Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
“Đầy tớ” cơ quan
“Tôi tốt nghiệp cử nhân Luật học đã hơn 1 năm và đã phải làm không công khoảng bằng ấy thời gian để chờ dịp thi tuyển. Hồ sơ đã “dấm” sẵn chờ thời, ngày nào cũng vậy, tôi luôn phải đến cơ quan đúng giờ để quét dọn vệ sinh, đun nước, rửa ấm chén, mẫn cán như một “đày tớ”...” - Thục Uyên, cựu sinh viên Trường ĐH Hà Nội than thở.

Thời buổi “người đông việc khó”, sinh viên ra trường hàng năm lên đến cả chục nghìn vậy mà việc làm thì tìm thật khó khăn. Để có chỗ làm, nhiều cử nhân phải “trường kỳ mai phục” bằng cách xin vào làm không công ở một cơ quan, công sở nào đó hàng năm trời chờ cơ hội thi tuyển. Họ chăm chỉ, đi sớm về muộn, làm tất tật mọi công việc mà “các sếp” sai bảo. Nhiều người sau một thời gian đi làm đã tự nhận mình là “đầy tớ cơ quan” - nghĩa là tất tật các công việc của cơ quan đều phải “xắn tay” vào làm. Nhưng để bước chân được vào một công sở không hề dễ, phải có người giới thiệu, thậm chí còn tốn không ít công sức...

Chỉ Hoa là cử nhân Luật học lại là cháu gái của một vị thẩm phán toà án nhân dân một quận ở Hà Nội vậy mà vẫn phải làm hợp đồng ngắn hạn ở tòa án tới gần 2 năm liền với mong muốn có dịp để thi tuyển. Cứ sáng sáng, cô có mặt ở văn phòng để quét dọn vệ sinh, đun nước, rửa ấm chén, mẫn cán như một “đầy tớ”. Khi mọi người trong phòng đến, cô pha nước, họ sai đi photo, đánh máy, tìm hồ sơ, thậm chí đi làm việc riêng cho họ, cô đều răm rắp nghe lệnh. “Được bận rộn nên mình tạm quên đi hoàn cảnh thực tại, chứ mỗi lúc rảnh rỗi, nghĩ đến tương lai của bản thân mình lại buồn. Phía trước thì chưa rõ ràng, đi làm thì chỉ được tiền hỗ trợ vài trăm một tháng. Cứ cần tiêu pha gì lại phải xin tiền bố mẹ, ngại lắm!”...

Văn Đoàn cũng là một cử nhân Luật giống Hoa, cậu ra trường đã 5 năm vậy mà vẫn phải lăng xăng trong phận “đầy tớ”. Đoàn không quen biết ai ở toà án nên phải nhờ vả qua rất nhiều mối quan hệ lòng vòng, cậu mới được đến làm không công ở tòa án một huyện ngoại thành. Làm việc không lương, Đoàn sống hoàn toàn trông chờ vào “lộc dân”: mỗi lần đi xác minh trong các vụ án dân sự, Đoàn đều con cà con kê gợi ý đương sự rằng có muốn ghi những chi tiết có lợi vào hồ sơ không, có muốn được xử thắng không... Nhiều đương sự tưởng thật, bỏ tiền để nhờ Đoàn giúp đỡ. Nhờ những khoản như vậy mà Đoàn sống “dặt dẹo” được tới mấy năm để chờ thời cơ, nhưng càng chờ càng thất vọng. Tôi đã từng hỏi cậu sao không ra ngoài kiếm việc khác mà làm, định chờ đợi đến bao giờ thì nhận được câu trả lời rằng nếu bỏ chẳng hóa ra uổng mấy năm làm việc không công, lại đã trót mất kha khá tiền quan hệ rồi. Hơn nữa, tấm bằng cử nhân Luật sau vài năm đã trở thành “đồ cũ”, ra ngoài cũng đâu dễ được chấp nhận...

Riêng Thanh Vân, cựu sinh viên ngành tâm lý của một trường đại học dân lập lại may mắn hơn vì vừa thoát khỏi thân phận “đầy tớ” sau gần 3 năm. Ngay từ khi tốt nghiệp, ý thức được rằng tấm bằng dân lập của mình sẽ khó vào được các công sở Nhà nước nên khi được nhận vào làm ở một công sở, Vân rất chăm chỉ, tận tâm với công việc không quản ngại việc gì. Ngoài việc tận tụy khi được sai bảo, Vân còn rất biết tạo mối thiện cảm với những người trong phòng. Sự nhiệt tâm của cậu cuối cùng cũng được đền đáp bằng bản hợp đồng thử việc rồi sau đó là hợp đồng chính thức ở cơ quan...

Cái cảnh đi làm “đầy tớ công sở” sẽ bất tiện nhất đối với những cô gái trẻ có chút nhan sắc rơi vào một chỗ mà ông sếp “thiếu nghiêm túc”. Nhưng dù nói gì đi chăng nữa thì để có thể ổn định với một công việc đem lại thu nhập đủ sống, không ít bạn cử nhân đã phải lăn lộn rất vất vả. Sức ép về việc làm sau ngày tốt nghiệp luôn là vấn đề thời sự đối với giới sinh viên đang bước vào năm thứ 3 hoặc năm cuối đại học.

 Minh Nghĩa - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :