Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Giới trẻ với MU
MU ở đây không phải là câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Anh mà là một game đang được đông đảo thanh thiếu niên yêu thích. 1/2 thanh niên thời nay nghiện MU, và hầu như tất cả đều “bập” vào trò chơi này ngay từ giờ online đầu tiên.

Cơn lốc mới trong làng Game

MU là một games nhập vai trực tuyến (game online) có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Địa chỉ chính thức của trò chơi này là www.muonline.com. Từ khi gia nhập làng game và giải trí, MU nhanh chóng tập hợp được một số lượng “tín đồ” đông đảo và nhanh chóng đánh bại các games khác vì tính chất ưu việt của nó. Số lượng “fan” của MU tăng nhanh đến nỗi nhiều tổ chức, thậm chí cá nhân đã tự mình tạo ra các phiên bản MU private như MU Hà Nội, MU Sài Gòn để chơi riêng. Là một games nhập vai nhưng MU cuốn hút hơn hẳn các games nhập vai khác như 007… bởi lẽ loại games đường phố còn là sự đan xen, tổng hợp giữa games hành động và games chiến thuật. Chính vì lẽ đó, dân chơi games đã nhanh chóng quay lưng lại với các games truyền thống trước kia để “kết” MU. Một nguyên nhân khác đó là MU là trò chơi không kén chọn người, phù hợp với mọi lứa tuổi, hơn nữa lại gần như miễn phí. Chỉ cần truy cập vào trang chủ www.muonline.com là bất kỳ ai cũng có thể sở hữu một tài khoản và được chọn một nhân vật, hiện thân của mình trong trò chơi. "MU khiến người ta "nghiện" ngay từ giờ chơi đầu tiên"- một chủ quán internet trên đường Lương Thế Vinh tên Dũng đã khẳng định như vậy. Đây là trò chơi được lập trình rất kỹ, người chơi toàn quyền điều khiển nhân vật theo ý mình, theo đúng sở thích và cá tính của mình. Ngoài ra, các chiến binh còn có thể giao lưu với nhau bằng cách gửi message cho nhau giống như chat vậy. Với số lượng người chơi rất lớn (khoảng vài trăm nghìn người chơi cùng lúc, chưa tính số giờ online khác nhau), các chiến binh được điều khiển bằng người thật này đã tạo ra một thế giới ảo muôn màu muôn vẻ. Người chơi có thể thoả sức khám phá các vùng đất mới, chiến đấu với nhiều quái vật khác nhau, có thể kết bạn, mua sắm trang bị tư trang cho mình như áo giáp, vũ khí, tiền… để trở nên mạnh hơn, được nâng đời lên một cấp độ khác cao hơn, hòng chiếm vị trí cao trong bảng tổng sắp. Sau khi thoát trò chơi, máy chủ sẽ tự động ghi (save) toàn bộ quá trình hoạt động của nhân vật để lần online sau, chiến binh đó lại tiếp tục hành trình từ vị trí cũ.

"Siêu tưởng"

Qua rồi Đế chế, Half-life

Một con nghiện MU có nick là tainangtre84 - sinh viên Trường ĐHKHXH&NV cho biết: “Trước đây em rất mê Half-life, nhưng từ khi chơi MU, em quên hẳn Half-life và Đế chế.” Các game đối kháng như Half-life đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật tốt và một phản xạ nhanh nhạy, games chiến thuật như Đế chế lại cần một đầu óc quản lý và tư duy chiến thuật đồng thời cả sự phối kết hợp hành động mang tính đồng đội. Một thời gian tương đối dài, Half-life và đế chế thống trị các quán games ở Hà Nội. Dân "nghiền" games đua nhau luyện để thi thố, đọ tài, nhằm khẳng định tên tuổi của mình. Một số "lò" games đã trở nên quá nổi tiếng như Bách khoa - nơi tập trung đông đảo các “cao nhân” của Hà Nội. Có người còn gọi đùa Bách khoa là "lò đào tạo thiên tài". Tuy nhiên, không games nào thoả mãn một cách gần như tuyệt đối tất cả các yếu tố trên như MU. Tham gia vào thế giới này, game thủ có thể hành động đơn độc hay tập thể tuỳ theo ý thích, sự phân biệt trình độ, đẳng cấp là tương đối rõ ràng. Giới trẻ vốn hiếu thắng và khao khát thể hiện bản thân có thể tìm thấy và xây dựng hình ảnh của mình trong trò chơi này, điều mà các games thế hệ trước không làm được. Để trở nên mạnh hơn, các chiến binh phải vượt qua các level nhất định bằng cách hạ được nhiều quái vật, giành nhiều chiến tích cộng với thu nhặt được kinh nghiệm chiến đấu cùng với các báu vật, vũ khí kiếm được trong quá trình chiến đấu. Ngoài ra, các chiến binh còn có diễn đàn riêng để giao lưu, thậm chí có cả chợ để mua sắm và trao đổi dụng cụ, sản phẩm, tiền… Để đạt được thứ hạng cao và nâng đời chiến binh như mong muốn, dân nghiền phải ngồi mọc rễ thậm chí cả tuần liền. Với MU, nhiều game thủ đã trở nên "nổi tiếng", giá trị bản thân được nâng cao, tên tuổi được lưu truyền trong giới game thủ là điều các tín đồ của MU luôn khao khát. Thậm chí còn có người kiếm tiền nhờ game bằng cách trao đổi vũ khí trong trò chơi bằng tiền thật. Thậm chí có kẻ sẵn sàng mua lại account của người chơi khác với cái giá lên đến 6 con số. Theo tainangtre84, bán lại account cho kẻ khác không phải là trường hợp hiếm. Tuy nhiên cậu ta khẳng định, việc bán chác này không thể làm giàu cho ai được, bởi lẽ để lên được level cao, người chơi phải “cúng” vào một số tiền không nhỏ, đều đặn, liên tục hàng tháng trời ở quán Games. Bán lại chăng nữa may ra cũng chỉ hoà vốn mà thôi.

Chỉ là trò chơi…

Được tung hoành ngang dọc trong thế giới rộng lớn ấy là cả một niềm say mê với dân nghiền games. Quăng mình vào cuộc chiến với những phiêu lưu, thứ bậc, tài năng… mấy ai nhận ra rằng tất cả những thứ họ có trong tay, tiền, vinh quang, chiến công, đẳng cấp... tất cả chỉ là ảo? Sự thực là gì? Đó là những thanh niên tuổi mới đôi mươi tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm, mắt đỏ ngầu dọc ngang những tia vằn đỏ, hai chân gác lên màn hình còn cổ vươn ra phía trước, húp vội vàng bát mì tôm hay nhai trệu trạo cái bánh mì không cho những lần quay cuồng trong trận chiến. Đó là những học sinh cấp 2, cấp 3 thường xuyên trốn học để gào thét trong những trận chiến nghẹt thở bên màn hình vi tính. Những công chức chỉ chờ tan sở là ào vào bàn phím, những thanh niên chưa việc làm nên có nhiều thời gian để no nê với cuộc chơi bất tận. Đồng tiền bỏ ra, họ thu được gì ngoài việc sức khỏe sa sút? Cái vốn quí nhất của đời người là thời gian và tuổi trẻ bị rửa trôi trên bàn phím hàng ngày, hàng tháng, thậm chí hàng năm đem theo sức lực, của cải, tri thức, cơ hội, việc làm… Nhiều điều quí giá bị những người trẻ đánh mất, và họ hình như quên mất rằng MU cũng chỉ là một trò chơi!

 Nguyễn Hoàng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :