Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Cảm nhận của sinh viên về ăn Tết
Với mỗi người cảm nhận về một cái Tết cổ truyền của dân tộc có sự pha trộn của nhiều cảm giác khác nhau: háo hức, mong chờ, phấn khởi và có cả những nỗi niềm nữa! Hòa cùng những mạch nguồn cảm nhận về Tết ấy là thế hệ trẻ, những sinh viên của cuộc sống giảng đường hôm nay…

Bao giờ cũng là chuyện… vé tàu xe

Đường phố Hà Nội những ngày giáp Tết dường như đông hơn bởi những dòng người đi lại nhộn nhịp và hối hả. Đây đó là những cành đào cành quất đã bắt đầu được bày bán, mọi thứ chuẩn bị cho Tết đã sẵn sàng và những sinh viên, sau một kỳ học tập vất vả trở về nhà, sum họp cùng gia đình đón Tết Nguyên đán. Văn phòng Đoàn Thanh niên Trường ĐHKHXH&NV luôn mở cửa để các bạn sinh viên đến lấy vé tàu xe về ăn Tết. Chương trình hỗ trợ sinh viên ở xa và gia đình khó khăn của công ty bột giặt Omo với khẩu hiệu năm nay là “Tết làm điều hay!” đã thực sự trở thành một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, ấm áp tình người và mang lại hiệu quả thiết thực. Nam (K50, Khoa Thông tin Thư viện) tâm sự: “Đây là năm thứ hai, em nhận vé tàu hỗ trợ về ăn Tết, thấy mình được quan tâm, chia sẻ và động viên, em rất vui...”. Nam là một sinh viên có học lực khá, nhà em xa tận nông trường Con Cuông (Nghệ An,). Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, lại đông anh em, với Nam có được vé tàu về Tết là một niềm vui lớn. Tấm vé tuy giá trị nhỏ bé nhưng đó là sự sẻ chia lớn lao của những người luôn mong muốn niềm vui đến với sinh viên nghèo. Cùng hoàn cảnh như Nam, Hòa (K51, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN) khi cầm tấm vé tàu về quê Lào Cai, cô bé đã vui đến nỗi hồn nhiên reo ầm lên. Hòa bảo: “Nhà ở xa, mẹ em cứ sợ tàu xe đông và sợ nhất là em không mua được vé về. Nay được hỗ trợ thế này, mẹ em chắc đỡ lo hơn!”. Tết bắt đầu cùng với những sinh viên ở xa ấm áp như thế đó...

Mẹ ơi! Con sắp về...

Đợt thi học kỳ vừa kết thúc nên sinh viên nhà ta thoải mái, rảnh rang hơn nhiều trong việc thu dọn đồ đạc, hành trang để về nhà. Hiệp (sinh viên nội trú trong KTX Ngoại ngữ) đang lỉnh kỉnh tư trang trên đường ra bến xe bus, gặp tôi cười: “Phòng mình trước khi về Tết phải dọn vệ sinh sạch sẽ, kiểm kê tài sản và bàn giao cho các bác trông coi. Mình muốn về nhà lắm rồi. Tết này mình có rất nhiều việc muốn làm!”. Giống như Hiệp, rất nhiều bạn sinh viên muốn về nhà thật nhanh. Có người còn tranh thủ dạo vài vòng quanh Hà Nội, chụp vài bức ảnh Thủ đô để về khoe với bạn bè, có người lại tất tưởi đạp xe xuống tận Hà Đông để mua một chiếc khăn tơ tằm tặng mẹ đầu năm. Bạn bè gặp nhau dành cho nhau những lời chúc về quê ăn Tết vui vẻ, gặp nhiều may mắn và hạnh phúc. Cuộc sống sinh viên những ngày cuối năm mang đầy những nét vui tươi, rộn rã.

Tâm (K49 Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV) quê tận Kontum, mỗi năm cậu chỉ về nhà 2 lần, mỗi lần về nhà, tiền là một khoản không hề nhỏ chút nào, vì thế tâm trạng của chàng trai Tây Nguyên này trước khi về Tết thật đặc biệt: “Sau kỳ thi vừa qua, kết quả mình đạt được cũng khá, mình nhớ nhà lắm rồi, đi lâu mới về mà. Đường xe đi hơi dài nhưng nhất định mình sẽ đem về một cành đào của miền Bắc...”. Con đường đi về muôn vàn miền quê khác nhau mang theo tâm trạng của những người con đi xa đang về sum họp. Cầu chúc những cành đào, cành mai là những tin vui và an lành đến với mỗi gia đình trên khắp đất nước...

Vẫn còn những nỗi gian truân...

Mỗi khi giáp Tết, một số giảng đường thưa vắng sinh viên hẳn đi. Khi điểm danh sĩ số vắng mặt thầy giáo không nỡ ghi thiếu bởi: “Thưa thầy, các bạn nghỉ để đi mua vé tàu Tết ạ!”. Cảnh sinh viên phải xếp hàng chầu chực ở nhà ga, bến tàu đến nay vẫn là chuyện được nhiều lần nhắc tới. Để có được tấm vé về nhà là điều còn phải tùy thuộc vào vận may. Có những tập thể, cán bộ lớp phải cử nhau đi xếp hàng mua vé cho các bạn, rồi tìm đủ cách để các bạn được về Tết nhanh nhất. Sự vất vả của các bạn đã khẳng định ý nghĩa của tình đoàn kết bạn bè với nhau. Cuối năm, cùng với chuyện tổng kết điểm, tổng kết một học kỳ thì cũng là lúc tổng kết nhiều thứ kèm theo: tiền nhà, tiền điện nước, rồi tiền gửi xe đạp, tiền bảo vệ... và tiền đi tàu xe về nhà. Có nhiều sinh viên, vào cuối năm như thế này, chuyện phải cắm đồ, bán đi vài thứ có giá trị không phải là không có. Hải (K49 Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN) thuê trọ tại làng Triều Khúc cho biết: “Mình vừa đem máy tính ra hiệu cầm đồ, đủ để trang trải tiền nhà nợ mấy tháng và đủ tiền về nhà, ra Tết lấy lại sau vậy!”. Chuyện nợ vẫn luôn luôn khiến sinh viên nhà ta dở khóc dở cười, chạy vạy đủ đường để trả. Vào dịp cuối năm, công việc đó không đơn giản chút nào. Trả nợ để đầu năm không mất “dông” là chuyện mà sinh viên nhà ta luôn mong muốn. Điều đó cũng đồng nghĩa với những dự định của năm mới, của những thay đổi có thể khiến sang năm gặp nhiều may mắn và tốt đẹp. Rõ ràng, song song với niềm vui sum họp và đoàn tụ với gia đình thì có nhiều sinh viên khi về Tết mà cảm giác không yên chút nào. Với các tân sinh viên, sau một học kỳ nhiều bỡ ngỡ và lạ lẫm ở môi trường đại học, việc có được 2 tuần nghỉ Tết khiến cho các bạn hết sức vui mừng và nhiều người muốn về thật nhanh vì nhớ nhà. Điều ấy, có lẽ khác hẳn với tâm trạng của các đàn anh, đàn chị năm thứ 4 sắp ra trường. So với năm trước, năm nay có 2 tháng nhuận nên Tết đến muộn hơn, vì thế ra Giêng họ sẽ phải gánh một khối lượng bài vở đồ sộ để chuẩn bị cho khóa luận tốt nghiệp... Để có được một tâm trạng thoải mái khi về ăn Tết cùng với người thân, thật chẳng dễ chút nào với nhiều cô cậu cử nhân. Xen lẫn trong những khát khao và mong chờ háo hức là những tâm tư và bộn bề lo lắng...

Tết đến cùng với những niềm vui và hạnh phúc an lành. Là sự ấm áp sẻ chia của mọi người trong gia đình, trong cộng đồng và trong cuộc sống. Cái Tết cổ truyền của dân tộc vì thế mà có một vị trí quan trọng không thể thiếu trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Với sinh viên, sau những giờ học căng thẳng của cuộc sống giảng đường, nay trở về nhà ăn Tết, được quây quần cùng gia đình, được vui chơi cùng bạn bè là một cách thư thái tốt nhất. Để rồi sau khi ra Tết lại bắt đầu những dự định mới, những hoài bão mới cho tương lai của chính họ và cho đất nước. Một năm bắt đầu từ mùa xuân, và mùa xuân bắt đầu từ tuổi trẻ. Mỗi độ xuân về là mỗi lần thế hệ trẻ ý thức được mình hơn với vai trò mà đất nước đang giao phó.

 Hoa Ban - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 192, ra tháng 2/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :