Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Game - Đằng sau cuộc đấu....
23 giờ, KTX đóng cửa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhưng những tay game gạo cội thì không hề để ý gì đến giờ giấc. Họ đang mải mê với những cuộc chinh phục, những cú vờn đuổi như không bao giờ kết thúc?

"Bài học" ngoài giảng đường

Quán game sau 23 giờ đêm vẫn chăng đèn. Những tay game đang dán mắt vào màn hình, "nhập thân" hoàn toàn vào cuộc chơi và không hề để ý đến xung quanh. Cả phòng game chỉ nghe thấy tiếng bàn phím lách cách. Thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng "á", "ố" xuýt xoa vì người chơi đi nhầm hay thua đối thủ. Hoặc tiếng cười ha hả vì thắng… Ông chủ quán dù buồn ngủ, vẫn phải thức để trông quán, ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Vì như lời ông nói: "Làm đêm mới… ăn được!”. Theo một tay game thâm niên, chơi game đêm có cái thú do không gian yên lặng nên tập trung tốt, mạng ít nghẽn. Nghiện, nên chơi lúc nào cũng thú, bất kể ngày đêm.

Thanh sống trong KTX, ngày nào cũng "điểm danh" ở quán game. Không trực tiếp bị bố mẹ quản lý nên hôm nào chơi quá giờ, KTX đóng cửa, Thanh chơi xuyên đêm. "Chơi đang dở, không thể nào dứt ra được. Với lại chơi mãi mới đến bàn này, bỏ đi thì… tiếc!". Thanh chơi game video vì màn hình lớn, lại nét, bấm nút đơn giản. Hôm nào hứng hơn thì rủ bạn ra chơi MU nối mạng, có đắt hơn một chút nhưng được chơi trực tuyến với nhiều người.

Chơi game trực tuyến đang là "mốt" của những "con nghiện" game. Nhiều người cùng được tham gia “chiến đấu” bình đẳng trên mạng, có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau và chơi… không biết chán. Có quán game nhìn tưởng vắng người chơi nhưng thực chất đã được đặt tiền “xí” chỗ từ trước. Nhóm đang chơi dở dang, phải đến trường nên để nguyên cuộc đấu, đi học về cùng chơi tiếp. Từ đây, họ lập ra hội quán đánh ăn thua nhau. Nhóm thua phải trả tiền máy. Hoặc hơn thì đánh ăn tiền, 1, 2 trăm là chuyện thường.

Nhóm sinh viên cùng khoa ở một trường đại học thường xuyên rủ nhau đấu game. Khóa đàn em đấu với đàn anh, bên thua phải chi 200.000đ "uống nước" và trả tiền máy. "Tinh thần đồng đội” lúc này được nhân lên hết sức vì liên quan đến vấn đề tài chính và "trình đ”. “Đội trưởng” những tay game có nghề, là "át chủ" của nhóm, đến ứng cứu “đồng đội” những pha nguy cấp. Quốc - “đội trưởng” một nhóm đã xuýt xoa tiếc rẻ: “Chủ nhật trước bận chở mẹ đi có việc, không đến ứng cứu kịp nên hội này mất đứt 400.000đ. Tuần này phải… phục thù, lấy lại "danh dự!"

Phố Lương Thế Vinh vẫn được gọi là "phố sinh viên". Không biết có phải để phục vụ nhu cầu giải trí cho sinh viên không mà ở đây quán game mọc lên san sát. Chưa kể số lượng quán Internet ngày càng nhiều. Mang tên quán Internet và Games, nhưng hầu như khách hàng của quán chỉ vào chơi game, các loại, đặc biệt là game nối mạng. Đối tượng vào đây chỉ toàn con trai. Cả phố nếu hết quán, con gái cũng không "dám" vào những nơi này để vào mạng vì biết ở đây… "không dành cho mình". Thu (ĐHKHTN) đã rút ra kết luận: "ở ngoài đường, chỉ cần nghe thấy những âm thanh ầm ầm, chói tai, nhìn bọn con trai tập trung tuyệt đối vào màn hình, khoái trá gõ phím… là biết họ đang chơi game".

Và những cú "ngã ngựa"…

Thấy con dạo này gầy rộc, lười về quê, gọi điện đến KTX cũng không gặp, mẹ Hải không khỏi lo lắng. Bà quyết định xuống Hà Nội xem con ăn ở ra sao. Đến bất ngờ không báo trước, bà phải ngồi chờ con hơn một giờ đồng hồ để cậu bạn cùng phòng Hải đi tìm. Cuối cùng bà được biết: Hải đi chơi điện tử từ hôm qua không về, sáng nay lại bỏ học vì "cuộc đấu" hội trong quán game vẫn chưa phân thắng bại. Bà càng giật mình khi biết thêm con trai mình thường xuyên bỏ học, nướng hết tiền vào điện tử. Nhìn đống chăn màn, sách vở bừa bộn trên giường con, bà không khỏi thất vọng.

Lặng lẽ đến trường để hỏi kết quả học tập của con kỳ trước, mẹ Hải ngã ngửa khi biết con trai mình phải học lại nhiều môn vì bỏ thi và có môn thi 2 lần không qua. Trực tiếp đến trả nợ tiền game cho con, bà quyết định ở lại để bắt con trai... cai bằng được. Hải giải thích với mẹ rằng buồn nên chơi, và chỉ chơi những khi rỗi rãi. Những lúc "rỗi rãi" ấy của Hải đã ngốn hết thời gian học trên giảng đường. Chơi qua đêm đến gầy rạc, đỏ hoe mắt, Hải không còn thời gian để ôn thi cuối kỳ. Không về quê, nói dối mẹ ở lại học thêm, tất cả tiền mẹ cho Hải đều chảy vào…"lớp học thêm" điện tử.

Bi đát hơn Hải, Thanh đã phải “học cao học”, chuyển từ năm thứ 3 xuống năm thứ 2. Tiền gia đình cho học lại, Thanh lại nộp dần vào hàng điện tử. Chơi thâu đêm, đến sáng lại về KTX ngủ. Ngủ dậy, ăn, lại chơi tiếp. Đến bây giờ, Thanh vẫn vạ vật ở KTX, không đi học. Bố mẹ Thanh ở quê cũng không hề biết con mình đang ở Hà Nội để… chơi.

Anh Hà, chủ một quán Internet cho biết trước đây quán anh cũng nối mạng trò MU. Sau vài tháng phải thức đêm trông quán, lại bị nợ tiền không đòi được, anh dẹp luôn. Đến giờ, danh sách số nợ của anh lên đến 2 triệu. Một sinh viên trước ngồi mòn ghế ở đây chơi MU, giờ chưa trả được tiền nên mất dạng, tuyệt nhiên không thấy mang tiền đến trả. "Trò MU này không sợ vắng khách, nhưng chỉ sợ khách nợ không đòi được. Lần trước tức quá đã phải lột…đồ trên người của một con nợ" - anh Hà nói.

Lý lẽ của những tay game này là: chơi nhiều mà chưa thắng, hình ảnh cứ luẩn quẩn trong đầu, ngủ cũng mơ thấy, bứt rứt không chịu được, nên phải chơi tiếp… Hình như vì thế mà mặc dù bị gia đình ngăn cấm nhiều lần, nhiều tay game hiếu thắng vẫn lao vào game không biết chán. Sau lần mẹ về quê, hứa già hứa non, Hải lại tiếp tục bài ca… điện tử. Người mẹ biết chuyện không khỏi xót xa và nghĩ đến lời hứa của con trai ngày mới nhập trường: "Con sẽ đi làm để nuôi em học!"

 Vũ Thu Trang
Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :