Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Năm học mới nói chuyện mốt học hai trường
Giữa muôn vàn kiểu mốt trong xã hội có một loại mốt về tri thức cũng không kém phần rực rỡ: Mốt học hai trường. Và dân mốt, cách theo mốt thuộc loại này cũng muôn hình muôn vẻ...

Khoảng chục năm về trước, những sinh viên học hai trường là rất hiếm và khi nhắc đến họ, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có một cảm giác ngạc nhiên, nể phục: Họ thật giỏi, thật bản lĩnh…. Nhưng trong vòng vài năm trở lại đây “học hai trường” đã trở nên phổ biến và hết sức bình thường đối với hầu khắp mọi người, mà theo cách nói của sinh viên: Đó là "mốt".

Cũng như mọi loại mốt khác, ta có thể dễ dàng gặp được “dân mốt” học hai trường ở bất cứ đâu, miễn là ở đó có sinh viên: giảng đường đại học, ký túc xá, xóm trọ…. Không đơn giản chỉ là nhu cầu về tri thức, kiểu học này còn trở thành một trào lưu, một cách đánh bóng bản thân và là một bước đệm hiệu quả cho quá trình xin việc sau này của sinh viên theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đầu năm học mới, kế hoạch học 2 trường lại nhộn nhịp được triển khai trong giới sinh viên, đặc biệt là “dân” năm thứ nhất, năm thứ hai. Vấn đề đặt ra cho họ là:

Học hai trường, học cái gì?

Xã hội ngày càng hiện đại, đòi hỏi nguồn nhân lực một trình độ cao hơn đáp ứng kịp thời theo “guồng” phát triển của đất nước. Tiếp đó, để xin được việc làm, để hoàn thành tốt công việc, để có được chỗ đứng trong xã hội hành trang của mỗi sinh viên sau khi ra trường cũng nặng thêm lên. Không đơn thuần chỉ là tốt nghiệp một trường đại học, họ phải có khả năng sử dụng vi tính, thông thạo ngoại ngữ hay một số vấn đề liên quan đến ngành học.

Ngoài giải pháp học ở các trung tâm, để có thêm kiến thức hay đơn giản để có một chiếc bằng giá trị hơn, sinh viên thường chọn học song song cho mình một trường đại học tại chức hoặc dân lập nữa. Trong xu hướng xã hội hiện nay các trường như: ĐH Ngoại ngữ Thanh Xuân, ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN), ngành Công nghệ thông tin thuộc một số trường,… thường được lựa chọn. Bên cạnh đó là từng khoa, từng trường cụ thể phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực mà họ định hướng theo đuổi. Có thể kể đến như:

Sinh viên Báo chí có thể học văn bằng hai: Luật, Kinh tế, ngoại ngữ…

Sinh viên Kinh tế có thể học văn bằng hai: Quản trị kinh doanh, Tài chính, Tin học…

Sinh viên Du lịch thì có thể học văn bằng hai: Văn hoá, ngoại ngữ, Lịch sử…

Càng nhiều bằng cấp càng dễ xin việc, thực tế này đã tồn tại và được phổ biến rộng rãi trong cuộc sống cũng như trong suy nghĩ của nhiều người lâu nay, bất luận chất lượng ra sao. Đó cũng là lý do thuyết phục thôi thúc sinh viên học hai trường và nhiều hơn thế nếu thấy cần thiết. Họ học để có thêm kiến thức, thêm khả năng. Bên cạnh đó, để bản thân và gia đình yên tâm, để bằng bạn bằng bè và đôi khi họ học chỉ để không bị lạc hậu, để thành danh. "Mốt" là ở đấy.

Vậy "dân mốt" học như thế nào?

"Mốt" làm chúng ta hình dung ra một cái gì đó bề ngoài, hình thức. Và với những sinh viên học hai trường theo mốt cũng mang điều gì đó tương tự. Tất nhiên ta không thể đánh đồng tất cả, không thể phủ nhận những sinh viên thực sự nghiêm túc trong quá trình trau dồi tri thức. Họ lập kế hoạch, điều chỉnh, sắp xếp và tận dụng tối đa thời gian để thu được kết quả tốt nhất ở cả hai trường một cách lặng lẽ và hiệu quả. Còn đối với những sinh viên theo chủ nghĩa "đánh bóng bản thân", những dân ruột của mốt hai trường thì lại theo một kiểu trái ngược. Họ luôn mồm phàn nàn: Học à? Mình bận lắm, học hai trường mà… Nhưng thực tế sau đó thì lại hoàn toàn khác. Thời gian đối với cách học của họ thực ra chẳng hề thiếu, đáng nói hơn là chúng chỉ được sử dụng một cách thừa thãi, phung phí và vô bổ dưới vỏ bọc hào nhoáng của bận rộn, chăm chỉ thường thấy. Trường chính trong suy nghĩ của họ có thể được lưu ý, còn những trường thứ hai chỉ dừng ở mức "cưỡi ngựa xem hoa". Có những câu nói hùng hồn được họ tuyên bố mà thoạt đầu làm người nghe thấy tức tai nhưng vẫn phải chấp nhận vì chúng chẳng hề lạ hay vô lý chút nào mà đã là một thực tại khách quan trong giới sinh viên:

-Tại chức à? Cứ nộp đủ học phí là thi thôi, không gắt lắm đâu.

- Được chữ nào thì được, còn không ngoại giao tốt một chút thế nào chả qua, chỉ cần cái bằng thôi.

- Học cho bố mẹ yên tâm, vui thì ngồi hết buổi bằng không đến điểm danh rồi về. Chẳng sao đâu…

Phiến diện, qua loa, hình thức, rồi chủ quan là như vậy. Tồi tệ hơn, đôi khi học hai trường lại là cái cớ để sinh viên trây lười, ỷ lại mà tự ý bỏ giờ, bỏ tiết đồng thời hợp thức hoá kết quả học tập một cách đáng ngại. Họ bằng lòng với bản thân, tự mài mòn khả năng phấn đấu để thay vào đó những lời nguỵ biện: trùng lịch quan trọng phải nghỉ chứ có muốn đâu, học hai trường vất vả mệt mỏi nên kết quả có kém người khác cũng phải, nhưng đã được hai bằng… Trong trường hợp đó liều thuốc tri thức hẳn sẽ phản tác dụng, học hai trường chắc gì đã bằng một. Kiến thức "rỗng", bằng cấp liệu có lấp đầy được? Đó là một thực tế nan giải mà không phải ai cũng thấy cho dù họ vẫn truyền tai nhau: học, học càng nhiều càng tốt.

Nói đi rồi cũng phải nói lại, phải thấy rằng trên đời không hẳn chỉ có kẻ “cưỡi ngựa xem hoa”, trong dân học hai trường cũng không ít người đang ngày ngày "lặn lội thân cò" với việc học đấy thôi. Đây là những sinh viên thực sự nghiêm túc trong học tập, có mục đích rõ ràng và ngày đêm phấn đấu cho mục đích đó. Bản thân họ biết chất hơn lượng nhưng vẫn chọn giải pháp hai trường cho mình và điều đó chẳng có gì là sai. Người ngoài nhìn vào họ vẫn là dân mốt chính gốc. Mà thực tế bản thân họ cũng không hề phản đối bởi học hai truờng đã quá phổ biến và cần thiết trong xã hội chưa kể họ cũng rất nhạy cảm với thời cuộc, lại càng chẳng phải là người lạc hậu. Có điều con đường theo mốt của những sinh viên này lại hoàn toàn khác, họ có lòng quyết tâm, có sự nỗ lực nhưng những khó khăn trong việc học cũng thật đáng nói.

N.L.A (ĐHKHXH&NV) tâm sự: Sáng học tại chức ĐH Ngoại ngữ, chiều học ở Trường ĐHKHXH&NV. Tuy vẫn luôn cố gắng tập trung để hiểu bài ngay trên lớp nhưng tối về vẫn phải ôn lại, có điều nhiều khi thấy mệt mỏi thực sự, chỉ muốn ngủ, chẳng còn thời gian làm gì cả.

T.H.L (Kinh tế) nói: Lúc nào mình cũng thấy thiếu thời gian. Lịch học hai bên nhiều khi lại trùng nhau, song còn chuyển lớp được, nhiều đợt trùng cả lịch thi mới khổ, vất lắm… Cố thì vẫn cố nhưng có lúc cũng thấy kiệt sức thật.

L.T.B (ĐH Bách khoa) băn khoăn: Đã học thì cho ra học không uổng công bố mẹ lắm. Nhưng bận quá ít có thời gian đây đó, bạn bè rồi nhiều mối quan hệ khác tự dưng nhạt đi. Đôi khi cảm thấy buồn nhưng biết làm sao được.

Thay cho lời kết

Đất nước phát triển, điều kiện sống tăng cao, bằng cấp, kiến thức không chỉ là yêu cầu, nó trở thành yếu tố thiết yếu cần cho tương lai mỗi người. Bản thân sinh viên thấy, các bậc cha mẹ cũng thấy điều đó và họ không tiếc tạo điều kiện cho con cái học hành. Chưa kể thời mở cửa, xã hội có đủ loại mốt với nhiều kiểu thịnh hành là chuyện bình thường. Dân mốt và cách theo mốt hai trường muôn hình muôn vẻ như trên cũng không phải là điều gì đặc biệt. Có điều mỗi người cần hiểu và xác định rõ cho bản thân hướng đi đúng nhất, hiệu quả nhất. Theo đó là cách định hướng của gia đình cho con em mình, cách quản lý của các trường đại học đối với các đối tượng sinh viên cũng rất cần thiết phải lưu ý. Nó không đơn thuần là vấn đề riêng rư mà là trách nhiệm chung cho toàn xã hội.

Nói "mốt" chỉ là một cách diễn đạt cho hiện tượng học hai trường phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Cái ranh giới giữa tốt và xấu, tích cực và tiêu cực trong vấn đề này cũng khó có thể xác định một cách rõ ràng mà còn phụ thuộc vào mỗi người. Điều đặt ra chỉ là một lời cảnh báo: Mỗi người, đặc biệt các sinh viên cần tỉnh táo để điều chỉnh việc học sao cho hợp lý. Học nhiều là tốt nhưng phải xác định rõ ràng mục đích của mình để làm sao không gây ảnh hưởng đến chuyên ngành chính cũng như các mối quan hệ xã hội khác. Hãy làm thế nào để "mốt" mà vẫn "chất", hình thức mà cũng thật hiệu quả. Điều đó mới là quan trọng, là cách sống, cách làm của những người hiện đại.

 Nguyên Anh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :