Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
SV tiêu tiền chùa
“Đã bao lần mình nhắc nhở cậu ấy tiết kiệm để đỡ vất vả cho bố mẹ nhưng chẳng bao giờ cậu ấy nghe. Là sinh viên tỉnh lẻ phải sống trọ ở thủ đô trong một căn phòng chật hẹp vậy mà cậu ấy tiêu tiền theo đúng phong cách của một thiếu gia. Là bạn bè ở với nhau, mình khuyên mãi rồi mà cậu ấy chẳng chuyển biến, chắc sắp tới hai đứa phải ở tách ra...” - Khánh An, sinh viên Trường ĐHKHTN kể về Việt Tân người bạn cùng ở với mình...

Vung tay tiêu sài

Đến KTX Mễ Trì thuộc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên ĐHQGHN, có lẽ không ai không biết đến My Lan, cô tiểu thư đỏng đảnh. Quê ở một huyện xa xôi của tỉnh Yên Bái, năm 2008, Lan xuống Hà Nội theo học Trường ĐHKHXH&NV, tuy điều kiện gia đình khó khăn nhưng do tính sĩ diện nên cô chỉ thích dùng hàng xịn, hàng độc. Thay cho việc chăm chỉ học hành, Lan luôn muốn thể hiện vẻ ngoài như một tiểu thư, càng không để ai biết hoàn cảnh khó khăn của mình. Ngoài giờ học, cô thường dạo quanh một số của hàng mua sắm trên phố cổ để ngắm và tìm. Cô cười: “Đi nhiều mới biết hàng xịn, hàng độc. Một tuần đi 3, 4 lần là chuyện bình thường”. Nhìn tủ quần áo của Lan với đầy đủ màu sắc, mẫu mã, đó là chưa kể đến hàng tá phụ kiện kèm theo: vòng, khăn, bông tai, giầy dép... không ít bạn bè phải giật mình.

Nổi lên từ một cuộc thi sắc đẹp ở trường, Lan Anh (sinh viên ngành Du lịch) ngày càng chau chuốt cho vẻ bề ngoài và cách ứng xử của mình. Ăn mặc đẹp mọi lúc, mọi nơi, luôn tìm cách thay đổi hình ảnh, phụ kiện... Nhưng ít người biết, đằng sau vẻ đẹp ấy là một gia đình bình thường, vật lộn với nắng mưa miền trung du để chu cấp cho cô con gái rượu học xong đại học. Những tưởng thói quen ấy chỉ là bệnh của nữ giới, nào ngờ, Hoài Anh, học viên của một trung tâm đào tạo lập trình viên Hà Nội còn sành sỏi hơn. Vốn có cái vẻ bề ngoài khá bảnh trai, Linh biết tận dụng lợi thế của mình để “cưa” gái. Trong vòng chưa đầy một tháng, Linh đã tán đổ một em rất xì-tin. Và để thể hiện mình, lần nào đi chơi cậu cũng bao từ A đến Z, ngót nghét đến vài triệu.

Với Hoàng Lê Vũ, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN, bồi hồi nhớ lại thời sinh viên của mình trôi qua cách đây vài năm: “Ngày đó mẹ cho bao nhiêu biết bấy nhiêu. Con trai bọn mình không có thói quen tính toán tiêu pha mà cảm thấy cần gì tiêu nấy. Ngoài những khoản cố định như tiền nhà, điện, nước, còn lại nướng vào chơi game, nhậu nhẹt, cũng không mua sắm gì nhiều”. Còn Hoàng Giang, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN chia sẻ về “vòng xoay đồng tiền” của mình: “Đầu tháng rủng rỉnh tiền nên anh em thỏa sức mua sắm, tụ tập, chơi bời. Đến khoảng mùng 10, tiền nhà cho đã hết veo, lại bắt đầu đi vay nợ hay cầm đồ. Đều đặn, cuối “tháng trường ca” mì tôm. Sang đầu tháng, có tiền thì xoay vào trả nợ và bắt đầu cuộc vui mới. Không chỉ mình mà cả xóm như thế, thành qui luật rồi nên cũng khó thay đổi. Hy vọng khi đi làm sẽ khác”...

Tiêu tiền một cách vô tội vạ để rồi đồ đạc “đội nón” ra đi. Anh Hòa, chủ một cửa hiệu cầm đồ trên đường Lương Thế Vinh bật mí: “Sinh viên đến cửa hàng của chị rất đông, nhất là vào cuối tháng. Họ cầm tất cả những thứ có thể cầm: thẻ sinh viên, chứng minh thư, máy tính, xe máy…. Cứ cuối tháng cầm, đầu tháng lấy. Nhiều đứa đã trở thành khách quen”.

Hậu quả nhãn tiền

Đã gần 1 tuần nay, Văn Vĩ, sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN phải ăn bánh mì và mì tôm cầm hơi. Vừa mới đầu tháng, cầm 1,2 triều từ tay bố vậy mà chỉ chưa đầy 2 tuần, Vĩ đã phải đi vay tiền ăn. Đó là hậu quả của những bữa nhậu tuý luý với bạn bè, chiến hữu. Còn với Liên Hoa, cô sinh viên Trường ĐH Giáo dục lại trở nên khá “nổi tiếng” trong một xóm trọ ở Dịch Vọng vì sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua sắm, trang điểm, làm đẹp. Ngân quỹ hơn 1 triệu bố mẹ gửi cho hàng tháng thì Hoa dùng hơn nửa để sắm đồ. Có lẽ vì tiêu sài phung phí như vậy nên cô nàng ăn uống rất tiết kiệm còn tiền mua giáo trình thì gần như không có. Nhiều khi, chưa đến cuối tháng nhưng Liên Hoa đã phải vay mượn tạm bạn bè. Cô cười khi tôi hỏi sao không mua những thứ vừa sức để đỡ phải vay mượn: “Mình cũng hay mua sắm. Thành thói quen mất rồi. Nhiều khi biết là tiêu hơi quá khả năng cho phép nhưng thôi, tháng sau sẽ xin thêm bố mẹ để bù vào”. Riêng với Thế Hà, sinh viên Trường ĐHKHTN thì tiền đa phần tiêu vào quán Internet, có khi từ 4 giờ chiều đến tận 12 giờ đêm vừa chơi game vừa chát chít. Thế mới có cảnh, hàng ngày, Hà cứ cắm cơm để đó, đến bữa thì cho vào rang lên mà không cần phải mua thức ăn, thức uống. Bác chủ nhà liên tục xuống thúc đóng tiền nhà và tỏ ra ngán ngẩm với lũ thanh niên sống không có mục đích này, doạ sẽ “tống cổ” sớm.

Những người có thói quen như Vĩ, như Hà hiện nay chiếm con số khá đông đảo trong giới sinh viên. Việc họ phải “nhịn ăn” để chơi mới chỉ là khúc dạo đầu cho một loạt những hệ lụy tiếp theo khó lường trước được. Chẳng hạn như trường hợp của Lê Sơn, sinh viên Trường ĐH Hà Nội đã phải rất nhiều lần cắm xe máy ngoài hiệu cầm đồ với số lãi cao ngất ngưởng để có tiền ăn chơi, trả nợ. Cứ hễ còn tiền trong túi là Sơn lại ném vào các quán bi-a, quán game, ăn nhậu, rượu chè, đề đóm. Khi được hỏi, làm thế nào để chuộc được x era, để trả hết nợ thì Sơn cười xòa: “Việc lấy lại sẽ tính sau”. Cũng theo lời kể của Sơn thì Ánh, một người bạn của cậu thậm chí phải dừng học vì nợ nần nhiều quá. Đánh lô đề, trông chờ vào may mắn thần đỏ đen mang lại, Ánh là “con nợ” của nhiều chủ quán đề đóm trong làng Phùng Khoang (Trung Căn, Từ Liêm). Đến khi chuyện vỡ lở, bố mẹ Ánh phải chạy vạy khắp nơi để trả nợ thay cho con, còn cậu thì bị tạm dừng học vì nợ môn quá nhiều...

 Hoàng Trìu - Minh Anh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :