Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Như không hề có cuộc chia tay
1. Cái ngày chúng tôi (đội sinh viên tình nguyện Khoa Văn học) rời xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thật đặc biệt. Trời mưa tầm tã. Bên kia tỉnh Thái Bình cách chừng 20 cây số, cơn bão số 3 đang mấp mé tràn về.

Nhớ đêm qua cậu Bình Quý - một thành viên trong đoàn lúc đang loay hoay trong bếp để nấu nồi cháo vịt rỉ tai bảo: “Anh Quyết bí thư bảo nếu mai bão số 3 về tới Hưng Yên thì chắc cả đội phải nghỉ lại thêm một ngày nữa. Cầu trời cho bão về nhanh lên, ở thêm một ngày nữa cũng được". Nghĩ thật buồn cười vì cái ý nghĩ của đám sinh viên mải chơi ấy vậy mà sao cùng chạm tới suy nghĩ của mình lúc đó. Tôi chẳng nghĩ ngày mai nó sẽ như thế nào "ừ! Mong sao cho bão về sớm…".

Năm nay, tôi tham gia tình nguyện hè bằng một tâm thế khác. Ra trường tháng 6 thì tháng 7 đi hoạt đồng tình nguyện với sinh viên khoá dưới. Bốn năm học thì cả bốn năm khoác trên mình màu áo xanh, lại có thêm một điều đặc biệt nữa mà ít ai, cho dù là người có cả 4 năm đi tình nguyện, có được là mỗi năm đi đến một vùng địa lý khác nhau: Năm thứ nhất về vùng trung du Lập Thạch - Vĩnh Phúc, năm thứ hai lên vùng sâu vùng xa mãi tận miền núi Hòa Bình, năm thứ ba đi ra tận hải đảo Cô Tô bốn bề sóng gió, đến năm thứ tư thì ở lại vùng đồng bằng quê nhãn Hưng Yên. Thật không có gì may mắn bằng!...

Càng nghĩ thế mà càng thấy nao lòng khi gần tới mấy ngày về. Mới hôm kia thôi mấy anh em sau khi hoàn thành những công việc cuối cùng của đợt tình nguyện ngồi bên nhau trong bữa rượu đêm ngẫu hứng (vì chẳng ai ngủ được nên chạy vạy đi gõ cửa các quán mua ít đồ về thức cùng đêm). Tôi vỗ vai Thắng - cậu đội trưởng của đoàn năm nay: “Thắng ạ! Cái cảm giác khi sắp phải xa thời sinh viên, tự nhiên thấy bồn chồn ghê gớm...". Anh Quyết dúi vào tay trái nhãn bảo: "Ăn đi! Ăn cho nhớ, nhãn lồng tuy mới được nước thứ hai thôi nhưng đã ngọt lắm rồi". Quả nhãn Hưng Yên thơm mà ngọt lự, trước khi đi mẹ tôi dặn nhớ ăn ít kẻo say, lúc đó trong dạ cứ bán tín bán nghi vì thứ nhất tôi chẳng tin ăn nhãn có thể say được, thứ hai là nếu có say thì lấy đâu ra nhãn nhiều thế để mà ăn cơ chứ. Về đây hỏi ra mới biết đã có nhiều người bị say nhãn rồi. Mà nói là vậy chứ nhãn ngon thế này thì say một tí cũng đáng. Trên đời người ta vẫn chẳng thường say trước cái ngon, cái đẹp là gì? Nhưng nghĩ thế thôi chứ năm nay nhãn lại mất mùa...

Mấy tháng trước khi đi tình nguyện, tôi có dịp ghé qua quê vải Hải Dương, năm nay mất mùa vải chắc mẩm trong lòng là "Mất mùa vải, sai mùa nhãn" kinh nghiệm các cụ là thế, mà được mùa nhãn thì trời lụt to. Thế nhưng năm nay vẫn thấy lụt mà nhãn lại mất mùa, chẳng thể nào hiểu được ông Trời. Dân Hưng Yên cả năm trông vào mùa nhãn vậy mà nhà nào năm nay cũng ngao ngán thở dài. Đến mùa không thấy dân nô nức đi trảy nhãn mà chỉ thấy các bà, các cô nhận thêm công việc tách hạt sen ở nhà để kiếm thêm chút tiền đi chợ.

Cầm quả nhãn trong tay ăn thấy ngọt lịm, thơm tho khác hẳn mọi năm, tuy rằng mới nước thứ hai thì chưa được ráo cùi. Cứ theo anh Quyết nói thì như thế này là chưa được nước vì quả nhãn phải qua ba lần thay nước nào là cô đường, là róc cùi, là kết hương, kết cái hương thanh khiết man mát mà trời nước đã ban riêng cho đất Hưng Yên để có được thứ đặc sản trân quý này. Bỗng dưng ngậm cùi nhãn trong miệng mà trong tôi nảy ra cái ý nghĩ ích kỷ quá, nguyên do cũng tại quả nhãn mất mùa có vị thơm đặc biệt kia: "Rằng cái nhãn mất mùa sao mà ngon lạ lùng đến thế? Vị ngọt cũng khác, đến cái hương thơm cũng đỏng đảnh, nũng nịu lạ lùng ra làm sao ấy. Tôi khoái cái thứ nhãn mất mùa này… ". ấy thế mà ngồi thêm tí nữa, nghĩ đến cảnh chiều nay ra quán nước ngoài đầm sen nghe bà con nông dân than trời rằng quả đậu ít, có nhà đầy vườn mà chẳng đậu quả nào như thế này thì cấy lúa cũng chẳng đủ ăn, ngẫm lại thấy cái sự yêu thích của mình nó quái ác quá. Vậy nhưng cứ ngậm chán cái cùi nhãn ấy, nuốt đánh ực một cái xuống đến cổ họng chắc hẳn 10 người thì có đến ba phần tư kẻ phải tự bào chữa là: Thói đời nhiều khi vẫn thế, trong đau khổ luôn nảy ra những cái đẹp đến kỳ lạ, cái lạ hương, lạ vị kia chẳng hay chính được ông trời bù đắp nên mà có...

Trời về đêm, sương xuống dày hơn trước. Mấy anh em chuyển lên nhà trên ngồi dưới mái hiên. Cậu Thắng đang viết báo cáo trong cuộc họp tổng kết ngày mai. Chấm bút, Thắng thông báo với tôi: "Như vậy là năm nay đi kém năm ngoái hai ngày nhưng thời lượng công việc làm nhiều hơn năm ngoái, hầu hết ngày nào cũng làm việc, cả ba ca: sáng - chiều - tối. Nghỉ mỗi hai buổi tối do trời mưa, nội dung thì vẫn như mọi năm. Đoàn mình lắm chị em, mọi người năm nay mệt... Nhưng năm nay cũng vui bác nhỉ, nhớ cái buổi chiều lội mương ấy…”. Thắng nói đến cái buổi chiều lội mương tôi mới thấy buồn cười vì tôi chúa sợ đỉa. Chiều hôm đó cả đội đi rẫy cỏ hai bên đường thôn về để dọn dẹp cơ sở hạ tầng cho đại hội Đảng bộ của xã. Cả đoàn đi qua con mương nhìn thấy mấy bông hoa súng rất đẹp. Chị em Khoa Văn vốn tính lãng mạn ưa đuổi bướm hái hoa nên kêu anh em xuống lấy hộ. Mặc dù chẳng dám thách nhau là: ố ai lấy được bông súng kia thì từ nay xin gọi làm chồng…", nhưng anh em vẫn cứ hung hăng xắn tay lên hái. Tôi hơi chần chừ vì sợ đỉa nên chỉ dám bò nhoài ra vệ cỏ để phóng tay ra thôi. Nào ngờ thằng Quý đằng sau đã đẩy tôi rơi tõm xuống mương, bùn đánh ngầu lên. Tôi rơi mất cặp kính cận báo hại cho mấy anh em phải xuống tìm. Cả lũ cứ hì hụp như trâu đầm. Lát sau may quá mà thằng Hiệp vớ được, mấy anh em lăn lên vệ cỏ, gió ngoài đồng thổi mát rượi. Thằng Quý bảo: “Năm ngày nữa phải về rồi”. Anh Quyết giọng buồn buồn: “Thôi đừng nói nữa, nẫu ruột lắm”.

2. Năm nay tôi mới ra trường nên phải thu xếp nhiều việc nên đi sau đoàn hai hôm. Hôm trở lại trường, mấy em sinh viên năm thứ nhất được đi tình nguyện lần đầu hỏi: “Sao ra trường rồi anh còn đi tình nguyện". Tôi trả lời rằng: "Vì nhãn Hưng Yên ngon...".

Nhớ đến mấy ngày đầu tháng 7 lúc đang còn ở Hà Nội vẫn cùng cô bạn gái đi chơi chiều chiều. Khi hai đứa đi lang thang ngang qua cổng Đại học Bách Khoa thấy có mấy em sinh viên đang tiếp sức mùa thi, tôi quay lại bảo: Tự nhiên thấy năm nay "rông rỗng, trông trống". Bạn tôi cười chẳng nói gì. Hai hôm trước khi đoàn xuất phát, Thắng gọi rủ tôi đi tình nguyện. Cô bạn tôi bảo: "Đi đi! Chắc là rỗng là trống chỗ đó đấy”. Tôi mới phì cười lắc đầu bảo: “Chưa chắc đã đi được”. Vậy mà tối đến nhấc điện thoại thông báo là mình sẽ đi với bạn, đến lúc dập máy rồi mà vẫn tần ngần như mình chưa gọi, tưởng như vẫn đang chọn lựa xem nên đi hay ở nhà.

4 ngày sau đó khoác chiếc ba lô "P/S tặng cho các chiến sĩ tình nguyện hè" từ năm thứ nhất, mặc chiếc áo xanh từ năm thứ nhất chưa một lần được in tên trường do lần đó phải mua vội ở phố Bà Triệu để cả đoàn hôm sau đi Vĩnh Phúc. Thế là lên đường...

Đi tình nguyện khổ? ừ thì khổ!

Nhưng đi tình nguyện còn là vui, còn là thêm những kinh nghiệm vốn sống trong cuộc đời. Không đi thì không biết được người Lập Thạch gói bánh chưng tày cắt xòe như bông hoa cải cúc đang nở, không biết được men say của sừng rượu cần và món măng chua, vịt om của người Hòa Bình; không biết được mực nhảy Cô Tô; không biết từng nước nhãn lồng Hưng Yên.

Vẫn nhớ chiều Ngọc Mỹ các bác, các chị vẫn rủ nhau ra chơi bóng chuyền. Vẫn nhớ anh Bí thư chi đoàn ở xã Phúc Tuy là người Mường nhưng lại thích nghe hát quan họ; vẫn nhớ bát mì cái Hằng nấu cho tôi và anh Cương sau hôm cảm rượu, nhớ đêm diễn chèo cho anh Hùng, anh Quang Anh - bộ đội đảo xem. Cái hẹn với anh Trung, anh Ngọc 5 năm nữa sẽ quay lại Cô Tô tôi vẫn chưa quên, nhớ cái Liên, cái Cúc lúc anh em mình ôm nhau khóc sau mấy hôm hờn giận, nhớ cuộc gặp bất ngờ với anh Cương đội trưởng đoàn sinh viên ra Cô Tô năm nào. Nhớ lắm chẳng quên được...

Vĩnh Phúc - Hòa Bình - Cô Tô - Hưng Yên rồi bao nhiêu miền đất nữa mà tôi sẽ qua, bao nhiêu lời hứa, bao nhiêu ánh mắt, bao nhiêu kỷ niệm, nhất là kỷ niệm những ngày mưa tình nguyện.

Ngày chia tay Hưng Yên lại là một ngày mưa. Sáng ra anh Quyết về nhà sớm hái chùm nhãn mới nước hai cho cả đoàn về làm quà Hà Nội. Anh Quyết ôm cả đoàn, từng người một khóc. Cơn bão số 3 làm cho anh không giữ được lời hứa tiễn cả đoàn về tận Hà Nội như đã hẹn. Chẳng sao cả, đằng nào thì chả có những cuộc chia tay.

Xe về Hà Nội - lòng tôi trống rỗng

Hai bên đường những cây nhãn Hưng Yên xanh mướt mát trong mưa. Đôi môi tôi khô chặt lại từ bao giờ. Nhãn Hưng Yên mới thay nước thứ hai. Mỗi lần trở mình mỗi lần thay nước nhãn lại ngọt hơn cùi dày hơn thơm hơn. Đối với tôi nước nhãn thứ ba vẫn luôn là một điều bí mật, mà khi còn bí mật thì không bao giờ là kết thúc…

 Trần Ngọc Linh - Ảnh: BT - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :