Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Nỗi buồn chung - riêng
Ông Nguyễn Cao Trí, tổ trưởng tổ dân phố 8, phường Thanh Xuân Trung đã cho biết: “Sinh viên, chủ nhà trọ không mấy quan tâm đến việc ra chính quyền đăng kí tạm trú tạm vắng. Chuyện đi và ở trong khu trọ, sinh viên vẫn còn xem nhẹ nên khi xảy ra va chạm, bất cập giữa chủ trọ và họ thì chính quyền cũng không kịp trở tay”.

Đuổi trộm giữa đêm

Trần Mỹ Hưng, sinh viên K48, Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trọ học với anh trai ở phố Hoàng Văn Thái đã kể về công việc đuổi trộm trong đêm: “Tháng nào mà chẳng có 4 - 5 đêm phải tỉnh giữa ngủ giữa chừng để đuổi trộm. Mấy cô cháu cứ nhắn nhau giữa đêm khuya khi có trộm đi trên mái nhà. Nếu không dậy thì mất mấy cái xe máy rồi. Đợt trước, nhà hàng xóm bên cạnh vừa khóa cổ xe máy ở trước cổng vào nhà loáng cái đã hô mất xe”. Hưng và anh trai chưa đi khai báo tạm trú tạm vắng vì chủ nhà trọ ở quê chưa lên để đưa họ đi. Hưng phân trần: “Chủ nhà trọ ở quê, cứ đến tháng nộp tiền thì họ lên lấy. Bác ấy cũng không quan tâm xem an ninh khu vực như nào để có ý kiến với tổ dân phố”. Tuy nhiên, Hưng cho rằng, việc này cũng có mặt lợi, vì cậu và anh trai sẽ sống thoải mái, tự do hơn.

Trường hợp của Lê Văn Nghĩa, cựu sinh viên Khoa Năng lượng, Trường ĐH Bách khoa trọ gần chợ Ngã Tư Sở cũng tỏ thái độ rất bức xúc: “Mình cứ tưởng là may mắn tìm được chỗ trọ, ai ngờ mới đến được nửa tháng mình đã phải sống trong cảnh trộm cắp. Mình vừa mất 1 laptop 17 triệu, một bộ giấy tờ xe Nouvo. Lo lắng và chủ hỏi nhà thì anh ta bảo bây giờ mà trình báo với chính quyền thì khu trọ này sẽ mất uy tín hơn nữa chính anh ta cũng chưa làm tạm trú cho mình”.

Những chuyện xảy ra của Nghĩa và Hưng đã không còn là chuyện hiếm trong mỗi câu chuyện trọ của sinh viên. Nhiều khu trọ lớn như Phùng Khoang (Từ Liêm), Đồng Xa (Cầu Giấy), hay Nhổn (Từ Liêm), Phố Vọng (Hai Bà Trưng)... đang là những điểm đỏ báo động về nạn mất cắp, hay chủ nhà trọ tăng giá bất hợp lí mà nhiều sinh viên đã phản ánh. Câu chuyện sinh viên không được đảm bảo quyền lợi sẽ không bao giờ đi đến hồi kết, khi chính quyền vẫn còn thờ ơ...

Quy chế chung… ở đâu?

Ông Hoàng Tạo, Tổ trường tổ bảo vệ Phường Đại Kim, quận Hoàng Mai chia sẻ: “Thực sự, bây giờ chính quyền cũng rất khó quản lý sinh viên khi họ đi thuê trọ. Nếu xảy ra những vụ va chạm lớn thì chúng tôi mới có quyền đến can thiệp”. Cái khó lớn nhất mà các ông Hoàng Tạo và ông Nguyễn Cao Trí trình bày chính là vấn đề: chưa có quy định chung trong việc quản lý khu trọ của sinh viên từ phía nhà nước.

Ông Nguyễn Cao Trí băn khoăn: “Vấn đề nhà trọ đó là vấn đề cá nhân của từng hộ gia đình. Họ có nhà thì họ cho thuê thôi. Việc họ tăng giá điện, nước cũng như là nhà hay bất kể một xô xát nhỏ nào cũng là vấn đề của riêng họ. Nếu chúng tôi động vào thì có lẽ chúng tôi đã phạm luật. Vì rõ ràng, chúng tôi đang xâm phạm đời tư của họ...”.

Vậy vấn đề quản lý sinh viên tại các xóm trọ, trách nhiệm của cán bộ giữ gìn an ninh đến đâu? Ông Nguyễn Cao Trí cho rằng: “Chúng tôi nhận giấy đăng ký tạm trú, tạm vắng của sinh viên. Khi có giấy tạm trú tạm vắng, chúng tôi dễ quản lý hơn. Có vấn đề gì, sinh viên cứ đến nhà Tổ trưởng dân phố tường trình cũng dễ hơn nhiều và đảm bảo quyền lợi cho các cháu hơn. Ngoài ra chúng tôi vẫn phối hợp với công an phường để có kế hoạch đảm bảo an ninh cho từng khu trọ”. Ông Hoàng Tạo thì cho rằng: “Sinh viên chắc chắn phải làm các loại giấy tờ về nhân thân để chúng tôi có phương án bảo vệ. Tất nhiên là có sự cố mới bảo vệ được, chứ chuyện nhà trọ tăng giá thì có lẽ chúng tôi chịu”. Ông Tạo và ông Trí cũng khuyên sinh viên: “Sinh viên nên cẩn thận khi chọn nhà trọ và phải có giao kèo đàng hoàng,vì đây là vấn đề của hai bên”.

Về phía chủ nhà trọ, bà Trần Thị Huệ, chủ nhà trọ số 41, ngõ 262 B, đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân tâm sự: “Tôi mới cho thuê trọ. Chúng tôi cũng cố gắng cùng sinh viên có tiếng nói chung và thực hiện nghiêm nguyên tắc của phố, phường. Bây giờ, nhiều sinh viên cũng thiếu ý thức: nhất là khâu vệ sinh, nhắc một đằng làm một nẻo. Như vậy, rõ ràng chủ trọ cũng sẽ bức xúc và sinh ra những chuyện không hay. Và khi chuyện đó xả ra thì sinh viên các cháu chính là người chịu thiệt”.

 Thu Hà - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :