Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
LTS: Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc đã có hàng triệu con người tình nguyện chiến đấu, tình nguyện hy sinh vì tự do, độc lập cho đất nước. Trong thời bình, cũng đã có biết bao người tình nguyện đi về vùng sâu, vùng xa; tình nguyện làm tất cả mọi việc dù chỉ là nhỏ nhất để mong sao cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội vẹn toàn hơn.

Họ đã sưởi ấm xã hội bằng những ngọn lửa nhiệt huyết của mình, vì họ biết rằng sự cho đi của họ không bao giờ vô nghĩa. Ai đó từng bảo: “Bây giờ đã khác ngày xưa. Bây giờ người ta sống cá nhân hơn, vị kỷ hơn”, chúng ta nghĩ sao về điều đó? Đã bao giờ bạn có được cảm giác của một người cho máu và biết rằng với số lượng máu ấy đã giúp được ít nhất một người vượt qua cơn bạo bệnh? Đã bao giờ bạn hoà mình vào tiếng cười của những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để được nhìn những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng nhưng rạng ngời niềm tin vào tương lai? Đã bao giờ... và đã bao giờ…? Hãy bắt đầu một ngày mới cụm từ “tình nguyện”, dù là những việc nhỏ nhất - đó chính là thông điệp mà Bản tin ĐHQGHN muốn gửi gắm tới bạn đọc thông qua chùm bài tiêu điểm kỳ này.

Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

Có một dạo cách đây mấy năm khi xem chương trình truyền hình đưa tin về các bạn sinh viên của một trường đại học đang làm vệ sinh môi trường với đất đá, rác và bụi bay mù mịt để hưởng ứng phong trào mùa hè thanh niên tình nguyện, một giáo sư đã lắc đầu, bảo: “Thanh niên tình nguyện là một phong trào rất thực tiễn, rất sáng tạo của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, nhưng nếu chỉ đơn thuần làm theo kiểu cách này thì theo tôi là chưa ổn. Sinh viên là một đội ngũ trí thức tinh hoa của đất nước, nên hướng cho họ những phần việc tình nguyện mùa hè gắn với những kiến thức họ đang được đào tạo. Và khi ấy ý nghĩa của phong trào sẽ được nâng lên, tầm ảnh hưởng của nó cũng sẽ sâu, rộng hơn...”. Thoạt nghe vậy, tôi cứ nghĩ ông giáo sư này chắc hơi khó tính. Vậy nhưng sau mấy mùa hè đi cùng các đội sinh viên tình nguyện của ĐHQGHN về các mặt trận, xuất phát từ các chương trình hoạt động cụ thể gắn với từng địa bàn, nghe những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân các địa phương, tôi mới thấy lời nhận xét đó thật đáng suy nghĩ...

Lực đẩy từ những trái tim

Tình nguyện và tự nguyện là hai hoạt động có chung đặc điểm là dựa trên cơ sở giác ngộ cao của mỗi cá nhân, nhưng có sự khác nhau về tính chất. Tự nguyện là sự khẳng định ý chí cá nhân và tính tự chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Còn tình nguyện là cách thể hiện tình cảm mong muốn cống hiến vì lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội. Hoạt động tình nguyện có tính lan toả theo quy luật tâm lý xã hội nên dễ tạo thành phong trào. Có lẽ vì vậy mà người ta thường nói đến phong trào tình nguyện chứ ít nói phong trào tự nguyện. Vấn đề đặt ra là khi nào thì người ta tình nguyện? Giải đáp thấu đáo câu hỏi này sẽ giúp chúng ta tìm ra động lực nào đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt thành của “những trái tim tình nguyện”.

Khi nào thì người ta tình nguyện? Đó là khi cuộc sống đặt ra những vấn đề bức thiết với những công việc không thể không làm hoặc không thể làm khác. Chẳng hạn như hỏa hoạn, lũ lụt, thiên tai hay ngoại bang xâm lược.

Khi nào thì người ta tình nguyện? Đó là khi chúng ta thấy những phần việc mình làm có ích cho cộng đồng, xã hội, Tổ quốc và nhân loại. Những công việc như xoá đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ môi trường, chống chiến tranh... sẽ tạo ra những môi trường phù hợp để tuổi trẻ thử thách, trải nghiệm và cống hiến.

Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có một thời tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng sẵn sàng dấn thân vào các phong trào tình nguyện. Tinh thần tình nguyện phụ thuộc vào các yếu tố như: kiến thức, quan niệm, kinh nghiệm và vốn sống hay nói cách khác đó là năng lực trí tuệ của thanh niên; lẽ sống và lối sống của họ. Hoạt động tình nguyện có các đặc trưng riêng biệt: Tính tự giác cao, phản ánh sự giác ngộ sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm công dân; tính không vụ lợi, hoạt động không đặt điều kiện, không vì mục đích kinh tế hay lợi ích cá nhân; tính cộng đồng cao, mục đích là được cống hiến, nên có tính lan toả trong xã hội. Từ tất cả những điều đã viết trên đây, chúng ta nhận thấy rằng với mỗi “trái tim tình nguyện” thì động lực tri thức, văn hóa và các giá trị nhân văn vẫn là chủ yếu, có tính nổi trội, bền vững hơn hẳn các giá trị kinh tế, vật chất. Do đó, giải pháp quan trọng nhất là kiên trì, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao trí tuệ, xây dựng lẽ sống cách mạng và lối sống văn hoá cho thanh niên theo các chuẩn giá trị như: Kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Yêu nước, thương dân, trung thành với cách mạng; Yêu lao động, làm việc hết mình, có tinh thần cạnh tranh lành mạnh; Năng động, sáng tạo, làm việc có hiệu quả cao; Dồi dào tri thức, vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học công nghệ hiện đại...

Sức trẻ trên quê hương Thạch Thất

Từ nhiều năm nay, phong trào sinh viên tình nguyện mùa hè đã được BCH Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên ĐHQGHN duy trì thường niên, có sức lan tỏa và sức hút lực lượng đoàn viên một cách mạnh mẽ, không chỉ riêng ở một đơn vị đào tạo nào mà trong phạm vi toàn ĐHQGHN. Khẩu hiệu “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” luôn được các thế hệ sinh viên ĐHQGHN nêu cao và trở thành một nét đẹp bừng sáng mỗi dịp hè về. Năm 2008, huyện Thạch Thất, Hà Nội (trước ngày 1/8/2008 thuộc tỉnh Hà Tây) được lựa chọn là địa bàn trọng điểm để triển khai các hoạt động tình nguyện trong chiến dịch Mùa hè xanh của tuổi trẻ ĐHQGHN. Chiến dịch kéo dài trong 20 ngày (từ 15/7 đến 5/8) được chuẩn bị khá công phu, tỉ mỉ và chi tiết từ khâu phối hợp tổ chức nhịp nhàng giữa BCH Đoàn ĐHQGHN với huyện Đoàn Thạch Thất, từ khung chương trình hoạt động đến việc liên hệ sắp xếp nơi ăn, chốn ở cho các đội sinh viên tình nguyện. “Đầu xuôi thì đuôi lọt” - ông cha ta dạy quả không sai, những điều kiện thuận lợi từ cả 2 phía khách quan và chủ quan đã tiếp sức cho hơn 600 chiến sĩ áo xanh thuộc 20 đội hình tình nguyện của ĐHQGHN thực hiện thắng lợi tất cả các phần việc theo dự kiến tại địa bàn 20 xã trong huyện. Kết quả đó mới đây đã được lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất và BCH huyện Đoàn tôn vinh tại lễ tổng kết chiến dịch.

Kết thúc chiến dịch tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, các chiến sĩ tình nguyện ĐHQGHN đã tặng được 200 xuất quà trị giá gần 20 triệu đồng cho các gia đình chính sách, tặng 55 xuất quà cho các em học sinh nghèo vượt khó sửa, tổ chức được 20 buổi tuyên truyền cho hơn 3.000 lượt đoàn viên và bà con nhân dân trong huyện về thực hiện nếp sống văn hóa, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống các dịch bệnh mùa hè, các dịch bệnh ở người và gia súc, gia cầm, tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội đặc biệt là tệ nạn ma túy, mê tín dị đoan. Phối hợp với đoàn thanh niên địa phương, các đội sinh viên tình nguyện đã tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh quang cảnh nhà bia, trường học, các trụ sở UBND xã, thị trấn, khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương, bắt ốc bươu vàng bảo vệ lúa, hoa màu.

Các đội sinh viên tình nguyện đã tổ chức được 5 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi cho hơn 300 lượt người dân, mở được 5 lớp phổ cập tin học, hơn 50 buổi lên lớp dạy ngoại ngữ cho gần 400 em học sinh tiểu học và THCS ở địa phương, các đội cũng đã tổ chức được trên 20 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác chi đoàn, chi hội cho khoảng 2.000 lượt các bộ đoàn viên. Tiêu điểm nổi bật trong cả chiến dịch tập trung vào 2 hoạt động lớn ở cấp huyện đó là: Khóa bồi dưỡng về tư tưởng Hồ Chí Minh, tập huấn các kỹ năng nghiệp vụ cho hơn 200 cán bộ đoàn và sân chơi mang tên “Sức nước ngàn năm” do BCH Đoàn ĐHQGHN kết hợp cùng UBND huyện Thạch Thất, Đài Truyền hình Việt Nam và công ty TNHH Trường Thành tổ chức. Bên cạnh đó, các chiến sĩ tình nguyện còn tổ chức được 30 đêm giao lưu văn hóa văn nghệ, 20 buổi thi đấu giao hữu thể thao thu hút được hàng nghìn lượt người dân tham gia.

Đúng như những gì mà TS. Phạm Quang Hưng - Phó giám đốc ĐHQGHN đã phát biểu tại lễ “hội quân”, chiến dịch Mùa hè xanh 2008 của tuổi trẻ ĐHQGHN đã thành công như ý bởi: “Những suy nghĩ và việc làm đầy trách nhiệm của các em thực sự rất có ý nghĩa, nó chính là cầu nối, là chất xúc tác quan trọng làm cho mối quan hệ, hợp tác giữa ĐHQGHN và huyện Thạch Thất ngày càng được củng cố và phát triển...”. Đến đây, người viết chợt nhớ tới lời tâm sự rất thực lòng của nữ sinh Nguyễn Thị Thu Huyền - Đội trưởng đội sinh viên tình nguyện Trường ĐH Ngoại ngữ hoạt động tại xã Tân Xã: “Năm nay, chúng tôi về tình nguyện tại huyện Thạch Thất, một địa bàn ít khó khăn hơn các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đặt chân tới Tân Xã, được chứng kiến cuộc sống khá sung túc, đủ đầy của người dân, nhiều ánh mắt lo âu trong đội đã nhìn nhau thầm hỏi: Ở nơi này, chúng mình làm gì đây?... Vậy mà thoáng chốc, lo âu đã qua, 20 ngày trôi nhanh như một tiếng cười giòn, chúng tôi rất vui vì cả đội đã làm được nhiều hơn những gì từng hy vọng. Sớm nay, trước lúc lên xe, nhìn những giọt nước mắt, những cái nắm tay, ôm chặt bịn rịn của các em nhỏ, nhiều người trong đội đã không cầm được lòng mình. Ngẫm lại những ngày đã qua, tôi chợt rút ra một điều: Tình nguyện ở những vùng khó khăn đã khó nhưng tình nguyện được ở những vùng ít khó khăn lại càng khó gấp nhiều lần...”.

Một mùa hè nữa lại đang qua, một năm học mới bắt đầu gõ cửa gọi những sinh viên tình nguyện tập hợp về các giảng đường. Chợt nghe văng vẳng trong tiếng trống khai giảng, trong tiếng bước chân gấp gáp của những trí thức trẻ rời chiến dịch xanh một lời hẹn ước lại gặp nhau ở Mùa hè xanh năm tới.

 Diệu Hà - Trường Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 209 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :