Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Gương mặt thủ khoa mùa tuyển sinh đại học 2005: Gặp gỡ các tân thủ khoa
Cùng chinh phục đỉnh núi cao của tri thức, về đích với một thành tích đáng nể (điểm tối đa cả 3 môn - 30/30) - đó là những tân thủ khoa của ĐHQGHN trong mùa tuyển sinh 2005 vừa qua. Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với các em - 6 gương mặt tiêu biểu sau ngày tựu trường...

1. Triệu Thị Diệp - cô lớp trưởng năng động

Chúng tôi đến lớp Cử nhân tài năng Toán - Tin K50 (ĐHKHTN) tìm Triệu Thị Diệp. Vừa nghe nhắc đến tên, bạn bè của Diệp hỏi lại ngay: "Chị muốn tìm lớp trưởng phải không?" Diệp đang đôn đáo chạy đi chạy lại tìm lịch học cho lớp, gặp chúng tôi, em cười: "Em làm lớp trưởng cũng thật ngẫu nhiên giống như đợt trước nghe kết quả điểm thi, quá bất ngờ, em không tin là mình được 30 điểm!

Là cựu học sinh của trường PTDL Lương Văn Can - Hà Nội, cả ba năm liền Diệp đều đạt học
sinh giỏi xuất sắc và là một lớp trưởng có trách nhiệm. Nhiều lý do để Diệp chọn thi vào Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN nhưng lý do quan trọng nhất là Diệp vốn say mê các môn học của khối A ngay từ khi còn là học sinh phổ thông. Dáng người nhỏ nhắn, cách nói chuyện tự tin, ở Diệp toát nên sự thông minh và nhiệt tình. Diệp tâm sự: "Em chỉ mơ ước được trở thành một cô giáo dạy toán thật giỏi. Như thế là hạnh phúc phải không chị?" Nhìn nụ cười hồn nhiên trên gương mặt em chúng tôi tin và thầm mong cho ước mơ giản dị ấy trở thành hiện thực…

2. Lê Xuân Long: "Em không nghĩ mình là thủ khoa..."

Đó là lời tâm sự chân thành của thủ khoa Lê Xuân Long - cậu học sinh đến từ trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ).

Long thi vào ngành Đ
iện tử Viễn thông (ĐHCN - ĐHQGHN). Em kể: “Khi biết tin được 30 điểm em nghĩ ngay đến gia đình mình, bố mẹ đã đặt niềm tin rất nhiều ở em, em vui vì mình đã không phụ lòng mong mỏi của mọi người…". Long không nói nhiều về kết quả mình đạt được, nhưng tất cả những gì Long thể hiện đều rất chân thành. Những ngày đầu tiên ở trường mới, lớp mới, mọi thứ còn lạ lẫm, điều mà Long mong mỏi nhất là có thể học thật tốt để khẳng định mình trên giảng đường đại học rộng lớn và quan trọng hơn là bố mẹ em sẽ có thêm thật nhiều niềm vui về cậu con trai của mình. Hy vọng trong tương lai gần chúng ta còn được chứng kiến nhiều thành tích đáng nể của chàng sinh viên Điện tử Viễn thông này.

3. Nguyễn Hữu Phương - Tự học rất cần thiết để học giỏi

Ba năm liền là học sinh giỏi, đạt giải 3 trong cuộc thi Tin học toàn quốc lớp 12 đó chính là bước đệm vững chắc cho Nguyễn Hữu Phương (học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc)

tự tin bước vào giảng đ
ường đại học. Hiện Phương là sinh viên lớp cử nhân tài năng, Khoa Công nghệ Thông tin của ĐHCN, ĐHQGHN. Em chia sẻ: “Ba năm cấp 3 em theo học chuyên tin, chọn thi và đậu vào trường với số điểm cao thực sự là niềm vui thật lớn. Nhất định em sẽ trở thành một lập trình viên tin học thật xuất sắc". Đằng sau cặp kính cận là đôi mắt sáng thông minh, Phương rất tin tưởng vào con đường mà mình đã lựa chọn. Đối với em bí quyết duy nhất để học giỏi chính là sự nỗ lực của bản thân. Phương nói: "Lên lớp và lắng nghe thầy cô giáo giảng bài là điều cần thiết nhưng tự học lại giúp chúng ta tổng hợp lượng kiến thức, từ đó có thể biết mình hổng ở đâu mà bổ sung". Chính sự tự học một cách khoa học, chăm chỉ đã giúp Phương đạt được thành tích học tập tốt như ngày hôm nay.

4. Nguyễn Thị Thu Chung: “Giảng đường ĐH thật rộng lớn...”

Chung đến từ vùng quê Nghĩa Hưng - Nam Định, vào học ngành Công nghệ Thông tin, ĐHCN- ĐHQGHN. Khi còn là học sinh của trường PTTH Nghĩa Hưng, nhiều năm liền Chung là một học sinh xuất sắc, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Đ
ậu đại học với 3 điểm 10, Chung thể hiện mình một cách rất giản dị: “Trước hết đó là niềm vui lớn giành cho bản thân em và là niềm tự hào của cả gia đình. Nhưng năm nay cũng có rất nhiều bạn đạt điểm tối đa nên khi vào học chắc chắn em phải cố gắng rất nhiều để không bị lùi lại phía sau…". Những dự định còn chưa dừng lại ở đó, Chung mong muốn được đi xa hơn nữa trong hành trình chinh phục tri thức của mình: "Nếu có cơ hội và được chọn lựa, em sẽ học hết mình để có thể đạt được suất học bổng du học thường niên của trường. Giảng đường đại học chính là nơi để em thử thách bản lĩnh chính mình…". Học giỏi, nhiều khát vọng nhưng ở Chung vẫn còn nguyên vẻ hồn nhiên của một tân sinh viên: "Mong sao ở mái trường đại học rộng lớn này em có thật nhiều bạn tốt, nhiều bạn thân để không bao giờ còn cảm thấy mình bé nhỏ nữa!"

5. Đỗ Hồng Long - Thủ khoa “vui tính” nhất

Chàng trai Hà Nội sở hữu nụ cười rạng rỡ này có lẽ chính là thủ khoa vui tính và dễ gần nhất.

Đ
ỗ Hồng Long ghi cho tôi cả một lý lịch trích ngang đầy đủ và tỉ mỉ đến cả chiều cao và cân nặng. Thích chơi thể thao, nhất là bóng rổ và bóng đá, chàng thủ khoa này mê Rock Việt. Là cựu học sinh của Hà Nội - Amsterdam, là chủ nhân của nhiều giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quận và thành phố, giành học bổng Odon Valeet nhiều năm liền, Long đang tiếp tục thực hiện ước mơ du học khi quyết định đăng ký thi vào Khoa CNTT Trường ĐHCN, ĐHQGHN. Giờ đây khi đã là thành viên của cử nhân tài năng CNTT K50, ước mơ đó càng gần hơn, Long đang học tập và nỗ lực để biến khát vọng thành hiện thực.

6. Ngô Văn Linh - Niềm vui không trọn vẹn

Ngô Văn Linh - chàng thủ khoa quê Hải Dương tâm sự: "Nghe tin đậu đại học với số điểm cao như vậy em không vui nhiều bởi lớp em năm nay bạn bè đậu rất ít...”

Lớn lên trong 1 gia đì
nh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều là lao động thuần nông, Linh đã biết vượt qua thử thách của cuộc sống để 12 năm liền luôn là học sinh xuất sắc, đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Em chia sẻ: “Em chẳng có bí quyết học tập gì lớn lắm đâu, nhìn ba mẹ vất vả nuôi 2 anh em ăn học, em luôn tự nhủ mình phải học thật tốt để sau này còn đỡ đần cho bố mẹ...”. Giờ đây khi đã là sinh viên năm nhất Khoa Toán - Cơ - Tin học Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) Linh mong muốn: “Em muốn mình học giỏi, để có thể được giữ lại trường làm giảng viên. Điều đó chắc chắn là rất khó khăn nhưng em tin và sẽ phấn đấu hết mình…".

 Hồng Hoa - Nguyên Lê - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :