước gây ảnh hưởng rất lớn về đời sống và kinh tế của người dân. Gia đình mình cũng chịu hậu quả khi cả bãi trồng lạc chưa kịp thu hoạch đã bị chìm trong nước, những nhà nuôi cá thì bị mất trắng. Mình nghĩ rằng biến đổi khí hậu có thể giảm được nếu môi trường được bảo vệ. Mong rằng sẽ có nhiều biện pháp hơn nữa nhằm hạn chế khí thải, bảo vệ môi trường.

* Lê Thị Hương
(K50 Khoa Môi trường, Trường ÐHKHTN): Con người với các tác động của mình đã gây nên hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu. Trái đất nóng dần lên làm băng tan dẫn đến hiện tượng nước biển dâng cao gây ngập mặn diện tích đất ven biển, mặn hóa diện tích đất canh tác... Lũ lụt, sóng thần, nước triều dâng... là những hiện tượng thời tiết biến đổi bất thường khó dự báo trước, vì thế mà nó ảnh hưởng rất lớn đến con người. Muốn có khí hậu ổn định thì theo mình trước hết mỗi người cần có ý thức bảo vệ môi trường. Mình luôn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia. Mình chỉ mong ước sau khi ra trường sẽ được làm việc trong một trung tâm nghiên cứu về môi trường, từ đó góp phần tìm ra những giải pháp để bảo vệ môi trường, ổn định khí hậu.

* Phạm Thanh Đại (K51 B2 Khoa Vật lý, Trường ÐHKHTN): Môi trường hiện nay là vấn đề được quan tâm hàng đầu, có rất nhiều các dự án của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ về bảo vệ môi trường đang được tiến hành. Phải cứu lấy môi trường vì nếu môi trường bị hủy hoại thì thời tiết cũng sẽ biến đổi gây ảnh hưởng xấu tới con người. Mình rất quan tâm tới vấn đề môi trường và thường xuyên tìm hiểu về một số giải pháp bảo vệ môi trường đơn giản để ứng dụng trong gia đình, khu dân cư. Mới đây, mình cũng đăng ký tham gia hưởng ứng hoạt động “Giờ trái đất”...

Phạm Thanh Đại

Nguyễn Xuân Diệu

* Nguyễn Xuân Diệu
(K50 Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường ÐHKHTN): Biến đổi khí hậu là do quá trình công nghiệp hóa của con người gây nên, nhưng theo mình nó cũng có thể chỉ là một chu kỳ biến đổi khí hậu từ khi trái đất sinh ra đến giờ. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều chịu ảnh hưởng của các hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên cải tạo môi trường và điều hòa khí hậu là điều rất khó thực hiện vì qua trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta tác động rất lớn tới môi trường và làm biến đổi khí hậu. Hiện tượng mưa lớn bất thường gây ngập tại Hà Nội và một số vùng lân cận chưa hẳn là do biến đổi khí hậu mà chỉ là sự kết hợp của một số hiện tượng khí tượng gây nên. Việc ngập úng là do quy hoạch đô thị không tốt gây ngập úng. Những hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra rất phức tạp và rất khó dự báo chính xác do nó vừa mang tính quy luật vừa mang tính ngẫu nhiên. Hơn nữa, cơ sở vật chất cũng không đảm bảo điều kiện để dự báo được chính xác...

 Trần Thị Tân - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :